Nhìn Lại Vụ Giáo sư Trương Nguyện Thành:
Thuyết Âm Mưu, Tư Duy... “Ao Làng” Và “Cơ Chế Xin – Cho”

Quách Hạo Nhiên

1.  Thuyết âm mưu?

Tôi vốn không phải là tín đồ của thuyết âm mưu, tuy vậy với câu chuyện của GS Trương Nguyện Thành tôi lại thấy cần đặt ra vấn đề này như một cách để qua đó tham chiếu và soi rọi lại bức tranh toàn cảnh về những bất cập và nghịch lý của nền giáo dục nước nhà hiện nay. Đặc biệt là về phương diện tư duy và nhận thức của những người nắm quyền lãnh, chỉ đạo liên quan đến vấn đề này.

Trước hết, theo tôi có 3 vấn đề quan trọng rất cần được phân tích và mổ xẻ xung quanh sự việc này như  sau:

Thứ nhất, trong khoảng vài năm trở lại đây nếu ai quan tâm về chuyện nội tình Đại học Hoa Sen đều biết trường này có một “cuộc chiến nội bộ” rất khốc liệt giữa hai nhóm cổ đông nhằm giành quyền quản lý, điều hành. Và cho đến nay, nhìn bề ngoài cuộc chiến này có vẻ đã kết thúc nhưng bên trong nó vẫn còn âm ỉ. Nói điều này không phải “tọc mạch” và xoi mói chuyện của nội bộ của ĐH Hoa Sen mà là để chúng ta có một cái nhìn thực tế hơn về bức tranh chung của các trường đại học ở Việt Nam (nhất là các trường ngoài công lập). Các trường đại học ở VN nhìn chung không thể phát triển được một phần cũng là do vướng vào những chuyện lục đục và đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực này. Mà một khi đã xảy ra đấu đá thì các bên đương nhiên sẽ sử dụng tất cả các “ngón nghề” và thủ đoạn để hạ gục đối phương sao cho thật nhanh và gọn nhất.

Thứ hai, tôi không nghĩ mười mấy người trong Hội đồng quản trị của Đại học Hoa Sen trước khi bỏ phiếu chọn GS Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng lại không ai điều nghiên cái quy định về việc công nhận hiệu trưởng ở một trường đại học trong luật giáo dục hiện hành của Việt Nam để đến nỗi một cái quyết sách quan trọng nhằm xây dựng và phát triển Đại học Hoa Sen trong tương lai lại bị ách tắc bởi cái điều khoản rất vô lý và cứng nhắc. Thử hỏi trong hoàn cảnh thiếu minh bạch hiện nay có bao nhiêu người được đề bạt, bổ nhiệm ở Việt Nam thật sự đúng luật hay “đúng quy trình”? Không phải thời gian qua chúng ta đã được nghe dư luận phanh phui nhiều trường hợp đề bạt “thần tốc” cho những thành phần “con ông cháu cha” nhưng lại được giải thích là rất “đúng quy trình” đó sao? Nói khác đi, cái quy định kia đúng ra chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ”, mười mấy người trong Hội đồng quản trị của Đại học Hoa Sen thừa biết “phải làm gì” để “hợp thức hóa” cái quy định cứng nhắc ấy. Vậy nên rất có thể trong vụ này ngoài chuyện vướng cái quy định kia ra thì còn chuyện gì đó lớn và phức tạp hơn nữa chăng? Nếu vậy thì đó gì? Tôi thử đưa ra góc nhìn sau:

Còn nhớ vào năm 2005 GS Trương Nguyện Thành còn được đích thân ông Nguyễn Thiện Nhân khi đó là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh mời về để thành lập Viện Khoa học Công nghệ và tính toán TP HCM. Từ đây, nếu thật sự Tp Hồ Chí Minh muốn “chiêu hiền đãi sĩ” thì hiện tại ông Nguyễn Thiện Nhân đang là Bí thư Thành ủy quyền lực tuyệt đối ở thành phố nào thì sao không thấy ông lên tiếng tác động can thiệp? Hay như với trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chẳng thấy có ý kiến gì?

