PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930

Đàn bà mới của một nước mới Thổ Nhĩ Kỳ(*)

 

Thổ Nhĩ Kỳ, trước kia bị kêu là nước “đau mòn” bất kỳ về phương diện nào, chánh trị, kinh tế hay là văn hóa, cũng đều bị các nước mạnh lấn lướt, bao nhiêu quyền lợi trong nước đều mất sạch. Sau khi bị thua trong cuộc chiến tranh 1914-1918, quốc thế lại càng nguy lắm: Chốn thủ đô bị các nước Hiệp ước đóng quân mà hiếp chế, hải quân bị cầm lại một chỗ, lục quân hầu hết bị giải võ trang; lại các cửa biển yếu hại, các đường hỏa xa đều bị ngoại quốc chiếm giữ; việc chánh trị rối loạn, giềng mối tan tành, thiếu chút nữa thì mất nước. Vậy mà từ mùa hạ năm 1919, ông Mustapha Kemal cùng bọn đồng chí dựng cờ cách mạng về sau, hiệp sức đồng lòng, lo chấn chỉnh mọi việc, một mặt thì khéo dùng chước ngoại giao, một mặt thì thức tỉnh dân trong nước, mà rồi tình thế thay đổi; nước Thổ Nhĩ Kỳ trở thành ra nước độc lập hoàn toàn. Hiện bây giờ, cuộc cách mạng của họ hẳn đã thành công, cái nước đau mòn hồi trước bỗng đứng dậy chen chưn vào hàng liệt quốc.

Tiếng sấm mùa xuân làm cho bao nhiêu loài sâu bọ núp dưới đất đều dậy lên hết thảy; cuộc cách mạng cũng vậy. Nước Thổ Nhĩ Kỳ hồi chưa có cuộc cách mạng, nào ai có biết sự “phụ nữ vận động” là gì. Thế mà sau khi tiếng trống cách mạng đã vang ra rồi, cuộc phụ nữ vận động đâu đó nô nức dậy lên.

Trước kia Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có tiếng là nước mà đàn ông hay cưới nhiều vợ; đàn bà con gái chẳng có mảy may quyền lực gì, hễ đi ra thì phải lấy lúp(1) che mặt, ngồi trong xe trong thuyền thì phải ngồi yên một chỗ, không được ló đầu lội mặt ra; nói tóm lại là một trăm sự gì cũng không được tự do hết. Thế mà ngày nay những cái thói tục hủ bại ấy đã bỏ đi, những cái khuôn phép eo hẹp ấy đã nới ra, hết thảy đàn bà Thổ đều trông thấy ánh sáng mặt trời, bước đi trên con đường khoang rạng. Sự thay đổi ấy thế nào chúng tôi xin chia ra từng khoản mà giới thiệu cho nữ đồng bào được biết.

1. Cái mầm sự đổi mới

Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng năm 1808-1830, là thời kỳ vua Mohammed le Grand trị vì. Vua có mẹ là người Pháp, khôn sang và tài giỏi, hồi nhỏ vua nhờ bà dạy dỗ nhiều, lại vì đó mà được làm quen với Napoléon I, cho nên vua hết sức giục lòng cho dân nước mình theo phong tục nước Pháp; vua lại còn bắt chước quân chế nước Pháp mà tổ chức lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ Nhĩ Kỳ có nhiễm được một đôi chút phong hóa Âu châu là bắt đầu từ hồi đó.

Năm 1839, vua Abdul Medjid lên trị vì, lại là một ông vua giỏi, ở ngôi 22 năm, đổi mới những chế độ trong nước chẳng phải ít. Có một điều nên chú ý, là bấy giờ các nhà văn học mới của Thổ Nhĩ Kỳ đều có chịu ảnh hưởng của tư tưởng các nhà văn học Pháp mà tấn bộ hơn xưa; vả lại bọn nầy rất thế lực trong thời ấy; vì vậy tư tưởng của người Thổ cũng đổi mới lần đi, cho đến hàng phụ nữ cũng chịu ảnh hưởng của họ nhiều ít.

