Lời giới thiệu:

Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học
và Chủ nghĩa duy vật biện chứng
,

Trần Đức Thảo đã mở đầu sự sáng tạo
chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản

 

Tiến sĩ Triết học CÙ HUY CHỬ
và Luật sư CÙ HUY SONG HÀ

 

 

Căn cứ vào những tác phẩm của Giáo sư Trần Đức Thảo, các di cảo của ông để lại, căn cứ vào những bài khảo cứu vào lúc cuối đời của Giáo sư về các mệnh đề và khái niệm của Hegel và Husserl, các bài bình luận ngắn của ông về tư tưởng của Mác và Ăng-ghen, căn cứ vào sự trao đổi giữa Giáo sư với chúng tôi và những lời dặn dò của ông, tác phẩm Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng cần được hiểu là: Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đây là tác phẩm mở đầu sự sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản - tư tưởng triết học mà Trần Đức Thảo đã chung thủy, sáng tạo cho đến tận cuối đời.

Trang bìa của cuốn sách
Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng
,
xuất bản tại Paris năm 1951

Tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng được hình thành trong tư tưởng Trần Đức Thảo như thế nào?

Trong tác phẩm Hồi Ký (1989)[1], Trần Đức Thảo nói rõ, tháng 2 năm 1946, trong lúc bị nhà cầm quyền Pháp bắt và bỏ tù, vì chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương, trong nhà tù, do chiêm nghiệm về sự đối nghịch giữa chủ nghĩa đế quốc với các dân tộc thuộc địa, Trần Đức Thảo đã hình thành tư tưởng để viết tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng[2], nghĩa là ông đã khẳng định chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản mang trong nó mâu thuẫn sâu sắc giữa sự bóc lột giá trị thặng dư và sự xâm lược thuộc địa với loài người, với sự phát triển tự do của con người. Trần Đức Thảo sẽ lý giải điều ấy bằng triết học.

Sự phát triển tư tưởng trên đây diễn biến như thế nào trong hoạt động sáng tạo triết học của Trần Đức Thảo?

- Cũng trong tác phẩm Hồi ký (1989) và nhiều bài viết khác, Trần Đức Thảo cho biết: Năm 1948, những người lãnh đạo tạp chí Les Temps modernes đã mời Trần Đức Thảo viết một bài báo về Hegel, nhằm phê phán Kojève. Bài báo của Trần Đức Thảo có tên: Sur la Phénoménologie de l’Esprit et son contenu réel (Về nội dung thực chất của hiện tượng học tinh thần)[3]. Bài báo này đã hướng Hegel về phía tinh thần biện chứng, khác hoàn toàn với Kojève đã hướng Hegel về phía chủ nghĩa hiện sinh. Trần Đức Thảo đã trả lời Kojève trong một bức thư với thái độ rất thẳng thắn: Ông (Kojève) chỉ công nhận tự do và phủ nhận tất yếu. Còn tôi, xuất phát từ triết học duy lý khẳng định cả tự do và tất yếu[4]. Sau này trong các văn bản khác, Trần Đức Thảo nói rõ: Bài báo ấy của ông là thể hiện sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện sinh.

