Việt Nam - Dân Tộc Rời Rạc Và Đầy Sân Hận?

(Hay là thư gửi toàn thể “cuốc dân” đồng bào sau vụ tranh cãi
về phương pháp đánh vần và sách
“Công nghệ giáo dục” lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại)

 

Quách Hạo Nhiên

 

1. Mở đầu: Kính thưa “các thể loại.. kính”, các vị nói xong, đủ và đã miệng chưa?

Gần một tháng qua, ngày nào cũng vậy, vừa mở mắt ra để “cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để ăn chơi...”; sau đó rút chiếc điện thoại (khá hơn cùi bắp một chút) để xem tin tức thời sự trong và ngoài nước thì gần như ngay lập tức những thông tin về cuộc cãi lộn liên quan đến cách đánh vần trong sách “Công nghệ giáo dục” lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại lại bay tới tấp vào mắt tôi (nói thiệt là, nếu không tỉnh táo và kịp tránh né có khi phải lòi tròng té nổ vì những con chữ đầy góc cạnh chứ chẳng chơi). Từ báo chính thống cho đến báo lá cải, lá ngón; từ tài khoản cá nhân đến tài khoản của những hội kín hay nửa kín, nửa hở trên các trạng mạng dzô la, phây búc; từ chị Cuốc Hội cho đến anh cuốc lủi; từ các vị lãnh đạo đáng kính cho đến em cave đáng đời; từ các vị GS, PGS, TS kính trắng cho đến anh hon đa ôm kính đen; từ các nhà dân chủ chống cộng cho đến các bác thương phế binh chống nạn v và v.vv.. Nói chung đủ mọi thành phần, lứa tuổi tất cả chỉ sau một đêm bỗng trở thành các chuyên gia giáo dục và phản biện xã hội nhiệt thành, hăm hở, sôi sục và đương nhiên là không kém phần máu lửa.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đây rõ ràng là chỉ dấu cực kỳ quan trọng cho thấy đất nước, xã hội và con người Việt Nam với lịch sử 4 ngàn năm văn hiến đang lao đi với vận tốc của ánh sáng để hòa nhập chứ không hòa tan với toàn thể nhân loại trong thời đại kỹ thuật số và “cách mạng công nghiệp 4.0” (giờ nói gì mà không đề cập đến cái 4.0 này không khéo lại bị thiên hạ mắng nên cực chẳng đã phải thêm vào thôi). Quan trọng hơn, nếu so với xã hội của “bọn tư bản đang giãy chết” bên kia bờ đại dương thì Việt Nam thân yêu của chúng ta đích thị là một quốc gia có nền tự do, dân chủ cao gấp vạn lần họ. Hay nói khác đi, nền tự do dân chủ của chúng ta đang rất vô cùng thừa mứa. Tuyệt vời! Quá tuyệt vời! Vì có gì sướng trên đời hơn thế, người với người sống để... mắng nhau. (Ấy vậy mà những bọn phản động cùng với các thế lực thù địch năm này qua tháng nọ không ngừng xuyên tạc rất bậy bạ và đê tiện nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc ta. Bọn này theo tôi, rất xứng đáng mang đi thui rơm, cạo lông và xỏ mũi treo lủng lẳng như những con chó trong các sạp bán cầy tơ ở thủ đô ngàn năm văn vật).

Hòa vào không khí sục sôi và tưng bừng như “ngày hội non sông” ấy (vì nếu ngẫm kỹ lại sẽ thấy trên đại thể đất nước ta có bao giờ được như thế này không?); đồng thời nhằm góp phần phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, vu khống nói xấu Đảng ta của các thế lực thù địch liên quan đến các quyền tự do, dân chủ và nhân quyền; với tư cách là một công dân cực kỳ gương mẫu, bao giờ và luôn luôn cũng thượng tôn pháp luật, cho phép tôi được mạo muội có đôi lời góp vào với toàn thể cuốc dân đồng bào và dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, dũng cảm, bất khuất, đoàn kết, nhân hậu, đảm đang, cần cù, hiếu học, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, lá nát đùm lá nát hơn đang trên đường đi đến văn minh và vô cùng đặc sắc, đặc khu, đặc quyền, đặc lợi - mấy lời gan ruột tận đáy lòng. Hay nói toạt móng héo, móng trâu, móng chó, móng ngựa... ra là, gần một tháng qua quý vị đã nói nhiều rồi bây giờ đến lượt tôi vậy (vì có qua có lại mới toại lòng nhau). Cụ thể, tôi xin có đôi lời gửi đến lần lượt tất các thể loại... kính theo trình tự mà tôi tạm phân chia thành các nhóm như sau:

 

2. Kính gửi các quý phụ huynh trên toàn cõi nước việt “4 k” năm văn hiến

Các vị phụ huynh trên toàn cõi đất nước Việt “4 ka” năm văn hiến kính mến! Như quý vị đã biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đã từng nói (như sấm truyền) rằng: “trẻ em như búp trên cành...”. Từ những lời vàng ý ngọc này mà suy thì rõ ràng các vị đích thị là những ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ... của các “búp trên cành” mới nhú ấy nên đương nhiên nhất định các vị phải có một chỗ, một mâm thịnh soạn trong mọi vấn đề có liên quan đến cái “quốc sách” nước nhà hôm nay. Vậy nên, trước hết, tôi xin được mạn phép kính cẩn, nghiêng mình có vài lời gửi đến toàn thể quý vị như sau:

