ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 30 (29-7-1995)

 

 

HỘI NHẬP VỚI THẾ GIỚI ĐỂ TRÁNH NGUY CƠ
VĂN HỌC TỤT HẬU TRƯỚC ĐỜI SỐNG

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Khao khát làm ra của cải, khao khát làm giàu, khao khát đổi mới cách sống cách nghĩ... có lẽ là một nét tâm lý thấy rõ nhất trong xã hội ta những năm gần đây, nó chan hòa thấm thía trong tâm tư hành động của từng con người bình thường. Để làm giàu, và nói rộng hơn để biến cải xã hội, những người quanh ta vụt trở nên năng động sôi nổi cởi mở hơn bao giờ hết. Ở tất cả các ngành hoạt động xã hội, người ta chứng kiến một điều mà trước đây hồi chiến tranh chưa từng có và không thể có. Đó là làm gì chúng ta cũng trông trước trông sau, xem người nước ngoài, người ta nghĩ về việc này ra sao, người ta làm ăn như thế nào. Và nếu học được theo họ, nhập được công nghệ sản xuất mới để có thể làm như họ (và chừng nào đó tinh xảo khéo léo hơn) được đánh dấu chất lượng rồi mang ra xuất khẩu, thì tất cả mọi người đều thấy nức lòng. Cái ý thức hướng ngoại ấy giống như một nguồn năng lượng mạnh mẽ, khiến cho mỗi cá nhân cũng như từng đơn vị sản xuất từng ngành nghề xao động hẳn lên, tạo ra một vẻ tấp nập chưa từng thấy trong làm ăn sinh sống.

Một người bạn vong niên của tôi - năm nay đã trên 60 - kể rằng trong kháng chiến chống Pháp có lần được nghe Xuân Diệu nói chuyện. Nói về nước Mỹ, giọng Xuân Diệu sôi sục hẳn lên:

- Các đồng chí có biết không, ở bên đó, họ mặc quần áo bằng nilon!

- Các đồng chí có biết không, ở nước Mỹ ấy, các tổng thống sau khi hết nhiệm kỳ, quay về đi quảng cáo thuê cho các hãng buôn!

Nhắc lại chuyện đó, để thấy cái ấu trĩ một thời. Giờ đây nhận thức của chúng ta đã tiến khá xa.

Cả nếp nghĩ của xã hội đã và đang thay đổi sao không mừng cho được.

Song nếu trở lại với nghề mình, với đời sống văn học, thì nỗi vui mừng không khỏi chững lại và giảm đi.

10 năm gần đây, từ khoảng 1986 tới nay, đúng là sách vở ra có nhiều hơn, hoạt động văn học nhiều chiều và đa dạng hơn. Song bảo ở đây đã có được cái vẻ năng động như đời sống chưa, thì phải nói là chưa. Từ đời sống chung, quay trở về với sinh hoạt văn học, nghe các nhà văn nói năng bàn bạc, và tìm vào trang sách đã in, thấy đôi khi cũng nhộn nhạo đấy, nhưng vẫn là ở bề ngoài, ở trên bề mặt, nhìn kỹ vẫn thấy tịch mịch vắng lặng, và nhiều phần cũ. Đại khái chúng ta vẫn lướng vướng trong cái cũ những câu chuyện, những cuộc tranh cãi quẩn quanh như các năm trước, hoặc có khác thì khác chút ít, chưa tương xứng với những thay đổi lớn lao trong đời sống.

Trên đây chỉ là cảm giác của riêng tôi, không biết có được nhiều đồng nghiệp chia sẻ? Nếu cũng cảm thấy như tôi xin các anh các chị ta cùng bàn cho ra nhẽ để đời sống văn học khỏi sa vào cái tình trạng mà xưa nay, ta vẫn e sợ nhất, đó là tình trạng tụt hậu so với đời sống. Về phần mình, tôi xin phép trình bày rõ cái điều theo tôi nó là lý do làm nên sự tịch mịch nói trên: nếu ví von một cách thô thiển, xem văn học cũng là một ngành sản xuất, thì rõ ràng là văn học ta vẫn quanh quẩn trong khu vực sản xuất hàng nội địa, chứ chưa toan tính làm những thứ hàng xuất khẩu. Nói chung, ta vẫn đang "sản xuất" văn chương theo những quy trình công nghệ cũ kỹ, chứ chưa theo kịp quy trình tiên tiến của thế giới.

