ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 6 (7-2-1987)

 

 

NHỮNG QUAN ĐIỂM VĂN HÓA VĂN NGHỆ
TRONG ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ VI

 

TRẦN ĐỘ

 

Nội dung chủ yếu của các vấn đề đường lối của Đại hội VI nằm trong toàn bộ Báo cáo Chính trị của Trung ương do đồng chí Trường Chinh trình bày. Báo cáo Chính trị đã đánh giá tình hình với tinh thần tự phê bình nghiêm túc và vạch ra những nhiệm vụ và các quan điểm kinh tế phù hợp với yêu cầu của tình thế cách mạng và thực tiễn của đất nước. Báo cáo Chính trị cũng chứa đựng nhiều quan điểm về văn hóa nghệ thuật. Những quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tinh thần cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, và cũng hoàn toàn thích hợp với sự phát triển lý luận văn hóa văn nghệ của thế giới xã hội chủ nghĩa. Những quan điểm này nằm rải rác trong nhiều đoạn, chứ không tập trung trong một mục chuyên về văn hóa. Tính về số chữ, số trang thì các vấn đề văn hóa văn nghệ không nhiều. Nhưng số ít chữ nghĩa ấy lại chứa đựng nhiều nội dung phong phú và mới mẻ. Ta có thể rút ra ít nhất những quan điểm như sau:

1 - Quan điểm về chính sách xã hội và vai trò con người

Đại hội VI đã hết sức coi trọng vấn đề chính sách xã hội, coi chính sách xã hội quan trọng ngang với các chính sách kinh tế, chứ không coi các chính sách xã hội chỉ là những chính sách có ý nghĩa phúc lợi, ban ơn.

Báo cáo Chính trị khẳng định: "Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc... Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Và:

"Trong việc phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động, cần có kế hoạch chủ động xây dựng cơ cấu giai cấp của xã hội mới, cụ thể hóa và thực hiện đúng chính sách dân tộc và chính sách tự do tín ngưỡng".

"Cùng với việc tiến tới xóa bỏ cơ sở kinh tế - xã hội của sự bất công xã hội, phải đấu tranh kiên quyết chống những hiện tượng tiêu cực, làm cho những nguyên tắc công bằng xã hội, lối sống lành mạnh được khẳng định trong cuộc sống hàng ngày của xã hội ta".

Trong Nghị quyết của Đại hội, các ý tưởng trên được rút gọn và cô đúc trong một câu:

"Chính sách xã hội nhằm phát huy mọi khả năng của con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất. Coi nhẹ chính sách xã hội cũng là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc".

Từ những nội dung trên ta có thể thấy ở đây có một loạt quan điểm quan hệ với nhau có tính hệ thống và đó cũng là những vấn đề cần lý giải kỹ hơn về mặt lý luận và cần được các cấp lãnh đạo nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn:

- Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người.

- Chính sách xã hội phải thống nhất với các chính sách kinh tế, các vấn đề xã hội phải được đặt ra và giải quyết ngay trong từng mục tiêu kinh tế.

- Các chính sách xã hội phải nhằm "phát huy mọi khả năng của con người" nghĩa là phải nhằm bồi dưỡng mọi mặt cho con người, con người với tư cách chủ thể tích cực sáng tạo và xây dựng xã hội, chứ không phải con người làm thuê, cần ban ơn làm phúc.

- Các chính sách xã hội lại phải coi con người là mục tiêu của cách mạng là đối tượng cần phục vụ, vì vậy phục vụ con người là mục đích cao nhất của mọi hoạt động kể cả các hoạt động sản xuất, lưu thông phân phối, giao thông vận tải và các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa và xã hội. Ta thường tập trung và khẩu hiệu "tất cả để sản xuất" nhưng nay cần phải nhận rõ thêm sản xuất nhằm để phục vụ con người.

Hai điểm vừa kể trên là tư tưởng nhất quán với tinh thần của khẩu hiệu: "Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân" - và là nội dung cụ thể và nhất quán với tư tưởng "Lấy dân làm gốc".

Chúng ta cần cố gắng hoạt động, không để cho những tư tưởng đúng đắn tuyệt vời như vậy chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.

