PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930  

 

Bút chiến Trung lập Đuốc nhà Nam

Lời dẫn của người sưu tầm. - Như Phan Khôi ít lâu sau (TL. 19.7.1930) sẽ nói rõ: những bài bút chiến với báo Đuốc nhà Nam, những bài phê bình đảng Lập hiến ở Nam Kỳ, tuy ký tên tòa soạn Trung lập nhưng đều do Phan Khôi viết.
 

Dựa vào khẳng định trên, tôi tập hợp một số bài ký Trung lập từ 20.6.1930, khởi lên từ mục “Ý kiến Trung lập”, về sau vượt khỏi mục đó để trở thành những bài báo dài, trong phạm vi bút chiến với Đuốc nhà Nam, sau đó là loạt bài Về các cuộc biểu tình ở Nam Kỳ vừa rồi và loạt bài Nói về đảng Lập Hiến ở Nam Kỳ, xen kẽ vào đây còn có thêm các bài nhỏ thể hiện các đối đáp với báo Đuốc nhà Nam. Như khẳng định của chính tác giả, các bài này đều thuộc ngòi bút Phan Khôi.

                                                                                            L.N.A.

 

- Ý kiến Trung lập: Phải nói minh bạch

- Thế nào là cái nhã độ quân tử ?

- Theo cái nhã độ quân tử, hễ có lỗi thì phải chịu

- Nếu trở nên cuộc bút chiến thì phải thế nào ?

- Lời Tổng lý Trung lập báo ngỏ cùng ông Nguyễn Phan Long

- Ai nói dối ?

- Bây giờ chúng tôi mới biết văn và người ông Nguyễn Phan Long

- Trung lập giành lại cái nhân cách cho quốc dân dưới bàn chưn kẻ vô lễ

- "Kiến hiền tư tề yên"

- Ông Nguyễn Phan Long dùng báo chữ Tây công kích Trung lập

- Bạn đồng nghiệp Công luậnTrung lập trả lời Đuốc nhà Nam

 


 

 

Ý KIẾN TRUNG LẬP: PHẢI NÓI MINH BẠCH

 

Nếu “Trung lập” nói bậy thì thế nào là ý kiến ông Nguyễn Phan Long?

 

Từ bữa ở Nam Kỳ ta xảy ra mấy việc lộn xộn, đầu nọ biểu tình, đầu kia tụ hợp, dân khí đương sục sục như nước trên lò, dân tâm đương phừng phừng như lửa trong bếp, khẩn cấp là thế, nghiêm trọng là thế, mà các nhà lãnh tụ đảng Lập hiến lại có cái can đảm dắt nhau đi thẳng lên dinh phó soái để nhắc lại chủ nghĩa đề huề và tuyên bố cái chánh kiến phản cọng, thì cái thái độ của đảng Lập hiến nó rõ rệt là dường nào, trừ phi những kẻ mắt đui tai điếc, đối với thời cuộc nhứt thị mang nhiên(*), thử hỏi còn ai là người không trông thấy.

Lại nhứt là từ bữa các nhà lãnh tụ Lập hiến ở dinh phó soái ra về chi hậu, mà trên mặt tờ báo cơ quan của đảng Lập hiến là Đuốc nhà Nam trước hết thấy đăng bài Hỡi đồng bào rồi kế đó lại đăng tiếp bài Ngỏ cùng đồng bào thương dân của ông Nguyễn Phan Long, thì cái xu hướng của Đuốc nhà Nam lại cũng rõ rệt là dường nào, trừ phi những kẻ quê mùa dốt nát, đọc không nổi tờ báo quốc văn, thử hỏi còn ai là người không trông thấy?

Thấy đảng Lập hiến đứng ra trợ lực với chánh phủ ai sao không biết, chớ riêng phần chúng tôi, thì chúng tôi hết sức lấy làm vui  mừng.

Thật vậy, giữa lúc trong xứ rối ren dân tình tao nhiễu, nếu chẳng phải là bọn người thù của chánh phủ, thì ai lại muốn làm chi cái chuyện chế dầu vô lửa hoặc khoanh tay ngồi ngó mà không hiến thành trợ lực ngõ giúp đỡ cho chánh phủ gìn giữ lấy trị an, duy trì lấy trật tự?

Tiếc cho chúng tôi đây là những kẻ vô tài vô lực, hai bàn tay trắng một ngọn bút quèn, trong nhà không sắm nổi một bánh xe hơi, ngoài đồng không cày được một tấc ruộng khẩn, như thế, nếu đứng ra tuyên truyền phản cọng, sao cho khỏi ngợ miệng ngợ mồm? Phương chi, chúng tôi vốn chẳng phải là nghị viên quản hạt hay hội đồng thành phố gì, nhắm lại chẳng qua cũng là bọn “vô uỷ nhiệm” thì dầu có nói ra cũng chưa chắc đã được có người nghe, vì vậy mà sau khi đã ba lần nghĩ kỹ, chúng tôi thật không hề dám nhớm khỏi cái địa vị trung lập của chúng tôi lấy nửa bước.

May đâu lại sẵn có các ngài trong đảng Lập hiến xăn tay vỗ ngực đứng ra mà phù trợ cho chánh phủ trong dịp nầy, thì còn có gì làm cho chúng tôi vui mừng hơn nữa? Các ngài là những kẻ có tiền tài, có thế vị, dưới có uỷ nhiệm của nhơn dân, trên được tín nhiệm của chánh phủ, đối với phía người Pháp thì đã có tờ báo chữ Tây, mà quay về với dân An Nam lại cũng sẵn tờ báo quốc ngữ, như thế thì dựng bức phên trước gió, trồng cây cột giữa giòng, muốn cứu cấp lấy cái nguy cơ của thời cuộc, chúng tôi thiết tưởng không còn mặt nào xứng đáng cho chánh phủ ta ỷ lại(*) bằng các ngài hết thảy.

Vì vậy nên chi đối với những bài trường giang đại hải, triệt thiết thâm đinh(**), mà quý đồng nghiệp Đuốc nhà Nam đã in ra và đóng khuôn lại để công kích cọng sản và hiểu dụ nhơn dân, thì chúng tôi vẫn hết sức lấy làm trân trọng xem cũng quý hóa chẳng khác nào như những lời thông cáo của chánh phủ; nhơn đó chúng tôi mới lật đật trích đăng vào tờ Trung lập nầy cốt để cho những lời vàng ngọc của Đuốc nhà Nam và những cái ý chỉ cao siêu của đảng Lập hiến được phổ cập trong dân chúng một cách rộng rãi hơn, ngõ duy trì lấy cái bụng trung thành của nhơn dân đối với chánh phủ.

Ấy, trong khi trích lục những bài khuyến dụ của Đuốc nhà Nam qua tờ báo nầy, đồng nhơn chúng tôi vẫn có cái bụng chí thành như thế. Chỉ tiếc vì khuôn khổ của tờ báo chúng tôi thì nó có hạn, mà những cái lý thuyết của đồng nghiệp hữu thì coi bộ dài dẳng chưa biết đến đâu là cùng, bởi vậy nên chúng tôi chỉ có thể trích đăng những đoạn trọng yếu hơn hết, còn thì tóm tắt cái đại cương để giới thiệu với độc giả, chớ thật không khi nào là chúng tôi dám tự tiện sửa đổi hoặc thêm thắt vào cho bạn đồng nghiệp những lời mà bạn đồng nghiệp không hề nói ra.

Mà thêm thắt làm gì chớ? Để gieo mối ác cảm ở giữa dân chúng với Đuốc nhà Nam phải chăng? Quyết là không phải, bởi vì chúng tôi biết rằng cái thái độ Đ.N.N. là cứng rắn lắm mà. Ai mà ác cảm với bạn đồng nghiệp cho bằng những người đã rải truyền đơn cổ động tẩy chay đó. Thế mà theo như lời bạn đồng nghiệp, thì cái bọn anh hùng xó bếp, chí sĩ nằm nhà ấy, có làm cóc gì được Đ.N.N, Đ.N.N có nao núng chút nào đâu! Truyền đơn thì mặc truyền đơn, chớ Đ.N.N. bài vẫn viết thơ vẫn sắp chữ, máy vẫn chạy, in vẫn số thường, bán vẫn như cũ kia mà! Nói tóm lại, thì bạn đồng nghiệp có hề biết sợ ai đâu mà chúng tôi phỏng sửa đổi thêm thắt cho sái mất những cái nguyên ý của bạn đồng nghiệp đi cho vô ích.

Không hiểu sao trong Đ.N.N. ngày 16 Juin vừa rồi ông Ng.Ph. Long có nói rằng “sự bỏ thuế là một sự không thể nào làm được” và ông lại còn đem những con toán ra mà cắt nghĩa rõ ràng lắm. Bài ông Long viết ra hỡi(*) chưa ráo mực, qua đến ngày 18 Juin trong báo Trung lập chúng tôi cũng lặp lại cái đại ý như trên đó, thì lại bị Đuốc nhà Nam đứng trước chợ Bến Thành mà mắng rằng Trung lập “nói bậy”; quái thay!

Nghĩ rằng sức giả là đối với hàng mấy triệu con người ta kia mà đến lúc phật ý bạn đồng nghiệp, bạn đồng nghiệp còn không biết nhịn thay, bạn đồng nghiệp còn gọi đó bằng một cách khinh bỉ là đồ “anh hùng xó bếp, chí sĩ nằm nhà” thay; huống chi đối với một tờ báo chết đi sống lại như tờ Trung lập nầy, phạm vi thế lực bất quá chỉ quanh quẩn trong vòng mười ngàn độc giả, thì bạn đồng nghiệp có ngại gì mà không dám mắng là nói bậy!

Tuy nhiên, chúng ta nói đây chẳng phải là nói miệng với nhau, mà sự bậy, phải, trong việc nầy rồi đây còn có giấy mực làm chứng cớ. Vậy trong số Trung lập tới chúng tôi sẽ tương ra một vài đoạn văn tự mà chính ông Nguyễn Phan Long là tác giả để cho độc giả xét đoán.

Nay đây chúng tôi chỉ xin day mặt lại đảng Lập hiến, day mặt lại Đ.N.N., day mặt lại ông Nguyễn Phan Long mà hỏi một câu cho chắc chắn rằng:

Đuốc nhà Nam mắng Trung lậpT.L. đã nói rằng ông Long bảo sự xin bỏ thuế là vô lý. Vậy thì xin hỏi chớ ông Nguyễn Phan Long công nhận với bọn dân biểu tình rằng sự xin bỏ thuế là chánh đáng phải chăng? - Nếu phải, xin ông Long tuyên bố trên Đuốc nhà Nam cho chánh phủ ở trên biết với, cho nhơn dân ở dưới biết với, cho Trung lập chúng tôi biết với.

