Tư Duy Tiểu Thuyết Và Phê Bình Tiểu Thuyết Ở Việt Nam Hiện Nay

(Trường hợp tiểu thuyết “Mối chúa”“Đất mồ côi” của Tạ Duy Anh)

Quách Hạo Nhiên

---

        Phần 1
        Phần 2

Phần Cuối

Hai Thái Cực Của Phê Bình Cánh Hẩu

 

Trong hoàn cảnh ngột ngạt của xã hội và đất nước hôm nay, bàn về chuyện văn chương thơ phú nếu không bị trói buộc và kiềm tỏa bởi những quan điểm chính trị bảo thủ, cứng nhắc cũng rất dễ bị cuốn theo và trượt dài trong sự hào nhoáng giả tạo vì công nghệ lăng xê rẻ tiền (nhất là thời buổi bùng nổ công nghệ và truyền thông chỉ cần ngồi một chỗ cũng trở thành “nhà thơ”, “nhà văn” hay “nhà phê bình”). Đây thật sự là nỗi thống khổ cho những ai muốn dấn thân trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Nhưng cuộc sống là sự lựa chọn. Thống khổ hay không nói cho cùng là do chính mình bởi không ai có thể ép buộc nếu như anh có lòng tự trọng; ngược lại, nếu bất chấp tất cả thì chẳng có sự thống khổ nào, trái lại có khi còn được vinh danh; tâng bốc, ca ngợi…

1. “Phê bình chỉ điểm” và những kẻ đâm sau lưng đồng nghiệp

“Phê bình chỉ điểm” (cách nói của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, giáo sư Trần Đình Sử gọi là “phê bình kiểm dịch”) là kiểu phê bình cánh hẩu chủ yếu gắn với mục đích và động cơ chính trị hơn là khám phá, lý giải vẻ đẹp của tác phẩm văn chương nghệ thuật cũng như góp phần thúc đẩy, phát triển vì sự tiến bộ của văn học, nghệ thuật nói chung. “Nhà phê bình chỉ điểm” vì thế, xem đối tượng phê bình (tác giả, tác phẩm…) như kẻ thù, địch thủ cần phải tầm nã, “đấu tố, “truy sát” bằng ngôn ngữ phê bình có tính quy chụp nhằm thỏa mãn ân oán riêng tư hoặc lập công, tâng công với chính quyền trong một xã hội chuyên chế.

Nói cách khác, động cơ và mục đích cuối cùng của “nhà phê bình chỉ điểm” là nhằm thỏa mãn thói háo danh vị kỷ, qua đó cho thấy tính độc tôn, độc tài, độc quyền trong suy nghĩ và sáng tạo nghệ thuật; sự ảo tưởng và xuẩn ngốc của bản thân khi cho rằng mình đã nắm chân lý trong tay…

Về phương pháp: các “nhà phê bình chỉ điểm” rất có sở trường trong việc đánh tráo khái niệm; nịnh bợ, nhân danh (chế độ, đảng phái, lòng yêu nước…) nhằm chụp mũ đồng nghiệp, qua đó đe dọa văn nghệ sĩ khác. Ngoài ra, là khả năng “soi” các tác phẩm văn chương nghệ thuật bằng cái nhìn “xã hội học dung tục” (cách nói của giáo sư Trần Đình Sử), xem tác phẩm văn chương như một tài liệu nhằm minh họa, tuyên truyền cho đường lối văn hóa, văn nghệ của nhà cầm quyền. Các “nhà phê bình chỉ điểm” vì thế, thường hoặc tự nhận/tự hào mình là những “chiến sĩ” xung kích trên “mặt trận văn hóa, tư tưởng” hay gần gũi và bình dị hơn là những kẻ “gác cổng”, “canh cửa” văn chương cho chính quyền…

“Phê bình chỉ điểm” ở Việt Nam khởi phát mạnh nhất từ thời “Nhân văn giai phẩm”; sang giai đoạn đổi mới (1986) tiếp tục bùng phát khi xuất hiện “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh cùng hàng loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương; gần đây là Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan - Nhã Thuyên, “Mối chúa” của Tạ Duy Anh…

2. Phê bình “trên bàn tiệc” và phê bình “trước huyệt mộ”

Ngược lại với “phê bình chỉ điểm”, đâm sau lưng đồng nghiệp là thái độ phê bình có tính bè phái, cục bộ nhằm “bốc thơm” lẫn nhau giữa các nhà văn; là nguyên nhân gây ra sự vàng thau lẫn lộn, tôi tạm gọi là phê bình “trên bàn tiệc” hay phê bình “trước huyệt mộ”.

