ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn:  Văn nghệ, Hà Nội, số 20 (14-5-1988)

 

 

SỰ ĐỔI MỚI CỦA VĂN NGHỆ HÔM NAY VÀ
VẤN ĐỀ TRÍCH GIẢNG NHỮNG TÁC PHẨM
VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG

 

TRẦN HOÀI ANH

 

Có lẽ chưa bao giờ cuộc sống lại đặt ra cho chúng tôi nhiều trăn trở và suy nghĩ như lúc này. Là một thầy giáo dạy văn, tôi luôn tâm niệm một điều mong sao qua mỗi giờ văn học giúp cho học sinh gần hơn với chân lý nghệ thuật và chân lý của cuộc đời. Song cái mong muốn ấy mỗi ngày cứ xa dần trong những giờ dạy của chúng tôi và nhiều khi trở thành những tình huống có tính bi kịch.

Trong sách trích giảng văn học hiện nay không phải không có những bài hay mà sau khi học đã để lại trong lòng các em những ấn tượng sâu sắc giúp cho các em vững tin hơn khi bước vào đời. Song cũng có khá nhiều bài văn, bài thơ được chọn giảng, dẫu giáo viên đã "gào thét" đến "bàng hoàng" thì vẫn xa lạ với tâm hồn các em. "Văn học là nhân học" (Gorki). Văn học được nở sinh từ cuộc sống con người thì nó phải sống và gắn bó với con người nhưng do nhận thức thô thiển trước đây có lúc ta đã không lấy thực tiễn của đời sống nhân dân làm thước đo giá trị của tác phẩm văn học mà lấy việc minh họa cho những chủ trương, đường lối, chính sách nhất thời làm tiêu chuẩn định giá các tác phẩm văn học. Một số tác phẩm văn học vốn đã bị đẻ non để phù hợp với yêu cầu của khuynh hướng "văn học minh họa" và chính những tác phẩm này lại được "ưu tiên" đưa vào sách giáo khoa chọn giảng trong nhà trường. Những tác phẩm văn học này không thể sống nổi trong lòng độc giả cho dẫu đó là những "độc giả bắt buộc" phải đọc và học. Có lẽ, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm già nua tâm hồn học sinh, tạo nên một bệnh công thức trong cảm thụ văn học ở học sinh và đã công thức thì bao giờ cũng đơn điệu, và đơn điệu thì bao giờ cũng nhàm chán. Phải chăng đó cũng là một nguyên nhân của tình trạng học sinh chưa ham thích học văn hiện nay.

Chúng ta vẫn thường dạy học sinh "văn học là tấm gương phản ánh đời sống"; song đời sống thì đa dạng, phức tạp, lắm cái rối ren; cái ác có, cái thiện có, tích cực có, tiêu cực có, cao cả có, thấp hèn có...; thậm chí có khi cái ác lại dữ dội hơn cái thiện, cái tiêu cực lại lấn át và nhấn chìm cái tích cực... Nhưng văn học trong nhà trường thì toàn cái hay, cái tích cực, cái cao cả, buộc phải ca ngợi lắm khi đến gượng gạo trơ trẽn. Chính cái mâu thuẫn đến nghiệt ngã này đã tạo nên những tình huống bi kịch của người giáo viên văn học trong việc giảng dạy hiện nay!

