ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

VỀ MINH TRIẾT VÀ TƯ DUY MINH TRIẾT

 

 PHẠM  KHIÊM  ÍCH

 

Minh triết có ich gì cho hôm nay?Để trả lời câu hỏi lớn này,không thể không làm rõ đặc điểm của Minh triết và tư duy Minh triết.Tại Hội thảo khoa học Kỷ niệm mười năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết ngày 30-12-2017,tôi đã trình bày đôi điều suy nghĩ về Minh triết và tư duy Minh triết :

1. Điều thứ nhất: Tư duy Minh Triết là Tư duy Lưỡng hợp

Triết gia Lương Kim Định,gọi tắt là Kim Định(sinh ngày 15-6-1914 tại Nam Định-mất ngày 25-3-1997 tại Carthaye Missouri,Hoa Kỳ) có cống hiến lớn lao cho triết học và Minh triết với 45 đầu sách, trong đó có 32 cuốn đã in với hơn 7000 trang. Nhưng nếu tôi không lầm thì chỉ có một lần Cụ để tâm bàn bạc,phân tích sâu sắc về đặc trưng của Minh triết và tư duy Minh triết. Đó là vào tháng 8 năm 1988 khi Cụ đã 74 tuổi, tham gia Đại hội Triết học Thế giới (The World Congress of Philosophy) lần thứ XVIII tại Bringhton (Anh quốc). Trong bài Diễn văn tại Đại hội này có tựa đề: "Di sản văn hóa Việt Nam đối với đời sống hiện đại", Cụ nói:

"Di sản văn hóa Việt Nam nằm gọn trong chữ “Việt” với ý nghĩa siêu việt, là nhảy từ hai thái cực vào một: từ Trời cao Đất thấp nhảy vào Người. Các nhà nghiên cứu về Đông Nam Ấ thấy nét đặc trưng của miền này là lưỡng hợp tính (dual-unit) thì chính là nó. Nét đó là kết quả của cái nhìn riêng biệt không xem hai đối cực như hai thực thể chống đối nhau, tiêu diệt nhau, mà như là hai chiều bổ túc hỗ tương của một thực thể. Và đó cũng chính là Minh triết, vì Minh triết là gì nếu không là khả năng hội nhập hai thái cực. Nói theo thực hành thì Minh triết là nghệ thuật tối cao xếp đặt việc nhà việc nước thế nào để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Vậy văn hóa Việt Nam đã làm được như thế xuyên qua gần năm ngàn năm lịch sử. Trong quãng dài lâu vô địch đó, nó đã không hề mắc một mâu thuẫn nào: không đẳng cấp, không giai cấp, không chủ nô, vì toàn dân đều được tham dự vào tài sản quốc gia, cũng như mọi người được tự do tư tưởng, tự do tôn giáo. Cả đến hơn 50 sắc dân thiểu số với những tin tưởng rất khác nhau mà không hề xảy ra xích mích về đàng tôn giáo. Đó là di sản văn hóa Việt Nam, có thể gọi di sản đó là nền Triết lý Thái hòa."(Kim Định.Gốc rễ Triết Việt.An Việt,Houston,1988)

Trong một dịp khác, trả lời câu hỏi Minh triết là gì? Cụ viết: "Nói theo siêu hình thì khả năng hội nhập hai đầu thái cực lại một. Nói theo kiểu thông thường thì Minh triết là nghệ thuật tối cao xếp đặt cuộc sống thế nào cho mọi người được hạnh phúc."

Muốn được hạnh phúc, con người phải sống theo nguyên tắc lưỡng hợp, Nho gọi là lưỡng nghi. Tức là phải thích nghi với hai chiều trái ngược như Tròn với Vuông, như Trời với Đất. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hòa giải hai dòng trái ngược đó. Hễ hòa giải xong thì có nét song trùng, rồi có triết lý nhân sinh, tức là thứ triết hợp cho con người. Theo Cụ , nét song trùng, hay lưỡng hợp chính là "Hạt ngọc quý trọng nhất cho con người".

Trên cơ sở tư duy lưỡng hợp, Cụ phê phán quyết liệt tư duy lưỡng phân và quan điểm nhị nguyên đối kháng, với nhiều dạng thức khác nhau,đặc biệt là đấu tranh duy vật với duy tâm,giai cấp với giai cấp. Nhị nguyên là lối nhìn sự vật như những thực thể tách rời, cô lập, nước là nước, lửa là lửa, hai bên riêng biệt hẳn, đến nỗi đối kháng buộc phải chọn một, bỏ một. Nhị nguyên đối kháng xem hai đối cực như hai thực thể chống đối nhau, tiêu diệt nhau. Chính vì nhị nguyên đối kháng này mà "Triết học đã sai lầm hàng mấy chục thế kỷ", gieo máu và nước mắt cho nhân loại và giết chết cả Minh triết.