Nhà phê bình có lòng tự trọng ngoài kiến thức, tri thức chuyên môn thì giữ cho bản thân một tâm thế khách quan, vô tư trước các hiện tượng văn học là yêu cầu rất quan trọng. Thế nhưng, vì tình cảm cá nhân, “chỗ ông với tôi” hay “nghĩa tử là nghĩa tận”,… ở Việt Nam thời gian qua có rất nhiều bài phê bình ra đời trong sự hứa hẹn, “đặt hàng” ngay “trên bàn tiệc” hay “trước huyệt mộ”…rất thiếu chuyên nghiệp. Có ba nguyên nhân chính đưa đến thái độ này là:

Thứ nhất, Việt Nam có lẽ là xứ sở khá lạ lùng, dù nghèo đói nhưng dân chúng lại rất thích làm thơ, viết văn. Ông bà nào cầm bút sáng tác cũng than nghèo kể khổ nhưng cứ chọn văn chương làm con đường lập thân. Chưa kể một bộ phận quan chức lãnh đạo, các nhà tài phiệt, doanh nhân sau khi về hưu hoặc tiền bạc thừa mứa lại chuyển hướng sang sáng tác thơ văn để ngụy trang và tô điểm cho vẻ bề ngoài thô lỗ, phàm tục của mình. Đó là lý do hàng mấy trăm cơ quan báo chí truyền thông gần như cơ quan nào cũng có chuyên mục sáng tác. Đây chính là lý do gây nên sự “quá tải” cho các nhà phê bình chuyên nghiệp trong vấn đề “điểm sách”, giới thiệu sách. Sự “quá tải” này tất yếu sinh ra sự hời hợt, qua loa, đồng thời tạo cơ hội cho các cây bút phê bình không chuyên “múa bút” loạn xạ và bất chấp…

Thứ hai, các nhà văn Việt Nam lâu nay (cả giới sang tác lẫn phê bình) thường hay tụm năm, tụm ba, bù khú với nhau bên chiếu rượu để bàn chuyện văn chương chữ nghĩa. Sẽ là không có gì đáng nói nếu như việc này chỉ thuần túy gặp mặt, trò chuyện nhưng tiếc thay rất ít người biết kiểm soát bản thân, kiềm chế cảm xúc để có thể rạch ròi giữa chuyện văn chương chữ nghĩa trên trang sách với tình bạn, tình đồng nghiệp ngoài xã hội. Có thể nói, sự thiếu chuyên nghiệp và tào lao nhất của các nhà phê bình “trên bàn tiệc” là tâm thế “dìu dắt, “nâng đỡ”, “giới thiệu” đàn em nhất là các cây bút nữ sau những chuyến “đi thực tế” tìm “cảm hứng sáng tác” (thực ra là lấy tiền nhà nước đi chơi, đi bù khú dưới danh nghĩa “giao lưu”, “hợp tác”, “hội trại sáng tác”…).

Thứ ba, có thể nói, sự bùng nổ của công nghệ truyền thông nhất là mạng xã hội hiện nay đã giúp cho sự tương tác giữa nhà văn, nhà phê bình và độc giả diễn ra nhanh chóng tiện lợi hơn nhưng đồng thời nó cũng thử thách tính nghiêm túc, sự chuyên nghiệp và nhất là lòng tự trọng của tất cả. Trước đây, khi chỉ có báo in, các nhà phê bình có nhiều thời gian để cân nhắc nhưng có người vẫn không đủ sự tỉnh táo, giờ đây với mạng xã hội nhiều người đã trượt dài trong sự cảm tính, hời hợt, dễ dãi...