Tư tưởng về chính sách xã hội và vai trò của yếu tố con người là một tư tưởng lớn của Đại hội VI và cũng là một vấn đề văn hóa lớn.

2 - Quan điểm về nhiệm vụ xây dựng văn hóa

Trong Nghị quyết của Đại hội, có ghi "Xây dựng một nền văn hóa văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc".

Và trong Báo cáo Chính trị thì viết: "Trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới đặc biệt chú ý xây dựng quan hệ xã hội và lối sống lành mạnh, khắc phục các hiện tượng tiêu cực; giữ gìn và phát huy tinh thần dân chủ, nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng và những giá trị văn hóa khác của truyền thống dân tộc và cách mạng".

Ở đây nổi rõ quan niệm về văn hóa: Văn hóa không phải chỉ là một số hoạt động của công tác văn hóa, mà văn hóa nằm trong mọi mặt hoạt động của cuộc sống. Cho nên xây dựng văn hóa là phải chú ý xây dựng lối sống, xây dựng các quan hệ xã hội tốt đẹp.

Một nền văn hóa văn nghệ, có nghĩa là một tổng thể văn hóa trong đó có văn hóa nghệ thuật, cũng có nghĩa là một nền văn hóa và một nền văn nghệ - Văn nghệ nằm trong cấu thành của văn hóa nhưng là một thành tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng có nhiều đặc thù và có tính tiêu biểu của văn hóa.

Hiện nay ta phải xây dựng một nền văn hóa văn nghệ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chưa dự đoán được nền văn hóa văn nghệ của giai đoạn cộng sản chủ nghĩa và thế giới đại đồng nó như thế nào. Nhưng rõ ràng trong một thời gian còn khá dài nữa, mỗi nền văn hóa văn nghệ xã hội chủ nghĩa còn phải gắn với dân tộc, của một dân tộc. Màu sắc dân tộc khác nhau của văn hóa làm cho văn hóa thế giới phong phú tốt đẹp hơn. Công thức "một nền văn hóa văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm đàn bản sắc dân tộc" vẫn nhất quán tinh thần với công thức đã nêu ở Đại hội IV và V: "một nền văn hóa nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc", nhưng nó được diễn tả đầy đủ hơn, chính xác hơn, hợp lý hơn, nó bao hàm cả ý nghĩa quốc tế và dân tộc của văn hóa xã hội chủ nghĩa. Khi ta nói "đậm đà bản sắc dân tộc" là ta yêu cầu nền văn hóa văn nghệ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải mang rõ rệt trong mình những sắc thái (hoặc một sắc thái) cơ bản thể hiện rõ cái dáng vẻ, cái bộ mặt riêng của Việt Nam, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nói như thế cũng bao hàm ý nghĩa văn hóa Việt Nam phải kế thừa được đầy đủ các truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của cách mạng. Nhưng phải nói các di sản văn hóa của Việt Nam rất phong phú mà cũng rất phức tạp nặng nề. Đại hội lần này định hướng cơ bản cho việc kế thừa là "giữ gìn và phát huy tinh thần dân chủ nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng". Đó là những truyền thống tốt đẹp. Nó tốt đẹp vì nó phù hợp với những giá trị văn hóa xã hội chủ nghĩa. Khi Báo cáo Chính trị còn có thêm câu "... và những giá trị văn hóa khác của truyền thống dân tộc và cách mạng" thì ta cũng cần hiểu các giá trị văn hóa khác đây cũng là những giá trị gần gụi với dân chủ, nhân đạo và anh hùng, chứ không phải là những cái gì đi ngược lại với dân chủ, nhân đạo và anh hùng. Sự định hướng này có ý nghĩa rất quan trọng trong các hoạt động văn hóa của ta.

3 - Quan điểm về nhiệm vụ của công tác văn hóa

Báo cáo Chính trị nói về nhiệm vụ công tác văn hóa văn nghệ không nhiều, chỉ có một câu ngắn gọn, nhưng bao hàm nhiều ý mới mẻ và quan trọng. Báo cáo Chính trị viết:

"Công tác văn hóa văn nghệ phải được nâng cao chất lượng. Mỗi hoạt động văn hóa văn nghệ phải tính đến hiệu quả xã hội, tác động tốt đến tư tưởng tâm lý tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân. Quan tâm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp xã hội và các lứa tuổi".