Rồi thì chúng tôi sẽ nhận liền cái bậy của chúng tôi và sẽ xin lỗi cùng ông Nguyễn Phan Long, cùng Đuốc nhà Nam, cùng đảng Lập hiến.

Nói đi!

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6176 (20.6.1930)

 

(*) mang nhiên: không biết gì cả (theo Đào Duy Anh: sđd.)

(*) ỷ lại: nương tựa, trông cậy vào.

(**) triệt thiết thâm đinh: có lẽ dạng viết đúng là “tiệt thiết trảm đinh”, thành ngữ chữ Hán, cũng đọc là “trảm đinh tiệt thiết” – nghĩa đen là “chém đanh chặt sắt”, nghĩa bóng trỏ lời nói rất nghiêm thẳng, quả quyết (theo Đào Duy Anh: sđd.)

(*) hỡi: hãy còn.

TRUNG LẬP XIN NÓI CHO ĐUỐC NHÀ NAM NGHE
THẾ NÀO LÀ CÁI NHÃ ĐỘ QUÂN TỬ?

 

Cái nầy là tại Đuốc nhà Nam phát đoan ra, bữa 18 Juin, mắng Trung lập là “nói bậy”; sự vô lễ đó chưa nói tới, kế bữa 19 lại mắng Trung lập là “nói dối”. Cha chả! Bạn đồng nghiệp “lên” dữ đa!

Có điều gì sai lầm thì thủng thẳng mà hỏi nhau, việc gì lại vọt miệng mắng người ta là “nói bậy”? Trong làng ngôn luận, ai cho phép các ông độc quyền hay sao mà dám khinh miệt người ta như thế?

Không thèm hỏi lại người ta cho tới đầu tới đuôi, tự nhiên đem một tiếng nặng nề mà gia(*) cho nhau, ấy là cái giọng kẻ lớn, ấy là kiểu đối đãi với lũ trẻ mới mở mũi, chúng tôi, đồng nhơn ở Trung lập, có phải là người ngồi đây để chịu sự sỉ nhục ấy đâu?

Vậy mà còn trách người ta là không có cái nhã độ quân tử! À, không biết thế nào là có cái nhã độ quân tử hè, hỡi bạn đồng nghiệp Đuốc Nhà Nam?

Thôi, dầu nói bậy, dầu nói dối thế nào còn có đó, mỗi người hai con mắt, chẳng ai bưng bịt được ai. Mà cũng chẳng vội chi, trong một số tới, chúng tôi sẽ nói chuyện về những cái đó. Hôm nay đây, chúng tôi xin lấy lòng thành thật đau xót mà tỏ bày mọi lẽ cho bạn đồng nghiệp nghe, nhứt là cho hết thảy đồng bang ta nghe.

Chúng tôi xin nói: Cuộc biến động trong xứ ta đã yên lâu rồi, thế mà mấy bữa gần đây còn gây thêm ra một cái phong trào tẩy chay hai tờ báo cơ quan của đảng Lập hiến, cho đến có sự nói qua nói lại với Trung lập đây, đều là tại các ông không có cái nhã độ quân tử. Xin đừng lấy làm lạ, nghe đây!

Sự biến động trong xứ Nam Kỳ ta lần nầy, thiệt là một sự thương tâm chung cho hàng trí thức, chỉ có người nào máu đã lạnh, lương tâm đã tê điếng thì mới chẳng lấy làm quan hoài.

(Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn)

Hồi đó có một bọn đứng cửa giữa, tuy chết trong ruột mặc dầu, chớ ở ngoài vẫn bình yên vô sự, ấy là bọn chúng ta đây. Ai làm sao không biết, chớ chúng tôi khi bấy giờ nghĩ việc đời mà luống những thẹn thầm: Lúc bình thường tự phụ mình là trang trí thức, đủ lòng yêu nước thương dân, mà đến cơn đồng bào khốn đốn, cũng đến phải khoanh tay ngồi ngó! Mà thiết tưởng, cái sự khoanh tay ngồi ngó ấy, cái sự thẹn thầm ấy, bạn đồng nghiệp há lại chẳng như chúng tôi? Bạn đồng nghiệp cũng đến phải như chúng tôi!

À! Ta là nhà ngôn luận đây! Nhưng trong lúc phong ba bão chướng, hay là lúc “như nhà cháy” ấy mà còn ai ngôn luận được cái gì? Báo cũ còn cả tập đó, kể từ đầu tháng Mai bước qua đầu tháng Juin, trong một cái thời gian dài đằng đẵng ấy trong lúc “lửa cháy nhà” ấy, hỏi ai đã nói được câu gì có ích cho thời cuộc, bây giờ mở ra đọc thử cho nghe?

Chúng tôi chịu là bất tài, chỉ có một ngòi viết mà tung hoành không được thì phải thôi, ngoài ra, nếu có cái thủ đoạn gì, trên giữ được sự trị an cho chánh phủ, dưới khỏi sự thiệt hại(*) cho đồng bào, thì chúng tôi đã nhảy vô mà can dự đến thời cuộc rồi.

(Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn)

Cái sự bất tài đó chẳng những một chúng tôi, gọi là hàng trí thức ở Nam Kỳ đây đều như vậy cả; nói vô phép, các ông bên Đuốc nhà Nam cũng như vậy. Vậy thì nên làm thinh hết thảy đi mới phải, lại còn bới nhau ra làm gì? Các ông nói có một mình các ông biết lo việc nước đó chi?

Quả vậy cà? Nghe đây!

Việc biến động ở Nam Kỳ lần nầy kéo dài ra hơn một tháng, bắt đầu từ ngày 1er Mai mà qua đến ngày 4 Juin mới thiệt yên. Trời ôi! Nói có mặt đèn làm chứng! Trong khoảng một tháng bốn ngày, trên các quan lo bỏ ăn bỏ ngủ, dưới anh em liều tay không với súng đạn ấy, chẳng hề thấy các ông đến quan Thống đốc mà xin đổi cách đối phó, hay là rao cho anh em biểu phải đình chỉ cuộc biểu tình. Chẳng hề! Thiệt là chẳng hề! Các ông để cho  (Toà kiểm duyệt bỏ đoạn nầy) đâu đó yên thim thíp rồi, rồi các ông mới bước ra, nói ba điều bốn chuyện, rồi các ông trở lại làm cao với bọn chúng tôi, thiệt các ông tình tệ quá!

Ông Long! Có phải ông đã nói trong báo ông rằng Ngày 6 Juin, quan Thống đốc mời các ông, các ông mới đến không? Có phải Ngày 7 Juin, các ông mới có bài “Hỡi đồng bào” trong tờ báo cơ quan của các ông không? Có phải qua đến Ngày 10 Juin mới có bài “Ngỏ cùng đồng bào thương dân” không? Đó, ngày tháng rành rành ra như vậy, việc đã yên đâu đó rồi, các ông mới nói, phải nói không thì đã muộn.

Vậy mà các ông lại còn làm cao trong chỗ ấy nữa. Đuốc nhà Nam có một chỗ nói rằng quan Thống đốc mời bổn báo chủ nhiệm chớ không phải bổn báo chủ nhiệm tự đến. À phải, các ông cao thiệt. Nếu quan Thống đốc không mời thì các ông có đến làm chi? Nếu quan Thống đốc không mời thì dân chết mặc dân chánh phủ rối ren mặc chánh phủ, các ông cũng chẳng thèm vi sử đến, - mà theo như ngu ý chúng tôi thì cái bổn phận làm hội đồng quản hạt của các ông nó buộc các ông phải can thiệp ngay vào việc nầy từ trước kia.

Nói thiệt, soi cho thấu tới cái tim đen các ông nữa, nếu quan Thống đốc không mời các ông đến, thì các ông cũng chẳng hề “hỡi đồng bào” đâu! Các ông cũng chẳng hề “ngỏ cùng đồng bào thương dân” đâu!

Thấy cái thái độ các ông đó, người ta đã không phục rồi, chưa kể tới lời lẽ trong mấy bài của các ông ra làm sao, đen hay trắng. Điều nầy là chúng tôi nói phỏng chừng: cũng vì sự bất phục ấy mà mới có sự rải truyền đơn phản đối đảng Lập hiến và tẩy chay Tribune IndochinoiseĐuốc nhà Nam, là hai tờ báo cơ quan của các ông.

Sau khi bị cái sức phản động ấy, các ông chẳng biết tự tỉnh chút nào, lại còn giữ cái kiểu tự cao, coi thiên hạ đều như rác cả, Đuốc nhà Nam ngày 17, in chữ to tướng mà nói như vầy: “Xử trí thế nào cho chánh phủ đừng vì cuộc trị an mà buộc phải bắn dân; xử trí thế nào, cho đồng bào đừng vì tay không mà đưa cái sống nạp cho súng đạn?”.

Thiệt các ông khéo nói! Bữa đó (7 và 10 Juin) mà còn xử trí chi? (Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn) họ đã về nằm nhà rồi còn xử trí chi mà xử trí?

Vậy mà các ông nói như là các ông đã xử trí được cuộc biến động nầy, chỉ có một mình các ông là biết thương nòi thương nước, còn người ta là rác, là “anh hùng xó bếp” là “chí sĩ nằm nhà”.

Lại một đoạn chữ to nữa: “Phải chi họ có can đảm, mà đem tài, đem sức, đem thân, đem máu của họ ra, mà chọi nhau với khí giới, thì còn nói gì, chớ họ chỉ ngồi trong xó giường mà nói cho sướng miệng, lại thấy anh em ruột thịt đổ máu văng thây ra một cách thê thảm họ còn vỗ tay reo…”

Xin các ông chớ nghi rằng chúng tôi hứng lấy mấy chữ “họ” đó vào mình chúng tôi rồi tức mình mà ra miệng. Không đâu. Đó là các ông nói những người phản đối với các ông, chớ chúng tôi đây từ trước chưa hề phản đối. Có điều chúng tôi xin hỏi: Loài người chớ phải cầm thú gì mà không có lòng trắc ẩn, đến nỗi thấy anh em đổ máu một cách thê thảm mà lại vỗ tay reo? Chúng tôi thiết tưởng dầu cho đến những người phản đối các ông đó, là họ cũng vì lòng thương nước thương nòi như các ông mà nói, chớ có ai lại đến mất cả lương tâm như vậy? Người xưa có nói: “Hễ người ta thì muốn điều lành, ai lại chẳng như ta?” Còn các ông lại muốn để một mình mình làm quân tử, cho thiên hạ là tiểu nhân hết thảy. Như vậy mà biểu ai phục các ông?