Song le, đến năm 1876, vua Abdul Hamid II nối ngôi, ông nầy lại là một ông vua chuyên chế hết bực. Thứ nhứt, là phản đối với Âu hóa, phàm những người có tư tưởng mới, bị vua xét biết được, đều phải chịu sự đày đoạ đau đớn suốt đời; vì vậy ai ai cũng lấy làm sợ hãi, không biết mình bị tội ngày nào. Tuy vậy, cái tư tưởng Âu châu hồi đó đã ăn sâu vào óc những hạng người thức giả, dầu vua có chuyên chế mấy đi nữa, họ cũng thà rước đàn bà Âu Mỹ về dạy con cái mình, mà không chịu cho vào học trường bổn quốc lập ra. Lại còn các quan viên đi ra ngoại quốc, đem gia quyến đi theo, những con cái họ lại có dịp học ở các trường Âu Mỹ, về sau bọn nầy trở về nước, nghiễm nhiên thành ra hạng tân nhân vật, lãnh cái trách nhiệm khai hóa cho người đồng bang. Ngoài các cớ ấy, các cố đạo các nước đến truyền giáo trong nước Thổ, cũng có ảnh hưởng cho bọn thanh niên nam nữ xứ họ rất nhiều. Có ảnh hưởng nhiều hơn hết, là trường Trung học của chánh phủ Thổ lập ra năm 1863; trường nầy có ít giáo sư người Thổ, còn bao nhiêu thì là người Pháp hết, hầu hết học sanh đều chịu tư tưởng mới của nước Pháp. Lúc nầy trong nước Thổ lại có lập ra nhiều học đường theo kiểu mới, mà đáng kể hơn hết là trường Đại học riêng cho phụ nữ.

Cũng vì vua Abdul Hamid II chuyên chế quá tay, làm cho Thổ Nhĩ Kỳ ngày một suy mòn, lòng dân bất phục, cho nên hồi cuối thế kỷ XIX, trong nước có nẩy ra một đảng gọi là “Thiếu niên Thổ Nhĩ Kỳ” do bọn thanh niên chí sĩ tổ chức. Đến năm 1908, quân cách mạng của đảng ấy nổi lên và được thành công; dầu có bọn phản đối ra mặt chống cự lại, song không bao lâu thì dẹp yên được cả. Ngày 24 tháng tư năm 1909 là ngày đảng Thiếu niên bình định mọi sự loạn lạc trong nước. Họ bèn quyết nghị phế vua Abdul Hamid II. Sau khi ông vua chuyên chế ấy xuống khỏi ngai, số học trò trong các trường càng ngày càng đông đúc mà rồi cái tư triều Âu Mỹ lần lần bủa khắp chốn dân gian. Cái mầm sự đổi mới của phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nẩy nở ra, nên kể cho là từ thời kỳ đó vậy.

2. Trận âu chiến với đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ

Từ thế kỷ XVIII về sau, nước Nga lấn qua phía Nam càng ngày càng ngặt, làm một cái lo lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nước Thổ hễ có xảy ra cuộc biến loạn gì, đều là nước Nga chủ động cả, thành ra người Thổ thù người Nga đã lâu lắm. Kịp đến cuối thế kỷ XIX, nước Đức dấy lên, có ý xâm lược phương Đông, bèn hết sức giao hoan cùng nước Thổ; anh nầy cũng lấy làm may mà được dựa anh kia. Bấy giờ cuộc diện Âu châu lại xoay ra thế khác: Hồi trước, nước Anh nước Pháp vốn binh vực nước Thổ để chống lại nước Nga; song bây giờ thấy nước Đức lồng lên, lại quay lại liên Nga để cự Đức. Thổ Nhĩ Kỳ tình cờ gặp thời cơ ấy, tự nhiên phải làm thân với Đức mà xa Pháp và Anh. Vì có sự quan hệ như vậy với nhau, mà trong cơn Âu chiến, nước Thổ phải đi một phe với nước Đức, và kết quả phải cùng nhau thất bại vậy.

