Hệ lụy chữ Hán  

Phan Văn Thạnh

 

Như chúng ta đã biết, lịch sử Việt Nam bị TQ đô hộ quá sớm và quá lâu từ năm 111 trước CN đến năm 938 sau CN. Thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn nghìn năm, chữ Hán và Hán học đã theo chân xâm lược truyền sang nước ta nhằm nô dịch đồng hóa, triệt tiêu dân tộc ta. Hệ lụy đó đã khiến hơn phân nửa số từ vựng tiếngViệt phải gắn bó với gốc Hán Việt.

Cần phân biệt Hán cổ và Hán hiện đại

Hán cổ và Hán hiện đại người ta còn gọi là Văn ngôn và Bạch thoại.  Đây là hai thể văn của người TQ, trong đó Bạch thoại còn gọi Ngữ thể là thể văn viết theo tiếng nói thực tế ngoài xã hội, còn Văn ngôn hay Cổ văn (hay Hán cổ) là loại bút ngữ chỉ dùng trong việc biên chép hoặc trứ thuật thời trước. Ngày nay, Văn ngôn đã trở thành một tử ngữ chỉ dùng cho việc nghiên cứu văn hóa lịch sử của các triều đại, mà người Trung Quốc nếu không được dạy thêm cũng không thể viết hoặc đọc hiểu.

- Hán cổ là thứ chữ được người Việt Nam sử dụng để ghi chép, thi cử trước thế kỷ XX. Học tiếng Trung hiện đại mà không nghiên cứu Hán cổ văn chắc chắn không thể đọc hiểu hoành phi, câu đối, văn bia, sách vở do người Việt trước thời Nguyễn biên soạn.

Đó là thứ chữ Hán cổ đại TQ đã trải qua quá trình phát triển 5 - 6000 năm - khởi đầu là những hình vẽ trên đá, mai rùa, xương thú. Chủ yếu có các dạng: 

- Giáp cốt văn (dạng chữ đời nhà Thương, khắc trên mai rùa, xương thú)

- Kim văn (dạng chữ khắc trên dụng cụ bằng đồng thau thời nhà Thương Chu)

- Tiểu triện (dạng chữ thông dụng đời nhà Tần)

- Lệ thư (dạng chữ thông dụng cuối Tần đến thời Tam quốc)

- Khải thư (kiểu chữ cuối thời Hán hình chữ ngay ngắn, nét bút thẳng thắn được coi là dạng chữ chuẩn mực)

- Thảo thư (xuất hiện đầu thời Hán, là biến thể của chữ Lệ viết nhanh)

- Hành thư (sử dụng phổ biến thời Tam quốc và thời nhà Tần)

- Giản thể (được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đưa ra vào năm 1956 và sử dụng rộng rãi tại TQ ngày nay).

Đặc điểm tổ hợp chữ Hán thường có bộ phận biểu ý nên trong trường hợp đồng âm nhìn vào cấu trúc chữ là biết ngay được nghĩa và yếu tố đồng âm đó.

Một người tên THANH đâu biết mình nằm trong vùng nghĩa nào: 1-màu xanh(bộ thanh) như thanh thiên: trời xanh;thanh lâu: lầu xanh, nơi kỹ nữ ở;thanh vân: mây xanh, chỉ bước đường công danh lên cao đến chỗ hiển đạt…/ 2- tiếng(bộ nhĩ) như thanh danh: tiếng tăm;thanh tra: nghe ngóng kiểm sóat…/3- trong, không đục, không bợn (bộ thủy)như: thanh bần: nghèo mà trong sạch;thanh liêm: trong sạch, liêm khiết;thanh khoản: xong hết các món- nợ trả đã thanh khoản…

Giảng câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm“ (Tây tiến – Quang Dũng) - từ “kiều”(bộ nữ): có ý mềm mại đẹp, xinh đáng yêu (yêu kiều - chỉ người thiếu nữ đẹp) – người dạy có thể mở rộng làm phong phú thêm nghĩa : “kiều” còn mang các nghĩa : - cái cầu (bộ mộc) như kiều lộ: cầu đường - / ở ngụ, ở nhờ (bộ nhân ‘đứng’) gặp trong Việt kiều, kiều hối, kiều dân, kiều bào… /tên nhân vật chính trong truyện Thúy Kiều (bộ vũ - lông đuôi chim).

GS Cao Xuân Hạo cho rằng:“Nạn mù chữ Hán là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt gốc Hán. Cũng như người Pháp không thể giỏi tiếng Pháp nếu không biết tiếng La tinh, người Việt Nam cũng không thể giỏi tiếng Việt nếu không biết chữ Hán - thứ chữ đã được dùng để viết hơn 70% số từ của tiếng Việt - những từ mà ngày nay vẫn được dùng với một tần suất rất cao”.

Ý thức độc lập trong văn hóa

Chữ Hán vào Việt Nam quá lâu, là thứ chữ đã được nhuận sắc. Người Việt có một hệ thống cách đọc chữ Hán riêng biệt – chẳng hạn: thiên địa, nhật nguyệt…thay vì [tian di];[ ri yue]. Nhiều chữ Hán được viết theo lối riêng, có những kết cấu, hình thể riêng tương tự như trường hợp chữ Hán của Nhật Bản.

Thời Lý Trần, ông cha ta đã cố thoát Hán bằng cách mượn (nét chữ) Hán để chế tác chữ Nôm. Ví dụ câu Kiều “Trăm năm trong cõi người ta” – cấu trúc chữ “trăm”gồm hai bộ phận trên dưới : bách(phần nghĩa)+lâm(phần âm) – chữ “năm” gồm hai bộ phận trái, phải : nam(âm)+niên(nghĩa). Chỉ người Việt biết chữ Hán mới đọc được

Về ngữ pháp, người Việt cũng như người Trung, Hàn, Nhật trước đây sử dụng Hán văn cổ đại (một thứ tử ngữ gọi là văn ngôn), mà không dùng lối nói khẩu ngữ đương đại.

Ông cha ta trong quá trình tiếp cận, đã khôn khéo biến chữ Hán thành vũ khí chiến đấu. Những tác phẩm: Dữ Vương Thông Thư, Bình Ngô Đại Cáo(Nguyễn Trãi), Dụ Chư Tỳ Tướng Hịch Văn(Trần Quốc Tuấn)…được soạn thảo từ văn tự Hán há chẳng phải là hòn tên mũi đạn đó sao !

- Hán hiện đại (Bạch thọai) - lấy ngữ âm phương Bắc làm chuẩn, sử dụng bộ văn tự đã được giản lược sau năm 1949, là chuyển ngữ - phương tiện giao tiếp chung của người dân TQ trong tình trạng các ngôn ngữ địa phương quá cách xa nhau - người Thượng Hải không hiểu tiếng Quảng Đông, người Quảng Đông không hiểu tiếng Tứ Xuyên…- nhưng mọi người TQ có học đều đọc hiểu các văn bản chữ Hán. Cũng chính vì thế mà cho đến nay chữ phiên âm tiếng Hán chỉ có thể là phương tiện phụ trợ trong việc dạy chữ Hán không thể thay thế chữ Hán được. Nhược điểm của chữ Hán là rất khó học. Người TQ và những người nước ngoài học chữ Hán đều thấy gai góc.

Ngày nay tiếng Trung hiện đại (Bạch thoại), nếu có bố trí dạy và học chỉ nên là sinh ngữ phụ tự chọn. Việc dạy chữ Hán cổ trong nhà trường phổ thông lúc này, theo thiển ý tôi – không cần thiết, chỉ làm nặng rối thêm chương trình, bởi như ý kiến của PGS. TS Lê Xuân Thại :“Trong việc thụ đắc từ ngữ Hán Việt, quan trọng là việc hiểu nghĩa, hiểu cách dùng từ ngữ chứ không phải là hiểu nghĩa của từng yếu tố cấu tạo từ. Mà ngay cả việc hiểu nghĩa của yếu tố Hán Việt cũng không nhất thiết phải qua chữ Hán mà có thể dạy qua chữ Quốc ngữ như chúng ta đã dạy ở các giờ Ngữ văn PTCS và PTTH”. 

Việc nắm vững gốc chữ Hán sẽ giúp diễn giải khúc chiết ngữ nghĩa tiếng Việt. Đây là nhiệm vụ của giáo viên Ngữ văn trong trường phổ thông.  Chúng ta luôn ý thức độc lập, gìn giữ sự trong sáng tiếng Việt - không lạm dụng sính dùng từ Hán Việt, nếu tiếng ta có.

Nói như cố giáo sư Hoàng Phê - nhà từ điển học và chuyên gia về chính tả tiếng Việt hàng đầu Việt Nam:“Tiếng Việt là tiếng mẹ. Tiếng Việt còn trong mỗi người thì hồn Việt còn. Người Việt còn thì còn nước non, dân tộc…”.

Ngôn ngữ của các quốc gia trên thế giới là tài sản, tinh hoa của nhân loại. Ở đây không có chuyện trọng/khinh, chỉ có vấn đề là tính thông dụng phổ biến hay không. Tiếng Anh bao phủ toàn cầu như một chuyển ngữ quốc tế, và đương nhiên nó sẽ là chọn lựa số 1!

Lịch sử thế giới cho thấy bao giờ văn hóa nước lớn đi xâm lược cũng có xu hướng nuốt chửng đè bẹp văn hóa nước nhỏ. Sống cạnh anh Tàu khổng lồ, hơn nghìn năm bị trị, từ hệ lụy chữ Hán, chúng ta nhìn ra giá trị Việt : luôn cảnh giác đề kháng, ý thức sâu sắc độc lập tự chủ, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Quá khứ ông cha ta đã tìm đủ cách đấu tranh thoát Hán - giờ đây lẽ nào thế hệ đi sau lại không thấy điều đó ?

                                                                                     PHAN VĂN THẠNH

                                                                                        (Saigon, 19/9/2016)

-Tham khảo nguồn internet

-Việt Nam Tự Điển, Hội Khai Trí Tiến Đức (Mặc Lâm XB- Yiễm Yiễm Thư Quán Saigon, 1968);Hán Việt Tự Điển, Thiều Chửu(NXB Đuốc Tuệ Hà Nội, 1942);Hán Văn của Trần Trọng San(NXB Bắc Đẩu Saigon, 1970).

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 19-1-17