ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)

HÃY TỰ CỨU MÌNH!

XUÂN HOÀNG

Lâu nay người ta hay nói về chủ nghĩa trung bình. Người ta phàn nàn kêu ca nhiều về nó. Ở nhiều hội nghị, người ta phanh phui vạch mặt nó, người ta cũng đề ra nhiều biện pháp để khắc phục nó. Nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy.

Phải nói thẳng với nhau là chúng ta đã chung sống hòa bình với sức ì ở trong ta và ở xung quanh ta lâu quá! Thậm chí việc đó đã trở thành thói quen. Không, cho đúng hơn, có khi chúng ta đã từng bứt phá, đã từng kêu gọi một sự nổi dậy ở trong ta, nhưng hoặc do phương pháp tư tưởng không đúng, hoặc do động cơ chưa hay, hoặc do phương pháp hành động chưa giỏi nên kết quả đem lại thường không được như ý muốn. Chính vì vậy mà dưới sức ép của chủ nghĩa trung bình, đôi khi ta cảm thấy mệt mỏi, chán ngán, hoặc ngược lại, lao vào cuộc sống một cách ồn ào, phá phách, để trả thù đời, để trả thù ta, hoặc trốn sâu vào nỗi cô đơn, bất lực của tâm hồn mình bằng những trang viết rất riêng, thiếu hẳn hơi thở ấm nồng của cuộc sống. Cái bi kịch nội tại ấy làm héo quắt chúng ta, bào mòn dần chúng ta.

"Hãy tự giúp mình rồi trời giúp ta!" câu phương ngôn khôn ngoan của phương Tây cổ đại mà đồng chí Nguyễn Văn Linh nêu lên trong buổi nói chuyện hôm đó rõ ràng là một tiếng chuông cảnh tỉnh và sẽ có tác dụng rất lớn đối với những ai biết đón nhận nó với tất cả sự trong sáng và trầm lắng của chính tâm hồn mình.

Tôi tâm đắc với câu phương ngôn ấy từ lâu, không ngờ nay nó lại được nhắc đến trong một cuộc họp mặt có tầm quan trọng chiến lược đến như vậy. Chính điều đó đã làm tôi xúc động sâu sắc. Thật thế, từ trước đến nay tôi vẫn có ý thức về nỗi bi kịch của tôi. Nhiều đêm, tôi thao thức tìm đường trong việc nhận thức ra đời sống. Nhiều ngày, tôi đau khổ, quằn quại trong vũng bùn của chủ nghĩa thực dụng, của chủ nghĩa trung bình và chủ nghĩa bình quân mà cuộc sống đã lèo lái một cách khắc nghiệt như một thứ cạm bẫy vô hình luôn sẵn sàng úp chụp xuống đầu chúng ta. Nó tìm cách cào bằng và bào mòn tất cả những trở lực trên đường đi tàn bạo của nó.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại, đánh giá toàn bộ những bước đi hôm qua của giới văn nghệ chúng ta, thấy cho được những mặt mạnh, mặt còn yếu kém, những chỗ còn trì trệ của phong trào. Đó là công việc mà các ban lãnh đạo các hội văn học và nghệ thuật ở trung ương và các địa phương đang làm và sẽ làm.

Tuy nhiên, phong trào là gì nếu nó không phải là cái tổng thể của nhiều cá thể. Có sự chuyển biến nội tại ở mỗi một thành viên mới có sức mạnh của tập thể và trên cái nền đó, mọi công việc đề ra mới có điều kiện thực hiện trong một không khí hồ hởi, thoải mái, tự nguyện, dân chủ và đầy sáng tạo. Tổ chức chỉ là sự hỗ trợ khách quan. Cá nhân mới là quyết định vì nó là nhân tố quan trọng hàng đầu trong bất cứ một tổ chức nào. Huống dĩ văn nghệ sĩ là người sáng tạo.

Tôi muốn hiểu chủ nghĩa trung bình trong văn học là sự bằng phẳng, là sự nhạt nhẽo trong sáng tạo, là sự lặp lại và sự sáo mòn, là cái có cũng được mà không cũng được, là cái mờ mờ nhân ảnh không có đường nét, không có màu sắc cụ thể, không có sinh khí, không có sinh lực!

Cuộc sống có trăm màu vạn vẻ, nhiều hình, nhiều dạng; yêu cầu rất cao của nó bắt ta phải nhìn thẳng vào ta, thấy cho được cái yếu cái kém cơ bản của ta để có quyết tâm và phương pháp sửa chữa. Vì nếu không, anh sẽ tự tước dần chức năng và sứ mệnh nhà văn của anh ở anh!

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)

 Mục lục

17-7-08