Kính thưa các vị phụ huynh của những “búp trên cành” non tơ kính mến! Tôi hoàn toàn thông cảm, đồng cảm và chia sẻ với tất cả quý vị về việc quý vị đã chính thức tỏ thái độ bức xúc, giận dữ, khinh miệt, lên án, mạt sát, rủa sả những kẻ (hay thế lực) nào đó đã và đang mang những cái “búp trên cành” của quý vị ra để làm thí nghiệm (như những con chuột bạch) hay tệ hơn nữa là lợi dụng chúng để mua bán, trục lợi với danh nghĩa “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nước nhà suốt mấy chục năm qua tính từ thời điểm giang sơn nước Việt được thu về một mối năm 1975 dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta. Vâng, việc quý vị chửi và phẫn nộ về chuyện này là hoàn toàn chính đáng, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề tôi muốn nói ở đây là làm sao để quý vị nhận ra và chửi cho đúng những đối tượng đáng khinh bỉ kia mới là chuyện quan trọng và đáng suy ngẫm. Theo tôi, để làm được điều này nhất định quý vị phải có hiểu biết (xin đừng cắt ngang và suy diễn rằng tôi đang khinh quý vị thiếu hiểu biết) và hết sức bình tĩnh để không bị để không bị kẻ khác xỏ mũi; hoặc hùa theo cái đám đông, bầy đàn mông muội và hoang dã, vô tình hay cố ý trách oan, mắng oan, chửi oan những người làm giáo dục đàng hoàng, tử tế và tâm huyết.

Các vị phụ huynh của các “búp trên cành” mơn mỡn, kính mến! Các vị có biết không, thực ra thì cách dạy đánh vần mà các vị nhìn thấy qua cái “cờ líp” trên mạng liên quan đến sách Công nghệ giáo dục lớp 1 của Gs Hồ Ngọc Đại, theo tôi tìm hiểu và được biết đó chỉ là một khâu, một thao tác rất nhỏ nếu đặt trong toàn bộ hệ thống quan điểm, triết lý cũng như phương pháp, mục tiêu, quy trình tổ chức dạy học rất cụ thể và rõ ràng do ông ấy cùng các cộng sự của mình đã dày công nghiên cứu và áp dụng từ năm 1978 đến nay.

Nói cách khác, có nhiều phương cách khác nhau để dạy một đứa trẻ lớp 1 từ khi chưa biết đọc biết viết cho đến khi chúng thành thạo những điều này. GS Hồ Ngọc Đại và các cộng sự đã nghiên cứu tìm ra một cách của riêng mình bằng cách kết hợp giữa khoa học ngôn ngữ, khoa học về tâm lý và khoa học về giáo dục. Và cách ấy đã vận hành có hơn 40 năm và gần đây đã được Bộ Giáo dục cho thí điểm rộng rải khắp cả nước bên cạnh bộ sách giáo khoa hiện hành. Và nếu quý vị bình tâm và lắng lòng một chút thôi sẽ thấy có một sự thật không thể chối cãi là sách của GS Hồ Ngọc Đại vốn từ vị trí của một “kẻ bên lề” thì đến năm 2008 nó đã được cho phép đi vào vị trí mà tôi tạm gọi là “trung tâm” (còn vì sao lại có chuyện thí điểm này thì phải hỏi các quan chức lãnh đạo gành giáo dục và đất nước – nhưng đây là một vấn đề rất khác, tôi sẽ đề cập trong dịp khác nếu có hứng). Quan trọng hơn, tuy cách dạy đánh vần và sách công nghệ lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại nói chung không phải đều toàn bích hay ưu việt nhất nhưng tất cả đều đã được ông và các cộng sự nghiên cứu và tính toán dựa trên nền tảng là những hệ thống quan điểm, triết học và phương pháp rất cụ thể và hoàn toàn không có dây mơ rể má, thân bằng quyến thuộc gì với chuyện cải tiến chữ Việt của cụ ông PGS TS Bùi Hiền (xin khẳng định lại là cụ ông Bùi Hiền chứ không phải là Bùi Bùi hay Bùi Ngùi hay Bùi Kiệm nhé).

Kính thưa các vị phụ huynh của các “búp trên cành” đang hăng say chửi mắng, dè bĩu GS Hồ Ngọc Đại, kính mến! Tôi biết các vị đang rất tức giận khi nghe GS Hồ Ngọc Đại nói rằng “phương pháp của tôi các vị phụ huynh biết gì mà dạy”. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi thì ông ấy nói rất đúng chứ đâu có sai hay quá đáng gì đâu! Vì sao đúng? Vì xã hội đã phân công rồi, chúng ta mỗi người một việc. Bác nông dân thì ra đồng cày ruộng, trồng lúa, trồng dưa hấu, thanh long, hành tím hay nuôi heo nái... kiếm tiền nuôi bộ máy chính quyền (trong trường hợp nếu trúng mùa mà ông “bạn vàng” làm nũng không chịu mua thì sẽ có các bạn Đoàn Thanh niên CSHCM đến tham gia giải cứu). Chị công nhân thì phải vào khu công nghiệp may giày da, hít keo nhựa và hóa chất để cuối tháng chạy ra cây ATM lôi ra mấy đồng bạc lẻ còm cỏi (thỉnh thoảng cây ATM cũng rất cà chớn khi nuốt mất cái thẻ của người ta nhưng không chịu ói tiền), phần gửi về quê ngoại nuôi con, phần trang trải cho cuộc sống trong các khu nhà ổ chuột và phần còn lại mua thuốc viêm mũi, viêm phổi, viêm bao tử về uống. Mấy anh doanh nhân hay con buôn thì nghĩ xem cách nào đó để móc nối với mấy ông quan chức lãnh đạo “liêm khiết”, “vì dân” để đầu cơ bất động sản hoặc mua gian bán lận món gì đó để mau chóng phất lên thành triệu phú, tỉ phú đô la (à riêng mấy em người mẫu, diễn viên chân dài thì bán thật “cái vốn tự có” của mấy em ấy nhé, riêng chỗ này tôi thấy mấy em ấy vẫn đẹp và trong sáng hơn gấp 1000 lần các thể loại áo vét, kính trắng hay xuât hiện trên ti vi ra rả nói về phẩm hạnh và đạo đức cách mạng). Mấy chú hề như Trấn Thành, trấn thủ, trấn lột gì gì đó thì lo diễn xuất cho thật sâu, thật đểu để làm trò mua vui cho thiên hạ. Các nhà chính trị, chính em thì đương nhiên phải không ngừng trau dồi các thủ đoạn sao cho thật nham hiểm và tinh vi nhằm tranh giành quyền lực, sau đó là tìm một khu đất thật đẹp xây sẵn các lăng tẩm để sau này chui vào đó đúng theo phương châm “sống vì dân, chết giành đất của dân”). Và cuối cùng, các thầy cô giáo lẽ tất nhiên là phải đầu tư cho bài giảng và chuẩn bị giáo án để hàng ngày lên lớp “trồng người” – một công việc đồng thời cũng là một nhiệm vụ rất thiêng liêng và cao cả do Đảng và Nhà nước giao phó...