Làm gì có Minh triết trên nền tảng tư tưởng duy vật chống duy tâm,đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản?Minh triết làm sao sống nổi dưới gầm trời của chế độ toàn trị?Đây là vấn đề lớn cần được bàn thảo trong dịp khác.

  

2. Điều thứ nhì: Từ Tư duy Lưỡng hợp đến Tư duy Phức hợp.

Để nhận biết thực tại, nhất là thực tại Con người, cần có quan niệm mới, khám phá mới, tư duy mới. Đó là Tư duy phức hợp, có khả năng thấu hiểu tính phức hợp của thực tại, tính phức hợp của Con người. Edgar Morin (1921-      )  nhà tư tưởng của nước Pháp đương đại chính là "người cha đẻ của Tư duy phức hợp". Ông kể lại quá trình hình thành tư duy phức hợp từ cuối những năm 1960, dưới sự tác động của lý thuyết thông tin, điều khiển học, lý thuyết hệ thống và lý thuyết tự - tổ chức như thế nào.

Tính phức hợp, hay cái phức hợp (la complexité, le complexus) được hiểu như là những gì liên kết lại với nhau, đan dệt cùng nhau. Tính phức hợp liên quan đến khối lượng khổng lồ những tương tác giữa các bộ phận hợp thành gắn bó hữu cơ với nhau, tạo nên "tấm dệt chung" (tissu commun) không thể phân cách và quy giản được. Con người là một siêu phức hợp. Riêng bộ não người đã gồm hơn 10 tỷ tế bào. Mọi hệ thống tự - tổ chức, k cả những tổ chức được gọi là đơn giản nhất cũng đều được kết hợp bởi một số lượng rất lớn các đơn vị và tương tác của chúng, chứ không thể hiểu như những thực thể được cấu thành bởi vài ba bộ phận đối kháng, hoặc là hợp nhau.

Cùng với việc phát triển Tư duy phức hợp, các nhà khoa học, công nghệ và các nhà hoạch định chính sách chú trọng nghiên cứu và triển khai khoa học phức hợp, được mệnh danh là "khoa học của thế kỷ XXI". Khoa học phức hợp (Complexity Science) là môn khoa học nghiên cứu về các hệ thống phức hợp. Một hệ thống gọi là phức hợp nếu nó chứa nhiều thành phần con tương tác với nhau và nếu hệ thống đó lại biểu hiện những tính chất, những lối hành xử mà chúng ta không thể suy ra một cách hiển nhiên từ tương tác của những thành phần cấu thành nó.

Đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống phức hợp là hiện tượng đột sinh (emergence). Đây là hiện tượng xuất hiện những quy luật,những hình thái, những trật tự mới từ hiệu ứng tập thể của các tương tác giữa các thành phần của hệ thống. Như vậy các hiện tượng đột sinh không phải là một tính chất nội tại của các thành phần con, mà là những tính chất của hệ thống được xét một cách toàn diện. (Xin xem bài "Tư duy phức hợp và vai trò của nó trong xã hội đương đại" của Phạm Khiêm Ích).

Trên cơ sở tư duy phức hợp, Edgar Morin đã xây dựng cả một khoa học phức hợp liên ngành về Con người, được gọi là Nhân học phức hợp, với quan điểm Tam vị nhất thể của Con người:Cá nhân, Xã hội, Giống loài (Xin xem bài giới thiệu của Phạm Khiêm Ích về Nhân học phức hợp).

Nhân học phức hợp là điều kiện và cơ sở của Đạo đức học phức hợp, cho phép nhận rõ ba nhánh của Đạo đức học: Tự thân đạo đức, đạo đức xã hội, đạo đức nhân loại. Đạo đức học phức hợp thừa nhận tính phức hợp của Cái thiện và tính phức hợp của Cái ác, thừa nhận tính tất yếu của Liên kết Tự liên kết, theo nghĩa rộng nhất của từ này: Tự liên kết với thân thuộc của ta; Tự liên kết với người khác, Tự liên kết với Trái Đất - Tổ quốc chung.(Xin xem bài giới thiệu của Phạm Khiêm Ich về Đạo đức học phức hợp)

Quan niệm trên đây về Con người và Đạo đức Liên kết Con người cho phép Edgar Morin tạo dựng nên một Minh triết như là Nghệ thuật sống (L'art de Vivre).

Trả lời Minh triết là gì? Edgar Morin viết: "Minh triết được đồng nhất hóa với Nghệ thuật sống,qua đó lý trí cai quản cuộc đời bằng cách ngự trị, hoặc loại bỏ những đam mê vốn là cội nguồn của ảo giác và lầm lẫn".

Con người có nhiều cách sống. Sng rỗng tuếch là sống thiếu chiều sâu, cũng là thiếu Minh triết. Phải nâng hoạt động sống của con người lên hàng nghệ thuật, nghĩa là phải khéo kết hợp lý trí với tình cảm, trí tuệ với đam mê. Những nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy mọi hoạt động duy lý của trí tuệ đều kèm theo tình cảm. Tình cảm vốn có thể chắc chắn đủ sức làm cho lý trí bất động, thì cũng là nhân tố duy nhất có khả năng huy động được lý trí. Bởi vậy "Ý tưởng về minh triết đã tự phức hợp hóa": nó không loại trừ cảm xúc nữa, mà còn nhất thể hóa với cảm xúc. Ta biết rằng đam mê có thể gây mù lòa, nhưng nó cũng có thể soi sáng lý trí nếu đảo lại lý trí soi sáng nó. Người ta cần đến trí thông tuệ duy lý, nhưng cũng cần tình cảm, thương cảm, đam mê.

Trên thực tế, ý tưởng về Minh triết nếu chỉ quy về ý tưởng  lý trí thì sẽ mang một mâu thuẫn. Cuộc đời thuần túy duy lý thì tới mức giới hạn chỉ là thiếu vắng hẳn sự sống: Chất lượng sống phải bao gồm xúc động, đam mê, hưởng thụ, lạc thú. Quay lưng với chất lượng sống làm gì còn Minh triết nữa? Không thể loại bỏ cái đam mê, phi lý, điên rồ. Bởi vì điên rồ cũng là đặc tính của con người. Con người (homo) là khôn/điên rồ (sapiens/demens). Con người không chỉ biết suy lý, hữu lý, tính toán, mà cũng còn bị đưa tới chỗ đam mê, thái quá, lầm lẫn.

Cho nên ta phải chấp nhận thực hiện thế đối hợp logic Lý trí Đ   Đam mê, nghĩa là luôn lấy lý trí làm ngọn đèn canh chừng, tức là bao giờ cũng phải thắp sáng một ngọn lửa nhỏ của ý thức duy ngay khi niềm đam mê lên tới mức cao độ. Tức là sống mà không bao giờ để mình tự xuống cấp thành "một trò chơi âm - dương" giữa lý trí với đam mê, mà tại đó một bên hễ tăng lên thái quá sẽ kích động bên kia tăng theo. Đây chính là văn minh hóa các đam mê, để chúng không trở thành dã man, không hủy hoại ta, song cũng không hủy hoại chúng và biến chúng thành "lý trí".

Đối hợp logic Lý trí      Đam mê chính là Nghệ thuật sống. Con người luôn sống với hai trạng thái : "con người văn xuôi" (homo prosaicus) tức là đời thường,làm ăn,tính toán,cạnh tranh, và "con người thơ ca" (homo poeticus) tức là khát vọng chất thơ của cuộc đời vốn là cường độ trong sự tham gia, đồng cảm, tình yêu và có xu hướng tiến đến lạc thú xuất thần.

Sống kiểu "văn xuôi" chỉ là sinh tồn. Còn sống thật sự là sống với "chất thơ" kỳ diệu. Trạng thái thơ ca mang trong nó chất lượng cuộc sống. Nó có thể cảm nhận sự diệu kỳ của quang cảnh tự nhiên ngoạn mục, của buổi bình minh hoặc chiều tà, dáng bay của một con chim, con chuồn chuồn, nhìn ngắm một bông hoa,một khuôn mặt, một tác phẩm nghệ thuật…

Nghệ thuật sống không thể chấp nhận được quy tắc xác lập sẵn, kiểu "nhất thành bất biến". Nó chạm trán với quy luật tối cao của sự sống: mọi thứ hễ không tự tái sinh ắt phải suy giảm. Nó cần đến một sự đa tái sinh thường trực.

 

3. Điều thứ ba: Hiện tại và Tương lai của Minh triết.