Chúng tôi nghĩ rằng: nỗi đau xót của người giáo viên văn học nhìn ánh mắt hoài nghi của học trò khi giảng đoạn trích Vào cửa quan trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan hoặc bài thơ Anh chủ nhiệm mà Hoàng Minh Tường đã nêu ra trong phóng sự Làng giáo có gì vui, đó là tâm trạng chung của những người giáo viên văn học chúng tôi. Sự rạn vỡ niềm tin này, phải chăng cũng là một thái độ tiếp nhận những tác phẩm văn học vốn theo khuynh hướng minh họa trong cuộc sống hôm nay. Đây cũng là một cơ sở thực tiễn để chúng ta đủ tỉnh táo đánh giá lại những tác phẩm văn học được chọn giảng trong nhà trường. Đó là chúng tôi chưa dám bàn đến vấn đề nên dạy như thế nào những đoạn trích như Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải, khi mà chính tác giả - người đã cho ra đời cái ông Biền chủ nhiệm hợp tác xã tiên tiến ấy - lại cho rằng đó là hình ảnh của một "thời lãng mạn". Chúng tôi, những bạn đọc, những giáo viên văn học trân trọng và kính phục thái độ nhìn thẳng vào sự thật của Nguyễn Khải, một nhà văn đã dũng cảm đi vào những lĩnh vực gai góc của đời sống với một bản lĩnh nghệ sĩ vững vàng trong một số tác phẩm gần đây của anh. Nhưng nếu thực tế ông Biền ngày xưa đã không là sự thật và chỉ còn một ông Biền bằng xương, bằng thịt ở xã Đồng Tiến với căn nhà được trang bị bằng "tủ gương lớn gỗ lát, tủ ly chén gỗ lát, có giường nằm và salon đóng kiểu mới cũng bằng gỗ lát. Nhìn vào nhà cứ vàng chóe. Rồi radio cassette, rồi tivi màu của Nhật...". Trong khi thực trạng đa số nông dân còn nghèo khổ, xót xa đang là hiện thực trong cuộc sống chúng ta, gần đây đã được phản ánh trong một số ký, truyện giàu tính nhân đạo và tính nhân văn như Suy nghĩ trên đường làng của Hồ Trung Tú hay Cái đêm hôm ấy... đêm gì của Phùng Gia Lộc... thì chúng tôi khi dạy về nhân vật Biền trong Tầm nhìn xa phải nói như thế nào để học sinh tin rằng đó là ông Biền điển hình của con người mới xã hội chủ nghĩa?

Từ những thực tế trên, chúng tôi suy nghĩ nhiều đến việc phải dạy học sinh như thế nào trong khi sách giáo khoa vẫn còn tồn tại những tác phẩm văn học minh họa mà trong cách nhìn của sự đổi mới tư duy hôm nay không thể nào chấp nhận được. Hãy trả văn học trở về với đời sống riêng, với những quy luật sáng tạo, dự báo của nó. Đừng bao giờ có sự ép duyên trong sáng tạo nghệ thuật và chính vì vậy cũng đừng bao giờ có ép duyên trong giảng dạy văn học.

Nghệ sĩ, nhà văn là những kỹ sư tâm hồn, là những người sáng tạo nghệ thuật cần phải nói được sự thật cuộc đời: và chúng tôi những người giáo viên văn học, những người "phê bình văn học bằng miệng" từng ngày trên bục giảng cũng mong cảm nhận cái thật từ những tác phẩm văn học để truyền cho học sinh sự thật. Có như vậy, chúng tôi mới thật sự xây dựng được niềm tin cho các em, xây dựng một căn bản đạo đức cho các em để các em có đủ bản lĩnh, đủ niềm tin đi vào cuộc sống. Nếu ngay từ trong nhà trường đã không tạo được cho các em niềm tin thì tất yếu các em sẽ bị phá vỡ về lý tưởng sống, sẽ thấp hèn về nhân cách và như thế các em sẽ đi vào đời với một nhân cách giả, lý tưởng giả.

Từ những yêu cầu bức thiết trong cuộc sống hôm nay, vì một nền văn hóa tươi đẹp cho tương lai, với sự đổi mới của văn học, chúng tôi mong rằng những tác phẩm văn học được chọn giảng trong nhà trường cũng nhanh chóng được đổi mới. Muốn vậy chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan nghiên cứu soạn thảo chương trình của Bộ Giáo dục, cần nhạy cảm hơn với sự đổi mới của xã hội, của văn học, cần có một sự điều chỉnh kịp thời chương trình văn học đang được chọn giảng trong nhà trường, để những người thầy giáo văn học chúng tôi được vinh dự truyền cho học sinh cái hồn của những tác phẩm văn học bằng chính sự cảm nhận máu thịt của mình. Có như vậy bộ môn văn học trong nhà trường nói riêng và nền văn học nói chung mới hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình là xây dựng những con người tốt đẹp trong tương lai, những con người xứng đáng là chủ nhân của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 20 (14-5-1988)

 

Mục lục

16-4-12