Đại khái, đại thể và đại loạn là như thế. Vậy nên, ở đây thật ra, GS Đại chẳng qua chỉ là muốn đề cao sự chuyên nghiệp; đúng người đúng việc, người nào việc đó chứ nào phải coi thường hay muốn cắt đứt mối quan hệ tương hỗ giữa nhà trường – gia đình như các vị hiểu đâu. Ông ấy đương nhiên rất hiểu làm sao mà cắt mối quan hệ xã hội này cho được. Chỉ là ông ấy muốn nhấn mạnh hơn việc “trồng người” trong nhà trường (nhất là dưới mái trường XHCN của chúng ta) là một vấn đề cực kỳ khó, và càng khó hơn nữa là dạy cho những đứa trẻ ở lứa tuổi ấu thơ như “búp trên cành” của quý vị. Điều này đòi hỏi các thầy cô giáo phải được trang bị rất nhiều tri thức về khoa học giáo dục, tâm lý cũng phương pháp sư phạm bài bản và thuần thục. Dĩ nhiên, nếu trong số các vị có ai đó là các những nhà giáo dục thì còn gì bằng nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng đôi khi “Bụt nhà không thiêng”.

Kính thưa các vị phụ huynh của các “búp trên cành” kính mến. Các vị nghĩ rằng mình đã nghe nói, đọc, viết thông thạo tiếng Việt rồi nên một đứa trẻ vào lớp 1 thì ai dạy không được nên các vị mới tự ái rồi hè nhau mạt sát sát GS Hồ Ngọc Đại nhưng các vị đã lầm. Rất lầm. Không những vậy, các vị đâu biết rằng chính cách nghĩ dễ dãi và hời hợt này lại là một trong những nguyên nhân làm cho nền giáo dục hôm nay thêm bầy hầy, bát nháo, thối tha, lầy lụa và suy đồi thêm hơn. Các vị có đau đớn và phẫn nộ khi tận mắt chứng kiến cảnh các ông giáo bà cô đã ra tay bạo hành dã man những “cái búp trên cành” mà gần đây các phương tiện truyền thông đã phản ánh không? Đây chính là hậu quả tất yếu từ lối suy nghĩ dễ dãi và thiếu hiểu biết của các vị đó. Cũng vì suy nghĩ dễ dãi và hời hợt như các vị nên khi tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm người ta đã tuyển những học sinh chỉ đạt 3 điểm cho một môn thi. Và đã vào được thì ắt phải ra được, nên giờ đây xã hội đã đầy dẫy những ông thầy, bà cô nghĩ mình đã “thầy thiên hạ” rồi nên muốn chửi, muốn đánh học trò lúc nào thì tùy (vì “thầy là cha mẹ”, “cãi thầy núi đè”...).

Các vị phụ huynh của các “búp trên cành” thương mến, thật lòng thì tôi rất lấy làm lạ là tại sao các vị lại nhiệt thành mạt sát GS Hồ Ngọc Đại như vậy? Vì theo quan sát của tôi thì đa phần các vị thường ngày có mấy người thật sự quan tâm đến chuyện học hành của con em mình đâu. Chưa hết, có người còn cho tôi biết rằng, tất cả các vị trung bình mỗi người trong một năm chỉ đọc khoảng 0,8 quyển sách thôi. Vậy mà lạ lùng làm sao trước những vấn đề khoa học chuyên môn rất phức tạp này hầu hết các vị lại rất hùng hồn tự cho mình quyền phát biểu, luận giải như một chuyên gia thực thụ vậy. Các vị nghĩ các vị là ai? Là thần thánh phương nào? Đa phần trong số các vị ai cũng nghĩ rằng mình sành sỏi chuyện đánh vần lắm nên thoải mái quy chụp, rủa sả, kết tội GS Hồ Ngọc Đại nhưng tuyệt nhiên lại không một ai có trong tay bất kỳ quyển sách nào của ông ấy, và cũng chưa từng có con cháu nào học sách của ông ấy!

Các vị phụ huynh của các “búp trên cành” thương mến, các vị có thấy mình quá đáng lắm không? Thôi thì thế này, trước khi kết thúc phần thưa chuyện với các vị, tôi xin mạo muội mượn mấy dòng trên trang cá nhân của anh Chau Ngo để gửi tặng cho các vị như vầy:

Mỗi ngày có một chuyện để cho ta bớt ngu, bớt ác. Ngày hôm qua ta hiểu ra đừng tưởng mình giỏi đánh vần. Đừng hùng hổ, không khéo vô tình giúp một tay cho đại gia đi lấy đất. Nếu không ngày mai ta sẽ phải hối hận về sự ngu dốt của ngày hôm nay.”