Ta chú ý đọc kỹ đoạn văn trên, ta có thể thấy rõ một quan niệm về công tác văn hóa văn nghệ một cách chính xác, khoa học. Quan niệm này yêu cầu hoạt động văn hóa văn nghệ phải tính đến, phải có hiệu quả xã hội, hiệu quả xã hội do sự tác động tốt đến tư tưởng, tâm lý và tình cảm của nhân dân, là hiệu quả nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân. Như vậy công tác văn hóa văn nghệ không phải chỉ hạn chế và bó hẹp trong ý nghĩa "bị động", "công cụ", và "theo sau". Không phải chỉ tập trung vào sự cổ động các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, cổ động mọi người thực hiện những nhiệm vụ hàng ngày của sản xuất, công tác. Không phải chỉ là những động tác "cờ, đèn, kèn, trống", "đóng đinh leo thang" v.v... Không phải chỉ là những sự giúp vui, giải trí. Công tác văn hóa văn nghệ phải là một loại hoạt động có hiệu quả xã hội, phải chú ý đến hiệu quả xã hội. Có những hoạt động văn hóa văn nghệ có cả hiệu quả kinh tế, nhưng không thể coi hiệu quả kinh tế là mục đích chủ yếu. Hiệu quả xã hội là hiệu quả tác động đến từng con người, là hiệu quả có ý nghĩa cao thượng, là hiệu quả về mặt tinh thần.

Đó phải là hiệu quả "xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa", chứ không phải là những hiệu quả kịp thời, tức thời, ngắn hạn, trước mắt. Đó phải là sự "tác động tốt" tức là tác động xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao, tác động tốt vào tư tưởng tâm lý và tình cảm con người. Và vì vậy nó có nhiệm vụ cao cả là "nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa của nhân dân", không những thế nó còn phải nâng cao cả "trình độ thẩm mỹ" cho nhân dân nữa. Có nâng cao trình độ thẩm mỹ, mới làm cho các thị hiếu được lành mạnh, mới làm cho các tác phẩm nghệ thuật có tác dụng mạnh mẽ và cao đối với mọi người, mới góp phần tích cực vào việc phát triển toàn diện con người mới, ngăn chặn và xóa bỏ được các ảnh hưởng độc hại của các thứ nghệ thuật phản động đồi trụy, các âm mưu thâm độc dùng nghệ thuật trong chiến tranh tâm lý của các loại kẻ địch. Và cũng lại chính vì thế mà yêu cầu gay gắt đối với các hoạt động văn hóa văn nghệ phải nâng cao chất lượng, chất lượng thì chủ yếu là chất lượng nghệ thuật. Phải đòi hỏi cao, phải nghiêm khắc đối với chất lượng nghệ thuật, và điều đó đòi hỏi chất lượng cả ở các khâu kỹ thuật, tổ chức.

Toàn bộ các khía cạnh khác nhau của quan niệm về nhiệm vụ công tác văn hóa văn nghệ này quan hệ chặt chẽ với nhau trong một sự thống nhất. Trên cơ sở quan niệm này khắc phục những quan niệm thiển cận, hẹp hòi và thực dụng đối với công tác văn hóa văn nghệ. Quan niệm này cũng chính là sự thể hiện nguyện vọng chân chính của các người làm công tác văn hóa văn nghệ và các nghệ sĩ.

4 - Quan điểm về nhiệm vụ các chính sách văn hóa

Báo cáo Chính trị không nói nhiều được về các chính sách văn hóa, nhưng báo cáo đã đề cập vấn đề chính sách như một nhiệm vụ và vạch ra tinh thần cơ bản của yêu cầu về chính sách. Vấn đề chính sách văn hóa được đề cập ở hai chỗ trong Báo cáo Chính trị.

Ở phần nói về các chính sách xã hội, đoạn về công tác văn hóa.

"Cải tiến chính sách đối với người làm công tác nghệ thuật chuyên nghiệp, đãi ngộ xứng đáng lao động nghệ thuật, động viên sáng tác, khuyến khích tài năng".