Cái cử chỉ của các ông: việc có dính đến phận sự mình mà không hề đả động tới, đợi cho quan Thống đốc mời mới chịu ra can thiệp, thì việc đã yên tám mươi đời; kế đó bị người ta chỉ trích, các ông lại ra điều chưởi gió mắng mây, đến nỗi vu cho người ta thấy chết mà reo cười, thì ai không tức; sau nữa, thua ai không biết, nhè bạn đồng nghiệp mà gỡ, vọt miệng mắng những là Trung lập “nói bậy” Trung lập “nói dối”, cái cử chỉ ấy là nhã độ của người quân tử sao?

Thiệt tình chúng tôi chẳng thấy có người đòi tẩy chay quý báo mà lại đi hùa theo, làm cho đồng bào gây thêm ác cảm. Huống chi hồi nầy cuộc biến loạn mới yên, còn ai có lòng nào lại muốn sanh sự làm chi. Sau cái cơn sấm sét nầy đây, thế nào cũng có lúc mở mây trông thấy mặt trời, bổn phận chúng tôi nên đồng tâm hiệp lực cùng nhau, thừa cơ hội ấy mà đưa nhau lên đường tấn hóa, chớ có ai dại chi lại hãm hại nhau cho nỡ? Hoặc giả trên tờ báo nầy có chỗ nào lầm lỗi thì bạn đồng nghiệp nên hỏi lại hoặc là biểu đính chánh đi, làm vậy chẳng là nhã độ quân tử hơn là mắng nhau sao?

Chúng tôi chỉ nói một lần nầy mà thôi. Về sau dầu ai cạy răng cũng không dở chuyện nầy ra nữa. Chỉ xin bên Đuốc nhà Nam chừa cái giọng kẻ lớn đi đừng có làm phách với Trung lập là được.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6177 (21.6.1930)

 

(*) gia: thêm; gia cho nhau = thêm cho nhau.

(*)  bản gốc là nhiệt hại, có thể có lỗi in sai, ở đây tạm sửa là thiệt hại.

 

TRUNG LẬP LẠI NÓI CHO ĐUỐC NHÀ NAM
NGHE THEO CÁI NHÃ ĐỘ QUÂN TỬ, HỄ CÓ LỖI THÌ PHẢI CHỊU

Hôm thứ bảy tuần rồi Trung lập có bài “Thế nào là cái nhã độ quân tử”, để nói sơ một vài chỗ cốt yếu trong việc xảy ra vừa rồi mà các ông bên đảng Lập hiến đã vì đó bị mang tiếng cho Đuốc nhà Nam nghe. Trong bài ấy chúng tôi có hứa rằng chỉ nói một lần mà thôi, về sau dầu ai cạy răng cũng không dở chuyện nầy ra nữa. Hôm nay chúng tôi lại có bài nầy, ai mới thấy qua chắc cũng phải lấy làm lạ.

Lời hứa ấy chúng tôi vẫn nhìn, nhưng trên đầu bài hôm kia lại có hứa rằng trong một số tới, sẽ có bài nói về những chỗ Đuốc nhà Nam đã trách chúng tôi, vậy bài nầy đây là công việc chúng tôi làm trọn lời hứa sau đó.

Độc giả mỗi vị hai con mắt, ai lại chẳng thấy cái bài dài ba cột của bổn báo hôm thứ bảy đó.

Censuré(*)

Thấy vậy độc giả chắc phải lấy làm lạ sao Đuốc nhà Nam viết ra mà chỉ trời vạch đất, chưởi gió mắng mây, thì chẳng hề vấp váp chút nào; còn Trung lập mới có một bài dợm thử Đuốc nhà Nam, thì đã như ông trời kia bị ai đánh mà què, (….)! Cái lạ ấy cũng chẳng kém gì cái lạ mà ông Nguyễn Phan Long nói trong tờ báo của ổng ngày 19 Juin, thật khó lòng mà hiểu.

Tuy vậy, may mà cái phần còn lại đó cũng có thể làm cho Đuốc nhà Nam rõ được cái ngụ ý của chúng tôi, cũng đủ cho độc giả các ngài soi thấu cái khổ tâm của chúng tôi; vậy thì cũng chẳng nên cầu cho hơn nữa làm chi. Hôm nay đây, chúng tôi chỉ cầu được thế mà thôi.

Giáo đầu chừng nấy là vừa, xin nói ngay vào đề.

Đuốc nhà Nam ngày 19 Juin, chính ông chủ nhiệm tờ báo ấy, Nguyễn Phan Long, viết bài trách Trung lập có hai khoản. Một khoản ở Trung lập ngày 18 Juin, tức là khoản mà trong số trước Đuốc nhà Nam kêu là “nói bậy”. Một khoản ở Trung lập ngày 19 Juin, ông kêu là “nói dối”. Đây chúng tôi xin bình tĩnh kể ra từng khoản cho ai nấy nghe.

Khoản thứ nhứt: Trung lập 18 Juin, nơi mục “Thức đêm xem báo” có viết rằng: “… Trong bài “Một vấn đề khó khăn”, ông Long cắt nghĩa cho anh em dân thấy rằng việc xin giảm thuế là một việc vô lý…” Chúng tôi xin nói mau rằng chỗ nầy là Trung lập nói sai. Trong bài “Một vấn đề khó khăn”, ông Long chưa hề nói sự giảm thuế là vô lý. Chẳng những vậy thôi, chúng tôi lại nhìn nhận rằng cái ý kiến của ông lại có khuynh hướng về sự giảm thuế nữa.

Tuy vậy, hai chữ “vô lý” ông Long có dùng qua một lần trong bài “Ngỏ cùng đồng bào thương dân” ra ngày 10 Juin. Nguyên văn của ông là “Những điều yêu cầu vô lý”, rồi ông chỉ ra hai điều, là sự chia ruộng đất và sự bãi thuế. Ông nói bãi thuế là vô lý, chớ không nói giảm.

Ký giả của Trung lập dùng chữ “vô lý” của ông mà lại nói lộn chữ bãi ra chữ giảm. Lúc báo ra rồi, trong chúng tôi mới có người phát giác sự lầm lộn ấy. Hôm nay xin đính chánh lại, và thiệt tình có lời nhận lỗi trước mặt Đuốc nhà Nam.

Chúng tôi nói thiệt tình, người ta sẽ lại cho chúng tôi là nói dối, thiệt tình sao không đính chánh ngay hôm ấy, mà lại để đến hôm nay, sau khi hai bên đã gấu ó với nhau?

Trong đó có một cái cớ, phải chi Đuốc nhà Nam viết lên báo mình mà hỏi Trung lập, hay là không hỏi nữa mặc dầu, đừng có lon xon mắng Trung lập nói bậy thì Trung lập đã cải chánh rồi. Cái nầy, bài mới vừa ra liền bị một câu vô lễ của Đuốc nhà Nam, nó phạm đến cái lòng tự ái của Trung lập, thôi, có trời đó cũng mặc, cải chánh làm gì? nhận lỗi với ai?

Các ông há lại chẳng biết cái thói thường trong làng báo? Nếu hai nhà báo coi nhau là bạn đồng nghiệp, đãi nhau bình đẳng thì mỗi khi có sự gì xảy ra, phải hỏi nhau trước đã rồi ra thế nào đó sẽ hay. Còn như không hỏi trước mà đem lời vô lễ ra mắng nhau, ấy chỉ có hai nhà thù địch với nhau; không thì nhà nầy khinh miệt nhà kia, không đãi nhau bình đẳng, mới dùng kiểu ấy. Các ông làm báo già đời, điều ấy lẽ đâu các ông chẳng biết?

Vậy thì chúng tôi hỏi đây: Trung lập có phải là thù địch của Đuốc nhà Nam chăng? Đầu tháng trước, có một lần hai viên chủ bút hai bên có bài châm chọc nhau; nhưng đó chỉ là việc nhỏ mọn của cá nhân, đâu đã đến nỗi là sự hiềm khích của hai tờ báo? Trung lập đã chẳng phải là thù địch của Đuốc nhà Nam rồi, thì sự Đuốc nhà Nam mắng đây quyết không phải vì cớ thù địch.

Như trên kia đã nói, có hai cớ mà thôi, không phải cớ nầy thì cớ nọ. Đuốc nhà Nam đã mắng Trung lập đây, là chỉ vì quen cái thói khinh người.

Nầy, Trung lập hỏi đây, khinh ai Đuốc nhà Nam?

Ở đời chỉ có lấy cái phải ra mà ở với nhau. Chớ còn cậy tài, thì đó có tài đây cũng có tài, khoe thiện nghệ, thì đó thiện nghệ đây há lại không thiện nghệ! Cho khuân hết cả ra đi, bất kỳ Đuốc nhà Nam có cái gì, là Trung lập có cái ấy hết. Đuốc nhà Nam lên đến đâu là Trung lập lên đến đó hết. Ly lai nhau một mười một chín, nhưng còn chưa biết chắc là ai chín ai mười, vậy thì khinh ai được mà khinh? Trung lập hỏi gắt Đuốc nhà Nam: Khinh ai?

Khinh người ta đến nỗi mắng xối hai lần mà lần nào cũng nói rặt giọng trên, chẳng thèm dùng một chữ “bạn đồng nghiệp” lấy có. Vậy mà hôm thứ bảy rồi, chúng tôi tử tế quá, ôn đi ôn lại biết bao nhiêu lần “bạn đồng nghiệp”. Hôm nay chúng tôi không tử tế nữa, bao nhiêu chữ “bạn đồng nghiệp” dùng mà xưng Đuốc nhà Nam trong bài trước, chúng tôi xin thanh minh ra ở đây mà thủ tiêu hết một lần.

Chúng tôi phải lấy làm lạ hết sức, chẳng biết người ta lấy cái gì mà khinh chúng tôi. Chúng tôi phải nói như kiểu ông Long cho Đuốc nhà Nam biết rằng: Cái người khinh được chúng tôi vẫn còn chưa giáng sanh ở trần thế nầy. Chúng tôi chỉ cúi mình trước mặt chơn lý chớ chẳng chịu cúi mình trước mặt người nào, dầu người ấy là mặt to tai lớn, giỏi trổ trời cũng trối kệ.