 

3. Thư gửi các GS, PGS, TS, Ths, văn nghệ sĩ – thành phần trí thức, “tinh hoa” của xã hội và đất nước

Kính thưa toàn thể các GS, PGS, TS, Ths cùng toàn thể các ông bà, anh chị văn nghệ sĩ trong và ngoài nước CHXHCN VN kính mến.

Đề cập tới cơn bão tranh cãi về phương pháp đánh vần trong sách Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại những ngày qua đương nhiên không thể nào không đề cập đến công lao to lớn của tất cả các vị - thành phần mà tôi tạm gọi là tầng lớp “trí thức” và “tinh hoa”... ở xứ sở mến yêu này. Sau khi đã quan sát và theo dõi rất nhiều những bài viết, ý kiến của tất cả vị liên quan đến vấn đề này (trên các phương tiện truyền thông từ lề phải đến lề trái, từ lá cải đến lá ngón..) tôi cũng xin mạn phép có đôi lời thưa chuyện với toàn thể quý vị như sau:

Kính thưa quý vị, điều đầu tiên tôi muốn nói với các vị là, một khi xã hội đã thừa nhận hay các vị tự nhận mình là “trí thức”, là “tinh hoa” của đất nước thì điều quan trọng nhất để xác nhận điều đó chính là “tư cách và thái độ trí thức” của các vị. Các vị có thể lựa chọn, hoặc là im lặng, hoặc là lên tiếng về bất kỳ vấn đề nào đó trong đời sống xã hội; và lên tiếng như thế nào đó là quyền của các vị nhưng chắc chắn một điều những gì các nói và làm sẽ tác động rất lớn đến những kẻ đang nắm quyền lãnh đạo và điều hành đất nước cũng như đại bộ phận dân chúng bình dân. Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông như hiện nay điều này càng đáng suy ngẫm hơn nữa vì tất cả những gì các vị nói và các vị làm chắc chắn sẽ lan tỏa đến toàn xã hội chỉ trong một cái chớp mắt. Hay nói khác đi, mỗi lời nói và việc làm của các vị không những phản chiếu cái “tư cách và thái độ trí thức” của chính các vị mà còn cho thấy bức tranh tổng thể về một nền khoa học, giáo dục, đặc biệt văn hóa của một quốc gia, dân tộc trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Kính thưa quý vị, qua theo dõi cuộc tranh cãi của quý vị lần này và một vài cuộc tranh cãi trước đó nữa, tôi có thể tự tin mà nói rằng khoảng hai phần ba trong số các vị đang mang trên mình những học vị, học hàm TS, PGS, GS hiện nay rất xứng đáng bị dân chúng hôm nay coi thường, dè bĩu, khinh khi... Vì thật ra, so với họ, các vị cũng chẳng hơn là mấy. Các vị bảo dân chúng giờ đây “tay nhanh hơn não”, chuyện gì cũng lên mạng chửi mắng, chê bai mà không chịu tìm hiểu rõ ngọn ngành đầu đuôi sự việc nhưng thật ra, các vị cũng có khác gì họ đâu. Có chăng chỉ là cách chửi mắng người khác của các vị được khéo léo ngụy trang dưới những con chữ mỹ miều nhưng đầy lươn lẹo của những người có chút chữ nghĩa mà thôi. Còn về bản chất tàn nhẫn và độc ác, thì xin lỗi tất cả chẳng thua gì họ. Thậm chí, nếu nói ngôn ngữ là tư duy thì sự lươn lẹo ngôn ngữ của các vị còn cho thấy các vị đểu... thật hơn dân chúng bình dân gấp vạn lần. Hay nói khác đi, các vị cái gì cũng thật nhưng chỉ có đạo đức và phẩm cách là giả.

Vậy nên, các vị hãy thôi đi, đừng có mở miệng ra là “văn hóa tranh luận” với “văn hóa phản biện”. Nghe các vị nói về chuyện này chỉ càng làm cho tôi thêm thất vọng và ngao ngán. Nhưng cũng xin mạo muội thưa với các vị là, nếu nói đến văn hóa phản biện, văn hóa tranh luận thì tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất là phải trung thực và khách quan; không xuyên tạc, không vu khống người khác. Nói nôm na là chuyện gì ra chuyện đó, cái gì người ta làm được thì nhất định phải ghi nhận và nếu muốn phản biện lại thì trước hết phải tìm hiểu kỹ lưỡng, phải đọc hết những gì người viết, xem qua tất cả những gì người ta làm chứ không nên lấy tên tuổi, danh vị của mình ra để phán một hai câu như thánh sống. Hay cụ thể hơn nữa, nhất định các vị phải tuân thủ một vài nguyên tắc cơ bản sau:

Một, người tham gia tranh luận (nhất là trong vấn đề học thuật chuyên sâu) trước hết phải có lòng tự trọng, “biết người biết ta”. Nghĩa là trước khi lên tiếng phát biểu về một vấn đề nào đó phải tự nhìn lại xem đó có phải là lĩnh vực (khoa học) mình am tường hay không, có phải sở trường của mình hay không? Nếu như chuyên môn và sở trường của anh là  Kinh tế, Văn học, Chính trị, Y khoa... mà nhảy vào tham gia tranh luận về vấn đề thuần túy về ngôn ngữ học, tâm lý, giáo dục... là “đá lộn sân”, là “múa rìu qua mắt tiêu phu” hay “vuốt mặt không nể mũi”...  Trong khoa học, việc “đá lộn sân” như thế này rất nguy hiểm vì dễ gây ra những hiểu lầm không đáng có; người “đá lộn sân” bị xem là người thiếu tự trọng thậm chí không có đạo đức khoa học… Nói như thế không có nghĩa là không cho anh lên tiếng, tuy vậy, trước khi lên tiếng nhất định anh phải tìm hiểu và nghiên cứu cho thấu đáo; và tốt hơn hết là phải kiên nhẫn, chân thành chờ đợi để lắng nghe ý kiến của những chuyên gia trong lĩnh vực ấy trước. Trên cơ sở đó, mới đưa ra quan điểm của mình thông qua các thao tác phân tích và tư duy của người làm khoa học. Có như thế may ra mới thuyết phục được người khác.