Một chi tiết khác, cách đây một năm vì muốn thực hành và chứng minh quan điểm muốn sáng tạo phải dám đương đầu và vượt qua “rào cản và định kiến” hẹp hòi của xã hội nên trong một buổi lên lớp với các sinh viên GS Trương Nguyện Thành đã mặc quần short và áo thun ba lỗ. Ngay lập tức những kẻ nhân danh truyền thống và môi trường văn hóa, thuần phong mĩ tục...của người Việt để phản đối đến nỗi ông đã bị lãnh đạo Đại học Hoa Sen yêu cầu gửi báo cáo giải trình. Cũng vì chuyện này mà từ đó đến nay mỗi khi nhắc đến ông, các cơ quan báo chí truyền thông đã đặt cho ông một cái biệt danh mà theo tôi là rất thiếu sự tôn trọng cần thiết. Bài viết nào về ông họ giật tít và chêm vô mấy chữ “giáo sư quần đùi...” nghe rất phản cảm.

Xâu chuỗi những sự việc này lại, tôi nghĩ phải chăng lý do lớn nhất của việc GS Trương Nguyện Thành không được làm Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen có khi không phải vì cái quy định về thời gian đảm nhiệm chức vụ quản lý cấp khoa trong được gi trong luật giáo dục hiện hành mà rất có thể liên quan đến vấn đề “phẩm chất chính trị” cũng được quy định trong bộ luật này? Nên nhớ rằng, ở Việt Nam dù có muốn “đổi mới” hay “sáng tạo” gì thì cũng phải tuyệt đối tuân thủ nhiệm vụ chính trị do “Đảng ta” lãnh đạo và định hướng sẵn. Phải chăng vì lo sợ cái tư duy vượt qua mọi “rào cản” của GS Trương Nguyện Thành sẽ làm cho Đại học Hoa Sen đi chệch cái đường ray giáo dục đại học nước nhà do Đảng vẽ ra nên bằng mọi cách người ta phải ngăn ông lại?

Thứ ba, nếu ai đã đọc những lời chia sẻ lý do vì sao GS Trương Nguyện Thành lại quyết định trở về Việt Nam nhằm giúp Đại học Hoa Sen trong vai trò Phó hiệu trưởng [1] một năm về trước chắc chắn sẽ cảm nhận được GS Trương Nguyện Thành không phải là một người dễ đầu hàng và bỏ cuộc trước những thử thách và khó khăn trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, là người trưởng thành và đã thành công ở một quốc gia có nền học thuật và quản trị hàng đầu thế giới chắc chắn về mặt nhận thức và tâm lý những vấn đề liên quan đến những sự vụ hành chính rất nhiêu khê và vớ vẩn ở Việt Nam chính là một rào cản lớn đối với ông (dù rằng ông đã ít nhiều trải nghiệm và hòa nhập cùng nó trong suốt một năm qua). Nhất là, ở Việt Nam những vấn đề này thường rất hay bị “chính trị hóa” từ những kẻ cơ hội và ganh ăn ghét ở. Phải chăng biết được “điểm yếu” này nên những kẻ không muốn GS Trương Nguyện Thành trở thành hiệu trưởng đã ra tay? Một cái quy định vừa vô lý vừa cứng nhắc của những cái đầu chứa bã đậu xem ra đã có tác dụng trong trường hợp của GS Trương Nguyện Thành? Vì với lòng tự trọng của một con người đã trưởng thành từ nền giáo dục hiện đại và văn minh nên ông thà tạm gác lại ước mơ của mình và quay về Mỹ chứ quyết không đầu hàng hay thỏa hiệp với cái cơ chế cũ kỹ lạc hậu bằng những việc làm thiếu trong sáng?

Nói điều này để thấy rằng, sau sự việc trên, tuy GS Trương Nguyện Thành có trả lời báo chí rằng ông “bình thường, không buồn vui, thất vọng gì cả” [2] và không muốn mình được “đặc cách” phải chăng cũng là cách để ông trấn an dư luận cũng như tránh những phiền phức khác có thể xảy đến với Đại học Hoa Sen hay với chính cuộc sống của cá nhân ông cùng gia đình?

2. Tư duy... “ao làng” và “cơ chế xin – cho”

Như đã nói ở trên, tôi không phải tín đồ của thuyết âm mưu. Tuy nhiên, dù có hay không có một âm mưu ngăn cản GS Trương Nguyện Thành trở thành hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen của những “bàn tay” đó thì theo tôi, qua sự việc này một lần nữa cho chúng ta thấy rõ hơn cái nguyên nhân sâu xa và cốt tử làm cho nền giáo dục nước nhà mấy chục năm qua mãi trì trệ và không thể phát triển. Nói khác đi, sở dĩ mấy mươi năm qua nền giáo dục nước nhà bị trì trệ và lạc hậu tất cả bắt nguồn từ lối tư duy.. “ao làng” và “cơ chế xin – cho” của những người nắm quyền điều hành đất nước nói chung và bộ máy quản lý hành chính về giáo dục nói riêng. Hay nói trắng ra là tất cả đều do sự bảo thủ và dối trá của họ mà ra. Năm này qua tháng khác họ luôn miệng hô hào “đổi mới căn bản và toàn diện” nhưng thực tế thì (nói như Gs Tương Lai) nên giáo dục nước nhà vốn chỉ là cái “vòng tròn nhỏ” nằm trong cái “vòng tròn lớn” – tức cái thể chế chính trị hiện nay. Một khi “cái vòng tròn lớn” kiên quyết không chịu đổi mới thì việc hô hào đổi mới cái “vòng tròn nhỏ” chỉ là ngụy biện và lừa mị mà thôi.

Và đây cũng là lý do có người cho rằng vụ việc GS Trương Nguyện Thành là một ví dụ tiêu biểu cho cách làm “trên trải thảm dưới rải đinh” trong vấn đề thu hút người tài của Đảng ta hiện nay. Một vấn đề mà ai cũng nhìn thấy và nói rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn không có gì thay đổi. Càng hô hào kêu gọi thu hút thì nhân tài càng bỏ đi.

Ở phương diện và góc nhìn khác, có ý kiến phân tích chuyện làm công tác quản lý (hiệu trưởng) và nghiên cứu chuyên môn là hai lĩnh vực khác nhau. Một nhà khoa học giỏi chưa chắc và hứa hẹn sẽ là nhà quản lý giỏi. Điều này tuy không sai nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một góc nhìn. Vì thực tế cho thấy có rất nhiều người từng kinh qua không biết bao nhiêu chức vụ ở cấp cơ sở nhưng khi lên làm quản lý, lãnh đạo thì cũng chẳng nên cơm nên cháo gì. Nói đâu cho xa, trường hợp ông Bộ trưởng Bộ giáo dục hiện nay không phải là một ví dụ điển hình đó sao?

Ngoài ra, cũng nên hiểu rằng việc lãnh đạo và quản lý ở một trường đại học hoàn toàn không giống với việc quản trị trong lĩnh vực hành chính công thuần túy. Vấn đề này đặt trong cái nhìn so sánh giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn nữa. Có thể nói, việc quản lý và điều hành của các hiệu trưởng các trường đại học ở Việt Nam quan trọng và trước hết là phải “sống theo chỉ thị, làm theo Nghị quyết” của Đảng ta về giáo dục nói chung. Việc quản lý và điều hành của họ vì thế chủ yếu xoay quanh những buổi họp hành triền miên với các sở, ban, ngành...Trước là báo cáo thành tích sau nữa là xin tiền và nhận chỉ thị, chỉ đạo từ cấp trên. Những vấn đề liên quan đến việc “tự chủ đại học” hiện nay trên thực tế còn rất xa vời. Điều này không phải do bản thân các trường đại học không muốn mà là do cái “cơ chế xin – cho” còn rất nặng nề.

Trong khi đó, ở các nước phát triển, giáo dục đại học phân lớn là đại học tư và hoàn toàn tự chủ, Nhà nước hay các đảng phái chính trị không xen vào. Vậy nên việc điều hành và quản lý của họ không nặng về sự vụ hành chính nên không cần yêu cầu phải kinh nghiệm quản lý cấp thấp hơn. Hơn nữa trong quản trị đại học, việc của hiệu trưởng là vạch ra những mục tiêu, định hướng và tầm nhìn chiến lược để phát triển ngôi trường của họ trong tương lai. Vì vậy mà nếu hiệu trưởng đồng thời là một nhà khoa học giỏi và có uy tín sẽ rất thuận lợi trong vấn đề kêu gọi nhà đầu tư đặc biệt là tập hợp các nhà khoa học có uy tín khác về cộng tác và trợ giúp cho trường về nghiên cứu khoa học và hướng dẫn cho sinh viên nhằm cụ thể hóa mục tiêu và chiến lược đã Hội đồng trường thông qua.  

Đến đây, có thể nói quan điểm cho rằng quản lý là một chuyện, nghiên cứu khoa học là chuyện khác trong lĩnh vực giáo dục xem ra cũng không hoàn toàn đúng và phù hợp trong tư duy quản trị của giáo dục hiện đại đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Không những vậy, GS Trương Nguyện Thành là nhà khoa học thành danh ở một quốc gia có nền quản trị và giáo dục hàng đầu thế giới, thế thì có cần ai đó phải khuyên ông những vấn đề liên quan đến quản trị và điều hành một trường đại học mang “tầm vóc” Việt Nam không? Hay như những lời khuyên ông “không nên trở lại Mỹ” mà hãy tạm chờ đợi một năm nữa khi luật giáo dục sửa đổi rồi làm hiệu trưởng vẫn còn chưa muộn? Không biết những người khác nghĩ gì về những lời khuyên này nhưng cá nhân tôi cho rằng những lời khuyên trên dành cho GS Trương Nguyện Thành là dư thừa và không cần thiết.