- Năm 1950, Trần Đức Thảo đối thoại với Jean-Paul Sartre về chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Mác. Điểm khác nhau căn bản trong cách đặt vấn đề là: Jean-Paul Sartre chỉ công nhận chủ nghĩa Mác có giá trị về khoa học lịch sử và xã hội, theo ông chủ nghĩa Mác không có giá trị nhận thức triết học. Ngược lại Trần Đức Thảo cho rằng chủ nghĩa Mác có giá trị toàn diện, cả lịch sử, cả xã hội và cả triết học. Cuộc đối thoại gặp bế tắc khi đề cập đến Hiện tượng học của Husserl, vì Jean-Paul Sartre chưa thấu hiểu chủ nghĩa Mác và chưa đọc hết các tác phẩm căn bản của Mác, Jean-Paul Sartre cũng chưa đọc hết các tác phẩm của Husserl. Bởi vậy cuộc đối thoại đi vào bế tắc, thất bại, hai bên không ra được tác phẩm chung về cuộc đối thoại ấy. Sau này khi Jean-Paul Sartre qua đời, Trần Đức Thảo có nói với chúng tôi: Phải tầm cỡ như Jean-Paul Sartre mới đặt ra được sự nghi vấn về giá trị triết học của chủ nghĩa Mác, bởi vì trong bối cảnh lúc bấy giờ, tư tưởng Stalin đang đóng vai trò gần như thống trị học thuyết mác-xít, đã hướng chủ nghĩa Mác đi vào chính trị đơn thuần, dung tục hóa, đơn giản hóa chủ nghĩa Mác, làm mất đi giá trị căn bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng, đó là tính nhân văn, nhân bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng, có khả năng khái quát toàn bộ quy luật của sự vận động của thế giới, là sự phát triển của tự nhiên tất yếu dẫn đến sự phát triển có tính loài của con người, sự phát triển của xã hội. Cuộc trao đổi giữa Trần Đức Thảo với Jean-Paul Sartre tuy không có kết quả, nhưng Trần Đức Thảo đã ý thức được nguy cơ của việc nhận thức và phát triển sai lệch triết học Mác thời điểm ấy.

Với tri thức uyên bác về triết học duy lý nói chung và hiện tượng học tinh thần nói riêng, Trần Đức Thảo đã tìm thấy hướng phát triển và chính xác hóa chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác, bằng sự thấu hiểu những thành tựu triết học của Husserl - hậu thế của Hegel, trong những công trình khoa học về hiện tượng học của Husserl. Nghĩa là, Trần Đức Thảo nhận thức sâu sắc rằng, nếu Hegel vĩ đại vì ông đã nhận chân giá trị tư tưởng triết học của hơn 2000 năm của chủ nghĩa duy tâm khách quan từ Platon đến Hegel, thì Husserl là người đã phát triển Hegel trên một cung bậc mới, tức là Husserl tiếp tục phát triển hiện tượng học tinh thần theo một hướng mới do nhu cầu của thời đại ông đặt ra: Khoa học kỹ thuật phát triển, tinh thần con người phát triển sẽ đưa loài người đi đến bờ bến nào?

Trần Đức Thảo trong thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ hai có dịp đi sang Áo để nghiên cứu toàn bộ tác phẩm của Husserl tại một thư viện riêng của ông do vợ ông làm giám đốc. Tại đây, Trần Đức Thảo đã gặp giáo sư Cavaillès, là người về sau hướng dẫn Trần Đức Thảo làm luận án thạc sĩ và tiến sĩ.

Nhưng bản thân Cavaillès cũng không phát hiện được tư tưởng vĩ đại của Husserl. Chính Trần Đức Thảo mới phát hiện được sự vĩ đại ấy của Husserl trong một luận đề hết sức đặc sắc: Điểm khác nhau căn bản giữa tâm lý động vật và tâm lý con người là ở chỗ tâm lý động vật chỉ có tính định hướng, còn tâm lý con người có tính chủ định. Bởi vậy, khi tư duy và vận dụng các loại hình ngôn ngữ để biểu đạt suy nghĩ của mình, con người bắt buộc phải hướng những suy nghĩ ấy vào một đối tượng nhất định nào đó. Con người không thể suy nghĩ và biểu đạt sự suy nghĩ ấy bằng ngôn ngữ mà không có đối tượng và khái niệm.

Vậy cái động lực nào đã thúc đẩy sự tư duy và ngôn ngữ hướng tới đối tượng và khái niệm? Husserl mơ hồ nhận thấy đó phải là một lực lượng vật chất, mà ông tạm gọi là hylè. Như vậy cái tạo ra động lực nhất thiết phải có nguồn gốc vật chất của nó.