Nhà triết học Pháp Luc Ferry đặt vấn đề: "Chúng ta có thể khai thác từ các Minh triết cổ xưa, trong khi vẫn sống ở ngang tầm thế kỷ XXI". Theo ông đã đến lúc có thể nghĩ tới "Xây dựng một Minh triết hiện đại và thế tục". Ông trình bày "Hc thuyết cứu rỗi mà không có Thượng đế" (Doctrine du salut sans Dieu) và "Minh triết của tình yêu" (Une sagesse de l'amour). Minh triết của tình yêu này phải được tạo dựng bởi mi người trong chúng ta, một cách lặng lẽ. Nó là sự hoàn thành mỹ mãn của một chủ nghĩa nhân văn, rốt cuộc đã rũ bỏ được ảo tưởng của siêu hình học và của tôn giáo.

GS. François Jullien, nhà triết học Pháp khá quen biết ở Việt Nam, coi Minh triết như là "một thể tạng khác của triết học" không thấp hơn cũng không cao hơn triết học, mà là "hạ tầng của triết học”. Hạ tầng này là cái nền cho sự phát triển của triết học. Triết học phải trở về nó, lấy tài lực của nó để tiếp tục phát triển. Triết học một khi đã tách khỏi Minh triết thì mất mát rất nhiều.

GS.François Jullien nhấn mạnh rằng cần phải "kéo Minh triết ra khỏi cái chân trời huyền bí ca nó". Đối với những ai đang "ảo tưởng về phương Đông" muốn tìm cái phi lý của phương Đông để đổi lại cái khủng hoảng duy lý của phương Tây, ông cho rằng như thế là không đúng. Phương Đông là duy lý theo cách của nó. Hơn nữa rất cần phải chống lại "cơn lũ lớn của những chủ nghĩa phi lý đang đe dọa tương lai của chúng ta".

Cộng đồng quốc tế rất quan tâm đến Minh triết và mối quan hệ không thể tách rời giữa Minh triết với triết học. Đại hội Triết học Thế giới lần thứ XXIII gần đây nhất họp tại Athène Hy Lạp tháng 8 năm 2013 với chủ đề "Triết học với tính cách là sự khảo sát và lối sống" (Philosophy as Inquiry and Way of Life). Phiên họp toàn thể của Đại hội đã thảo luận đề tài "Triết học với tính cách là Minh triết thực hành" (Philosophy as Practical Wisdom). Đây là cái nhìn mới đối với cả triết học lẫn Minh triết.

Minh triết thực hành được hiểu như là phẩm chất quan trọng của con người, bao gồm kinh nghiệm cá nhân cùng với sự đồng cảm và trí tuệ. Minh triết thực hành không đơn thuần chỉ là kỹ năng,mà cũng còn là năng lực suy về những mục tiêu đúng và quyết định về cách thức đạt đến những mục tiêu ấy phù hợp với mục đích cuộc sống.

Ý tưởng này đã được thể hiện nổi bật trong cuốn sách Minh triết thực hành (Practical Wisdom.New York,2010) của hai giáo sư Barry Schwartz và Kenneth Sharpe trường Đại học Swarthmore ở Pennsylvania (Hoa Kỳ). Cuốn sách có phụ đề: Phương hướng đúng để làm điều tốt(The Right Way to Do the Right Thing). Cuốn sách khẳng định rằng: Đa số chúng ta đều mong muốn thành đạt. Mà số đông trong chúng ta vẫn mong muốn làm điều tốt. Thế nhưng ta thường quên rằng phương hướng đi tới thành đạt là bằng việc làm điều tốt.

Điều mà thế giới hiện nay có nhu cầu là cần thêm nhiều con người đủ phẩm chất Minh triết thực hành, và thêm nhiều định chế cho phép con người được thể hiện, bộc lộ phẩm chất đó. Cuốn sách trình bày cho chúng ta biết cách nào xác định và trau dồi những phẩm chất ấy. Nó chỉ ra rằng mọi người chúng ta ai cũng có thể đủ năng lực vươn tới Minh triết, bất kể tuổi tác bao nhiêu, vị thế trong cuộc sống thế nào. Minh triết chính là công cụ hữu hiệu để ta phát huy năng lực Minh triết trong thời buổi phức tạp và lẫn lộn thực hư, thật giả này.

Cuốn sách Minh triết thực hành đã được Chương trình Tầm nhìn UNESCO và Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết tổ chức dịch và xuất bản, do NXB Tri Thức ấn hành trong năm tới.

