Phụ lục

Độc giả luận đàn
Một cái đại ngộ điểm* mà ta
phải liệng ra ngoài sử Nam Việt

 

                                                                           Có phải là nước Pháp tức là chánh phủ Pháp                                                                                           giúp sức cho vua Gia Long không?

 

 

Tôi đọc báo Đông Pháp thấy bài của ông C.D. chỉ trích một chỗ sai lầm trong một bài ở báo Tiếng dân và một chỗ sai lầm nữa ở trong sách Một bầu tâm sự của ông Trần Huy Liệu, cùng nói về một việc ông Nguyễn Ánh nhờ sức người Pháp đánh người Nam mà lên làm vua nhứt thống nước ta; tôi lấy làm vừa lòng lắm, vì ông C.D. viết đúng sự thiệt và sự chỉ trích của ông là nên lắm vì nếu không thì những người không rõ việc ấy sẽ bị lầm theo nữa.

Ông C.D. dẫn chứng rõ ràng về việc ấy, phàm người nào có học sử Nam cẩn thận đôi chút thì đều biết hết, chẳng phải là việc mắc mỏ khó khăn chi lắm, cho nên tôi đã chắc ngay rằng tác giả bài đăng trong báo Tiếng dân và tác giả sách Một bầu tâm sự không để ý nên lầm, may có người chỉ trích cho, nếu còn nghi thì kiếm sách coi cho rõ rồi thì sẽ biết cảm ơn người đã chỉ chỗ sai của mình, chớ không có chuyện chi nữa hết.

Dè đâu cách mấy số báo sau lại thấy có bài của ông Trần Huy Liệu cãi lại ông C.D. về câu chuyện đó!

Tôi mới thấy lấy làm ngạc nhiên quá đỗi, không hiểu ông Liệu còn lấy lý gì mà cãi đặng; đọc hết bài của ổng rồi, tôi không thế nào mà không phát giận được.

Hai ông bút chiến với nhau là việc của hai ông, song bàn sự thực hư của một việc trong lịch sử là việc rất quan trọng, ai là người biết sự thực không thể ngồi yên mà không bày tỏ ra được, tất phải đem ánh sáng sự thực chiếu ra cho người ta thấy. Cho nên dầu tôi không phải là người trong làng báo, thuở giờ vẫn giữ cái địa vị "dựa cột", nay nhân có việc nầy tôi biết hơi rõ, mới dám "thưa thốt" vài lời, chớ không có ý gì muốn tranh biện lấy hơn thua gì với ai, vả chăng chuyện nầy cũng không đáng gì, chỉ vì ông Liệu muốn cãi ngang cho nên mới ra chuyện; nhưng thôi cũng là hay vì thiếu gì người vẫn đã lầm như ông, hay vì ông mà lầm cũng có, nhưng là phần ít lắm. Vậy chúng ta nên bàn kỹ về việc nầy.

Trước hết nói vì đâu mà có sự lầm lộn ấy.

Vốn trong óc người Nam mình hay hồ đồ, cứ nói: "Tây giúp vua Gia Long", chớ không biết phân biệt nước Pháp tức là chánh phủ Pháp giúp vua Gia Long, hay là vài mươi người Pháp ăn lương của vua Gia Long mà giúp vua Gia Long, là khác xa nhau lắm và cũng không nghĩ sự phân biệt ấy quan trọng là dường nào.

Số là ông Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử Cảnh qua Pháp cầu viện thì vua Lô-y đệ thập lục(**) thuận giúp súng đạn tàu bè quân lính, đã ký tờ giao ước và định rằng khi ông Bá-Đa-Lộc trở về đến Ấn Độ thì do viên tổng đốc ở mấy thuộc địa Pháp ở Ấn Độ thi hành mấy khoản ấy, nghĩa là sẽ lấy quân, súng, tàu ở đó mà về An Nam giúp ông Nguyễn Ánh. Song khi về tới Ấn Độ thì viên tổng đốc tên là De Conway vì sự hiềm riêng với ổng mà không giao cho ổng gì hết.

