ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 47&48 (21-11-1987)

 

NGHĨ VỀ THƠ HÔM NAY

VÂN LONG

 

Có một thời người làm thơ không thể viết thành thơ tất cả những điều mình cảm nghĩ. Nếu có viết ra, cũng tự mình tỉnh táo phân loại bài thơ này có thể gửi in báo, bài thơ này chỉ có thể đọc cho bạn thân nghe, có bài chỉ chép sổ tay cho riêng mình. Bởi lúc đó, thơ in ra dường như chỉ được viết về một mặt của sự thực. Đó là mặt thành tựu, mặt tốt đẹp, mặt kiên cường dũng cảm trước quân thù. Nhưng xã hội, những con người trong xã hội thì lại bị phân hóa ra rất nhiều đối cực. Có chỗ, có nơi mặt tiêu cực lại có khả năng lấn lướt những gì tích cực. Người làm thơ không chỉ tin tưởng, khẳng định những thành tựu mà còn có lúc lo âu, đau buồn trước những tổn thất, những diễn biến suy thoái trong đời sống. Những xúc động nhiều mặt ấy, người làm thơ trung thực cần phải viết ra. Thế là thơ hình thành hai dòng chảy: Dòng nổi gồm những bài thơ được phép in trên sách báo và dòng ngầm gồm những bài thơ mang nhiều xúc động chân thật, những bài thơ tác giả tự thể hiện được mình. (Ở dòng thơ không chính thống này, tôi xin đặt ra ngoài loại thơ của những kẻ bất mãn, thù địch với chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta).

Nhu cầu in ấn của thơ dòng nổi thế nào thì sẽ sản sinh những nhà thơ thế ấy, dường như những người làm thơ này chỉ biết ăn nổi. Thời điểm chiến tranh thì trong thơ xuất hiện rất nhiều địa danh những vùng có chiến sự (thật ra có khi được viết ở Hà Nội), thời điểm xây dựng hòa bình thì sông Đà, Trị An, Phả Lại là những cái "mác" bảo đảm cho thơ. Trong số những bài thơ này, không phải không có những bài hay, nhưng xu thế hướng ngoại, xu thế phản ánh hiện thực bên ngoài của nó, đã lấn át mất hiện thực tâm trạng của người làm thơ, hạn chế sức rung động của thơ. Chúng tôi thường tự trào lộng mình là những nhà thơ ký của thời đại, trong thơ có ký nhiều hơn có thơ!

Những lúc chuyển giai đoạn từ hòa bình sang chiến tranh, hoặc từ chiến tranh trở lại hòa bình là những lúc hàng loạt nhà thơ ăn nổi bị rơi rụng, vì những anh chị em này quen làm thơ theo đề tài chứ chưa nắm các gốc nhân bản của thơ.

Đến hôm nay, một cục diện mới xuất hiện, một thử thách với các nhà thơ gay gắt hơn hẳn những bước chuyển giai đoạn trước kia. Bởi nó không chỉ chuyển đề tài, có những tín hiệu cho thấy nó chuyển cả đến cốt lõi của thơ, để vươn tới cái gì là thơ đích thực. Thơ nói riêng và văn học nói chung, trước cuộc sống phong phú và phức tạp cần nắm bắt được hiện thực đa chiều, đa nghĩa thông qua tâm trạng thực của nhà thơ. Chỉ riêng nói được sự thực của vấn đề, của tâm trạng đã là tư duy mới của thơ rồi!

Văn xuôi đã xuất hiện Tướng về hưu, báo chí đã mài sắc tính năng của mình, phanh phui ra những điều xưa ta che giấu. Vậy tiếng nói của thơ sẽ phải thế nào để nhập cuộc với đời sống hôm nay, vừa góp phần gieo trồng, nhổ cỏ dại mà vẫn giữ được bản sắc trữ tình của thể loại.

Đến giai đoạn này, những nhà thơ quen viết trung thực với cảm nghĩ của mình dường như đỡ lúng túng hơn (như anh Tế Hanh nói: dòng phụ trước kia lại trở thành dòng chính), những nhà thơ có thể ăn ở các tầng cảm xúc có hy vọng khắc phục được những xơ cứng cũ mòn và vượt lên. Tuy vậy, đổi mới một cách nhìn, cách nghĩ, dẫn đến cách viết đâu phải là chuyện đơn giản!

Tôi giở trang nhật ký của tôi ngày ấy, bắt gặp mấy câu cảm khái ghi bằng văn vần. Vì mình viết cho mình thôi nên sự tự đánh giá không được khiêm tốn lắm, song tôn trọng cái thật của nhật ký, tôi không sửa lại làm gì. Ngày ấy tôi viết:

Anh như một người quá cỡ

Chiếc áo đời may sẵn bó chân tay

Anh lo rồi đến một ngày

Có áo mới lại quên tầm vóc cũ (!)

Nếu nói khiêm tốn hơn, thì như một nhà thơ lớn tuổi đã nói: mình như con gà công nghiệp quen ánh sáng nhân tạo, quen thức ăn tổng hợp, nay thả ra thì bay không biết bay, bới không biết bới!

Có một cái "một ngày" ấy đã đến? Tôi bèn đem những bài thơ riêng chưa in của mình trước đây ra đọc. Những bài thơ trước đây tưởng như sâu sắc lắm, hóa ra lại không đạt tới những điều kiện nay có thể in, có thể nói. Không ít bạn như tôi, trước đây có mặc cảm như mình là một "tài năng bị bỏ quên". Vậy mà bây giờ thì... những bài thơ sổ tay, những dòng thơ anh cho là tâm huyết đâu? Nhiều người như tôi ngẩn người ra, không trả lời được. Chiếc áo mới khá rộng, nhìn lại tầm vóc nhỏ nhoi của mình như bơi trong áo ấy, mới thấy ngượng!

Mặt khác, những bài thơ trung thực của ngày hôm qua cũng không làm nổi nhiệm vụ của thơ ngày hôm nay. Dường như hơn lúc nào hết, thơ cần có tiếng nói tiếp cận với cuộc sống hiện tại. Chí ít, không thể quay lưng lại cuộc đấu tranh xã hội rộng lớn nhân dân ta đang tiến hành. Hơn lúc nào hết, thơ cần lên tiếng trung thực và cố gắng mới cả về nội dung và hình thức.

Một anh bạn làm thơ, đang "say" trong bầu không khí đã thoáng đãng của báo chí, xuất bản nói với tôi "Với thơ, đây là giai đoạn quyết liệt. Hoặc mình bứt lên được, hoặc là bẻ bút đi làm công việc khác!".

Đứng trước một thời kỳ mới của tư duy được chuyển đổi, người ít nói nhất cũng muốn góp một câu. Nhưng tôi mong giai đoạn nói qua nhanh để ta bắt tay vào giai đoạn làm, hoặc ta làm cái mới ngay khi đang nói cái mới thì còn gì bằng! Cái khó ở chỗ: làm sao bài thơ ngày hôm nay hay hơn được bài thơ ngày hôm qua. Một thành tựu nghệ thuật cần nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng nếu ta không làm được thế thì làm sao chứng minh được khi "những sợi dây ràng buộc được cắt đi, sẽ làm cho ngành ta như con chim được tung cánh bay tận mây xanh" như lời đồng chí Tổng Bí thư đã nói?

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 47 & 48 (21-11-1987)

 

Mục lục

27-6-08