Vì cúi mình trước mặt chơn lý cho nên hôm nay chúng tôi mới thiệt tình mà cải chánh một cái sai lầm nhỏ ở trên kia. Một nhà nho đời xưa có nói: “Cái lỗi của người quân tử cũng như mặt trời mặt trăng bị ăn xâm; khi có lỗi, người ta đều thấy; khi đổi lỗi, người ta đều ngước lên mà ngó”. Vứt cái sự khiêm cung giả dối bề ngoài đi, hôm nay chúng tôi phải tỏ cái nhã độ quân tử của chúng tôi ra cho thiên hạ biết.

Khoản thứ nhì: Xin nói mau ở đây cho Đuốc nhà Nam biết rằng về khoản nầy Trung lập không nhận lỗi nữa đa. Nếu sau khi nghe lọt tai rồi, Đuốc nhà Nam biết mình có lỗi chăng, và cũng có cái nhã độ quân tử chăng, thì tự nhận lấy, Trung lập không ép.

Ngày 19 Juin, Trung lập viết rằng: “…. Chỉ có một điều, trong bài tuyên ngôn trước thì thấy ra ông (ông Long) giải quyết thời cuộc như tuồng dễ ợt, mà đến bữa sau là bữa 16 đây, ông mới nhìn nhận là một vấn đề khó khăn đó thôi”.

Cũng ngày ấy, ông Nguyễn Phan Long dẫn câu ấy vào bài của ông ở Đuốc nhà Nam, rồi nói rằng: “Đó lại là một điều nói dối nữa”. Kế đó ông viết rằng: “Xin hỏi báo Trung lập: trong bài của tôi viết ngày 10 Juin, có lúc nào hay là đoạn nào mà tôi viết rằng cái vấn đề thuế thân là vấn đề dễ giải quyết?”

Xin độc giả, biết cho, trên đoạn ấy ông Long lại có một câu đàng hoàng nghiêm chánh rằng: “Cái cách nói dối như thế, chẳng khi nào tôi dùng để đối với ai, cho nên thấy ai dùng, tôi lấy làm lạ”.

Xin độc giả cả đến các ông bên Đuốc nhà Nam cũng vậy, hãy coi kỹ mấy câu ông Long nói trên đó và nhớ cho nhập tâm đi.

Chúng tôi xin hỏi thẳng ông Nguyễn Phan Long, chớ không hỏi Đuốc nhà Nam: Hai chữ “nói dối” ông dùng đó là nghĩa làm sao? Nếu chuyện không có đặt ra mà nói, là nói dối, thì trong khoản nầy, chính ông là người nói dối!

Chúng tôi còn xin phân bua với độc giả rằng ba chữ “người nói dối” nghe nó nặng nề lắm, đem mà gia cho ông Long là người chúng ta vẫn kính phục thuở nay, thiệt không đáng. Nhưng mà cái nầy là tại ông đem mà gia cho chúng tôi trước, chẳng dè ông lại tự phạm lấy, thành ra nó quật lộn lại vào mình ông.

Nguyên văn của Trung lập đã dẫn trên kia là “thấy ra ông giải quyết thời cuộc như tuồng dễ ợt” trong câu ấy có nghĩa gì? Ấy là Trung lập chỉ cái ngày 10 Juin mà nói. Số là trong bài ấy ông phán đoán các việc thuộc về các cuộc biểu tình rành rẽ lắm. Đầu hết ông nói những điều yêu cầu vô lý, tức là sự chia ruộng đất và sự bãi thuế; kế đến ông nói những điều yêu cầu chánh đáng; sau lại ông xin đồng bào còn có ý kiến chi viết gởi cho ông. Thấy ông phán đoán rành rẽ như vậy thì Trung lập nói rằng “giải quyết thời cuộc như tuồng dễ ợt”, chẳng có gì đáng bắt bẻ được hết. Có hai chữ “dễ ợt”, thì cũng chẳng phải nó ở dưới đất rúc lên, nguyên nó do chữ “khó khăn” của ông Long mà ra.

Từ khi Trung lập đã canh tân trong sự biên tập, hễ cẩn thận được chừng nào là chúng tôi cẩn thận chừng nấy, cho nên dùng chữ nào có cân có lường từng chữ, đừng có tưởng là su sơ, đụng đâu bắt bẻ đó mà có ngày vấp. Trong câu đó, chữ nào đích đáng chữ ấy. Chúng tôi không dám chắc rằng ông cho là dễ ợt, nên chúng tôi mới nói “thấy ra” nghĩa là chúng tôi chỉ thấy ra như vậy mà thôi. Trên chữ “dễ ợt” chúng tôi lại còn để chữ “như tuồng” nghĩa là chúng tôi thấy như tuồng dễ ợt, chớ không dám nói quyết là dễ ợt. Mấy lời cắt nghĩa nầy nó hơi thừa, có điều thấy Đuốc nhà Nam nhè câu ấy mà bẻ, nên mới cắt nghĩa ra cho Đuốc nhà Nam biết cái lối văn mực thước của Trung lập đôi chút. Chớ cái sự nói dối của ông Long chưa phải ở chỗ đó đâu.

Nó ở đây nầy, đố chạy đàng trời! Nguyên chúng tôi nói “giải quyết thời cuộc như tuồng dễ ợt”, ông Long có tiếng tinh grammaire hơn ai hết, vậy xin hỏi ông trong câu ấy, cái verbe là “giải quyết”, còn cái complément nó ở đâu? Giải quyết cái gì? giải quyết thời cuộc. Nếu ông không trả lời cho chúng tôi là chữ “thời cuộc” thì hoạ có ông điên. Đó, cái complément của nó là “thời cuộc”, can chi ông lại đổi là “vấn đề thuế thân” rồi hỏi chúng tôi rằng “có lúc nào hay là đoạn nào mà tôi viết rằng cái vấn đề thuế thân là vấn đề dễ giải quyết?”?

Trong bài của chúng tôi viết ngày 19 Juin, chẳng có lúc nào hay là đoạn nào mà chúng tôi viết rằng: “giải quyết cái vấn đề thuế thân như tuồng dễ ợt”, sao ông lại đặt điều ra mà nói như vậy, ông Long? Chuyện không có, đặt ra mà nói, có phải nói dối không, ông Long? Có phải chính ông là người nói dối không, ông Long? Cái cách nói dối như thế, chẳng khi nào chúng tôi dùng để đối với ai, cho nên, thấy ông dùng, chúng tôi phải lấy làm lạ.

Đó, độc giả thấy, bây giờ bao nhiêu những lời nặng nề ông Long dùng mà gia cho chúng tôi nó quật ngược lại, nó đổ sấp lên trên mình ổng hết. Cái là tại ổng.

Rốt bài, chúng tôi xin có lời phân chứng cùng độc giả, chúng tôi chỉ nói một lần nầy mà thôi. Lại xin độc giả chứng minh cho chúng tôi điều nầy: Bên Đuốc nhà Nam, ông Đào Trinh Nhứt bỏ đi không nói; còn ông Long, chúng tôi vẫn kính trọng, chẳng những kính trọng cái tài học của ổng mà cũng kính trọng luôn cái nhân cách của ổng nữa. Vậy mà hôm nay chúng tôi nói không nể mích lòng, ấy là bị ổng mắng trước Trung lập, tại ổng đã khinh miệt chúng tôi.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6178 (23.6.1930)

 

(*) censuré: kiểm duyệt; ý nói kiểm duyệt bỏ một đoạn (NST).

 

SỰ KHỞI HẤN GIỮA ĐUỐC NHÀ NAMTRUNG LẬP
NẾU TRỞ NÊN CUỘC BÚT CHIẾN THÌ PHẢI THẾ NÀO?

 

Lời ngỏ cùng ông Nguyễn Phan Long

Từ hôm nay nhẫn về trước, Đuốc nhà Nam với Trung lập có lời nói qua nói lại cùng nhau, chẳng qua mới là sự khởi hấn đó thôi; vì cũng như hai nước có sự trái ý, gởi thơ từ cùng nhau mà biện bác, trong khi không nghe nhau được nữa, làm giận làm hờn, tuyệt giao, công sứ hạ cờ về bổn quốc; nhưng đánh nhau thì chưa đánh.

Theo như sự thiệt đã xảy ra thì sự khởi hấn là do Đuốc nhà Nam trước. Vì luôn hai ngày 18, 19 Juin, Đuốc nhà Nam khởi ra mắng Trung lập là “nói bậy, nói dối” mà không hỏi trước Trung lập. Trung lập cho cái thái độ ấy của Đuốc nhà Nam là khinh miệt mình, không đãi mình bình đẳng, cũng như một nước kia đã thất lễ trong sự bang giao, cho nên Trung lập tỏ ra ý bất phục tình, không thèm chơi nữa.

Sự tuyệt giao thì tự Trung lập trước. Vì trong số 23 Juin của mình, Trung lập đã thủ tiêu những chữ “bạn đồng nghiệp” mà số trước đã dùng để xưng Đuốc nhà Nam.

Trung lập tuyệt giao chớ không tuyên chiến. Vì trong hai bài ngày 21, 23, mỗi bài nói về một phương diện, cũng đều có tuyên bố rằng chỉ nói một lần mà thôi.

Sự tuyên chiến thì lại tự Đuốc nhà Nam trước. Vì trong ngày 21, sau khi bài “Thế nào là cái nhã độ quân tử” của Trung lập ra rồi, Đuốc nhà Nam liền “mời Trung lập ra nói chuyện” và đòi “nói chuyện cho đến cùng.”

Trung lập nói cho Đuốc nhà Nam biết rằng sở dĩ Trung lập viết “nói một lần mà thôi” là có ý cự tuyệt cái cách vô lễ của Đuốc nhà Nam, tỏ ra rằng mình không thèm nói chuyện với kẻ vô lễ đó thôi, chớ có việc gì mà không nói.

Nay Đuốc nhà Nam tuyên chuyến phải không? Muốn đánh thì đánh, Trung lập đây tướng mạnh binh ròng, lương thừa ngựa mập, súng đầy đạn đủ, đánh thì đánh, sợ chi? Huống chi, khởi hấn là tự ai, tuyên chiến là tự ai, Trung lập đây chỉ là ứng binh, như vậy, bên “khúc” bên “trực”(*) đành rành, Trung lập “sư xuất hữu danh”(**), hễ đánh thì chắc thắng, sợ chi mà không đánh?