Minh triết có lịch sử của nó. Chỉ có điều viết về lịch sử triết học thì nhiều, còn viết về lịch sử của Minh triết thì rất hiếm hoi. Ông Mikhail Epstein là GS trường Đại học Emory (Hoa Kỳ) đồng thời là GS trường Đại học Durham (Anh quốc) là một trong những người đi tiên phong trong nghiên cứu lịch sử của Minh triết và phác họa tương lai của nó trong tác phẩm Tuyên ngôn về Nhân văn học biến đổi(The Transformative Humanities.A Manifesto.London, 2012)

Thông thường Minh triết vẫn được định nghĩa là những điều khác biệt với kỹ năng thực hành, cũng như với tri thức lý luận. Từ "Sophia" trong tiếng Hy Lạp lúc ban đầu bắt nguồn từ kỹ năng, kỹ xảo thuộc về nghề thủ công. Chẳng hạn, trong truyền thuyết Homer, ta vẫn tìm được đức tính "Sophia" trong bàn tay một chuyên gia tinh thông về nghề mộc. Khái niệm này dần dần chuyển từ lĩnh vực thực hành sang lĩnh vực đạo đức, sau đó sang lĩnh vực lý thuyết, bao gồm tri thức về nguyên lý đại cương. Nhà hiền triết Socrates không lấy kỹ năng, kỹ xảo, mà chọn tri thức làm cội nguồn của Minh triết. Những tri thức đặc biệt ấy liên  quan đến việc cai trị xã hội và định hướng cuộc sống bản thân đi đôi với mục tiêu cao thượng.

Triết học chưa phải là Minh triết, mà chỉ là Yêu mến(Philo)Minh triết(Sophia). Chính là nhờ những thực hành cụ thể mà ta có thể đi từ triết học sang Minh triết.Vì vậy triết học có tư cách là Minh triết thực hành.

Ngày nay triết học phải trở lại với Minh triết.Triết học là một trong “Những bộ môn Minh triết” (Sophian Disciplines) rất đa dạng. Ở đây từ căn vốn là chữ “Sophia”, tức là Minh triết. Các bộ môn Minh triết đều xem xét đối tượng nghiên cứu của mình liên quan đến cái nhìn tổng thể (holistic) về vũ trụ. Các bộ môn Minh triết nghiên cứu theo quan điểm “Đa Minh triết luận" (Polysophianism) và hợp thành một "Minh triết quyển"(Sophiosphere) với tư cách là tổng hòa mọi hình thức của Minh triết,bao gồm cả Trí quyển (Noosphere:Teilhard de Chardin,V.Vernadsky) và Ký hiệu quyển (Semiosphere:Yu.Lotman).

Mạng Internet đã làm thay đổi căn bản những tiêu chí của hoạt động sáng tạo: Lý tưởng triết học thời đại ông Gutenberg xưa kia là sáng tác khảo luận cá nhân với tính cách một công trình hoàn chỉnh và hoàn hảo, thế nhưng bây giờ mục tiêu của Internet là sáng tạo một môi trường trí tuệ hơn là một sản phẩm đã hoàn tất.

Ngày nay, cũng giống như trong kiến trúc đô thị, thay cho cách kiến thiết những kết cấu đơn lập, lẻ loi, ta nên sáng lập một "Minh triết quyển" với tính cách môi trường các không gian và nơi trao đổi về logic thường tồn tại ở ngoài kiến giải của ta, và cố nhiên là ngoài quy cách sinh  hoạt của ta, cách thức mới của dân cư sống giữa môi trường đô thị phức hợp. Làm theo cách ấy không có ý xóa bỏ sạch trơn những công trình cổ kính vẫn còn giữ được đến nay, mà cần kết nối lại bằng vô số tuyến giao lưu, cầu treo, cầu vượt, thang máy, với hành lang nhiều tầng, làm cho dáng vẻ bớt được cái ngạo nghễ đồ sộ so với thời trước. Tác giả "Minh triết quyển" là GS.Mikhail Epstein, với tư cách người cung ứng cả một "mạng sinh triết" nên liên tục sáng tạo và duy trì một môi trường đã được thiết kế, có quan điểm, chưa từng được biết đối với bản thân  vì nó vượt quá tầm nhìn viễn cảnh của cá nhân.

Liệu đây có thật sự là tương lai của Minh triết hay không, có lẽ cần nhiều thời gian để kiểm chứng.

 

                                                                            Ngày 21-12-2017

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-1-18