Nước Thổ dầu bị thua, thiếu điều vong quốc như đã nói trên kia, nhưng trong trận chiến tranh trong bốn năm đó, có nhiều dịp làm bổ ích cho phụ nữ họ. Hồi đó, trong nước Thổ đàn ông đi đánh giặc hết, mọi sự làm ăn phải bỏ bê trễ. Sự sống là cần hơn hết, tự nhiên đàn bà phải ra mà đảm đang. Bấy giờ các công việc chốn thành phố như là các nhà buôn, nhà giây thép, các sở coi việc giao thông, đều có thấy đàn bà ra gánh việc. Theo tục nước Thổ, đàn bà ra đường thì phải che lúp nơi mặt, nếu không thì là thất lễ; song bấy giờ vì sự làm việc, dùng lúp không tiện, nên từ đó phụ nữ bắt đầu để mặt trần. Nhờ dịp đó mà tâm lý của hạng nữ lưu ở các nơi đô hội đều thay đổi hết; những sự bó buộc ngày xưa bây giờ không còn có hiệu lực nữa, ai nấy đều muốn ăn theo thuở ở theo thời.

Ngày 16 tháng 10 năm 1923, là ngày nước dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ thành lập, quân đội vừa hát khải hoàn vừa đi vào thành Stamboul thì theo sau có một đoàn phụ nữ thanh niên, gồm những cô giáo và các trò nữ học, tay cầm cờ và mặt không có lúp nữa; hết thảy đều hò reo nhảy nhót, một mặt thì mừng cho nước được tự do độc lập, một mặt thì mừng cho mình được “bỏ lúp” được giải phóng một cách quang vinh!

3. Cuộc vận động về nữ quyền

Từ khi nước Thổ đổi làm dân chủ, rồi nữ quyền cũng nhơn đó mà dấy lên. Những quy điều của Hồi giáo coi như lề luật thần thánh ngày xưa, bây giờ không còn đủ quyền phép mà ràng buộc người ta nữa. Muốn cho thích hạp với thời đại, quốc hội nước Thổ phải châm chước theo dân luật nước Thụy Sĩ, hình luật nước Ý, thương luật nước Đức mà thi hành. Ấy là nói về pháp luật phổ thông. Còn riêng về pháp luật quan hệ tới phụ nữ, thì cuối mùa xuân năm 1924, quốc hội đặt ra một ban uỷ viên thảo luận về những luật quan hệ tới gia đình, đã có nhiều người muốn phế trừ cái chế độ nhiều vợ. Ngày 17 tháng giêng năm ấy, lại có bốn trăm đàn bà hội nghị tại Constantinople, đem những sự tự mình muốn cải cách ra mà bàn luận, rồi làm thành một biên bản trình cho quốc hội. Trong cuộc hội nghị ấy họ hết sức phản đối ba điều nầy: 1. cái chế độ nhiều vợ; 2. cưới gả sớm; 3. cách để bỏ dễ dàng. Kết quả cuộc hội nghị họ cử ra tám người đàn bà, tổ chức một ban uỷ viên, yêu cầu các việc; mà ban uỷ viên đó, bà Hanum là người có danh tiếng nhứt đứng đầu. Họ lại có rước bốn người đàn ông thạo về pháp luật để làm cố vấn, hiệp tác cùng mình, nhờ vậy mà sự tấn hành của ban uỷ viên được nhiều bề thuận tiện.

Cuối mùa thu năm 1925, ở hội nghị quốc dân được thông qua những luật lệ quan hệ về sự sanh hoạt trong gia đình. Ngày 1 tháng 10 năm 1926, ban hành hiến pháp mới; ở đầu của dân luật nói ngay về luật lệ gia đình. Trong chương ấy có bảy điều nói riêng về phụ nữ, đều là những điều để binh vực quyền lợi cho họ. Từ đó trong nước Thổ bỏ đứt cái chế độ một chồng nhiều vợ, mà làm theo cái chế độ một chồng một vợ. Lại còn có một điều đáng kể là điều thắng lợi của phụ nữ, ấy là từ nầy về sau, họ cũng có quyền như nam tử, được hưởng gia tài.