Ở một phương diện khác, các nhà văn ở Việt Nam thường có xu hướng thần thánh hóa nghề nghiệp của mình bằng những ngôn từ nghiêm nghị nhưng sáo rỗng như: “nghề văn là nghề giời đày”, “là người cày ải miệt mài trên cánh đồng nghệ thuật”, “viết để trả nợ”… (việc này ngẫm kỹ lại thì rất buồn cười vì nói cho cùng có ai ép anh phải viết đâu mà than vãn “giời đày”). Thế nhưng, cũng chính họ chứ không phải khác đã tầm thường hóa văn chương bằng sự bè cánh, cục bộ, “khen cho nó chết”, “yêu nhau thì lại bằng mười hại nhau”…

“Mối chúa” bị thu hồi là điều đáng tiếc cho tác giả nhưng nếu là nhà phê bình chuyên nghiệp anh không nên lấy đó làm “đòn bẫy” để PR cho “Đất mồ côi”, rằng “mọi người hãy tranh thủ mua đi vì rất có nguy cơ sẽ “Đất mồ côi” sẽ cùng chung số phận như “Mối chúa”. Hoặc ngược lại, chưa chi đã “chim mồi”: “Đất mồ côi” là hòn đá tảng ném xuống ao bèo tù đọng”, “việc còn lại của Hội Nhà văn là có tôn vinh và trao giải thưởng cho “Đất mồi côi” hay không”?

Thật lạ lùng, một tác phẩm vừa ra đời, cùng là tâng bốc tác giả nhưng người thì cạnh khóe, lấy cơ chế kiểm duyệt của chính quyền làm thước đo, kẻ thì đề nghị người của cơ chế thấy khen ngợi, trao giải?

Có thể nói, chính thái độ thiếu chuyên nghiệp này đã vô tình tạo ra những “cú sốc phản vệ” không những với độc giả mà còn với những nhà văn khác. Quan sát mặt bằng chung của đời sống văn học nước nhà trong khoảng 5 năm trở lại đây, chỉ nhìn riêng ở thể loại tiểu thuyết thì việc “bốc thơm” “Mối chúa” hay “Đất mồ côi” như trên là sự thiếu bao quát và không công bằng với những tác giả khác. Nếu thật sự tỉnh táo, bao quát và chuyên nghiệp trước khi đặt bút viết những câu tán dương như thế, các nhà phê bình phải tự hỏi bản thân mình đã đọc “Mộ phần tuổi trẻ”, “Những vọng âm năm ngủ” của Huỳnh Trọng Khang – một cây bút trẻ viết về đề tài chiến tranh (đặc biệt có thể xem là người đầu tiên chọn bối cảnh xã hội miền Nam Việt Nam giai đoạn trước 1975 với một kỹ thuật và nội lực văn hóa rất đáng nể) hay chưa?

3. Thay lời kết

“Nhà phê bình là người đọc giùm người khác” – định nghĩa này của nhà phê bình Thiếu Sơn (1908 -1978) tuy ngắn gọn nhưng rất đầy đủ và xác đáng. Đặc biệt nó cho thấy vị trí và tầm quan trọng của phê bình trong đời sống văn học. Nhà văn - người sáng tác - cần nhà phê bình, qua nhà phê bình để có độc giả; còn độc giả cũng nhờ nhà phê bình mà thưởng thức những tác phẩm hay, độc đáo.

Nói khác đi, đây chính là niềm tin của cả hai phía nhà văn và độc giả giành cho nhà phê bình. Thế nên, nhà phê bình có chuyên nghiệp và có trách nhiệm là người không được phản bội lại niềm tin kia; không vì sự vị kỷ của bản thân (động cơ cá nhân) mà biến mình thành kẻ cơ hội (“phê bình chỉ điểm”) hay ngược lại vì mối quan hệ riêng tư giữa bè bạn, đồng nghiệp mà dễ dãi tâng bốc lẫn nhau (phê “bình trên bàn tiệc”, “phê bình trước huyệt mộ”)…

Nhà phê bình chuyên nghiệp và tử tế chỉ có một động cơ duy nhất là bằng sự hiểu biết và lòng tự trọng của mình giới thiệu đến độc giả những món ngon văn chương hay rộng hơn vì sự phát triển và tiến bộ chung của văn hóa dân tộc.

Trước đây, trong tư cách của một người cầm bút sáng tác, cố nhà Nam Cao đã có lần tự vấn “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là sự bất lương nhưng cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.

Thế nên, để loại bỏ tình trạng hai thái cực của phê bình cánh hẩu hiện nay, thiển nghĩ câu nói này rất nên được nhìn nhận và mở rộng ra cho những người cầm bút viết phê bình (cả chuyên và không chuyên) vậy.

CT, 16/03/2021

Q.H.N

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 16-3-21