Xuất phát từ nhận thức tâm lý con người có tính chủ định, Husserl cho rằng nhu cầu của tâm lý sẽ đưa đến cách nhìn khác nhau, cách khái quát khác nhau để có khái niệm khác nhau về cùng một sự vật, một hiện tượng.

Husserl cũng cho rằng sự giao thoa giữa các ngành khoa học sẽ đưa đến sự liên kết giữa chúng với nhau, như toán lý, hóa sinh v.v… Điều đó làm cho khoa học ngày càng phát triển.

Trần Đức Thảo nhận định: những tư tưởng, những phát hiện trên đây của Husserl, tuy vẫn nằm trong giới hạn của chủ nghĩa duy tâm bởi chưa đặt hiện tượng tinh thần, tức tâm lý và ý thức trong mối liên hệ biện chứng với vật chất, đặc biệt nền sản xuất vật chất của xã hội. Nhưng rõ ràng là Husserl đã tiến gần chủ nghĩa duy vật.

Về cái lực lượng vật chất tạo ra động lực của sự vận động tâm lý và ý thức mà Husserl mơ hồ nhận thấy, được ông tạm gọi là hylè, Trần Đức Thảo đã diễn giải như sau: Husserl đã vấp phải một dữ kiện hoàn toàn có thực nhưng cũng hoàn toàn không thể hiểu được đối với việc phân tích về tính chủ định. Đó là cái mà Husserl gọi là hylè, một vật chất không hình thù và không xác định, nhưng cần phải thừa nhận sự tồn tại của nó vì nó xuất hiện như cái nền trên đó vẽ nên các hình thái của cái chủ định nhắm tới. Cái hylè ấy được thể hiện ở ý thức như là một yếu tố không xác định đầu tiên xuất hiện ở giới hạn bên dưới của cái sống trải, một dữ kiện thuần túy thực ra không có ở trong cái sống trải mà chỉ là một sự hiện diện giản đơn trên nền, sự hiện diện này người ta không thể nào phủ nhận nhưng cũng không biết nói gì về nó.[5]

Những tư tưởng trên đây của Husserl đã phát triển hiện tượng học tinh thần, giúp ta nhận thức sâu sắc hơn một vấn đề cơ bản của triết học là: sự xuất hiện của tâm lý và ý thức con người. Như vậy Husserl cũng góp phần phát triển tư tưởng nhân văn, nhân bản. Bởi cái để phân biệt giữa con người và các loài động vật chính là ở chỗ con người có đời sống tâm lý dẫn đến ý thức, để mỗi một cá thể, cá nhân-nhân cách từ là cái tôi đến cái tôi có ý thức trong sự sống trải. Nhưng nói con người ở đây là nói đến các “cá nhân sống làm ra lịch sử” như Mác nói. Không thể nghiên cứu tâm lý và ý thức khi tách rời chúng khỏi các cá thể cá nhân-nhân cách sống.