Về các thói quen trong xã hội lâu nay cũng cải cách được nhiều, như:

1) Từ trước con gái Thổ lấy chồng phải do quyền cha mẹ, sau khi về nhà chồng bỏ lúp xuống rồi mới thấy được mặt chồng; trong khi làm lễ kết hôn, vợ chồng cũng không thấy mặt nhau, và không có một người đàn bà nào được dự lễ; còn đến sự để bỏ thì quyền ở cả trong tay người chồng, sau khi chồng nói với vợ ba lần rằng “Tao không ăn ở cùng mầy nữa” rồi thì liền ly dị nhau, vợ không có phép đôi co kiện cáo gì hết, chỉ cúi đầu mà chịu một bề. Nhưng theo dân luật mới, thì phép kết hôn toàn làm theo kiểu mới, và lễ tiết rất là đơn sơ; đến sự ly hôn thì vợ chồng đều có quyền như nhau cả; phàm vợ chồng lấy nhau, phải ở chung với nhau hơn ba tháng rồi bấy giờ có muốn ly dị mới được phép ly dị. Vả lại trong dân luật cũng định cho con trai con gái được giao tế cùng nhau, ấy chẳng khác thừa nhận sự luyến ái tự do là chánh đáng vậy.

2) Từ trước con trai con gái hay là đàn ông đàn bà mà đi trong xe trong tàu thì phải ngồi riêng chỗ ra, nam theo nam, nữ theo nữ; bây giờ không có vậy nữa, ai muốn ngồi đâu thì ngồi, không phân biệt chi hết.

Tóm lại Chánh phủ Thổ Nhĩ Kỳ cốt muốn giải phóng cho phụ nữ, nhắc cái địa vị người đàn bà cao lên, nhận biết rằng người đàn bà con gái mà bị cấm cung thì hóa ra ngu hèn dốt nát, không bằng cho họ được xông pha tự tiện. Vì vậy phụ nữ Thổ ngày nay đổi cả cách thức ngày xưa, mới trong mười năm mà đã khác hẳn một trời một vực.

4. Nói qua về sự giáo dục phụ nữ

Đàn bà Thổ mà được mở mang tri thức, đổi cách sanh hoạt mau chóng như vậy là nhờ ở sự giáo dục lan khắp. Chánh phủ họ thấy trong nước các trường tiểu học lơ thơ, cách dạy cũ kỹ, biết rằng phải có cải lương mới được, nhơn đó đặt thêm nhiều trường nữ học và đổi cách dạy theo lối mới. Sau đó vài năm, các cô giáo ở trường Nữ sư phạm tốt nghiệp ra, đi dạy trong các trường làng, được dân sự nhà quê trằm trồ khen ngợi một cách lạ. Đó tuy là cái kết quả tốt của Chánh phủ đã tạo ra, song cũng nhờ bọn phụ nữ biết gắng công mới thành.

Năm 1925, chánh phủ Thổ vì nghĩ cho sự học về gia chánh là cần kíp, nên có rước một vị nữ giáo sư chuyên môn về gia chánh bên nước Mỹ qua dạy trong trường Nữ sư phạm tại Stamboul. Hết thảy dân Thổ cho việc ấy là phải lắm và hết sức lấy làm quý hóa. Trường Đại học Stamboul cũng có lựa học trò gái vào học, định cho bên nữ cũng đồng chịu một thứ giáo dục như bên nam; trong trường ấy có khoa Y học và Pháp chánh là có tiếng hơn hết, thì bên Y học đã có được 450 nữ học sanh, mà 30 trò đã tốt nghiệp; ấy là cứ theo sự điều tra năm 1928.

Trường đại học riêng cho con gái ở Constantinople đối với cuộc giải phóng của phụ nữ Thổ thiệt là có công; hầu hết những đàn bà Thổ có danh thời nay, có công lao trong cuộc cải cách, đều tốt nghiệp ở trường ấy mà ra cả. Như nàng Hanoum, một nhà chí sĩ Thổ thời nay, tốt nghiệp ở trường ấy năm 1901; từ năm 1908 đến 1909, trong khi gây cái phong triều cách mạng, nàng Hanoum đi diễn thuyết khắp nơi, giục giã nhân dân nổi nghịch cùng chánh phủ cũ. Về sau đấy, nàng lại còn bôn tẩu hô hào, vận động sự mở trường nữ học, làm cho phụ nữ cả nước có dịp được chịu giáo dục như con trai; công của nàng thiệt là nhiều lắm vậy.