Và một đoạn khác ở phần thứ tư: "Phát huy quyền làm chủ tập thể của...".

"Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là đảm bảo quyền tự do sáng tạo. Đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển. Phá bỏ những quan niệm hẹp hòi, không thấy tầng lớp trí thức ngày nay là những người lao động xã hội chủ nghĩa được Đảng giáo dục và lãnh đạo, ngày càng gắn bó chặt chẽ với công nhân và nông dân".

Câu trích trên được cô đúc lại trong Nghị quyết như sau:

"Đối với trí thức điều quan trọng nhất là đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho các khả năng sáng tạo được sử dụng đúng và phát triển".

Tất cả đều toát lên một tinh thần nhất quán đòi hỏi các chính sách cụ thể phải thể hiện được. Đó là thái độ của Đảng đối với các năng lực sáng tạo, với lao động nghệ thuật. Tinh thần của Báo cáo Chính trị là thừa nhận rõ rệt là có thứ "lao động nghệ thuật". Đó là lao động, chứ không phải chỉ là những hoạt động vui chơi phù phiếm. Các nghệ sĩ phải lao động, và thứ lao động nghệ thuật có những đặc thù, những khó khăn phức tạp không phải ai cũng làm được. Chính vì vậy, lao động nghệ thuật cần phải được đãi ngộ xứng đáng.

Hiện nay lao động nghệ thuật chưa được đãi ngộ xứng đáng, còn bị coi nhẹ và coi thường. Đảng yêu cầu phải cải tiến chính sách. Sự cải tiến này phải được tiến hành trên cơ sở sự hiểu biết sâu sắc đến bản chất các loại lao động nghệ thuật: lao động của người viết văn, lao động của những người sáng tác nhạc và đặc biệt của những người sáng tác trong các thể loại của nghệ thuật tạo hình, lao động của diễn viên múa, diễn viên sân khấu, diễn viên ca hát, các nhạc công, diễn viên xiếc v.v... Mỗi loại lao động có những sự tiêu hao năng lượng khác nhau và những yêu cầu điều kiện lao động khác nhau. Sự cải tiến không thể chỉ là sự tính toán vài chế độ thù lao đãi ngộ, mà phải được nghiên cứu trên những cơ sở khoa học kỹ càng.

Ngoài tinh thần đối với lao động nghệ thuật, các chính sách còn có những yêu cầu khác cũng rất quan trọng, đó là chính sách đối với sự sáng tạo, cần "động viên sáng tạo", cần "bảo đảm quyền tự do sáng tạo". Cần phải lý giải đầy đủ và đi tới những quan niệm thật đúng đắn về "quyền tự do sáng tạo" và "sự sáng tạo" trong các hoạt động văn hóa văn nghệ. Phải có thái độ cởi mở với mọi tìm tòi sáng tạo, phải có chính sách thực hiện các cuộc thể nghiệm và các tổ chức thể nghiệm. Phải khoan dung với mọi kết quả thể nghiệm, kể cả những thể nghiệm không thành công.

Cần có chính sách đối với tài năng, cần "khuyến khích tài năng". Cần phải hiểu khuyến khích tài năng bao gồm cả việc phát hiện tài năng, bồi dưỡng tài năng và tạo điều kiện cho tài năng phát triển, sử dụng đúng các tài năng. Thái độ trân trọng tài năng thực chất là một thái độ cách mạng. Không thể để lãng phí tài năng. Lãng phí tài năng là một sự lãng phí tội lỗi nặng nề.

Chính sách đối với trí thức, bao gồm cả trí thức khoa học, trí thức chính trị - xã hội, và trí thức nghệ thuật. Đối với trí thức, có một yêu cầu chung là "đánh giá đúng năng lực", "sử dụng đúng năng lực", và "tạo điều kiện phát triển năng lực". Chỉ có đánh giá đúng thì mới sử dụng đúng được, có sử dụng đúng thì mới phát triển được năng lực. Muốn đánh giá đúng phải có sự hiểu biết đến mức cần thiết, hiểu biết đến bản chất sự việc mới có quyền đánh giá. Các người trí thức thông thường có nguyện vọng rất sâu sắc là yêu cầu được đánh giá đúng. Chính sách đối với trí thức nói chung và trí thức nghệ thuật nói riêng là chính sách cực kỳ quan trọng, là then chốt để thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn hóa văn nghệ. Đại hội VI đã vạch ra phương hướng yêu cầu hết sức chính xác và rõ ràng. Trách nhiệm các cơ quan quản lý trong việc thể chế hóa các chính sách và thực hiện các chính sách là một trách nhiệm nặng nề.