Đánh đi! Đằng nầy chỉ chực hầu mà đánh, Trung lập cũng mong đánh trận nầy, thắng một cái, đặng lên làm bá cái hoàn cầu nho nhỏ nầy chơi.

Nhưng mà theo cái nguyên tắc hòa bình của Trung lập lâu nay, phải hỏi lại Đuốc nhà Nam một lời.

Đuốc nhà Nam từ trước không hề kêu Trung lập bằng “bạn đồng nghiệp”. Từ sau khi Trung lập trách Đuốc nhà Nam vô lễ, Đuốc nhà Nam ngày 21, mới chịu xưng Trung lập là “bạn đồng nghiệp” mà xưng đến hai ba lần! Lại còn “mời” nữa! Trung lập thấy vậy, riêng nghĩ cho Đuốc nhà Nam là có hơi “dịu xuống” phải không? Dịu xuống tức là để sẵn cái đất mà cầu hòa phải không? Tuyên chiến chẳng qua là thị oai phải không?

Trung lập không ép, nhưng nếu thiệt tình Đuốc nhà Nam muốn hòa, thì xin lỗi Trung lập đi, Trung lập cũng sẵn lòng mà nhận vậy. Mà sự xin lỗi ấy cũng chẳng lạ gì, Trung lập có tỏ ra cái nhã độ quân tử với Đuốc nhà Nam một lần rồi và liệt cường trên thế giới nầy cũng [. . . . . ](***)

Đuốc nhà Nam chắc sẽ không chịu xin lỗi, vì cái thái độ kiêu căng ấy mà có biết phục thiện đâu. Không chịu xin lỗi thì đánh. Được! Đánh thì đánh.

Trước khi đánh, chủ tướng bên Trung lập nầy là Trần Thiện Quý có mấy lời ngỏ cùng chủ tướng bên Đuốc nhà Nam là Nguyễn Phan Long.

“Kính cùng Nguyễn Phan Long tiên sanh:

Trước khi hai bên giao chiến cùng nhau, chúng ta chắc cũng còn có thì giờ để nói chuyện với nhau về sự phải. Vậy tôi chắc mấy lời của tôi ngỏ cùng tiên sanh đây, tiên sanh không có thể bỏ qua.

Báo giới Nam kỳ ta – mà cho cả nước Nam cũng vậy - từ xưa đến nay chưa hề có một cuộc bút chiến nào cho đúng đắn, đáng gọi là bút chiến được. Có chăng, là cuộc bút chiến nầy đây giữa Đuốc nhà Nam với Trung lập phải không? Câu hỏi ấy, độc giả ở ngoài đương bàn xấm xi xấm xải với nhau mấy bữa nay; mà tưởng giữa chúng ta, cũng còn phải hỏi nhau về câu ấy.

Tự tôi thì tôi nghĩ, nếu giữa chúng ta không hòa được mà phải chiến, thì sự chiến ấy cũng lại là sự hay, chẳng dở chi. Vì nếu chúng ta làm được một cuộc bút chiến đường đường chánh chánh, đem cái chơn lý ra mà phô bày cho công chúng đều xem, thì thiệt đánh là nên lắm, chẳng những làm gương tốt cho báo giới thôi đâu, mà cũng thêm ích lợi cho sự tri thức của đồng bào.

(Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn)

Nói rằng cuộc bút chiến nên hình, cuộc bút chiến đường đường chánh chánh, là nghĩa làm sao? Tôi tưởng tiên sanh là một nhà ngôn luận vào bực nhứt đất nầy, lại còn phải đợi cho ai cắt nghĩa nữa? Chẳng những vì sự rành nghề làm báo mà tiên sanh rõ cái nghĩa bút chiến là thế nào, tôi chỉ lấy theo cái cách ăn ở công bình chánh trực của tiên sanh đã tỏ ra giữa xã hội mười mấy năm nay, cũng liệu được rằng tiên sanh, trong cuộc bút chiến, không thể nào bỏ mất cái cách công bình chánh trực của mình già nửa đời người ấy.

Vậy mà trong Đuốc nhà Nam ngày 21 nơi cuối bài xã thuyết có ý doạ tôi, muốn bươi việc cá nhân của tôi ra, sự đó tôi rất lấy làm quái. Quái là vì sự lấy cá nhân ra mà công kích ấy, chính mình tiên sanh đã cho là bậy, đã gạt đi trong bài của tiên sanh ở Đuốc nhà Nam ngày 19 Juin rồi.

Tôi nói doạ tôi là theo ý tôi nghĩ. Tôi nghĩ Đuốc nhà Nam nói như vậy để làm nao núng tôi cho tôi sợ mà cầu hòa chăng? Không đâu. Tôi cũng là “người” như tiên sanh, chúng tôi đã nói theo kiểu tiên sanh mà rằng: Chỉ cúi mình trước mặt chơn lý mà không cúi mình trước mặt người nào hết. Làm người “có ai cho khỏi sự lỗi lầm” muốn bươi mấy đó thì bươi, nói thiệt tôi đây chẳng hề nao núng.

Có một điều, chính tiên sanh đã nhổ nước miếng vào sự công kích cá nhân rồi bây giờ chính trông tờ báo tiên sanh lại lăm le toan làm sự ấy; tiên sanh thì sao không biết, chớ tôi, tôi cho là một sự đại nhục cho tờ báo của tiên sanh vậy. Nhưng tôi còn chưa biết chắc sự lăm le toan bươi việc cá nhân của tôi đó, có phải là bởi ý tiên sanh mà ra chăng, hay là bởi cái ngòi viết của kẻ… nào?

Nếu quả vậy thì Đuốc nhà Nam cứ việc mà làm đi, tôi sẽ có cách khác mà đối phó chớ không đối phó bằng cái nhã độ quân tử nữa. Song bây giờ, cái trận thế cũng còn chưa buộc tôi đối phó bằng cách khác thì tôi vẫn còn lấy cái cách quân tử mà thưa chuyện cùng tiên sanh. Nghĩa là tôi muốn đôi bên có công kích nhau thì phải mở một cuộc bút chiến cho đúng đắn, cho đường đường chánh chánh, cho nên hình, như tôi đã nói nãy giờ.

Nếu muốn mở một cuộc bút chiến giữa Đuốc nhà Nam với Trung lập phen nầy, thì theo “chiến thời công pháp” của báo giới, phải lập trước những cái luận điểm (points de discussion) cho rõ ràng chắc chắn đi, rồi hai bên cứ theo đó mà biện luận, không được vượt ra ngoài. Như vậy, tiên sanh nghĩ có nên chăng?

Nếu là nên, thì tôi xin liệt ra đây những cái luận điểm của hai bên mà những cái ấy là cứ theo trên hai tờ báo Đuốc nhà NamTrung lập trong một khoảng thời gian  khởi hấn từ 18 đến 23 Juin, chớ không phải là tự tôi bịa đặt ra. Những luận điểm ấy như sau nầy:

Đuốc nhà Nam công kích Trung lập:

1. Nói bậy trong Trung lập ngày 18.

2. Nói dối trong Trung lập ngày 19.

3. Làm sao diễu cợt trong cơn nước nhà có việc?

Trung Lập công kích Đuốc nhà Nam:

1. Khinh người, đối với bạn đồng nghiệp vô lễ;

2. Nói dối trong Đuốc nhà Nam ngày 19.

3. Công kích ông Nguyễn Phan Long luôn với các ông Hội đồng quản hạt luôn với đảng Lập hiến, luôn với Đuốc nhà Nam làm sao trong khi có việc xảy ra, từ ngày 1er Mai đến ngày 6 Juin, không đứng ra mà can thiệp, đợi cho đến quan Thống đốc mời mới chịu ra; sau đó, bị anh em công kích, lại làm cao với quốc dân, vu cho người ta thấy đồng bào bị chết mà reo cười?

Đó, những cái luận điểm của hai bên, tôi liệt ra như trên đó, tiên sanh có cho là đúng không? Nếu không đúng thì xin tiên sanh phủ chánh lại. Sau khi đôi bên hiệp ý nhau và quyết định những cái luận điểm rồi, chúng ta sẽ dàn binh ra mà đánh nhau, ấy là đường đường chi trận, chánh chánh chi kỳ, chẳng những chúng ta lấy làm vinh dự mà thấy nhau trong trận bút đàn văn, cho đến khán giả ở ngoài cũng phải dậm chưn vỗ tay mà cho là khoái nhãn!

Nhược bằng chẳng thế, theo như cái cách lăm le của Đuốc nhà Nam, lấy cá nhân ra mà công kích, thì bên Trung lập chúng tôi lấy làm khó lòng một chút; vì, ví chẳng khác chúng tôi kéo quân  lên miệt Tây Ninh, còn bên đối địch cùng chúng tôi là Đuốc nhà Nam lại kéo quân đi ra Ô Cấp, thì chúng tôi còn biết đánh với ai?

Tôi, Trần Thiện Quý cùng đồng nhân trong tòa soạn chúng tôi, cho đến người ở ngoài viết bài giúp cho chúng tôi là ông Phan Khôi nữa, cũng một lòng suy phục tiên sanh. Cái tài học tiên sanh đã đành rồi; cho đến cả cái nhân cách tiên sanh, chúng tôi cũng phục nữa. Tiên sanh từng thanh minh trên báo nói rằng mình không hề lập hội buôn thủ lợi, không hề có một mẫu ruộng nào; lại không ai hiệu lịnh được mình, mình chẳng hề cúi mình trước mặt ai. Những điều đó có người không tin, chớ chúng tôi tin thiệt lòng vì chúng tôi đã xét thấy cái ký vãng của tiên sanh trong mười mấy năm nay mà biết rằng cái ngôn của tiên sanh với cái hành là tương cố. Có phải mình chúng tôi đâu: cả nước Việt Nam, người nào biết tiên sanh đều tin như vậy.

Song le, tôi có lời cảnh cáo tiên sanh, xin tiên sanh đừng có ý cậy mình vì chỗ đó. Cuộc bút chiến Đuốc nhà Nam – Trung lập sắp tới đây có quan hệ với cái danh dự tiên sanh lắm, xin tiên sanh phải để ý và để mắt tới luôn luôn.

Tôi xin nói rõ để tiên sanh biết rằng nếu cuộc bút chiến nầy, Đuốc nhà Nam đi đường chánh trực, thì dầu bị Trung lập đánh đổ phen nầy cũng chỉ đánh đổ được những cái vụn vặt, là cái thái độ tiên sanh đối phó với thời cuộc mới rồi cùng cái thái độ tiên sanh khinh người mà thôi, chớ có cái nhân cách của tiên sanh vẫn cao vòi vọi, đời nào ai đánh đổ được.