Trường Đại học con gái ở Constantinople cũng có mở riêng một khoa dạy về Y học; mục đích của họ định sau nầy sẽ dùng những tay nữ y sanh ấy mà cải lương hết thảy việc vệ sanh chung cho cả nước.  Ngoài ra, ở các thành lớn trong nước Thổ, hầu hết đều có mở trường Đại học hoặc Trung học cho con gái; cũng có những trường nữ học lập riêng, thành tích rất rõ ràng. Ở thành Constantinople, lại có hai hội Nữ thanh niên của đạo Tin Lành, chuyên về sự giúp việc cho xã hội, hiện đã có đến 850 hội viên rồi.

5. Kể một ít nhân tài trong nữ giới

Hai vị nữ sĩ Hannum và Hanoum đối với cuộc phụ nữ vận động, có công lao và ảnh hưởng thế nào, trên kia đã nói sơ qua. Ngoài hai vị ấy, còn có mấy người mà chúng ta nên để ý vào: Tháng giêng năm 1924, có ba người nữ học sanh là Turkhan, Naurich, và Yhera ở lại trường Đại học Stamboul chia nhau mà đậu đầu trong ba khóa: văn học, triết học và địa lý. Việc nầy nếu ở nước nào thì chẳng có gì đáng lạ, song ở Thổ Nhĩ Kỳ thì thật là người ta mới thấy có một lần. Tháng 7 năm 1925, tại trường học tàu bay Ankara, người ta cũng có lựa vào ba vị nữ học sanh. Mùa hạ năm 1927, có ba người con gái nhơn thấy một chiếc thuyền vì cả sóng mà bị úp, chú lái lại dốt nghề bơi, bèn rủ nhau lội ra cứu vớt; nếu không có ba người nầy thì chú lái kia đã chết mất rồi. Ở vào thời đại cấm cung đàn bà hồi xưa, thì đâu có việc bạo dạn đáng khen như vậy!

Mà được như vậy là nhờ người ta đã chăm nom đến việc thể thao cho đàn bà. Nầy, hãy xem, hội viên hội Nữ thanh niên ở Constantinople mỗi năm đến tiết mùa hạ, thường kéo nhau đến bờ biển Marmara mà tập lội. Hàng mấy trăm các cô thiếu nữ ăn ở giữa trời, ban ngày thì hụp lặn nơi bờ biển, ban đêm thì nhóm nhau trong màn giăng trên bãi cát. Năm 1928, có một cuộc bơi rất nổi tiếng; bốn người con gái Thổ Nhĩ Kỳ bơi từ bên này bờ biển Bosphore qua bên kia; tin ấy đồn ra, làm cho nhiều người phải lấy làm kinh ngạc!

Tóm lại, hiện nay trong nữ giới Thổ Nhĩ Kỳ đã nẩy ra nhiều nhơn tài xuất sắc; đối với xã hội, đối với quốc gia, bất kỳ việc gì họ cũng lo làm hết sức để được sự giải phóng, hầu tăng tấn sự hạnh phước cho nhân dân. Kể từ ngày ông Kemal dựng lên nước Thổ Nhĩ Kỳ mới đến nay, mới có trong vòng mấy năm, mà lấy riêng một việc phụ nữ vận động đem so sánh với hồi trước, thì nó khác nhau như là cách mấy thế kỷ; thiệt không ai ngờ rằng tấn bộ được mau như vậy! Nhơn đó mà thử nghĩ đến phụ nữ của họ mai sau nầy, sự vẻ vang rực rỡ, còn ai biết đến bậc nào mà lường trước được.

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.51 (8.5.1930); s.52 (15.5.1930)

 

 


 

(*) Bản đăng báo ghi rõ bài này là do Phan Khôi dịch của Phụ nữ tạp chí Tàu, nhưng không ghi xuất xứ thật chi tiết (NST).

(1) Lúp là cái đàn bà dùng để che mặt (nguyên chú của bản gốc).

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi