Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo,
đỉnh cao của chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản,
mà ông là người sáng lập:
Những nghiên cứu về biện chứng học
Logic của cái hiện tại sống động

 

Tiến sỹ Cù Huy Chử

Luật sư Cù Huy Song Hà

 

Phần 4[1]

Về tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động

Trước khi nghiên cứu tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động, chúng ta phải điểm lược lại một số vấn đề.

Như trong Một hành trình (Tức Hồi ký [1989]) - chương 1 của tác phẩm Những nghiên cứu về biện chứng học, Trần Đức Thảo đã cho ta biết, vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác và Ăng-ghen, ông đã tiếp nhận và cải tạo hiện tượng học của Hegel, đặc biệt là hiện tượng học của Husserl để xây dựng hệ thống triết học của ông. Quá trình ấy có thể nói gồm các giai đoạn sau: giai đoạn đầu tiên, Trần Đức Thảo đã viết tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng[2]. Nội dung của tác phẩm ấy thể hiện rất rõ tư tưởng trên đây của Trần Đức Thảo.

Trên thực tế, với tác phẩm ấy, Trần Đức Thảo đã phủ định chủ nghĩa hiện sinh. Trần Đức Thảo nhận thấy cần phải loại bỏ hình thức duy tâm và các yếu tố siêu hình trong hiện tượng luận của Hegel và Husserl để có thể giữ lại những yếu tố có giá trị của hai truyền thống hiện tượng luận này, nhằm giúp cho chủ nghĩa duy vật biện chứng có thể kiến tạo nên một giải pháp khoa học cho khi nghiên cứu về chủ thể tính.

Phân tích của Trần Đức Thảo về hiện tượng luận của Husserl, đặc biệt là các tác phẩm cuối đời của Husserl, Khủng hoảng và “Nguồn gốc của hình học”, đã cho phép Trần Đức Thảo từ chối khéo léo cả hai truyền thống hiện tượng học đó. Những kết quả thực tiễn trong các phân tích của Husserl không còn phù hợp với khung lý thuyết mà các kết quả này xuất phát. Ý nghĩa, vốn bắt nguồn từ cấp độ tiền vị ngữ, không thể là sản phẩm của một cái tôi siêu nghiệm - một cái tôi cấu thành nên ý nghĩa của thế giới ở bên ngoài không gian và thời gian, mà là sản phẩm của ý thức bị chôn vùi trong tiến trình hình thành của nó trong lịch sử. Cái tôi siêu nghiệm của Husserl đã chuyển hóa thành nhận thức thông thường của con người cá nhân ở trong kinh nghiệm thông thường của chính anh ta. Trần Đức Thảo chỉ ra rằng, ở điểm này, Husserl đã hoàn toàn rơi vào chủ nghĩa tương đối, khi ông phát biểu rằng: “người thương nhân trên thị trường có chân lý riêng về thị trường của chính anh ta”. Sử dụng khái niệm về bản chất vĩnh hằng khi xây dựng quan điểm về thế giới, Husserl đã rơi vào chủ nghĩa hư vô - một thứ chủ nghĩa cấu thành nên sự khủng hoảng của con người phương Tây, và đến lượt nó, sự khủng hoảng này đã cho ra đời những con người phi duy lý, con người hiện sinh với tuyên bố rằng chỉ có một cảm thức về đời sống, đó là sự thiếu hụt mọi cảm thức, hay khái niệm “hiện hữu hướng tới cái chết” (being unto death) của Heidegger.