Hai, phải tôn trọng người tham gia tranh luận với mình; không công kích cá nhân; đặc biệt không được chụp mũ chính trị, không dùng lời lẽ thô tục không phù hợp với ngữ cảnh…để tấn công và hạ bệ “đối phương” …

Ba, khi tranh luận phải vô tư, công tâm và khách quan; không áp đặt quan điểm; chỉ nên bàn trực tiếp vào vấn đề chưa đồng thuận trên tinh thần khoa học chứ không nên đánh tráo khái niệm, đánh tráo vấn đề tranh luận... Nói nôm na là không nên từ chuyện nọ xọ chuyện kia làm cho vấn đề đang tranh luận không những không được giải quyết mà còn trở nên rắc rối hơn, loạn xì ngầu cả lên…

Kính thưa các vị, theo dõi cuộc tranh luận này, tôi khẳng định rằng đa phần các vị cả trong và ngoài nước đều vi phạm trắng trợn các nguyên tắc tranh luận trên đây. Tôi thấy có khá nhiều vị lúc nào cũng “một mình một phây” tuôn ra những câu, những lời như thánh phán nhưng lại chẳng biết mặt mũi những cuốn sách của ông Hồ Ngọc Đại nó tròn méo thế nào? Các vị nói rất nhiều nhưng than ôi, nghe các vị nói tôi chỉ thấy nồng nặc cái mùi ghanh ăn ghét, vị kỷ, nhỏ mọn của những ông già, bà lão vừa khệnh khạng, kẻ cả vừa bảo thủ, giáo điều. Các vị không ưa mấy ông cộng sản, không ưa cái chế độ này thì tôi đã biết rồi nhưng đây là vấn đề khoa học, các vị có thể rạch ròi và công tâm chút được không? Chỉ vì thấy hai câu ca dao “Tháp Mười...Bác Hồ” dạy cho bọn trẻ đánh vần mà các vị lại kỳ thị các hệ thống triết lý và quan điểm, phương pháp giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại sao? Chưa hết, khi ông ấy huơ tay, chỉ trỏ trong lúc phát biểu các vị cũng kỳ thị mà không chịu cầu thị lắng nghe để thấu hiểu những gì ông ấy nói. Tại sao như vậy, các vị có thấy bản thân mình vô lý và quá đáng lắm không? Ông ấy huơ tay múa chưn khi phát biểu thì đã làm sao? Không phải ở cái xứ sở này có vô số kẻ bề ngoài lúc nào cũng trang nghiêm, đạo mạo; nói năng từ tốn, nhẹ nhàng ra vẻ khiêm nhường nhưng kỳ thực toàn làm những chuyện vô đạo, hại dân hại nước đó sao? Các vị là nhà khoa học, được học hành bài bản mà nhìn con người một cách hời hợt và dễ dãi như vậy đó sao?

Rồi có không ít vị GS, TS ở hải ngoại, tuy tư duy nghiên cứu và thao tác lập luận rất logic và bài bản nhưng tiếc thay cũng vì không có bất cứ tài liệu nào của ông Hồ Ngọc Đại trong tay nên nếu không rơi vào tư biện thì cũng là cả vú lấp miệng em, xuyên tạc, gán ghép những điều mà ông ấy chưa từng nghĩ tới. Đã vậy đa phần các vị còn bất chấp một thực tế khách quan là sách và hệ thống quan điểm, triết lý giáo dục cũng như toàn bộ quy trình, phương pháp tổ chức lớp học của ông Hồ Ngọc Đại và các cộng sự đã ra đời và tồn tại từ năm 1978 đến nay (trên thực tế đã có một lần tổng kết, đánh giá và chuyển giao vào năm 1995). Dĩ nhiên, không phải tất cả những gì liên quan đến sách của ông Đại cũng là toàn bích và hoàn hảo. Nhưng “mọi lý thuyết đều màu xám...” thử hỏi, nếu sách và quan điểm giáo dục nói chung của GS Hồ Ngọc Đại tệ hại, không ra gì thì sao nó lại tồn tại đến hôm nay không? Nếu các vị không tin có một Ngô Bảo Châu hay Nguyễn Lân Hiếu đã từng là thế hệ học trò đầu tiên với sách và phương pháp của ông Đại thì cũng nên tìm hiểu và lắng nghe tiếng nói của nhiều thế hệ khác nữa trong 40 năm qua (điều này thiển nghĩ đâu có khó khăn gì). Và dù muốn dù không thì đây vẫn là một dữ kiện, một thực tế, “một cây đời” nhất định chúng ta phải xem xét đến nếu như chưa có một công trình tổng kết nào để so sánh với những bộ sách hay những cách làm khác. Các vị nên nhớ rằng, trên đời này có vô số vấn đề, vô số chuyện không phải lúc nào cũng có thể lý giải bằng tư duy logic của các vị được đâu! Còn các con số thống kê, các thông số so sánh trong nghiên cứu khoa học ư, xin thưa ở Việt Nam đa phần chỉ là trò hề!