Chí như muôn một mà Đuốc nhà Nam đi đường bất chánh, nhè cá nhân tôi mà công kích, thì chưa biết có lung lay được tôi chăng, song tôi mà lung lay đi nữa thì tôi dám nói: cái nhân cách của tiên sanh từ đó cũng sẽ không còn. Ấy chẳng những là một sự đau đớn cho cái đời tiên sanh mà thiệt là một cái vết thương cho xã hội không bao giờ lành được vậy!

Thiệt vậy, nếu một người đã tự phụ mình là cao khiết, quang minh chánh đại, cho những kẻ công kích cá nhân là đồ chó má, đồ tiểu nhân, thiếu điều nhổ nước miếng trên mặt chúng nó, mà bây giờ, lời nói còn vẳng trong tai mọi người, mình trở lại phạm cái chó má ấy, cái tiểu nhân ấy, thế là hành bất cố ngôn rồi, thế là cái nhân cách của người ấy phá sản rồi, còn chi?

Cái hạng người “hành bất cố ngôn” tức là hạng người “vô sỉ”. Trong đám sĩ phu ta chẳng phải là thiếu gì hạng người ấy đâu. Còn một số ít người “hữu sỉ” ấy là những người như tiên sanh đó mà thôi. Một mai mà cái số ít ấy cũng lần lần mòn mỏi nữa thì thiệt là cái vết thương cho xã hội Việt Nam chẳng biết bao giờ lành được, cả đồng bào phải lấy làm đau đớn lắm. Lương tâm tôi làm chứng cho tôi, tôi không nói dối: nói đến đoạn nầy thiệt tôi phải đứt từ(*) đoạn ruột mà trung cáo với tiên sanh.

Trong những lời tôi thưa cùng tiên sanh đây, quan trọng nhứt là những cái luận điểm đã liệt ra trên kia. Xin tiên sanh xét lại, có sai thì tiên sanh cứ việc phủ chánh, sau khi ấy hai bên ta sẽ khai cuộc bút chiến chẳng muộn gì.

                                                                         TRẦN THIỆN QUÝ

Coi mấy lời của bổn báo Tổng lý trên đây thì cuộc bút chiến Đuốc nhà Nam – Trung lập chưa vội mở ra đâu. Dầu bên Đuốc nhà Nam có lấy thế công mà tấn lên, thì bên Trung lập cũng vẫn giữ cái thế thủ, giữ đến bao giờ cho hai viên thủ tướng hai bên định đoạt những cái luận điểm cho phân minh rồi, khi ấy Trung lập mới kéo quân ra, đánh nhau một trận cho phân thắng phụ chơi, được lắm!

Hồi 8 giờ buổi mai ngày nay, Trung lập đã hạ lịnh động binh rồi, các đồn ải dự bị sẵn sàng, tướng hiệu một lòng quyết chiến, ai nấy hằm hằm, tin quyết rằng thế nào trận nầy cũng thắng.

Nếu mai kia mốt nọ chi đây, bên Đuốc nhà Nam nhận những cái luận điểm của Trung lập, thì lập tức sẽ có cuộc bút chiến xem thích mắt lắm, ai nấy hãy đợi mà xem. Còn như không, nếu bên Đuốc nhà Nam đi đường bất chánh, một hai đòi cách đánh “bửa củi” với Trung lập, thì Trung lập cũng chẳng từ. Có điều đánh bửa củi thì tôi không thích, ra cuộc chưởi nhau, tầm bậy, thói hàng tôm hàng cá ra gì? Theo cái trình độ độc giả báo quốc ngữ ngày nay chắc không ai thèm coi cuộc bút chiến bửa củi như vậy. Nhưng mà nếu có vậy nữa, thì cái là tại Đuốc nhà Nam, Trung lập biết làm sao được bây giờ? Đánh kiểu nào cũng phải đánh hết, Trung lập mà lại dám vô phép không hầu trận hay sao?

Trong khi còn chờ đợi hai bên quyết định những cái luận điểm, Trung lập sẽ duyệt binh luôn luôn. Số tới đây Trung lập xin tuyên bố cho đồng bào biết tại sao mà công kích Đuốc nhà Nam và trong sự công kích ấy có cái ảnh hưởng gì cho xã hội Việt Nam chút nào không.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6179 (24.6.1930)

 

(*) “khúc”: cong; “trực”: thẳng; “bên khúc bên trực”: bên cong bên thẳng, bên phải bên trái.

(**) “sư xuất hữu danh”: xuất quân một cách chính đáng.

(***) Bản chụp mất khoảng 10 từ.

(*) từ: từng, mỗi (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).

 

LỜI CỦA TRẦN THIỆN QUÝ, TỔNG LÝ TRUNG LẬP BÁO
NGỎ CÙNG ÔNG NGUYỄN PHAN LONG CHỦ NHIỆM
ĐUỐC NHÀ NAM(*)

 

Kính cùng Nguyễn Phan Long tiên sanh,

Bổn báo ra ngày 24 Juin tôi có trình cho tiên sanh biết về sự lập những cái luận điểm (points de discussion) cho cuộc bút chiến Đuốc nhà Nam – Trung lập, mỗi bên có ba điều để nhờ tiên sanh phủ chánh lại.

Nay xem những số báo của 2 nhà mới ra vừa rồi thì những luận điểm lại tăng gia lên, vậy tôi tưởng nên lục ra mà thêm vào các điều trước. Về phần tôi, tôi thấy có những điều nầy:

Đuốc nhà Nam tố cáo Trung lập (tiếp theo):

4. Binh vực cho cọng sản chống với toàn thể nhơn dân trong xứ.

5. Nói ông Nguyễn Phan Long cùng các ông Hội đồng quản hạt can thiệp vào việc biểu tình là để cho vui lòng chánh phủ và có mục đích tư lợi.

Trung lập tố cáo Đuốc nhà Nam (tiếp theo):

4. Đuốc nhà Nam trong 2 số ra ngày 21 và 23 Juin đều có sửa bậy nguyên văn nguyên ý của Trung lập.

5. Ông Long trước vẫn không chịu cái lối công kích cá nhân mà trong Đuốc nhà Nam ngày 21 lăm le công kích cá nhân.

Thế là hôm nay thêm mỗi bên hai điều nữa, cọng với trước thành ra mỗi bên 5 điều, nhờ tiên sanh đính chánh lại rồi phát biểu trên Quý báo.

TRẦN THIỆN QUÝ

Trung lập, Sài Gòn, s.6180 (25.6.1930)

 

 

(*) Bài này của Trần Thiện Quý. Sưu tập đưa vào đây như phụ lục, nhằm bổ sung luận điểm cuộc bút chiến, tiếp theo các nội dung đã nêu ở số báo hôm trước (NST).

 

AI NÓI DỐI?

 

Sự nầy có lẽ nguy hiểm đến cái nhân cách ông Nguyễn Phan Long

Ngày 19 Juin, chính ông Nguyễn Phan Long viết trong báo Đuốc nhà Nam những lời nầy:

Trung Lập đem những ý kiến của tôi ra mà chỉ trích, song không phải là đem nguyên văn nguyên ý ra, lại bày đặt ra những lời không có, nói ấy là ý kiến của tôi. Cái cách nói dối như thế chẳng khi nào tôi dùng để đối với ai, cho nên thấy ai dùng tôi lấy làm lạ”.

Vậy mà xin độc giả coi, Trung lập ngày 16 Juin, nơi trương thứ nhứt, trong một chỗ đóng khuôn, nguyên văn của chúng tôi như vầy:

“Nguyễn Thái Học, hiệu là Giáo Nhơn, nguyên là học sanh trường cao đẳng thương mại, nhưng học mới đến nửa chừng thì bỏ trường mà ra… Còn Xứ Nhu 53 tuổi vốn là tay nho học có tiếng hay chữ nhứt tỉnh Bắc Giang… Phó Đức Chính biệt hiệu là Thụy Sơn, vốn là một người kinh lý sở Trường tiền. Còn Ký Con thì nguyên là một tay thơ ký cho hãng buôn sau làm trưởng ban ám sát của Việt Nam quốc dân đảng”. (Chép y như nguyên văn).

Rồi bên kia, Đuốc nhà Nam, tờ báo thuộc quyền chủ nhiệm ông Nguyễn Phan Long, là người không hề dùng cách nói dối, thấy ai dùng thì lấy làm lạ kia, cái số ra ngày 21 Juin, sửa nguyên văn của Trung lập như trên kia mà viết như vầy:

Trung lập ngày 16 Juin nói chuyện mấy nhà cách mạng An Nam và kể lai lịch mấy tay đầu đảng, nào là “Nguyễn Thái Học là người học hành dở dang, Phó Đức Chính là anh kinh lý sở đạc điền, xứ Nhu là ông đồ hủ và Ký Con là chú thơ ký hãng buôn….” (chép y như nguyên văn).

Mấy tờ báo của hai bên còn rành rành đó, xin độc giả xét lại mà coi, Đuốc nhà Nam trích ra đó có phải là y theo nguyên văn nguyên ý của Trung lập không?

Cái sự ông Long trách chúng tôi, chúng tôi đã giải minh rồi. Hai điều thì một điều là lỗi của Trung lập, Trung lập nhận; còn một điều thì lại tỏ ra ông Long nói dối. Sự giải minh nầy thấy trong Trung lập ngày 23 Juin, xin độc giả xem lại cho tường.

Bây giờ đây, đối với sự nói dối của Đuốc nhà Nam ngày 21 Juin đây, chúng tôi cũng theo kiểu ông Long mà nói như vầy:

Đuốc nhà Nam đem những ý kiến của chúng tôi ra mà chỉ trích, song không phải là đem nguyên văn nguyên ý ra, lại bày đặt ra những lời không có, nói ấy là ý kiến của chúng tôi. Cái cách nói dối như thế, chẳng khi nào chúng tôi dùng để đối với ai, cho nên thấy ông Long dùng, chúng tôi lấy làm lạ.

Chúng tôi mới vừa nói “thấy ông Long dùng”, vì ổng là chủ nhiệm Đuốc nhà Nam. Song còn hồ nghi một chút là vì dưới bài ấy ký Đuốc nhà Nam mà không ký Nguyễn Phan Long, thì chưa biết có phải là bổn ý của ông không? Nếu là bổn ý của ông thì rõ thiệt nói một đường, làm một đường, là sự nguy hiểm cho cái nhân cách của ông lắm vậy.