Về việc nầy sách Thế giới lịch sử đại quan (Histoire générale) của ông E. Lavisan làm chủ bộ biên tập đã nhân các sử liệu có giá trị và các sách sử ký có chép rõ ràng như vầy:  

"Ông Bá-Đa-Lộc lại trở về Pondichéry. Viên Tổng đốc đó là Conway bá tước giòng giống quê quán ở Irlande, định là người cầm binh đi cứu viện. Nhà làm sử nước Anh tên là John Barrow có kể rằng, khi ông giám mục d'Adran (Bá-Đa-Lộc) về tới đó thì đi viếng mấy bà vợ các quan viên rủi có quên mất De Vienne phu nhân không lại thăm, bà nầy là vợ một viên tướng gia của viên tổng đốc mà là tình nhân của y. Bả giận lắm bèn dùng thế lực của mình mà hãm sự phát binh. Duy có sự nầy là biết chắc được: viên tổng đốc không thích sự phát binh cứu viện, cho là không lợi gì cho nước Pháp, nên không lo tính việc ấy, và cái tờ giao ước ký ở Versailles thành ra không thi hành. Conway lại có tiếp được mật lịnh biểu y muốn tính sao cũng đặng, mà ông Bá-Đa-Lộc thì không biết có mật lịnh ấy".  

(Il repatit pour Pondichéry, dont le gouverneur, le comte de Conway, Irlandais d’origine, devait commander l’expédition. L’histoirien anglais John Barrow que l’évêque d’Adran, ayant à son arrivée rendu visite aux femmes des différente fonctionnaires, otult d’aller voir Mme de Vienne, maitrese de Conway aurait usé de son pouvoir pour faire retarder l’envoi des troupes. Ce qui est sur, c’est que le gouverneur, peu favourable à l’éxpédition, qu’il ne considérait pas avantageuse pour la France, ne donna pas de suite à ces projets, et le traité de Versailles ne fut pas exécuté. Des instuctions secrètes, ignorées de l’eveque, laissaient à Conway toute latitude)

 

Tòa kiểm duyệt bỏ hết một đoạn

 

Ông Bá-Đa-Lộc, tổng chi là bị gạt, tâng hẩng, bèn phải đi mộ vài mươi người Pháp ở đó là bọn Vannier, Chaigneau... và mua tàu bè, súng đạn trở về giúp Nguyễn Ánh. Ấy là việc riêng của ổng, không có nước Pháp nào dự vào đó vậy.

Tờ hòa ước ở Versailles năm 1787 không thi hành, thế mà năm 1817, Pháp hoàng Lô-y đệ thập bát dám làm điều vô lý sai Kergariou bá tước sang đòi vua Gia Long thi hành mấy khoản về việc nhượng đảo Côn Lôn và cửa Đà Nẵng. Vua Gia Long trả lời trước kia nước Pháp không giúp ngài gì hết thì nay lấy cớ gì mà đòi ngài nhượng địa. Sứ thần của Pháp hoàng... lui ra đi thẳng.

Về mấy việc nầy các sách Tây hàng mấy chục cuốn đều nói như nhau, như sách L'Empire d'Annam của ông Gosselin có câu rằng:  

"Ông giám mục hiển hách là đức cha Bá Đa Lộc đã có công lớn giúp người của ổng phò tá lên ngôi hoàng đế, nhờ ở mấy người Pháp, không có mạng lệnh gì của Pháp quốc, tự nguyện tòng chinh tự quân nhà Nguyễn."

(L’illustre évêque, Mgr Pigneau de Béhaine, qui, à l’aide de quelqué Français, volontaires s’engageant au service du représentant légitime de la famille Nguyễn, sans aucun mandat officiel de la France, cotribun le plus puissamment à installer sur le trône le candidat qu’il appuyait)  

Các sách người Pháp viết đều nói rõ như vậy, chắc là sự thực, vả còn biết bao nhiêu sử liệu làm chứng cho mấy việc đó, không thể nào cãi được. Tuy vậy, nhiều người Pháp vẫn toan bịt mắt người ta, nói là nước Pháp giúp vua Gia Long để kể công với người mình và thêm một lẽ không đâu cho sự chinh phục nước Nam. Không có vậy; song nếu có vậy thì họ nhà Nguyễn mang ơn, chớ can chi đến toàn dân Nam Việt.

Ấy sự phân biệt nước Pháp hay là vài mươi người Pháp giúp vua Gia Long có quan hệ là ở đó. Ta chẳng nên lấy làm chơi mà nói lộn xộn đâu!

Ông Trần Huy Liệu lại có nói nước Pháp giúp vua Gia Long mấy chiếc tàu và súng ống sau rồi bỏ hư hỏng cả. Cái đó ổng lầm to: như lời ông C.D. là phải, việc ấy là về đời vua Tự Đức, sau khi đánh thành Hanoi năm 1879 do ở cái hòa ước năm 1874 nhờ ông Philastre giúp sức chánh phủ Pháp mới trả lại thành trì và cho tàu cho súng, cho người dạy việc binh nữa, song phải nhường đứt sáu tỉnh Nam Kỳ vân vân...