Kính thưa toàn thể quý vị, nếu ai đó nói rằng, xã hội và đất nước Việt Nam hôm nay không thể phát triển được thì theo tôi, trước hết và phần nhiều cũng do chính các vị mà ra. Và không riêng gì cuộc cãi vã lần nay, các vị hãy thử một lần tự vấn lương tâm mình xem, trước một vấn đề học thuật nào đó các vị có thật sự chân thành lắng nghe và đồng thuận với nhau không; có chịu nhìn nhận tài năng của nhau không hay là các vị chỉ giả vờ khen qua khen lại; hoặc không thì lại vùi dập và khen chê theo kiểu cánh hẩu, bè phái, học phái, “lính anh lính tôi” để chia chác nhau các dự án, các đề tài khoa học cấp nhà nước? Các vị hãy một lần tự kiểm điểm bản thân mình xem, cùng thời gian 1978, công trình nghiên cứu và ngôi trường thực nghiệm của ông Hồ Ngọc Đại ra đời và vận hành cho tới hôm nay các vị đã đóng góp gì cho nền giáo dục nước nhà? Hàng lô hàng lốc các đề tài, các công trình khoa học cấp Nhà nước và hàng đống “tác phẩm nghệ thuật” (thơ, văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, điện ảnh đoạt giải thưởng quốc gia) do các vị đã chế biến ra hiện giờ đã vứt đi đâu hết rồi? Các vị chỉ giỏi tự ái và định kiến hẹp hòi khi thấy điệu bộ (thực ra là những cử chỉ phi ngôn ngữ rất bình thường) của GS Hồ Ngọc Đại lúc ông ấy phát biểu nhưng lại im lặng một cách đáng nghi ngờ và khinh bỉ về chuyện Ban tuyên giáo trung ương ra một công văn với nội dung rất vô lý và mang nặng tính áp đặt là đề nghị Bộ giáo dục và đào tạo trong lúc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới “phải bám sát định hướng của Đảng”; thậm chí là “rút toàn bộ tác phẩm của những tác giả có tên trong “Văn đoàn độc lập” ra khỏi chương trình sách giáo khoa môn ngữ văn mới”... các nay mấy tháng (tháng 3/2018). Nếu là một nhà khoa học, nhà giáo dục chân chính sao không thấy các vị đường hoàng lên tiếng phản đối vụ này?

Hay như gần đây, các vị luôn mồm lên án, phê phán các “lò ấp Thạc sĩ, Tiến sĩ”; rồi các vị góp ý với Nhà nước cần phải đưa những tiêu chí thật khoa học để phong học hàm GS, PGS cho phù hợp với thông lệ và hội nhập quốc tế nhưng tôi xin hỏi các vị một câu thôi, các vị có dám bước ra giữa trời đất mà thề rằng cả đời mình chưa từng nhận phong bì của bất kỳ một học viên cao học hay nghiên cứu sinh nào khi ngồi hội đồng chấm luận văn, luận án; hoặc lúc thẩm định hồ sơ để phong GS, PGS của họ không? Các vị có dám thề nếu gian dối nửa lời sẽ bị thiên lôi sẽ “dòm ngó” trong một ngày không xa không? Nếu không dám thì xin các vị đừng lớn giọng nữa nhé! Các vị nghĩ rằng chỉ cần có một hai bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thì bè bạn thế giới sẽ kính trọng và thừa nhận các vị; thừa nhận đất nước và con người Việt Nam hôm nay sao? Xin thưa, các vị không những rất lầm mà còn rất hoang tưởng. Đương nhiên, bạn bè quốc tế sẽ ghi nhận trí tuệ của các vị nếu các vị có những công trình khoa học tầm cỡ nhưng đừng nghĩ rằng như thế là họ đã tôn trọng và thừa nhận một dân tộc (trong đó có các vị) lúc nào cũng chia rẽ và đầy sân hận; hay một đất nước, một quốc gia đã nghèo nhưng lại không có phẩm cách vì các vị GS TS – tầng lớp trí thức, tinh hoa của quốc gia ấy cư xử với nhau chẳng ra gì.

Kính thưa toàn thể các vị, tóm lại, nhìn thái độ trí thức” của các vị qua những cuộc cãi vã hôm nay, rất chân thành và tự tin tôi cho rằng: chính các vị chứ không phải ai khác đã làm cho nền nền khoa học và giáo dục, văn hóa nước nhà trở nên bát nháo, lộn xộn và bầy hầy. Người dân bình thường vốn đã và đang cạn kiệt niềm tin thì lẽ ra trong vai trò và tư cách của những trí thức trong xã hội các vị phải có trách nhiệm giúp họ tìm và củng cố lại những điều ấy. Vậy mà, chua xót và xấu hổ thay chính các vị chứ không phải ai khác là thủ phạm, là đầu têu làm cho họ hoang mang và bấn loạn thêm hơn. Tôi nghĩ, các vị hãy mau mau sám hối đi, và nếu thành tâm thì vẫn còn kịp đấy!

 

4. Thư gửi các anh chị phóng viên, nhà báo lề trái, lề phải, lá cải, lá ngón...

 

Các anh chị nhà báo thương mến, lời đầu tiên tôi muốn hỏi là các anh chị có khỏe không, đã lấy lại phong độ sau “cuộc chiến” vừa qua chưa? Không biết sau vụ cãi vã này tài khoản ngân hàng của các anh chị tăng lên bao nhiêu rồi nhỉ? Tôi nghĩ chắc cũng không ít đâu nếu tính luôn cả tiền đánh đấm cho phe nọ phe kia và tiền nhuận bút cho những bài báo với những cái tít đầy sáng tạo nhưng có khi chẳng ăn nhập hay liên quan gì đến nội dung bài viết bên dưới của các anh chị? Đùa với các anh chị chút cho vui, chứ thật ra, tôi biết đa phần các anh chị, nói cho cùng cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi. Hơn nữa, dù sao với các anh chị khi làm nghề, điều quan trọng nhất, theo tôi biết là phải bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền cho Đảng và Nhà nước ta theo nguyên tắc “tốt khoe xấu bưng bít”. Với nữa, lâu nay sở trường của các anh chị chủ yếu là ở những mảng đề tài như “cướp, hiếp, giết” hay đi sâu, đi sát nhằm lột tả tỉ mỉ và sinh động những cuộc tình tay ba, tay tư của các em người mẫu chưn dài, vú bự, mông to với các đại gia trong giới “sâu bích”; hoặc không thì canh me các doanh nghiệp nào đó làm ăn lời lỗ ra sao, có sai phạm gì không sau đó đưa đẩy, gợi ý, đặt vấn đề quảng cáo, PR, nếu không thì dọa dẫm “anh mà không biết điều tôi sẽ phanh phui chuyện làm ăn của anh”... Vì vậy, với mảng đề tài về văn hóa và giáo dục anh chị đương nhiên sẽ gặp khó (vì như tôi đã trình bày ở trên với mảng này các GS TS của ta còn đang cãi nhau như mổ bò huống chi là các anh chị). Và sẽ càng khó hơn nữa nếu các anh chị chỉ cần nghiêng về phe này hoặc ngã sang phe kia một chút thôi thì bản chất của sự việc mà anh chị lên tiếng hay phản ánh đã không còn nguyên vẹn. Hoặc có những anh chị nhân chuyện này muốn “câu” bạn đọc bằng những tít bài giật gân, thêm mắm dặm muối (tuy bàn về vấn đề rất quan trọng là giáo dục và văn hóa nhưng hoàn toàn chẳng có chút văn hóa nào) thì câu chuyện khi đến tay bạn đọc cũng đã khác đi rất nhiều. 

Các anh chị nhà báo thương mến, đương nhiên chuyện gì cũng vậy, chúng ta không nên đánh đồng hay quơ đũa cả nắm. Tôi biết vậy nên trong thời buổi loạn lạc và nhiễu nhương hôm nay, tôi vẫn tin không phải xã hội chúng ta không còn những nhà báo, những ngòi bút lương thiện và tử tế. Nhưng có lẽ cũng phải nói rằng, những ngòi bút lương thiện và tử tế trên toàn cõi nước Việt hôm nay chắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

Các anh chị nhà báo thương mến, hẳn các anh chị đã biết, ở các quốc gia văn minh và tiến bộ, lâu nay người ta vẫn quan niệm rằng báo chí truyền thông là cơ quan “quyền lực thứ tư” trong xã hội. Tuy rất thông cảm với các anh chị vì phải làm việc trong một môi trường và định chế hiện nay (liên quan đến hoạt động báo chí truyền thông) nhưng vì nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa; với lại như cha ông xưa đã đúc kết “bút sa là gà xối mỡ” hay “trâu không uống nước ai đè đầu trâu cho được”... Vậy nên, cho dù các anh chị có phiền, có ghét thì tôi vẫn phải nói rằng: nếu ở các nước văn minh, báo chí là cơ quan “quyền lực thứ tư” thì ở Việt Nam đôi khi nó là cái thứ... gì đó (chứ không phải thứ tư, thứ năm, thứ sáu hay thứ bảy, chủ nhật) rất khủng khiếp và tàn nhẫn. Cuộc cãi vã của toàn xã hội vừa qua liên quan đến sách và phương pháp dạy học của GS Hồ Ngọc Đại (với sự góp sức nhiệt thành của các anh chị) là một minh chứng cụ thể, rõ ràng và sống động nhất. Hay nói khác đi, tất cả các anh chị là những người đã và đang góp phần làm nên nền báo chí vừa nhạt nhẽo vừa “xôi thịt” này nên dù muốn dù không nhất định các anh chị phải chịu trách nhiệm trước tiên. Nếu còn lương tri, tôi mong các anh chị hãy thử một lần buông bút và tự nhìn ngắm lại bản thân mình; lục và tìm lại trong “gia tài” và sự nghiệp cầm bút của mình xem đến giờ phút hiện tại có bao nhiêu bài báo có giá trị; có xứng đáng với những đồng tiền mồ hôi nước mắt mà người dân đã góp vào để trả lương, nuôi sống các anh chị hay không?

Nói thật, không riêng vụ này, tôi nghĩ các anh chị cũng nên sám hối đi là vừa nhất là với những ai đã từng bẽ cong ngòi bút hay thậm chí là dùng máu của người dân Việt Nam làm mực viết bài kiếm tiền để xây nhà lầu và mua xe hơi. Các anh chị hãy thử một lần tự vấn và gột rửa lương tâm mình đi. Được như vậy, tôi tin xã hội này chắc chắn sẽ bớt suy đồi và nhiễu nhương hơn! Xin chân thành cảm ơn các anh chị!

 

5. Thư gửi các quan chức lãnh đạo đất nước và ngành giáo dục

Kính thưa toàn thể các vị đã, đang là lãnh đạo trực và gián tiếp cai quản nền giáo dục nước nhà kính mến! Với các vị tôi chỉ xin được nói hai vấn đề rất ngắn gọn như sau:

Thứ nhất, nếu các vị nói giáo dục là “chìa khóa để thành công”, là “quốc sách hàng đầu” để xây dựng, phát triển đất nước. Nhất là thông qua hệ thống giáo dục để tạo ra các thế hệ CON NGƯỜI VIỆT NAM XHCN hay xây dựng nền Văn Hóa Việt Nam “Tiên Tiến Đậm Đà Bản Sắc Dân Tộc” thì theo tôi, đến giờ phút này (cụ thể là qua cuộc tranh cãi lần này) các vị đã và đang rất thành công rồi đó.