Nhưng thời đại mà Husserl sống, chủ nghĩa tư bản đang phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc đẩy nhân loại vào thảm họa hai cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai. Khoa học kỹ thuật bắt đầu phát triển để thỏa mãn nhu cầu của nền sản xuất, thỏa mãn nhu cầu phát triển trí tuệ con người, như thế càng làm tăng điều kiện cho giai cấp tư sản bóc lột sức lao động của nhân dân để tạo ra giá trị thặng dư, tăng cường điều kiện để tạo ra vũ khí giết người hàng loạt. Cũng trong giai đoạn đó, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô được xây dựng theo tư duy triết học siêu hình của Stalin đã đưa đến chế độ xã hội cực quyền, thu hẹp và phủ định những giá trị tự do dân chủ - kết quả của sự đấu tranh của nhân dân trong suốt nhiều thế kỷ. Ý thức về tự do dân chủ là một trong những đỉnh cao mà văn hóa loài người đã đạt được. Với tư duy siêu hình, loại trừ quy luật phủ định của phủ định thì không thể có thái độ khoa học và khách quan để tiếp nhận những di sản của quá khứ để lại, tiếp tục cải tạo và sử dụng chúng để xây dựng xã hội mới. Chính Stalin trong tác phẩm Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô (1938) khi khái quát chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác đã thu hẹp sự vận động của thế giới trong ba quy luật: vạn vật liên quan, sự phát triển số lượng đưa đến chất lượng, và vạn vật mâu thuẫn; trong xã hội chỉ có đấu tranh giai cấp là tuyệt đối… Như vậy là, với tư duy triết học của mình, Stalin đã hoàn toàn bỏ rơi một quy luật rất căn bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác, đó là quy luật phủ định của phủ định. Vì vậy, giá trị tự do dân chủ như là đỉnh cao của ý thức mà con người đã đạt được trong các thời đại trước đã không được phát huy đầy đủ để xã hội Xô-viết có thể phủ định chủ nghĩa tư bản đồng thời cũng không được phát huy đầy đủ để phủ định những mặt tiêu cực nảy nở trong xã hội Xô-viết.

Chính trong bối cảnh đó của thời đại, Husserl đã đưa đến một dự báo mang tính bi quan là trí tuệ loài người càng phát triển, khoa học kỹ thuật càng phát triển thì chính sự phát triển tinh thần của loài người càng lôi kéo con người vào sự tha hóa, làm xói mòn tinh thần nhân văn, nhân bản. Chính đây là luận điểm để các nhà triết học duy tâm hướng hiện tượng học về phía chủ nghĩa hiện sinh, mà Kojève là đại biểu. Trong bài báo Về nội dung thực chất của hiện tượng học tinh thần, và trong cuộc tranh luận giữa Trần Đức Thảo với Jean-Paul Sartre, Trần Đức Thảo bước đầu nhận thức được điều đó, cho nên ông đã dứt khoát đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện sinh và kiên trì hướng hiện tượng học tinh thần, trong đó có hiện tượng học của Husserl, về phía chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác đã khẳng định động lực vật chất sáng tạo đời sống tinh thần của con người chính là lao động sáng tạo nền sản xuất vật chất của con người của xã hội loài người.

Trần Đức Thảo cũng thống nhất như thế. Nhưng ông đặt vấn đề lao động sáng tạo của con người gồm hai bộ phận hợp thành thống nhất biện chứng không thể tách rời, lao động tinh thần và lao động thực tiễn sản xuất vật chất của con người.

Đến đây đặt ra vấn đề: Vậy sự thống nhất biện chứng giữa lao động tinh thần, trở thành hiện tượng tinh thần, với lao động thực tiễn mang tính vật chất, diễn ra như thế nào trong lịch sử hình thành tính loài của con người? Ở thời điểm ấy (1948-1950), Trần Đức Thảo chưa đủ dữ liệu để giải quyết vấn đề. Chính vì lẽ đó ông đã trình bày tác phẩm của mình với hai nội dung đặt song song với nhau: hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sau này Trần Đức Thảo thấy đó là một hạn chế lớn của tác phẩm. Trong những tác phẩm sau, ông đã vận dụng tinh thần căn bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng để lý giải hiện tượng tinh thần của con người, của loài người bằng cách tập trung nghiên cứu lực lượng bản chất nhất của con người là sự vận động của đời sống tinh thần diễn ra trong mỗi con người cá thể, cá nhân, cụ thể và trong con người nói chung mang tính loài.

- Bước tiếp theo không kém phần quyết định trên con đường phát triển hiện tượng học tinh thần duy vật biện chứng diễn ra từ sau khi xuất bản tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng (1951) đến năm 1986.