5 - Quan điểm về vai trò và chức năng của văn học nghệ thuật

Đây là quan điểm quan trọng nhất trong các quan điểm về văn hóa văn nghệ. Báo cáo Chính trị trong Đại hội VI đã xác định quan điểm này một cách hết sức mác-xít-lêninít, hết sức khoa học và hết sức tiên tiến phù hợp với các trào lưu lý luận thế giới về vấn đề này, là sự phát triển tốt đẹp những quan điểm của Đảng ta về văn hóa văn nghệ đã có từ lâu được phát triển nhiều lần trong các văn kiện của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng.

Quan điểm về vấn đề này quan trọng và cơ bản vì nó sẽ chi phối sự hiểu biết và xử lý các vấn đề khác như các vấn đề chính sách, các vấn đề về vai trò của công tác văn hóa văn nghệ, về sự cần thiết phải nâng cao trình độ lãnh đạo v.v... Về vai trò của văn học nghệ thuật, Báo cáo Chính trị viết: "Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ và nếp sống của con người".

Để giáo dục và phát triển toàn diện con người thì việc xây dựng tình cảm là việc cực kỳ quan trọng. Tình cảm lành mạnh, tình cảm tốt đẹp càng mãnh liệt bao nhiêu, càng tác động đến ý thức đạo đức mạnh mẽ bấy nhiêu, càng tạo nên năng lực hành động cao và mạnh bấy nhiêu, càng làm cho ý chí được vững vàng kiên định. Giáo dục tình cảm là một thành tố cực kỳ quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng. Thế mà trong việc ấy không có hình thái ý thức nào thay thế được văn học nghệ thuật. Các sản phẩm văn học nghệ thuật vừa là những món ăn tinh thần không thể thiếu của đời sống con người vừa là những môn thuốc đặc hiệu nâng cao tình cảm con người. Không thể coi nó chỉ là những trò, những phương tiện để giải trí, vui chơi.

Báo cáo Chính trị nói rõ chức năng của văn học nghệ thuật trong đoạn sau đây: "Đảng yêu cầu các văn nghệ sĩ thường xuyên trau dồi ý thức trách nhiệm của công dân chiến sĩ, thực hiện chức trách cao quý: tạo nên những giá trị tinh thần bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh của mọi thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội". Ở đây, ta cần đặc biệt chú ý mấy chữ tạo nên những giá trị tinh thần.

Hoạt động văn học nghệ thuật không phải là những hoạt động phi sản xuất chỉ có tiêu phí, mà là những hoạt động sản xuất tạo ra những giá trị tinh thần. Văn học nghệ thuật không phải chỉ là vũ khí hay công cụ của công tác tư tưởng, tuy rằng các sản phẩm của nó là để bồi dưỡng tinh thần cho con người. Nó tạo ra những giá trị tinh thần, làm cho đời sống tinh thần của xã hội ngày càng giàu có, càng cao đẹp. Nó xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho mọi thế hệ công dân, nghĩa là nó tạo ra và nâng cao những năng lực hoạt động của con người để con người xây dựng xã hội có hiệu quả hơn. Nó không tiêu phí, không làm tiêu mòn của cải xã hội mà ngược lại nó làm cho xã hội giàu hơn và đẹp hơn. Nó còn làm cho xã hội đẹp hơn ở chỗ xây dựng môi trường đạo đức cho xã hội. Về cơ bản, có thể suy luận là như vậy, nó cũng chỉ là thực hiện chức năng giáo dục và điều đó thì từ trước ta vẫn nói. Có thể hiểu đó là văn học nghệ thuật thực hiện chức năng giáo dục. Nhưng không nên hiểu giáo dục chỉ là lên lớp, chỉ là dạy bảo.