Nghe đến đây, chắc có người bảo: Vẽ chuyện không đâu! Với tập giấy và cái bút trong tay, quy trình sản xuất của văn học bao giờ cũng vậy, làm gì có chuyện mới với cũ. Tôi nghĩ nên hiểu hai chữ quy trình cho rộng hơn. Các nhà Nho xưa chỉ làm thơ viết truyện theo lối chép tay đưa cho nhau đọc đấy là một loạt quy trình, quy trình sản xuất văn chương thời trung cổ. Còn với các nhà văn từ hồi chữ quốc ngữ được phổ biến, các nhà văn sống và viết trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX lại có một quy trình khác hẳn: viết theo đơn đặt hàng của thị trường, viết xong mang bán cho các tờ báo, các nhà xuất bản. Đến cụ Tản Đà thấm nhuần chất văn chương tài tử Hán học là thế, ngông nghênh là thế, cũng phải sản xuất văn chương theo lối com măng, rồi "mang thơ bán phố phường", mở đường cho các thi sĩ chọn nghề làm thơ để kiếm sống như Xuân Diệu, như Nguyễn Bính... thời sau. Vậy là lịch sử văn học Việt Nam đã chứng kiến ít nhất là một lần quy trình sản xuất thay đổi và nếu so sánh vẻ tấp nập cái hối hả sôi nổi của văn chương Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX với văn chương các thế kỷ trước, thì có thể không ngần ngại gì mà khẳng định rằng mỗi lần thay đổi quy trình sản xuất là y như văn học có đột biến. Quy trình sản xuất của nhà văn ta rồi sẽ thay đổi ra sao, tôi chưa dám nói, vì bản thân còn biết rất ít. Nhưng tôi tưởng điều đầu tiên cần nói với nhau là phải công nhận có cái quy trình đó. Nó cần phải được nhận thức đầy đủ. Và khi cần nó phải thay đổi. Để hiểu nghề mình ta phải xem ở các nước khác, các đồng nghiệp cũng viết văn như chúng ta họ hành nghề ra sao, tồn tại theo phương cách nào, và có những điểm nào ta có thể áp dụng vào công việc của mình.

Sự năng động trong hoạt động của nhiều ngành nghề trong xã hội hiện nay, đã bắt đầu bằng việc hội nhập, trông ra thế giới để học và làm như thế. Ngay các ngành nghệ thuật lân cận với ta, như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, - nói chi kiến trúc, hội họa - cũng đang tìm tới những mối liên hệ tự nhiên và lành mạnh với nước ngoài như thế.

Ở hội họa chẳng hạn. Để những lời chê bai rằng học đòi, rằng bắt chước, và nặng hơn nữa, rằng chạy theo đồng tiền... bỏ những lời xúc xiểm nhỏ nhen đó sang một bên, nhiều họa sĩ, nhất là các tác giả trẻ, nô nức bảo nhau hướng sáng tác của mình ra thế giới. Lúc đầu, có thể còn nhiều vụng dại, nhưng chỉ vài năm một số đã có được sự thành thục, rồi có những sáng tạo theo kiểu của mình. Và cả giới hội họa hiện nay lấy việc mình có thể hòa nhập, tức có thể bày tranh ở Hồng Kông và Singapo, có thể bán tranh cho người nước ngoài... làm điều tự hào. Sự tự tin của họ lây sang cả xã hội. Mỗi lần hội họa Việt Nam có những bước tiến mới trong việc hội nhập thế giới, báo chí xúm vào tuyên truyền ca ngợi.

Thế còn trong văn chương thì sao?

Thứ nhất, so với thời kỳ gọi là bao cấp, sách dịch hiện nay có nhiều hơn với nội dung cởi mở hơn. Nhưng trên đại thể đó vẫn là công việc phục vụ đông đảo bạn đọc, giúp họ giải trí. Trong Hội Nhà văn, văn học nước ngoài thường vẫn là việc riêng của mấy hội viên chuyên nghề dịch. Chưa bao giờ tác phẩm dịch được các hội viên - tức là các nhà sản xuất văn chương trong nước - mang ra mổ xẻ xem xét, xem làm như thế có hơn không? Thấy cách viết của họ có vẻ là lạ, mạ theo chắc sẽ ăn khách, một số cây bút khôn vặt sớm tính chuyện thủ bản dịch trong ngăn kéo, học theo với nghĩa học lỏm - hiện tượng ấy là có. Nhưng giữa sự học lỏm của từng cá nhân, với sự tìm hiểu học theo, để đi tới chuyển biến trong nhận thức và hành động của cả một lớp người hành nghề đầy khao khát đổi mới - hai cái đó khác nhau một trời một vực.

Rộng hơn câu chuyện kỹ thuật sáng tác, có những vấn đề mà cả nền văn học ta đang phải quan tâm để tìm ra đối sách cần thiết. Ví dụ: cũng có những nước trải qua chiến tranh như ta, vậy họ khai thác đề tài chiến tranh ra sao. Hoặc ở nước họ, từ lâu sản xuất và phân phối đã theo hệ thống phân phối kinh tế thị trường, vậy thì văn học trong cơ chế thị trường ra sao. Đấy là những vấn đề, mà ta có thể tham khảo và không chỉ tham khảo một nước, mà cần tham khảo nhiều nước, rồi cùng bàn bạc để tìm ra cách làm hợp lý của ta. Nhưng các việc cần kíp như thế này, 10 năm vừa qua, gần như chưa được Hội ta đả động tới.

Thứ hai, dù còn rất ít, song đây đó bắt đầu có những tác phẩm văn học Việt Nam mới viết ra hôm nay, được dịch ra tiếng nước ngoài. Có thể ở đây, bàn tay của những kẻ thù địch với ta thò vào quá rõ, nên các cơ quan an ninh đã sớm chú ý để thực thi nghiệp vụ của mình, đó là lẽ thường tình. Nhưng theo tôi hiểu, không phải mọi tác phẩm Việt Nam đã được dịch đều trong tầm khống chế của kẻ địch, có những tác phẩm của anh em ta được nước ngoài dịch vì họ muốn hiểu được con người Việt Nam, văn chương Việt Nam. Vậy với tư cách người sản xuất, các nhà văn của ta phải quan tâm mổ xẻ hiện tượng này, xem viết như thế nào thì họ sẽ dịch. Và Hội của chúng ta cũng phải có những người, những bộ phận theo dõi việc này, giúp cho các nhà văn viết tốt hơn theo hướng những người tử tế ở nước ngoài yêu cầu, để từ đó, có thêm tác phẩm được dịch, đó là vinh dự cho từng cá nhân mà cũng là vinh dự cho cả Hội. Nên nói là một điều đáng tiếc, khi nhìn lại thời gian vừa qua, chúng ta chưa có một thái độ cởi mở như vậy. Thấy ai được dịch, nhiều người chúng ta không chia vui mà thường nhìn người ta như một kẻ dị giáo, một con chiên ghẻ, rồi xem đây là chuyện xấu, chuyện kiếm tiền hèn hạ. Hội Nhà văn Việt Nam trong các nhiệm kỳ trước cũng chưa có phương hướng đúng đắn trong việc xem xét đánh giá hiện tượng này. Cách làm của Hội - mà cũng là cách làm của số đông chúng ta - gợi ra cảm tưởng chúng ta thu mình lại, coi văn chương chỉ là thứ hàng nội địa, nên căn bản ta làm ta đọc với nhau, ở đây không có hội nhập hội nhiếc gì cả. Chính đây là chỗ khác biệt giữa văn chương và nhiều ngành nghệ thuật khác, văn chương và đời sống xã hội ta hôm nay nói chung, khiến cho đời sống xã hội thì sôi nổi năng động mà văn chương chúng ta ngoài một ít chuyện nhộn nhạo vặt vãnh, căn bản vẫn có cái vẻ tịch mịch chậm rãi như mấy chục năm nay đã vậy, và trình độ của mỗi chúng ta không được nâng lên tương xứng với trình độ làm nghề hiện nay trên thế giới.

Trên đây là ý kiến của tôi trước một vấn đề theo tôi rất thiết yếu đối với sự nghiệp văn học, và Ban Chấp hành Hội cũng như tất cả chúng ta phải có ý kiến để tìm tòi phương hướng giải quyết đúng đắn nhất trong thời gian tới.

Rất mong các đồng chí có thêm ý kiến.

 

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 30 (29-7-1995)

Mục lục

13-11-10