Đối với Trần Đức Thảo, giải pháp cho sự khủng hoảng của con người phương Tây có thể tìm thấy trong chủ nghĩa duy vật chứng, do vậy phần hai của cuốn sách Từ Husserl đến Mác trở về hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng có tên là “Biện chứng của vận động thực”. Trần Đức Thảo nhấn mạnh rằng, những kết quả của Husserl cần lật ngược lại, bằng cách từ bỏ chủ nghĩa hình thức mang tính duy tâm và trên cơ sở đó xây dựng một tính duy lý mới, một sự xây dựng dựa trên sự nhấn mạnh vào các nội dung cụ thể của kinh nghiệm. Mối quan hệ giữa ý thức và chủ thể của ý thức được phát triển bằng cách dẫn chứng đến cấp độ tiền vị ngữ của sự trải nghiệm của ý thức thông qua lao động của con người. Sự hiện thực hóa ý nghĩa rõ ràng không gì khác hơn là sự chuyển dịch biểu tượng của hoạt động vật chất trong quá trình sản xuất thành một hệ thống các hoạt động có ý thức, trong đó chủ thể chiếm đoạt khách thể về mặt ý thức, nhằm tái hiện khách thể trong ý thức của chính chủ thể. “Đây là lý do thực để con người, vốn đang hiện hữu trong thế giới, kiến tạo nên thế giới quan của hắn trong sự mãnh liệt của kinh nghiệm sống trải của chính hắn”. Và những yếu tố cấu thành như thế chỉ được đo lường bởi sức mạnh trên thực tế của phương thức sản xuất - một môi trường mà từ đó các yếu tố cấu thành này được hình thành. Theo Trần Đức Thảo, quá trình nhân hóa tự nhiên thông qua lao động đồng thời cũng là quá trình hình thành giá trị của con người.[3]

Giai đoạn thứ hai, có thể nói là từ năm 1960 đến năm 1973, Trần Đức Thảo trên cơ sở phê phán và tiếp nhận hiện tượng học của Hegel, đặc biệt là của Husserl để nghiên cứu về ý thức và ngôn ngữ của con người. Ở giai đoạn này, Trần Đức Thảo đặc biệt đi sâu vào việc nghiên cứu sự hình thành của ý thức, của đời sống tinh thần con người. Trên quan điểm duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo đã có những sáng tạo qua tác phẩm Động tác chỉ trỏ như là cấu tạo gốc của ý thức cảm quan[4]Từ động định hướng đến hình ảnh điển hình[5], những tác phẩm nghiên cứu về khái niệm con người, về sự phát triển của lao động con người, từ lao động là bản năng xã hội, đến lao động có ý thức xã hội, đến lao động tự do…, đặc biệt là tác phẩm Nguồn gốc ý thức trong cuộc tiến hóa của hệ thần kinh[6].

Những công trình trên đây được Trần Đức Thảo hệ thống hóa và tổng kết trong tác phẩm lớn của ông, Recherches sur l’origine du langage et de la conscience (Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức)[7]. Tác phẩm này được trình bày thành ba phần: 1) những nguồn gốc của ý thức thông qua động tác chỉ dẫn; 2) sự hình thành của ngôn ngữ và chế tác công cụ lao động; 3) chủ nghĩa Mác và phân tâm học. Mặc dù còn có những giới hạn và nhược điểm, với tác phẩm này, Trần Đức Thảo được đánh giá là có những sáng tạo lớn về ngôn ngữ học, nhân chủng học, tâm thần học, đặc biệt là triết học về sự vận động và phát triển của ngôn ngữ và ý thức con người. Với tác phẩm đặc sắc này, một lần nữa Trần Đức Thảo vẫn chung thủy và trung thành trong hoạt động nghiên cứu triết học của ông, được tập trung ở bình diện nghiên cứu biện chứng tinh thần của đời sống con người và xã hội. Thành công lớn của Trần Đức Thảo là đã phân tích và chứng minh đầy tính thuyết phục rằng nguồn gốc vật chất của ý thức chính là lực lượng bản chất người được đặc trưng ở bộ não người. Như thế cũng có nghĩa rằng ý thức là sản phẩm của cá nhân sống đang làm ra lịch sử trong mối liên hệ biện chứng với sự vận động biện chứng của tự nhiên và xã hội. Ý thức cũng được hiểu là toàn bộ đời sống tâm thần của con người và của xã hội. Ý thức gắn liền với ngôn ngữ. Ngôn ngữ phát triển đến đâu thì ý thức phát triển đến đó và ngược lại.

Giai đoạn ba, từ năm 1974 đến 1989, Trần Đức Thảo tập trung để phê phán tư tưởng siêu hình và sự sùng bái cá nhân để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác, với những tác phẩm như: Stalin (I)[8], và Stalin (II)[9], các bài viết phê phán tư tưởng duy tâm của Mao Trạch Đông trong các tác phẩm Mâu thuẫn luậnThực tiễn luận[10] của Mao Trạch Đông. Đặc biệt, Trần Đức Thảo đã công bố tác phẩm Vấn đề con người và “chủ nghĩa lý luận không có con người”[11]. Với tác phẩm này, Trần Đức Thảo đã lên án chế độ diệt chủng của Pôn-pốt Iêng-xa-ri tại Campuchia như là sản phẩm của tư tưởng triết học siêu hình và duy tâm ở giai đoạn tột cùng của nó, biểu hiện sự thối nát và sự phá sản của nó, bởi vì nó cũng là hiện tượng lặp đi lặp lại nhiều lần trong chế độ Xô-viết thời Stalin, và cũng là hiện tượng lặp đi lặp lại nhiều lần ở Trung Quốc và các nước Đông Âu trong cái gọi là cuộc cách mạng cải tạo tư sản và cách mạng ruộng đất tên gọi là cải cách ruộng đất. Hàng trăm triệu người đã bị thiệt mạng trong các cuộc cách mạng đó. Riêng Trung Quốc, với đại cách mạng văn hóa, số người bị thiệt mạng lên đến gần nửa triệu người, trong đó phần lớn là trí thức và công chức tiểu tư sản. Chế độ diệt chủng Pôn-pốt Iêng-xa-ri chỉ khác một điểm là, nó thanh trừng, tiêu diệt hàng loạt người, chiếm đến một nửa dân số Campuchia, trên ba triệu người. Trần Đức Thảo, với sự thôi thúc của đời sống nhân loại và sự cần thiết phải bảo vệ giá trị nhân bản của chủ nghĩa Mác, đã viết tác phẩm Vấn đề con người và “chủ nghĩa lý luận không có con người” để lên án tư duy siêu hình duy tâm, đặc biệt là tư duy siêu hình của Louis Althusser mà chủ nghĩa Mao đã áp dụng, vận dụng một cách triệt để. Với quan điểm không có con người nói chung, thì bất kỳ con người nào cũng luôn luôn bị ám ảnh, bị bức hại bằng bất cứ lý do nào nếu nó không phục tùng những người cầm quyền.

Như vậy, Trần Đức Thảo đã từ nghiên cứu triết học để soi sáng những vấn đề đặt ra của xã hội đương thời trong chủ nghĩa xã hội. Không thể có chủ nghĩa xã hội như các nhà kinh điển sáng lập và tuyên bố nếu không công nhận có con người nói chung tồn tại trong con người cụ thể, cá thể cá nhân-nhân cách.

Cũng ở giai đoạn này, để đối lập với tư tưởng siêu hình duy tâm, Trần Đức Thảo đã tập trung nghiên cứu biện chứng của sự hình thành con người qua tác phẩm La formation de l’Homme (Sự hình thành con người)[12].

Trên đây là tóm lược những thành tựu triết học của Trần Đức Thảo trong giai đoạn ba đi từ tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Rõ ràng, những sai lầm trong hành động thực tế là xuất phát từ sai lầm của ý thức. Vì vậy, Trần Đức Thảo đặt vấn đề: đối với sai lầm trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo tư sản và cải tạo trí thức tại tất cả các nước, muốn giải thích và khắc phục những sai lầm này thì phải triệt để giải quyết vấn đề ý thức, tư tưởng, đó là chống sai lầm của tư tưởng duy tâm và siêu hình trong triết học. Ông đã vận dụng triết học để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đúng quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác và Ăng-ghen.

Đến giai đoạn 4, từ năm 1990 đến năm 1993, đây là giai đoạn sáng tạo cuối đời của Trần Đức Thảo, được thực hiện trong thời gian ông đi công tác tại Cộng hòa Pháp (1991-1993). Vì rất trung thành với hoạt động sáng tạo của mình là tập trung nghiên cứu biện chứng của hiện tượng tinh thần, tức biện chứng của ý thức, Trần Đức Thảo đã hoàn thành được hai tác phẩm lớn, có thể coi đó là sự tổng kết của hoạt động sáng tạo của mình. Do ý thức được thời gian không còn lại bao nhiêu đối với ông, Trần Đức Thảo đã hoàn thanh hai tác phẩm Recherches Dialectiques (Những nghiên cứu về biện chứng học) và La logique du present vivant (Logic của cái hiện tại sống động).

Ở tác phẩm Recherches Dialectiques, Trần Đức Thảo đã trình bày tóm lược con đường ông đi từ hiện tượng học tinh thần của Hegel và hiện tượng học của Husserl đến chủ nghĩa Mác, và con đường đấu tranh chống tư tưởng siêu hình, duy tâm để phát triển chủ nghĩa Mác, xây dựng học thuyết của mình về chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Điểm sáng tạo nhất trong học thuyết này là, Trần Đức Thảo đã phân tích mối quan hệ biện chứng giữa sinh học, xã hội và tâm thần để sáng tạo lý thuyết con người nói chung tồn tại trong con người cá thể, cá nhân-nhân cách cụ thể. Chính sự phát triển của con người nói chung là nền tảng cho sự phát triển xã hội và lịch sử. Ở đây, cần nói rõ, cái gọi là chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản của Trần Đức Thảo luôn luôn đặt sự sống là trung tâm của triết học. Cái nhân bản của con người chính là kết quả của sự sống, bởi vì không có sự sống của vũ trụ thì làm gì có sự sống của mỗi con người và của cả xã hội? Không nên nhầm lẫn khái niệm chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản của Trần Đức Thảo là lấy con người làm trung tâm khi nghiên cứu về triết học của ông. Một ví dụ nhỏ: đừng quên để hiểu bộ óc con người đã phát triển trở thành đặc trưng của nó khác hẳn loài động vật thì đó là kết quả của sự vận động tự nhiên đưa đến bộ óc người, là tự nhiên phát triển đến mức độ tự nhiên có thể nhận thức được mình. Trần Đức Thảo đã mày mò nghiên cứu tập tính của các loài động vật, từ con cá có thần kinh biết định hướng, đến con chim có thể có trường cảm giác, đến con khỉ biết tập hợp đàn bầy, biết đặt ra âm hiệu và chỉ hiệu để cho đàn bầy hoạt động…

Tiến một bước xa hơn, Trần Đức Thảo viết tác phẩm cuối đời, La logique du present vivant (Logic của cái hiện tại sống động).

Tác phẩm này được chia thành bốn chương.

Chương 1 có nhan đề Đối với một nền logic hình thức và biện chứng.

Trong chương này có mấy nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, Trần Đức Thảo đã tóm tắt nội dung của logic hình thức của Aristotle (với ba nguyên tắc: nguyên tắc đồng nhất, nguyên tắc bất tương hợp, nguyên tắc loại trừ cái thứ ba), và chỉ ra những nhược điểm của logic hình thức trong nỗ lực giải thích bản chất của thế giới, vì logic hình thức, với quan điểm siêu hình của nó, coi các thời khắc là bất động, nên không thể giải thích được sự chuyển qua từ thời khắc này đến thời khắc kế tiếp.

Thứ hai, trên cơ sở kế thừa di sản của Heraclite và Hegel, Trần Đức Thảo đã chỉ ra ba nguyên tắc của logic biện chứng do Hegel xây dựng để giải thích sự vận động và phát triển của thế giới, đó là: 1) bất cứ sự việc nào tồn tại thì cũng không tồn tại, vì nó đang tự cuốn chảy về tương lai; 2) cái nào không tồn tại thì tồn tại, vì cái quá khứ không còn nữa, tự hoàn thành trong cái thực tiễn của hiện tại và tương lai chưa tồn tại, bắt đầu đã có xuất hiện trong cùng chính cái hiện tại thực tiễn ấy; và 3) bất cứ sự việc nào tồn tại với chính nó thì cũng cùng lúc là sự việc khác, bởi vì nó được đặt ra như là cái khác trong sự xuất hiện của tương lai mà bây giờ mới khởi sự. Như vậy là, không phải như logic hình thức của Aristotle xây dựng, cái gì là A thì không phải là -A, Trần Đức Thảo đã khẳng định, lập luận của Hegel rằng, chính cái -A nằm trong A, mà Lê-nin cũng cho đó là cái sáng tạo tuyệt vời của Hegel. Một sự vật vừa là nó và là cái khác. Ví dụ, một quả trứng gà vừa là quả trứng mà cũng là con gà đang phát triển trong chính quả trứng ấy, một xã hội tư bản là chính nó đồng thời cũng mang trong nó những mầm mống đối lập là chủ nghĩa xã hội sẽ ra đời. Đến lượt chủ nghĩa xã hội khi đã ra đời như một thực tại thì nó luôn luôn mang trong nó một chủ nghĩa xã hội trên đường tiến hóa, phát triển ở trình độ cao, đồng thời nếu không thực hiện quy luật phủ định của phủ định bằng cách tiếp nhận những giá trị của chủ nghĩa tư bản để lại như quyền tự do và dân chủ, cải tạo và phát triển chúng cho phù hợp với đòi hỏi của sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, thì không thể khắc phục những mặt tiêu cực vừa mới nảy sinh trong thực tại của chủ nghĩa xã hội. Điều đó có nguy cơ làm cho chủ nghĩa xã hội thực tại bị bóp méo, phát triển lệch lạc, có nguy cơ sụp đổ.

Thứ ba, Trần Đức Thảo đã chỉ ra rằng logic biện chứng mà Hegel xây dựng có nhược điểm tối tăm và khó hiểu, vì khi Hegel nói rằng: “Toàn bộ sự việc tồn tại cũng là không tồn tại”, thì ông đã rút ngắn lại một cách khinh suất, thiếu suy nghĩ, nói như thế là va vào nhau, điều đó tạo ra một sự ngộ nhận đáng tiếc, bởi vì nó gợi ra rằng cái tồn tại bản thân chính nó thì không tồn tại, điều này sẽ là một sự thách đố với cái logic của ý thức. Ví dụ, một hạt đã nảy mầm, tức là tồn tại đã biến thành hư vô, để rồi cái cây sẽ trưởng thành, tức phát triển trên những giá trị của cái hạt để lại, và nó sẽ phát triển thành cái tồn tại mới, tức là những hạt của cái cây đó để tiếp tục phát triển trong thế hệ mới của nó. Cho nên, nếu hiểu theo giải thích của Hegel, thì đó là một thách đố đối với nhận thức, rằng đâu là hư vô, và đâu là tồn tại, tại sao tồn tại lại chuyển thành hư vô, và tại sao hư vô lại chuyển thành tồn tại như một quá trình phát triển biện chứng liên tục của thế giới, của sự sống. Chính Hegel, trong tác phẩm Tiểu logic cũng bắt đầu ý thức về nhược điểm đó.

Thứ tư, mặc dù đã phân tích những nhược điểm của logic biện chứng của Hegel, Trần Đức Thảo vẫn khẳng định rằng, logic biện chứng sẽ đóng vai trò phương pháp luận để giải quyết thấu đáo việc nhận thức thế giới trong sự vận động và phát triển của nó, bằng cách đánh giá kinh nghiệm, rút tỉa ưu khuyết điểm trong những trường hợp giới hạn của khoa học khách quan; đồng thời, logic biện chứng cho phép xây dựng cơ sở cho sự nhận thức về thế giới khách quan và thế giới chủ quan, tạo tiền đề xây dựng giải pháp cho các vấn đề đặt ra trong đời sống thực tiễn liên quan đến khoa học, đạo đức và thẩm mĩ.

Như vậy, sáng tạo độc đáo của Trần Đức Thảo ở đây là, chỉ có một nền logic, đó logic hình thức-biện chứng, vừa phản ánh bản chất của thế giới, vừa khẳng định nội dung nhận thức về thế giới khách quan của con người tư cách là chủ nhân của lịch sử. Đây là cơ sở triết học để nhận thức, giải thích sự sống, sự vận động của thế giới khách quan. Một nền logic thống nhất như vậy có giá trị bền vững bởi nó phản ánh đúng chính sự vận động của thế giới khách quan. Đồng thời nó cũng là chìa khóa để con người có thể nhận thức thế giới khách quan chính là sự vận động của thế giới khách quan trong những thời khắc tiếp nối thời khắc vô tận. Trần Đức Thảo đặt ra vấn đề: vậy cái thời khắc, hoặc gọi là khoảnh khắc của sự vận động của thế giới chính là hình thức tổng quát của sự vận động của các thời khắc, khoảnh khắc của chính sự phát triển của sự sống sống, của thế giới khách quan. Điều ấy được Trần Đức Thảo vừa vận dụng, vừa phê phán quan điểm của Husserl về thời khắc bất động, mà Trần Đức Thảo thực hiện ở chương 2 của tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động.

TP. Hồ Chí Minh, 28/10/2011

 


 

[1] Chúng tôi tặng bài viết này cho tạp chí Văn hóa Nghệ An.

[2] Căn cứ vào những tác phẩm của Giáo sư Trần Đức Thảo, các di cảo của ông để lại, căn cứ vào những bài khảo cứu vào lúc cuối đời của Giáo sư về các mệnh đề và khái niệm của Hegel và Husserl, các bài bình luận ngắn của ông về tư tưởng của Mác và Ăng-ghen, căn cứ vào sự trao đổi giữa Giáo sư với chúng tôi và những lời dặn dò của ông, tác phẩm Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng cần được hiểu là: Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng.

[3] Xem: Daniel J. Herman. Lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Anh, Dialectical Logic as the General Logic of Temporalization. Nguồn: A-T. Tymieniecka (ed.), Analecta Husserliana, Vol. XLVI, pp. 147-154, Kluwer Academic Publishers, 1995. Địa chỉ truy cập: www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_DJHerman.htm

[4] La Pensée, no 128, Juillet-Août 1966, p. 3-24. Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[5] La Pensée, no 147, 148, 149 (1969-1970). Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[6] Tập san Đại học Sư phạm, số 1, tháng 5-1955, tr. 7-26, số 2, tháng 6, 7-1955, tr. 59-75. Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[7] Trân Duc Thao. Recherches sur l’origine du langage et de la conscience. Paris: Editions Sociales, 1973.

[8] Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[9] Paris: Editions MAY, 1988.

[10] Trần Đức Thảo: Hệ thống tư tưởng duy tâm siêu hình của Mao Trạch Đông; Về quyển “Mâu thuẫn luận” của Mao Trạch Đông; Lập trường tư tưởng duy tâm của Mao Trạch Đông trong quyển “Thực tiễn luận”; Về vũ trụ quan của Mao Trạch Đông (1978-1979). Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[11] Trần Đức Thảo. Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”. Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 1988.

[12] Trần Đức Thảo. Sự hình con người. Bản dịch tiếng Việt của Đinh Chân. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. Cần nói rõ thêm, với tác phẩm này, Trần Đức Thảo để lại 11 bản thảo. Việc chọn dịch tùy thuộc vào sự tiếp cận bản thảo nào của Nhà xuất bản. Toàn bộ bản thảo gốc của tác phẩm có tên trên đây hiện được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

 

Trở về trang chủ Trần Đức Thảo

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 28-10-11