ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 38 (19-9-1987)

MẤY ĐỀ NGHỊ

TRẦN VĂN GIÀU

 

Chúng tôi vừa nhận được bức thư trả lời phỏng vấn đầy tâm huyết và chân tình sau đây của nhà văn hóa lão thành giáo sư Trần Văn Giàu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

Nguyên Ngọc

 

Làm sao mà đánh giá được 42 năm văn học cách mạng kháng chiến và xây dựng xã hội chủ nghĩa?

Vì lẽ gì? Trước hết vì không ai biết suốt 42 năm nay chúng ta đã viết những gì có tính chất và giá trị văn học. Còn ít, mất nhiều, thất lạc như lá rơi sau nhiều cơn giông. Có cơ quan nào thống kê, sưu tầm, tập hợp lại ở một vài nơi? Tụi tôi ở thành phố Hồ Chí Minh bốn, năm năm nay sưu tầm văn thơ yêu nước in công khai trong 30 năm kháng chiến, được 3.000 trang, 150 tác giả, mà đã xong đâu; nếu bốn, năm năm trước ai bảo đánh giá thì phải liều mạng lắm mới dám làm cái việc đòi hỏi nhiều trách nhiệm ấy.

Kế đó, vì: cho dầu biết phần lớn các tác phẩm của ta từ trước nay thiếu phê bình văn học, thiếu phê bình phê bình (critique de la critique). Chúng ta (trong đó có tôi) "khen chê" để mà cổ vũ cho nhau, để "bợ" người trên, tính toán lợi ích cá nhân, lắm khi để "nhận xét" độc đoán mà không cho phép cãi lại; nghĩa là không làm phê bình văn học thật sự; không có từng lúc đánh giá kịp thời, khách quan trung thực sâu sắc, rồi đùng một cái, bảo đánh giá chung thì đánh giá toàn diện thế nào được?

Thế nhưng không thể nào cứ "để lại lần sau"! Phải làm đi thôi. Làm mà biết trước rằng không đủ khách quan. Không toàn diện được, vậy phải ráng mà trung thực nhất.

Có gì đề nghị? - Có:

1 - Hãy yêu cầu Hội Nhà văn mỗi tỉnh ra sức thống kê sáng tác lớn nhỏ của địa phương: đánh giá tới chừng mực nào: Hội Trung ương tổng kết lại, ít ra là làm một bài toán cộng rất bổ ích, 42 năm nay, nhất là 30 năm kháng chiến ta làm nhiều, nhiều lắm, và có lắm cái hay (việc sưu tầm văn thơ yêu nước công khai ở thành phố cho phép nói chung như vậy).

2 - Để "giải phóng" năng lực sáng tác, cần phát động cho được thường xuyên phong trào phê bình văn học, cho phép một hạn độ tự do tư tưởng, tự do tranh luận, chôn cái độc tài mù quáng đi, khẳng định những nguyên lý của khoa phê bình văn học được xem như là một nghệ thuật, như là một bộ môn của ngành văn - một bộ môn có đặc trưng.

3 - Lập một Viện Hàn lâm văn học của các nhà văn (không phải của nhà nước) gần như Académie Goncourt (mà tốt hơn). Xứ ta có đủ sức. Hùn nhau lập giải thưởng lớn, thật xứng đáng.

4 - Lập một hệ thống câu lạc bộ văn học (chứ không phải quán bia đơn thuần như bây giờ ở một số nơi), có sinh hoạt văn học thật sự.

5 - Đặt một Viện dư luận bên cạnh Hội Nhà văn (dư luận của độc giả) để Hội có cách ứng xử thích hợp.

Nguyên Ngọc ơi! Tôi đi lạc trong làng văn chớ đâu phải là người làng đâu! Có phê bình mà để cổ vũ anh em chớ thật ra đã có bài phê bình văn học nào đáng gọi là phê bình văn học nghĩa là theo sát những nguyên lý phê bình cơ bản, tiếp cận với nghệ thuật phê bình đâu? Nguyên Ngọc hỏi thì tôi phải đáp vậy thôi. Cám ơn Nguyên Ngọc nhớ đến anh Giàu. Chúc Đại hội thành công. Thăm anh em.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 38 (19-9-1987)

Mục lục

 

25-5-08