- Trong Hồi ký (1989), Trần Đức Thảo nói rõ, xuất bản tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng xong, ông đã tìm đường về nước để tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, như vậy là để làm cho lý luận thống nhất với thực tiễn cuộc sống. Trần Đức Thảo giải thích rõ ý trên đây với chúng tôi như sau: Phải tham gia hoạt động thực tiễn cách mạng mới có thể nhận chân được những ưu điểm và những sai lầm của lý luận Mác-xít thời điểm đó. Cũng như thế mới có thể tiếp tục sáng tạo để khẳng định những quy luật của hoạt động tinh thần của con người gắn bó mật thiết với hoạt động sáng tạo vật chất. Dẫu có liên hệ biện chứng giữa hai lĩnh vực ấy, nhưng đó vẫn là hai lĩnh vực có tính độc lập tương đối. Trần Đức Thảo tập trung nghiên cứu chủ nghĩa duy vật biện chứng trong lĩnh vực hoạt động tinh thần. Ngay sau khi về Hà Nội (1955), Trần Đức Thảo công bố hai tác phẩm quan trọng: “Hạt nhân duy lý” trong triết học Hegel[6], Nguồn gốc ý thức trong cuộc tiến hóa của hệ thần kinh[7]. Hai bài báo này đặt nền tảng cho việc nghiên cứu sự hoạt động sáng tạo tinh thần của con người.

Tiếp tục với hàng loạt các công trình nghiên cứu khoa học về nguồn gốc của con người sống, về sự hình thành con người và loài người, Trần Đức Thảo đã nghiên cứu thành công về sự hình thành của ngôn ngữ và ý thức. Trên cơ sở hàng loạt công trình nghiên cứu, năm 1973, ông công bố tác phẩm nổi tiếng: Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức[8]. Đây là tác phẩm được giới triết học thế giới rất ca ngợi, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trần Đức Thảo được đánh giá là nhà sáng tạo triết học Mác và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trong tác phẩm này Trần Đức Thảo đã trình bày sáng rõ lý thuyết về sự trung giới của các quá trình vận động biện chứng, từ đó đã nhận thức sâu sắc rõ ràng sự chuyển hóa giữa hoạt động của năng lượng thần kinh chuyển sang năng lượng tâm thần người. Ở đây là sự thống nhất biện chứng giữa lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, con người, loài người.

Vận dụng lý thuyết về cái trung giới trong hoạt động sáng tạo tinh thần của con người, Trần Đức Thảo đã giải thích và chứng minh một cách khoa học về sự xuất hiện của ngôn ngữ và ý thức, về sự hình thành đời sống tâm lý, tinh thần, tâm thần của con người. Đó chính là cái hình ảnh thân thể xã hội nằm trong bản thân mỗi con người cá thể cụ thể, tức trong bộ óc người, nó kêu gọi cái hình ảnh thân thể xã hội của riêng bản thân, cũng nằm trong bộ óc con người cá thể cụ thể sống . Chính sự kêu gọi của hình ảnh thứ nhất đã được hình ảnh thứ hai được đáp lại, đã kích thích năng lượng thần kinh lên một tần số lớn và do đó đã làm cho năng lượng tâm thần phát triển đến vô cùng. Ngôn ngữ được hình thành, và ý thức, đời sống tâm lý, tinh thần, tâm thần trong mỗi cá nhân phát triển theo quy luật đó. Như vậy là Trần Đức Thảo đã giải thích, chứng minh sự biện chứng của hiện tượng tinh thần theo tinh thần duy vật biện chứng. Tất yếu sự biện chứng của hiện tượng tinh thần có gốc rễ từ trong lịch sử tự nhiên và liên hệ mật thiết với lịch sử xã hội, trước hết là nền sản xuất vật chất. Trần Đức Thảo đã rất thành công trong việc giải thích hiện tượng tinh thần theo chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Đó là quá trình thống nhất giữa lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, lịch sử con người nói chung và lịch sử mỗi cá nhân-nhân cách.