Muốn hội nhập với bạn bè quốc tế thì nhất định phải thay đổi tư duy và nhận thức và nhất là phải dũng cảm nhìn thẳng vào những khuyết tật của nền giáo dục hiện nay chứ không nên vòng vo, giả dối và bảo thủ như vậy. Và một khi vẫn kiên quyết giữ nguyên lối tư duy “ao làng” cùng cái “cơ chế xin – cho” thì cũng không nên hoang tưởng bàn về chuyện “bơi ra biển lớn”.

Một nền giáo dục được lãnh, chỉ đạo và quản lý điều hành bằng một bộ máy rất đồ sộ (bao gồm: “Ban Tuyên giáo Trung ương”; “Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực”,Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo”, “Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội”... Đó là chưa kể một Bộ Giáo dục và Đào tạo với 27 đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ “tham mưu” và “quản lý”) thế nhưng chỉ vì một dòng trong cái quy định cứng nhắc đã làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của một ngôi trường, ngăn cản ước nguyện đóng góp cho quê hương của một nhà khoa học tâm huyết và nhất là làm trò cười cho bạn bè quốc tế...thì hãy tất cả phải biết xấu hổ chứ không phải chỉ là nuối tiếc (kiểu “tôi thấy tiếc” cho GS Trương Nguyện Thành và Đại học Hoa Sen...).

Hay một giáo sư với thành tích đầy mình trên trường quốc tế lại không “đủ chuẩn” để làm hiệu trưởng một trường đại học trong nước trong khi đó một kẻ bị tố cáo về tính trung thực cũng như phẩm chất đạo đức của một nhà khoa học chân chính lại chễm chệ trên chiếc ghế Bộ trưởng điều hành quản lý cả nền giáo dục thì đó không chỉ là sự bảo thủ và giả dối mà còn rất hèn kém (sự hèn kém của một cộng đồng tham gia kiến tạo văn hóa cho cả dân tộc). Bởi lẽ, ai cũng nhìn thấy sự thật rất lố bịch kia nhưng đa phần đều im hơi lặng tiếng một cách đáng sợ và khó hiểu!

3. Thay lời kết

GS Trương Nguyện Thành – một người con Việt Nam giờ đây đã trở lại làm việc và cống hiến cho nền giáo dục Mỹ quốc vì sự “thượng tôn pháp luật” ở xứ sở này. Không biết những người lãnh đạo, điều hành đất nước hiện nay suy nghĩ gì về sự vụ này, riêng tôi đây quả là một câu chuyện khôi hài và cười ra nước mắt. Hóa ra kết quả của chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài mà nhiều người luôn miệng hô hào là như vậy đó sao. Đến đây, tôi lại chợt đến việc mấy hôm trước ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có trình làng bài viết nhan đề“Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam” [3]. Không biết ông Thưởng có ẩn ý sâu xa gì khi trình làng bài viết này? Ông muốn cảnh báo “thế lực thù địch nào” hay là ông đang cảnh bảo và tự phê bình chính Đảng ta cũng chính bản thân ông cùng các đồng chí của ông? Bởi ở xứ sở này còn ai tinh tế và điêu luyện hơn Đảng ta trong những việc nêu cao các khẩu hiệu sặc mùi “dân túy” với ý nghĩa như một “thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân" mà ông Thưởng đã trình bày trong bài viết của mình? Ví như câu “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài phụng sự Tổ quốc và nhân dân” [4] – câu nói này cũng từ chính miệng ông Thưởng phát ra chứ không phải ai khác!?

 

CT, 20/5/2018

QHN

----------

Tham khảo:

[1]: https://www.facebook.com/groups/ivanet.org/permalink/1231355866950172/

[2]: https://thanhnien.vn/giao-duc/gs-truong-nguyen-thanh-khong-nen-dac-cach-cho-toi-961122.html

[3]: http://www.sggp.org.vn/chu-nghia-dan-tuy-va-nhung-canh-bao-doi-voi-viet-nam-520023.html

[4]: https://thanhnien.vn/chinh-tri/dang-khong-co-loi-ich-nao-khac-ngoai-phung-su-to-quoc-nhan-dan-936579.html

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 20-5-18