Thứ hai, khi các vị quyết định lựa chọn một ông GS TS nói năng ngọng nghịu giữ chức Bộ trưởng để trực tiếp triển khai cái quốc sách của mình; hay như gần đây các vị kiên định lập trường không cho bất cứ một tờ báo chính thống nào phản ánh hay đề cập đến việc ông GS TS ấy bị tố đạo văn nhằm bảo vệ tới cùng thanh danh và sự nghiệp chính trị của ông ta thì theo tôi đó chính là sự bản lĩnh, dũng cảm và vô cùng sáng suốt của các vị.

Vậy nên, để không mất thời gian của các vị, tôi xin nói ngắn gọn thế này: TÔI KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI VỚI CÁC VỊ NỮA! Đời người vốn ngắn ngủi và vô thường, mới thấy đó mà quốc tang đó nên các vị hãy cùng nhau vui sướng với sự nghiệp giáo dục mà các vị đã, đang triển khai trên toàn cõi đất nước Việt hôm nay đi. Và xin các vị hãy nhớ là “đừng nên xấu hổ khi nói dối” nhé! Chỉ có như vậy mới có thể góp phần đưa đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến bền vững lên CNXH nhằm an ủi linh hồn của hai cụ Mác – Lê nơi chín suối (vì theo tôi biết từ khi học thuyết của hai cụ ra đời cho đến giờ, trên thế giới chỉ mỗi Việt Nam của chúng ta là vững tin và thành tâm, thành kính nhất nhất làm theo hai cụ thôi, ngay cả anh “bạn vàng” Trung Quốc thấy vậy chứ cũng láu cá lắm còn anh Cu Ba thì nghe đâu mới đây cũng đã ngoảnh mặt lại với hai cụ ấy rồi).

Xin trân trọng cính trào các vị!

6. Vĩ thanh: Việt Nam – một dân tộc rời rạc và đầy sân hận?

Theo truyền thuyết kể lại thì thủy tổ của người Việt là do Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ kết hợp lại tạo thành. Cũng theo thuyết này thì sau khi sinh ra cái bọc 100 trứng nở ra 100 đứa con thì Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ không biết hục hặc chuyện gì (có khi là do đông con và kinh tế quá khó khăn) mà lại chia tay nhau. Mỗi người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng 50 mươi đứa theo hai ngã đường khác nhau. Mẹ lên rừng, cha xuống biển, từ đó coi như cha mẹ anh em ly tán, chia lìa, tan đàn xẻ nghé. Đây phải chăng chính là điềm báo, là định mệnh vì lẽ thường, đường lâu ngày không đi cỏ dại sẽ phủ, anh em lâu ngày không gặp sẽ thành người dưng. Vì vậy mà dân tộc này lại đầy dẫy những câu hát, câu kệ, lời sấm truyền rất kinh điển như: “Bầu ơi...”, “Nhiễu điều...”, “Anh em như thể...., “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết...”

Tuy nhiên, đáng tiếc thay những câu sấm truyền mang nội dung như vậy lâu nay dưới mái trường XHCN, người ta chỉ dạy cho các thế hệ người Việt rằng đó là niềm tự hào của dân tộc ta – một dân tộc nhân hậu lúc nào cũng yêu thương, đùm bọc nhau mà không chịu và không dám đặt lại, lật lại vấn đề, rằng Việt Nam thực ra là một dân tộc rất rời rạc và đầy sân hận; lúc nào nghi kỵ và hoàn toàn chẳng biết tương kính và yêu thương nhau, quan tâm nhau thật lòng?

Nghĩ lại mà xem, một dân tộc suốt 4000 năm chỉ quay cuồng trong những cuộc chiến tranh đẫm máu, đánh đuổi kẻ thù xâm lược xong rồi thì anh em quay sang tương sát, tương tàn lẫn nhau theo kiểu “hết kẻ thù rồi giết bạn mình luôn”.

Hay như giờ đây, giang sơn thu về một mối hơn 40 năm nhưng lòng người thì tan hoang, ly tán chẳng biết bao giờ mới có thể hòa hợp, hòa giải. Có dân tộc nào đoàn kết, yêu thương nhau mà chỉ vì sự ra đời của một cuốn sách, hay chính xác hơn là một từ trong cuốn sách ấy “không được nổ súng” hay “không được nổ súng trước” lại lao vào đấu tố như thể muốn ăn tươi nuốt sống nhau như vậy không? Hay chỉ vì khác nhau trong phương pháp và tổ chức dạy học cho những đứa trẻ lớp 1 mà cả xã hội từ thường dân cho đến trí thức lại chia phe rồi lao vào tấn công nhau tới tấp như thể kẻ thù không đội trời chung? Một dân tộc mà hết bạo lực cách mạng, bạo lực vũ trang lại chuyển sang bạo lực tinh thần trong sự nghi ngờ và sân hận như thế thì có gì mà tự hào? Hay một dân tộc có lẽ là duy nhất trên thế giới có ngày kỷ niệm “Đại đoàn kết dân tộc” (18/11) hàng năm mà đối xử với nhau như vậy thì đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau cãi nỗi gì?

Tóm lại, ai đó nói rằng, dân tộc Việt là một dân tộc “dễ bị tổn thương” riêng tôi, tuy không phản bác chuyện này nhưng phải chăng nếu nghiêm khắc hơn phải nói rằng Việt Nam là một dân tộc rời rạc và đầy sân hận? Chừng nào chưa biết cầu thị và nghiêm túc nhìn lại mình để thay đổi thì chừng đó đất nước này, dân tộc này đừng mong gì một sự “cất cánh” hay một sự thừa nhận và kính trọng thật lòng từ bạn bè quốc tế.

 

CT, 26/9/2018

Q.H.N

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 26-9-18)