Văn học nghệ thuật vừa làm chức năng giáo dục với ý nghĩa là bồi dưỡng tâm hồn tình cảm, là xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho con người, mà cần phải thấy những giá trị tinh thần đó (kể cả các giá trị tinh thần được vật thể hóa như tượng đài, kiến trúc... và các văn hóa vật chất khác như nhà ở, đồ dùng, quần áo) làm cho xã hội và con người giàu và đẹp thêm, làm cho môi trường sống gồm cả môi trường đạo đức được nâng cao. Nó làm việc sản xuất chứ không phải tiêu phí.

Quan điểm này rất nhất quán với quan điểm về nhiệm vụ của công tác văn hóa và nó mở rộng một tầm hoạt động lớn lao, một phương hướng chỉ đạo cho các công tác văn hóa văn nghệ.

6 - Quan điểm về nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa văn nghệ

Trong Báo cáo Chính trị có một câu như sau: "Nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa văn nghệ của cán bộ quản lý các cấp cho phù hợp với tính đặc thù và yêu cầu phát triển của văn hóa văn nghệ, chống lối gò ép hoặc buông lỏng".

Ở đây có điểm cần chú ý ngay là trong Báo cáo Chính trị của Đại hội V, về mục này, có viết: "Tăng cường và cải tiến sự lãnh đạo...", còn ở đây lại là "Nâng cao trình độ lãnh đạo". Nói "nâng cao trình độ lãnh đạo" là chính xác hơn, trúng hơn, rõ ràng hơn, là nói thẳng vào vấn đề hơn. Thực ra, từ Đại hội V, trong báo cáo về xây dựng Đảng cũng có nội dung yêu cầu "nâng cao kiến thức và bản lĩnh lãnh đạo".

Đứng trước tình hình mới và nhiệm vụ mới nặng nề, phức tạp khó khăn, sự lãnh đạo của Đảng trên bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải "nâng cao trình độ". Vì vậy việc phải nâng cao trình độ lãnh đạo đối với văn hóa văn nghệ cũng là một tất yếu, một điều tự nhiên. Nâng cao trình độ lãnh đạo trước hết phải là nâng cao sự hiểu biết. Ở đây sự hiểu biết về lĩnh vực văn hóa văn nghệ đòi hỏi nhiều mặt: phải hiểu biết những quan điểm triết học Mác-Lênin về văn hóa văn nghệ, phải hiểu biết những điều cơ bản về mỹ học, về lý luận văn hóa, văn học, nghệ thuật. Phải theo dõi được thông tin về sự phát triển lý luận trên thế giới, phải hiểu biết được đặc trưng ngôn ngữ của các môn nghệ thuật, phải rèn luyện để nâng cao không ngừng khả năng cảm thụ nghệ thuật, từ đó mà nâng cao năng lực đánh giá chính xác các hiện tượng văn hóa văn nghệ và các tác phẩm nghệ thuật. Kinh nghiệm cho thấy muốn thế phải biết yêu nghệ thuật và tích cực tiếp xúc với nghệ thuật, nghĩa là phải đọc nhiều, xem nhiều, nghe nhiều và phải biết thưởng thức nghệ thuật một cách chủ động và tích cực. Người quản lý và lãnh đạo không thể có kiến thức sâu và kỹ như những người nghệ sĩ sáng tạo, nhưng lại phải nắm vững được đến bản chất các vấn đề: bản chất của văn hóa, bản chất của nghệ thuật. Chỉ có như thế sự lãnh đạo mới bảo đảm sự sâu sát và đúng đắn. Trình độ lãnh đạo còn gồm cả trình độ tổ chức, thực hiện những kế hoạch đó. Đặc biệt quan trọng là trình độ đánh giá đúng được các tài năng, các con người hoạt động văn hóa văn nghệ. Tất cả đều phải được nâng cao.