Sáng tạo khoa học của Trần Đức Thảo ở đây là: ông không chỉ làm rõ gốc rễ vật chất là hoạt động sản xuất vật chất của con người và nền sản xuất vật chất xã hội tạo ra ý thức. Điều đó có ý nghĩa quyết định bản chất của ý thức, ý thức mang tính xã hội. Nhưng để tạo ra ý thức, còn có một gốc rễ vật chất khác, đó là bộ óc của con người - sản phẩm cao nhất của sự vận động biện chứng của tự nhiên, như Ăng-ghen đã từng viết trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên: “Tự nhiên phát triển đạt đến mức tự nhận thức được mình, đó là bộ óc người”. Trần Đức Thảo trong tác phẩm Tìm cuội nguồn của ngôn ngữ và ý thức đã làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa năng lượng thần kinh và năng lượng tâm thần trong bộ óc người, như một vật chất đặc biệt để sản sinh ra ý thức, khi vận động biện chứng của chúng liên hệ với vận động biện chứng của nền sản xuất vật chất.

Với những thành tựu khoa học trên đây, Trần Đức Thảo đã phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng, theo hướng thống nhất trong nhận thức sự vận động của thế giới, tự nhiên, xã hội, con người cá nhân cụ thể và con người nói chung mang tính loài.

Tư tưởng trên đây của Trần Đức Thảo được tổng kết trong hai tác phẩm cuối đời: Recherches Dialectiques (Những nghiên cứu biện chứng học)[9]La Logique du Present Vivant (Logic của cái thời hiện tại sống động)[10].

Với tác phẩm Recherches Dialectiques (Những nghiên cứu biện chứng học), Trần Đức Thảo trình bày thành ba chương. Chương 1: Un Itinéraire (Một hành trình). Ở chương này, Trần Đức Thảo đã trình bày con đường để ông đi đến chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản, như là sáng tạo độc đáo của ông về chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chương 2: Le Problème de l’homme (Vấn đề con người). Ở chương này ông đã trình bày sự hình thành con người cá nhân cụ thể và con người nói chung mang tính loài như thế nào. Chương 3: La liason du biologique, du social et du psychique - Introduction au problème de l’homme (Mối liên hệ biện chứng giữa sinh học, xã hội và tâm thần - Giới thiệu vấn đề con người). Sự thống nhất ấy là con người nói chung mang tính loài tồn tại hiện hữu trong con người cá thể cá nhân-nhân cách.

Nhưng để nhận thức sâu sắc biện chứng học phải có phương pháp triết học. Trần Đức Thảo đã trình bày một cách thiên tài vấn đề ấy trong tác phẩm La Logique du Present Vivant (Logic của cái thời hiện tại sống động). Với tác phẩm này Trần Đức Thảo trình bày thành 4 chương. Chương 1: Pour une logique formelle et dialectique (Đối với một nền logic hình thức và biện chứng). Nghĩa là khắc phục tư duy triết học siêu hình, Trần Đức Thảo khẳng định chỉ có một logic hình thức-biện chứng. Logic hình thức và logic biện chứng không bao giờ tách rời nhau thì mới có thể nhận thức được bản chất của thế giới, bởi đó cũng chính là sự vận động biện chứng của thế giới. Chương 2: La dialectique logique comme dialectique générale de la temporalisation (Logic biện chứng như là biện chứng tổng quát của vận động thời gian). Chương 3: La Théorie du Présent vivant comme Théorie de l’individualité (Lý thuyết về cái thời hiện tại sống động như là lý thuyết về cái cá thể, cá nhân-nhân cách). Chương 4: La Théorie du Présent vivant comme Théorie de l’Associativité (Lý thuyết về cái thời hiện tại sống động như là lý thuyết về sự liên hợp).

