ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 8 (20-2-1988)

ĐẠI HỘI NHÀ VĂN LẦN NÀY CẦN THEO
ĐÚNG TINH THẦN NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT

Phỏng vấn nhà văn XUÂN CANG

PHÓNG VIÊN: - Xin được nghe một số ý kiến của anh về Đại hội lần thứ IV Hội Nhà văn Việt Nam sắp tới, đặt trong không khí đổi mới của toàn xã hội ta.

XUÂN CANG: - Tình hình chung trong toàn xã hội là phải nhìn thẳng vào sự thật, nhà văn càng không thể tránh khỏi nhìn thẳng vào sự thật văn học ta, sự thật tổ chức nhà văn của ta, để tiến hành đại hội lần này. Tôi hình dung đại hội sẽ có hai việc lớn: một là đánh giá, hai là củng cố chấn chỉnh tổ chức Hội.

Thật ra thì đại hội nào mà chẳng đánh giá. Thông thường, ta quen dựa vào các nhận định của Đại hội Đảng. Nhưng các nhận xét đó thường quá khái quát, cho nên khi vận dụng thì hình như suy diễn thế nào cũng được. Ví dụ nhận xét văn học ta là văn học tiên phong chống đế quốc, tất nhiên gây lòng tự hào cho đội ngũ ta, nhưng hình như khó rút được điều gì để tác động chuyển biến văn học đi lên.

Kỳ Đại hội này, chúng ta có tinh thần nhìn thẳng vào sự thật làm chỗ dựa. Chuẩn đánh giá của chúng ta là nhận thức mới của Đại hội VI của Đảng, là nghị quyết mới đây của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác văn hóa văn nghệ.

Văn học kháng chiến đã được xem xét rồi. Nhưng văn học 12 năm qua thì chưa được đánh giá, đúc kết.

Cách đây ít lâu, lần dự kỷ niệm 30 năm tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi đã phát biểu ý này: tôi có nhu cầu nhận thức lại sáng tác của tôi suốt thời gian qua. Từ sau 1975, tôi để ra bốn năm liền để viết, tôi lại có sau lưng 20 năm thực tế ở khu gang thép, nhưng tôi đã viết bằng những hiểu biết kinh tế xã hội do các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, thứ IV cung cấp. Tài mình thì có hạn, lại nghĩ theo những cách thức có sẵn, đã chệch khỏi thực tế rồi, thất bại là khó tránh. Viết xong mấy cái, dài có ngắn có, nhưng rồi tôi không đưa in. Vì sao? Vì thấy không ưng ý. Thực tiễn kinh tế xã hội gợi cho mình phải suy nghĩ nhiều điều, nhưng không hiểu sao chính mình lại không dám nghĩ khác, nói khác, viết khác! Chính Đại hội VI đã phát động tinh thần nói sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, đã tạo điều kiện phát động trí tuệ của toàn xã hội, phát động trí tuệ văn học của toàn dân, để giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài, đã mở ra cho nhà văn chúng ta những tiền đề, thúc đẩy chúng ta suy nghĩ độc lập, đòi hỏi chúng ta phải có một tư thế, một khí phách, một sự can đảm nói lên sự thật xã hội và con người. Tôi nghĩ ở Đại hội tới nhà văn phải xác lập với nhau cái ý thức về tư thế, tư cách xã hội của nhà văn là nhà văn hóa của dân tộc. Nhà văn phải nhìn thẳng vào sự thật, nói và viết sự thật, không chiều theo ai, càng không được tự nuông chiều mình. Các tài năng cỡ thế giới cũng phải chịu biết bao hạn chế, ràng buộc của thời đại, thế mà họ vẫn đứng sừng sững được bằng tác phẩm của họ, vẫn có tiếng nói riêng để tồn tại. Ta phải tự hỏi ta về cái tầm của ta. Tất cả những yếu kém, thất bại trong sáng tác của ta đều bị chi phối bởi cái tư cách của nhà văn chưa đến tầm. Tất nhiên, phía lãnh đạo có vấn đề của lãnh đạo, nhưng là một mặt khác của của vấn đề. Tôi rất tâm đắc cái ý của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: "Ta phải tự cứu lấy ta". Mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế, đạo đức, văn hóa đều có tình trạng "xuống cấp", đều có tín hiệu SOS. Vậy thì ai có thể đến cứu ai? Phải lo tự cứu. Nhà văn phải tự giác lĩnh bổn phận là đại diện cho trí tuệ văn hóa của dân tộc ở thời điểm này, tự nhận thức bản thân và nhận thức xã hội và con người để đặt ra các vấn đề. Tài năng bao giờ cũng uyển chuyển. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du rất uyển chuyển, đó là những cách tồn tại của tài năng. Nói văng tê cho thỏa giận thì cũng ngang như tự mình diệt mình, đâu phải là tự cứu mình...

P.V. - Cái phương châm "tự cứu" ấy đã được thể hiện trong hoạt động làm báo cáo của anh rồi chăng? Tờ Lao động (do anh làm Tổng biên tập) gần đây rất có uy tín trong bạn đọc. Và phải chăng phương châm "tự cứu" đã giúp anh tìm ra cách viết thích hợp với hiện nay? Cuốn tiểu thuyết mới in xong của anh liệu có phải là một bước tiến mới của anh?

X.C. - Cái tiểu thuyết Những ngày thường đã cháy lên ấy anh ạ, là một kỷ lục viết của tôi, mà lại cũng là một kỷ lục in nhanh của nhà xuất bản Tác phẩm mới. Điều khá lạ lùng là tôi viết nó trong những ngày làm báo bận bịu nhất, căng thẳng nhất vì tờ báo luôn tham gia nhiều vụ việc chống tiêu cực. Họp hành, thư từ, chất vấn, các nguồn tài liệu. Đủ việc. Mỗi ngày tôi cố dành độ hai giờ để viết, thường là về đêm. Thế mà năm tháng đã xong, với 250 trang. Ở nhà Tác phẩm mới, từ khi tôi đưa bản thảo đến khi in xong cũng chỉ mất năm tháng. Tất nhiên còn phải nghe dư luận phê bình, nhưng tự tôi cho là một bước tiến mới, tự vượt mình. Tôi nghiệm ra, chuyện viết được hay không, chưa hẳn đã phụ thuộc vào điều kiện thời gian, cũng chỉ phụ thuộc một phần vào vốn sống còn cái chính là phụ thuộc vào thời điểm nở hoa của tâm hồn (tôi tạm gọi thế), vào lúc những suy nghĩ nung nấu nhất, mở ra mạnh mẽ nhất.

Nhân nói về kinh nghiệm sáng tác, tôi nghĩ ta sẽ còn phải nghiệm ra nhiều thứ, nhiều chuyện qua nhiều trường hợp, để có thể có cách quản lý, tác động, tạo điều kiện đúng cách cho từng người viết. Sáng tác gần đây của Ma Văn Kháng rất kích thích suy nghĩ của tôi. Này nhé, Kháng bỏ ra vài chục năm cho thực tế miền núi, bỏ họ Đinh thay họ Ma, viết một loạt truyện, cả ngắn lẫn dài. Nhưng anh để ý xem: các truyện trong mảng này của Kháng chưa hề được vào một tuyển tập nào cả. Thế mà khi trở lại thực tế dưới xuôi, viết về những người nghèo hoặc khá nghèo quanh Hà Nội, thì Kháng hay hẳn lên. Lần đầu tiên Kháng có truyện ngắn Mẹ và con vào tuyển tập. Tính sổ trở lại thì cả cái mảng trước là coi như bỏ đi chứ gì, tất nhiên là đối với người viết đó là cả một quãng luyện tập không phải vô ích đâu, lại cón sự trả giá nữa chứ. Nhưng cần nhấn mạnh điều này: với nhà văn thì không cưỡng ép được, mà nhà văn càng không nên tự ép buộc. Một khi anh ép anh vào một để tài mà anh chưa thực lòng muốn gắn bó thì sự lựa chọn "ép uổng" tự nó đã mang mầm thất bại rồi.

P.V. - Anh có nhận xét gì về văn xuôi của ta gần đây?

X.C. - Có khởi sắc hơn so với thơ. Cũng đã khá mẫn cảm, và đã có những sự báo hiệu nhất định, ví dụ ít nhiều báo hiệu được tình trạng "xuống cấp" của xã hội. Trong khi mà thơ đang bị tác động của cảm giác mệt mỏi, và bị những cái sáo mòn chi phối, tuy có trăn trở tìm tòi. Trong khi mà phê bình của các anh lại càng mệt mỏi hơn. Tôi nói là văn xuôi có những yếu tố báo hiệu SOS xã hội, nhưng chưa mạnh mẽ. Nguyên nhân thì nhiều. Gần đây nhìn lại, tôi cảm thấy hồi những năm 78, 79 ở giới ta đã có những tìm tòi đề xuất rất mới và căn bản là đúng, phù hợp với tinh thần đổi mới bây giờ. Tiếc là nó bị phủ nhận trong tư tưởng, bị ghìm lại trong sáng tác. Quá trình Đại hội Nhà văn lần trước là ở trong không khí bị ghìm ấy. Bây giờ càng thấy người ta phàn nàn về đại hội lần ấy. Báo cáo chính rất hùng hồn nhưng trơn tuột. Một đại hội không có sự lắng nghe, và không tác động tốt đến phong trào. Tôi cho quá trình 12 năm qua là 12 năm đấu tranh xác lập phương hướng trong văn học. Và rất giằng co. Chỉ nhờ Đại hội VI của Đảng, hướng đi đúng mới bùng lên được. Tôi còn nhớ khi các báo chúng tôi đã sôi động rồi, tôi gặp và có bảo anh bạn ở tờ báo của Hội: này, các ông phải vào cuộc đi chứ! Anh ấy chìa hai cánh tay bắt chéo nhau dứ dứ về phía tôi, chắc có ý bảo: có mà vào tù, chả dại! Cũng mừng là từ giữa năm ngoái, tờ báo của Hội đã khởi sắc, gây được tín nhiệm.

Tôi nghĩ từ nay đến năm 2000 văn học, ta vẫn ở thời kỳ chuyển biến, chuẩn bị. Tác phẩm lớn là kết tinh của tài năng, là công lao nhà văn, nhưng còn là kết quả tác động lâu dài, chuẩn bị lâu dài của xã hội. Phải chuẩn bị rất nhiều mới mong có lúc sẽ xuất hiện những tác phẩm hay, tác phẩm lớn. Công việc của giới ta, của Hội ta, công việc của Đại hội tới, là những khâu, những việc tham gia vào sự chuẩn bị ấy.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 8 (20-2-1988)

 

 Mục lục

10-9-08