Yêu cầu "nâng cao trình độ lãnh đạo" nói ở đây lại đi liền với yêu cầu "phù hợp với tính đặc thù, phù hợp với yêu cầu phát triển của văn hóa văn nghệ". Điều này bao hàm ý nghĩa là sự lãnh đạo phải đạt tới trình độ có thể thúc đẩy sự phát triển của văn hóa văn nghệ, phải cao hơn trình độ văn hóa văn nghệ của xã hội và từ ở phía cao đó mà chỉ ra phương hướng, chỉ đạo dẫn dắt cho văn hóa văn nghệ phát triển cho đúng với tinh thần đường lối của Đảng, gỡ được những khó khăn vướng mắc, khơi dòng cho sự phát triển văn hóa văn nghệ được mạnh mẽ. Đó là một trình độ lãnh đạo cao, muốn đạt tới không phải dễ dàng, nhưng đó lại là yêu cầu bắt buộc của nhiệm vụ cách mạng và là yêu cầu khách quan của quy luật phát triển xã hội: lực lượng tiền phong lãnh đạo phải đủ sức để thực hiện tiền phong lãnh đạo.

Trên đây là sáu vấn đề quan điểm, có thể rút ra từ nội dung của Đại hội Đảng lần thứ VI, và ít nhất là như vậy. Cho nên xin nhắc lại là không phải ít chữ, ít dòng là không quan trọng, là ít vấn đề. Những dòng chữ ít ỏi nhưng chứa đựng nhiều vấn đề. Cần quan tâm nghiên cứu kỹ hơn. Những vấn đề này có mới không? Có người thấy hình như không có gì mới. Bởi vì hình như cũng đã nghe và đọc ở đâu những câu những chữ như thế. Cái mới ở đây không phải là có những ý, những câu, những chữ hoàn toàn mới lạ, chưa ai nghe thấy ở đâu, đọc thấy ở đâu... Cái mới ở đây là nó "không như cũ". Nghĩa là đối với các vấn đề nói trên trước đây cách đề cập và cách diễn giải khác và nay đề cập, diễn giải khác. Đó là một sự phát triển, sự phát triển đi lên của trình độ lãnh đạo của Đảng ta.

Mọi sự phát triển đều có bao hàm sự phủ định các yếu tố cũ, phủ định không hẳn là đối lập. Sự phủ định có thể là phủ định những yếu tố trong hoàn cảnh trước đây, là đúng và cần thiết nhưng trước tình hình mới thì không thích hợp; cũng có thể là phủ định những yếu tố không toàn diện, những yếu tố nhấn mạnh bộ phận, hoặc khía cạnh là cái toàn thể, toàn diện. Vì vậy, ở đây ta không gặp lại những cụm từ quen thuộc như "bám sát nhiệm vụ chính trị" như "phục vụ kịp thời", như "vũ khí hay công cụ tư tưởng", thì không phải vì là những cụm từ đó trước đây đã sai.

Những quan niệm và quan điểm thể hiện từ các cụm từ ấy trước đây là hoàn toàn cần thiết và rất đúng. Nhưng nay do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, do trình độ xã hội đã đặt ra trong tình hình khác, đòi hỏi những vấn đề văn hóa văn nghệ ở cấp độ cao hơn. Vì vậy sự phát triển và nâng cao các quan điểm của Đảng là rất cấp bách, cần thiết và chủ yếu. Không có những yếu tố phủ định thì không có sự phát triển. Vì vậy ta phải rời bỏ những gì là quen thuộc chính là biểu hiện của sự phát triển.

Các quan điểm được nêu lên ở trên, đều xuất hiện trên cơ sở những nguyên lý lý luận rất vững chắc và nó còn phải được phát triển cụ thể thành những lý luận cụ thể để từ đó làm thành những thể chế, quy định cụ thể của luật pháp của chính sách của những chủ trương và kế hoạch công tác thì nó mới càng hoàn thiện và vững vàng. Nó còn phải tiếp tục đối chiếu một cách có phê phán với những gì là lỗi thời, là không đầy đủ, nó mới nhận thức một cách rộng rãi trong dư luận và ý thức xã hội.

Đó thực sự là những việc cần làm tiếp tục trong mọi thời gian sau Đại hội và để đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Chúng ta mong và tin rằng những công việc ấy sẽ thành công.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 6 (7-2-1987)

 

Mục lục