Ông Liệu cãi lại ông C.D. có viện mấy đoạn sách, song trong đó chỉ nói ông Bá Đa Lộc về Gia Định có đem theo tàu bè, súng đạn, quân lính mà thôi chớ có nói gì đến việc đó là nước Pháp giúp hay là ai giúp đâu! Ông viện chứng về một việc nầy, mà chứng của ông nói về việc khác hay gần đâu đó mà thôi thì phỏng có ăn thua gì! Ông muốn cãi lấy được, và lấn áp bịt mắt người ta sao? Độc giả chúng tôi thấy lắm chớ, ông khi sao đặng cà!

Ông viện cuốn Đại Nam sử ký mà không nói tác giả cuốn ấy là ai, tôi không biết đâu mà kiếm nó cho đặng, vả cũng chẳng cần kiếm nó mà làm chi. Quá lắm nó là một cuốn lược sử viết bằng quốc ngữ, của ông nào đó lược các sách mà làm một cuốn phổ thông, có gì là giá trị cho lắm. Vậy mà tôi chưa coi cũng dám chắc trong đó về mấy việc kia cũng nói tựa như tôi đã nói ở trên đây, vì sự thiệt có một, không có thể có hai được, vả mấy việc kia là việc rõ ràng chắc chắn lắm. Ông muốn nói ngang chơi ở đâu thì đặng, chớ viết trên báo, những người biết thì cười ông là "dốt" thôi không sao; song những người ít học nghe lời ông ngỡ là một tay đại văn học (!!! ) nói, tưởng thực mà tin theo thì hại biết là chừng nào! Thà ông lầm, ông chịu phứt đi, con người dở đến đâu mà biết phục thiện cũng còn dễ thương được.

Ông Liệu trong bài trả lời cho ông C.D. có nói: "Tôi xin mạnh bạo mà trả lời".

Cha chả, ông nầy mạnh bạo dữ đa! Hèn chi người ta nói "điếc không sợ súng"! Tội nghiệp cho cái mạnh bạo của kẻ điếc khiến cho ai nấy tức cười!

Mới đây tôi thấy bài của ông C.D. nhan đề là Bác cái thuyết nước Pháp giúp nước Nam hồi thế kỷ XVIII ở trỏng ông có dẫn chứng những sách như là Đại Nam chánh biên liệt truyện, Quốc triều chánh biên toát yếu, và cuốn Histoire moderne du pays d'Annam của ông Maybon tỏ ra ổng là một nhà học rộng, khảo cứu đến nơi, thông hiểu cả Pháp văn và Hán văn. Những sách của ổng kể ra đó cũng là những sách có giá trị lắm, số đó cũng đã đủ dùng; kể thực ra, muốn khảo cứu đến nơi thì phải xét chừng năm bẩy trăm bộ viết hoặc bằng chữ Pháp, chữ Tàu, chữ Anh, chữ I-pha-nho, mới là không sót chỗ nào. Ấy là còn không kể những sử liệu khác nữa.

Cho hay khảo cứu và bàn luận về sử có phải là dễ dàng, ai muốn làm cũng được đâu. Càng học càng thấy sự học là rộng và biết mình là dốt; biết mình là dốt đã là học khá lắm rồi.

Ông Trần Huy Liệu chắc không nghĩ như vậy cho nên ông mới đọc cuốn sách phổ thông nào đó là cuốn Đại Nam sử ký đã lấy làm đủ lắm rồi, đem ra mà nạt bà con, ai mà chẳng hết hồn!

Ông C.D. biết nhiều sách như vậy mà chỉ biểu ông Trần Huy Liệu về kiếm cuốn Việt Nam sử lược mà coi, không biểu đi kiếm các sách khác, chắc hẳn là độ chừng sách sơ học đó là vừa sức học, vừa tầm trí khôn ông Trần Huy Liệu; cuốn sách ấy là một cuốn sách viết bằng quốc ngữ, nếu chỉ sách chữ Pháp hay chữ Tàu thì ông Trần Huy Liệu đọc đâu có đặng.

Ông Trần Huy Liệu lại dám mạnh bạo trả lời rằng sách Việt Nam sử lược ai mà lạ gì; thôi ông hãy nên đọc nó đi, đọc rồi ông cũng đủ có thể nói chuyện sử Nam, không đến đỗi sai lầm như bây giờ, đã giỏi lắm rồi, a ông Trần Huy Liệu!

                                                                                                             Vinhlong, le 18 Mai 1928

                                                                                                                    HUỲNH ÍCH LỢI

                                                                                                     Cựu giáo viên, điền chủ Vinhlong                                                                                                            

Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.722 (22.5.1928)

-----------------------                 

* Một cái đại ngộ điểm: một điểm sai lầm lớn;

**Lô-y đệ thập lục: Louis XVI

  Trở về mục lục Trang Phan Khôi