Như vậy, Trần Đức Thảo đã đi đến kết luận: muốn nhận thức được bản chất của thế giới thì phải khắc phục, loại trừ triệt để tư tưởng siêu hình. Điều quan trọng là phải nhận thức rằng sự phát triển của tự nhiên tất yếu đưa đến sự phát triển xã hội của con người. Mọi cội nguồn của của sự nhận thức ấy phải bắt đầu từ sự thấu hiểu năng lượng vũ trụ đưa đến năng lượng thần kinh và sau đó là năng lượng tâm thần, năng lượng xã hội. Áp lực của sự sống xã hội là một trong những cội nguồn vật chất sẽ tác động vào sự vận động biện chứng của tâm lý, ý thức. Sự tích lũy năng lượng sẽ tạo ra cái nội động (tonic), và tạo ra cái ngoại động (phasic), tức động lực sáng tạo và sự sáng tạo. Sự trải nghiệm (le vécu) của đời sống tinh thần con người và của đời sống sản xuất vật chất của con người liên tục diễn ra như thế. Biện chứng hiện tượng tinh thần thống nhất với biện chứng của toàn bộ đời sống sản xuất của xã hội, từ sản xuất vật chất đến sản xuất tinh thần, đến sản xuất ra con người, giống người.

Tất cả cái vô biên của vũ trụ được con người, loài người giải mã.

Đó là đích cuối cùng Trần Đức Thảo đã đạt được: chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Điểm bắt đầu để đi đến cái đích ấy được mở đầu bằng tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng. Hành trình đi đến chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản của Trần Đức Thảo đã thành công rực rỡ. Trần Đức Thảo đã khởi đầu từ hiện tượng học tinh thần của Hegel và đặc biệt là hiện tượng học của Husserl, đi đến sự thấu hiểu bản chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác và Ăng-ghen, và trên cơ sở nắm vững những thành tựu khoa học của nhân loại và thời đại, Trần Đức Thảo đã phát triển chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới: sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản.

Sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản, Trần Đức Thảo có niềm tin bất diệt rằng trong tất yếu con người mãi mãi vươn tới tự do, con người sẽ được giải phóng, cá nhân-nhân cách được tự do phát triển toàn diện, làm điều kiện và tiền đề cho tự do xã hội phát triển toàn diện.

 

 TP. Hồ Chí Minh, ngày 3/10/2011

 


 

[1] Trần Đức Thảo. Hồi ký (1989). Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[2] Trần Đức Thảo. Phénoménologie et Matérialisme Dialectique, NXB Minh Tân, Paris, 1951, 367 trang. Văn bản này có bút tích Trần Đức Thảo sửa chữa. Bản gốc duy nhất này được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[3] Tạp chí Les Temps Modernes, No 36, 1948, tr. 492-519.

[4] Xem thư trao đổi giữa Trần Đức Thảo và Kojève, ngày 7-10-1948 và 30-10-1948. Văn bản được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[5] Trần Đức Thảo. Sự hình thành thành con người. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 110-111.

[6] Trần Đức Thảo. “Hạt nhân duy lý” trong triết học Hê-ghen, Tập san Đại học Sư phạm (Văn khoa), số 6, 7-1956, tr. 18-36.

[7] Trần Đức Thảo. Nguồn gốc ý thức trong cuộc tiến hóa của hệ thần kinh, Tập san Đại học Sư phạm, số 1, tháng 5-1955, tr. 7-26; và số 2, tháng 6, 7-1955, tr. 59-75.

[8] Trần Đức Thảo. Recherches sur l’origine du langage et de la conscience, Paris: Editions Sociales, 1973. Tác phẩm này đã được Trần Đức Thảo sửa chữa rất nhiều. Đây là tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (Đợt II). Bản gốc có bút tích sửa chữa của tác giả được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[9] Trần Đức Thảo. Recherches Dialectiques (I) - Un Itinéraire, và Recherches Dialectiques (II) - Le Problème de l’homme, Paris: 1991-1992. Di cảo lưu tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[10] Trần Đức Thảo La logique du present vivant, Paris: 1992. Di cảo lưu tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

 

Trở về trang chủ Trần Đức Thảo

 

Tác giả gửi Viet-studies ngày 3-10-11