Nhưng đến số Đuốc nhà Nam ngày 23 Juin, chính ông Long viết nơi cột thứ nhứt, trương thứ nhứt, nói rằng: “Trung lập báo trách tôi và các bạn đồng sự với tôi là các ông Hội đồng quản hạt rằng chúng tôi chỉ can thiệp vào cái phong trào biểu tình là để cho vui lòng chánh phủ và có mục đích tư lợi mà thôi, chớ thực ra thì phong trào biểu tình lúc ấy đã dứt rồi.”

Độc giả coi đó thì té ra chính bổn ý ông Long định sửa bậy nguyên văn nguyên ý của chúng tôi. Trong số Trung lập ngày 21 Juin, chúng tôi có trách ông Long và các ông Hội đồng quản hạt can thiệp vào việc biểu tình muộn quá, chớ những lời để cho vui lòng chánh phủ và có mục đích tư lợi, chúng tôi chẳng hề nói bao giờ.

Xin ông Long phải coi cho kỹ bài của chúng tôi rồi sẽ nói chớ đừng nói đặt điều ra như vậy. Nếu ông còn đặt điều một lần nữa thì bất đắc dĩ sau nầy chúng tôi sẽ trách ông nặng hơn.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6180 (25.6.1930)

 

BÂY GIỜ CHÚNG TÔI MỚI BIẾT CÁI VĂN
VÀ CÁI NGƯỜI CỦA ÔNG NGUYỄN PHAN LONG

Đuốc nhà Nam ra ngày 23 Juin, bài “Về những chuyện biểu tình”, rốt bài ông Nguyễn Phan Long ký tên, mà đầu bài có những lời như vầy:

Trung lập báo, sau khi đã đem những cách châm chọc xiên xẹo, nói xa nói gần ra công kích Đuốc nhà Nam rồi bây giờ lại phân minh là phản đối với phần đông quốc dân ta nữa. Trung lập báo ra mặt binh vực cho một dúm phần tử cọng sản chống với toàn thể nhơn dân trong xứ, chớ không có gì khác hơn nữa.”

Chúng tôi xin phân chứng cùng trên là chánh phủ, dưới là quốc dân biết cho rằng ông Long nói như vậy tức là ông đứng giữa thanh thiên bạch nhựt mà khống cáo Trung lập báo chúng tôi là về phe với cọng sản.

Nhưng cái bài của ông còn chưa hết, để đợi xem cho hết, coi thử ông Long lấy chứng cớ gì mà dám khống cáo Trung lập báo như vậy?

Nếu chứng quả Trung lập về phe với cọng sản thì chúng tôi chắc sẽ phải chịu những tội mà bọn cọng sản đã chịu; bằng không, tội vu cáo cũng sẽ đổ về trên mình ông Long.

Sự đó thì chưa biết chắc thế nào; bây giờ đây chúng tôi chỉ mới biết rằng té ra cái văn và cái người ông Nguyễn Phan Long là như thế đó! Than ôi!

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6180 (25.6.1930)

 

TRUNG LẬP GIÀNH LẠI CÁI NHÂN CÁCH
CHO QUỐC DÂN DƯỚI BÀN CHƯN KẺ VÔ LỄ

Tại sao Trung lập công kích Đuốc nhà Nam
và trong sự công kích ấy có ảnh hưởng gì đến xã hội Việt Nam

Nước ta từ năm bảy mươi năm nay, giáo hóa suy vi, phong tục đồi bại, cho đến trong hàng sĩ phu cũng gần như muốn mất hết sự liêm sỉ. Sự ấy chẳng phải một mình chúng tôi nói đâu. Cách hai mươi năm về trước, Tây Hồ tiên sanh cũng đã thở than khóc lóc mà tỏ bày ra cho chánh phủ biết, trong bức thơ đưa cho quan Toàn quyền đề ngày 15 Aout năm 1906 của tiên sanh.

Ôi! nói đến mà thương tâm thay! Trong một nước mà sĩ phu ít liêm mất sỉ đi như vậy thì còn gọi là nước được ư? Quân tử đời xưa nói nhằm lắm: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ, ấy là bốn giây chằng: bốn giây chằng chẳng giương ra, thì nước bèn diệt mất!”

Truy nguyên ra cái sở dĩ tại làm sao mà ít liêm mất sỉ đi như vậy thì thấy có nhiều cớ lắm, nói ra không tiện mà cũng không hết được, duy thấy rằng cái kết quả của những cớ ấy là làm cho người ta không còn phân biệt cái nhơn cách con người là gì.

Đừng nói người mình đối đãi với ai làm chi. Nội người mình với nhau đây, kẻ nầy ỷ thế chưởi kẻ kia, tên Xoài cậy sang mắng tên Mít, cũng phải vuốt mặt đi lơ cúi đầu mà chịu. Người nầy chẳng biết tôn trọng nhân cách của kẻ kia, mà kẻ kia vì yếu thế cũng khó mà tự tôn trọng lấy cái nhân cách của mình. Như thế rồi ai nấy ngó mặt nhau, coi sự bị mắng bị chưởi là thường, lần lần xô nhau vào trong cái hố thăm thẳm kia, tên nó là vô sỉ.

Có người Âu châu đã phê bình xã hội Tàu về đời Mãn Thanh mà nói rằng: “Xã hội Tàu như một cái thang có nhiều nấc, cứ người ở nấc thứ, nhì đạp trên đầu người nấc thứ nhứt, rồi nấc thứ ba lại đạp trên đầu người nấc thứ nhì, cứ thế mà kể lên, đạp đầu nhau cho đến cùng thôi”. Tình hình xã hội Việt Nam ta đây khác nào như vậy!

Ban đầu nó do cái sự vô sỉ nho nhỏ ấy, cái sự mất nhân cách nho nhỏ ấy, tức là cái sự bị mắng bị chưởi mà làm thinh ấy rồi sau nó hóa to ra. Đến chừng nó đã hóa to ra, khi ấy, cái đầu cứng rồi, cái da mặt chai rồi, làm gì mà chẳng được?

Lần nầy Trung lập bị Đuốc nhà Nam mắng, tức là cái triệu chứng người ta muốn đứng trên nấc thang cao hơn để đạp trên đầu chúng tôi.

Năm bảy người chúng tôi trong tòa soạn Trung lập đây cũng là một phần tử quốc dân Việt Nam. Dầu bất tài hay là vô dụng đi nữa cũng mặc chúng tôi, chúng tôi lớn nhỏ cũng là giữ một cái cơ quan ngôn luận giữa xã hội nầy, ai có quyền chi lại dám mắng chúng tôi được? Nếu chúng tôi vuốt mặt làm thinh, ấy là một phần tử quốc dân Việt Nam bị nhục, ấy là một toàn thể dân Việt Nam bị nhục, chúng tôi đâu có dám chịu nhục vào mình để làm nhục tới cả quốc dân như thế?

Trong đám sĩ phu ngày nay chúng tôi nhìn thấy một số ít người như ông Nguyễn Phan Long là có biết xấu hổ, có biết trọng nhân cách mình. Thật như lời ông đã nói, ông ra làm chánh trị chẳng hề lợi dụng để phát tài, không có hội buôn, cũng không có một mẫu ruộng. Lại cũng thật như lời ông đã nói nữa, ông chỉ cúi mình trước mặt số phận, chẳng hề cúi mình trước mặt người nào. Chúng tôi tâm phục ông Nguyễn Phan Long thiệt, chớ không phải nói. Nhưng chúng tôi không biết làm sao ông biết tự trọng cái nhân cách mình, mà không biết trọng cái nhân cách của một phần tử, cái nhân cách của một đoàn thể, cái nhân cách của chúng tôi? Ông mắng xối Trung lập hai lần mà hết một lần chính ông “nói bậy”.

Đồng nhân Trung lập chúng tôi nhận cho sự bị mắng đây là quan hệ lắm, chẳng những quan hệ với chúng tôi mà thôi, lại quan hệ đến xã hội Việt Nam nữa, đến đồng bào ta nữa, theo các lẽ trên kia đã nói. Vậy chúng tôi xin phép quốc dân mà phản đối cái sự vô lễ của ông Nguyễn Phan Long và Đuốc nhà Nam đó cho đến cùng. Chúng tôi đã tuyệt giao với tờ báo ấy rồi. Chúng tôi còn cứ công kích sự vô lễ ấy hoài cho đến chừng nào ông Nguyễn Phan Long và báo Đuốc nhà Nam chịu lỗi, trước là với quốc dân, sau là với chúng tôi, thì chúng tôi mới hết công kích.

Trong số ra ngày 21 Juin, Đuốc nhà Nam có nói đương hồi nầy trong nước nhiều việc mà hai tờ báo công kích nhau là sự không tốt. Trong hạng người trí thức ở Sài Gòn cũng có nhiều  vị đem lẽ ấy mà khuyên bảo chúng tôi. Thưa phải, chúng tôi vẫn biết vậy rồi, song chúng tôi nhìn rằng sự chúng tôi đương công kích đây cũng lại là một vấn đề to lớn vậy. Theo như lời Quản Tử trên kia và cứ như cái hiện tượng xã hội ta ngày nay thì sự liêm sỉ há chẳng phải một sự lớn, đáng cho ta duy trì bồi bổ hay sao?

Ngày 21 Juin 1930 là ngày chúng tôi bắt đầu công kích sự vô lễ của ông Nguyễn Phan Long và Đuốc nhà Nam, chúng tôi tưởng ấy là một ngày lớn mà chúng ta đáng kỷ niệm. Vì sự công kích đó là giành lại cái nhơn cách của người Việt Nam ở dưới bàn chưn kẻ vô lễ kia, là sự có ảnh hưởng lớn cho xã hội Việt Nam lắm vậy.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6180 (25.6.1930)

 

“KIẾN HIỀN TƯ TỀ YÊN”

(Lời của Khổng thánh nhân), nghĩa là thấy người hiền, mình phải lo cho bằng người.

Trung lập ngày 21 Juin, có nhận lỗi trước mặt Đuốc nhà Nam.

Nhưng cũng một bài đó, sau khi nhận lỗi có chỉ trích một điều mà chính ông Nguyễn Phan Long và Đuốc nhà Nam nói dối, độc giả chắc ai nấy đều thấy giăng giăng.

Vậy mà Đuốc nhà Nam ra ngày 23 chỉ lục đăng lời nhận lỗi của Bổn báo mà thôi, còn đoạn dưới của Bổn báo trách ông Long thì họ nín biệt, không hề nói tới.

Đuốc nhà Nam lục đăng bài ấy rồi cả hai tay bợ Bổn báo lên mà khen rằng: “Thật là một việc can đảm”. À quên trên đó lại còn tán dương Bổn báo bằng những chữ thiệt lớn rằng: “Thế mới là nhã độ quân tử”.

Bổn báo đã tuyệt giao với Đuốc nhà Nam vô lễ rồi, sự khen lao đâu có quản! Song chỉ muốn hỏi Đuốc nhà Nam: Sao biết khen người ta can đảm mà mình không can đảm? Sao biết khen người ta nhã độ quân tử mà mình không chịu làm quân tử có nhã độ như người ta?

Khuyên ai khá mua sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim ở Hà Nội mà tìm cho thấy cái tiêu đề kia.

T.L.

Trung lập, Sài Gòn, s.6180 (25.6.1930)

 

ÔNG NGUYỄN PHAN LONG DÙNG BÁO CHỮ TÂY MÀ CÔNG KÍCH TRUNG LẬP

Sau khi đã viết trong báo Đuốc nhà Nam rằng báo Trung lập là của người Pháp, là của đảng Homberg, tóm lại là một tờ báo không thương yêu gì An Nam và bởi quyền lợi trái hẳn, nên mới trở lại mà công kích Đuốc nhà Nam là cái cơ quan ái quốc thì bữa thứ 23 Juin vừa rồi ấy, cũng ông Nguyễn Phan Long lại viết một bài trong Tribune Indochinoise mà mét với mấy người tây đương chủ trương báo Impartial rằng Trung lập là cọng sản…

Ông Nguyễn Phan Long với Trung lập báo, ai là cọng sản hơn ai, để rồi đây chúng tôi sẽ cắt nghĩa rõ.

Nay chúng tôi chỉ xin nói mau rằng liệu thế công kích trong Đuốc nhà Nam không xuể, nên mới lợi dụng đến một tờ báo chữ Pháp, là chỗ ngôn luận tự do để mà công kích Trung lập! Lại muốn mượn tay những người đương đạo của Impartial để mà bụm miệng chúng tôi!

Cái thủ đoạn khiếp nhược như thế, chúng tôi thật không dè đâu một người như ông Nguyễn Phan Long mà cũng có khi đến. Than ôi!…

T.L.

Trung lập, Sài Gòn, s.6181 (26.6.1930)

 

 

BẠN ĐỒNG NGHIỆP CÔNG LUẬN TRUNG LẬP TRẢ LỜI CHO ĐUỐC NHÀ NAM

Đuốc nhà Nam luôn hai ngày 23 và 25 Juin, chính ông Nguyễn Phan Long lặp đi lặp lại, ép Trung lập chúng tôi trả lời một câu hỏi của ông đặt ra hỏi chúng tôi như vầy:

Quý báo Trung lập về phe với cọng sản hay là phản đối cọng sản?”

Câu hỏi lạ thay! khắc mắc thay! chua cay mà hiểm độc thay!

Thấy câu hỏi chúng tôi liền hiểu ý ông Long muốn đưa cả đồng nhân Trung lập chúng tôi luôn với báo nữa xuống dưới giếng sâu rồi ông ở trên thủng thẳng lấy đá lấp lại!

Ông Long chơi thiệt nghiệt!

Chính ông Long hẵng tưởng, câu hỏi nầy là nghiêm trọng lắm có thể làm khó chúng tôi. Cái là ổng tưởng lầm. Mà cho đến trong khi ổng hỏi đó ổng cũng đã ngợ miệng rồi. Vì cùng trong một lúc, ông Long đã khống cáo Trung lập về phe với cọng sản, lại khống cáo Trung lập nhập tụi với Homberg, – thằng con nít nó cũng biết cọng sản với Homberg nghịch nhau – thì làm sao ổng còn hỏi chúng tôi được câu ấy?

Câu hỏi đã ra tuồng phỉnh trẻ con mà cũng lại không nên thân câu hỏi, cho nên Trung lập không trả lời, tưởng quý độc giả chẳng lấy làm lạ cố nhiên, mà cho đến ông Long bây giờ nghĩ kỹ lại, chắc cũng chẳng lấy làm lạ gì vậy.

Trong lúc chúng tôi đương “run en” vì câu hỏi của ông đó, may

sao bạn đồng nghiệp Công luận lại có lòng tốt mà can thiệp vào; chúng tôi coi bằng bạn đã trả lời thế cho chúng tôi, vậy xin vội vàng đăng nguyên văn của bạn lên đây kèm thêm mấy lời cám ơn tấm lòng quân tử.

TRUNG LẬP

Cuộc diện Đông Dương đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng làm cho trên chánh phủ dưới nhơn dân phải bị một vùng không khí bất hòa bao bọc mà trên không thông đạt được dưới, dưới không am hiểu được trên. Ô ôi! Đối với thời thế ấy, đối với cảnh ngộ nầy thì những người thường hay tự phụ là quan tâm tới thời cuộc như nhà ngôn luận chúng ta tưởng e cũng phải đứng trước một vấn đề khó khăn rối rắm.

(Sở kiểm duyệt bỏ mấy đoạn)

Không nói thì đừng nói chớ nói mà nói sai thì còn thua làm thinh vậy. Cũng vì cái sở kiến ấy mà chúng tôi lâu nay chịu đánh chữ làm thinh.

Không ngờ trong lúc chúng tôi làm thinh thì lại nghe người nói.

Cái nầy không đáng cho chúng tôi và độc giả yêu quý của chúng tôi chú ý hay sao?

Hai bạn đồng nghiệp Trung lậpĐuốc nhà Nam hiện nay đương mở đường tranh biện mà cuộc bút chiến nầy vẫn có quan hệ tới thời cơ: ban đầu chúng tôi cũng còn vì cái lẽ “làm thinh” mà muốn làm thinh cho tới cùng. Nhưng tự vấn lấy lương tâm mình thì “lời người nói” không thể bắt mình “làm thinh” được. Vì vậy mà chúng tôi mới nói, nói cho hả hơi!

Trước hết chúng tôi xin nói lớn lên rằng:

“Cuộc bút chiến của nhà ngôn luận chánh đáng không phải là ở trong chỗ thù hiềm nhỏ mọn mà gây ra, và trong chỗ tranh biện cần phải có luận đề (thèse) và giới thuyết (définition) cho rõ ràng.

Trong lúc dự bị đấu chiến thì bên thế thủ hay bên thế công, hai bên, bên nào cũng không được phép mua lòng kẻ giám cuộc. Vì làm vậy thì trong chỗ tranh biện kia lẽ phải không biết lấy đâu mà định bình”.

Trong số báo trước ở Đuốc nhà Nam ông chủ nhiệm Nguyễn Phan Long có hỏi Trung lập rằng:

Trung lập báo về phe với bọn cọng sản hay phản đối bọn cọng sản?”

Ôi! Giữa đường dễ thấy bất bình mà tha, Trung lập có làm gì hay không làm gì với Đuốc nhà Nam đi nữa, chớ Công luận chúng tôi đây nghe lời nói trái tai cũng can thiệp cái đã!

Ông Long ơi! Có phải câu hỏi ấy là cái đề luận trong cuộc tranh biện nầy chăng? Đuốc nhà Nam Trung lập đánh nhau về chỗ nầy chăng? Thiệt bạn đồng nghiệp tệ thì thôi! Đuốc nhà Nam tệ thì thôi! Cọng sản hay không cọng sản gặp phải thời kỳ rắc rối nầy thì ở đầu cửa miệng của một nhà viết báo quốc âm như ông – ông Long viết bài trong Đuốc nhà Nam có ký tên hẳn hoi – tưởng cũng không nên phát ra một câu hỏi mà có phương hại tới sanh mạng của một đồng nghiệp hữu làm gì.

Ông Long có lẽ nào không biết lúc nầy là lúc chánh phủ đuổi cọng sản như đuổi tà hay sao, mà lại hỏi Trung lập theo cọng sản hay không theo cọng sản. Cái luận đề ấy vừa ra, cuộc tranh biện chưa nói tới thì ở trên chỗ giấy trắng mực đen kia bạn Đuốc nhà Nam đã được tự đắc thắng thế rồi! Mười bạn Trung lập cũng không dám viết hai chữ cọng sản ra chớ? Thế là trong chỗ biện luận, bạn Đuốc nhà Nam có phạm một chỗ cấm là chỗ mua lòng kẻ giám cuộc.

Hai bên cãi nhau về vấn đề quan hệ tới thời cơ, mà chánh phủ lại là người giám cuộc thì đừng nên dựa vào thế lực người ta mà hiếp kẻ nghịch mình. Cái đó cấm lắm, a! bạn đồng nghiệp Đuốc nhà Nam! Như vậy thì cuộc tranh biện có ý nghĩa gì nữa? Mới dàn trận ra đã gài bẫy người liền thì chi bằng hại lén còn hơn!

Ôi! Đuốc nhà Nam thử hỏi các báo quốc âm ở Đông Pháp nầy là các báo mà vận mạng mình vẫn nằm ở trong ngăn kéo phủ Toàn quyền, rằng: “Theo cọng sản hay không theo cọng sản?” thì bạn sẽ nghe họ trả lời một cách phớt phớt cho mà nghe: “Bạn hỏi mà làm gì? chánh phủ đã biết chớ phải không đâu?” Rồi bạn Đuốc nhà Nam mới tính làm sao?

Trong cuộc bút chiến nầy chúng tôi chỉ mong đứng giữa mà thôi, nhưng đã trót ngứa miệng nói thì nói.

Chỉ mong rằng bạn Đuốc nhà Nam đừng có hỏi nhiều câu “khó trả lời” ấy để cho chúng tôi đừng trở ra can thiệp nữa.

Sở dĩ đương đầu với bạn Đuốc nhà Nam là vì lương tâm chúng tôi sai khiến, bạn cũng biết cho chỗ đó, xin đừng lại đem câu hỏi bạn Trung lập để mà hỏi chúng tôi.

Công luận chúng tôi xin có lời nói trước rằng:

Đương đầu với Đuốc nhà Nam, là đương đầu với Đuốc nhà Nam, chớ chẳng phải đương đầu với Đuốc nhà Nam là liên cộng đâu.

CÔNG LUẬN

Trung lập, Sài Gòn, s.6182 (27.6.1930)

 

 

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi