ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 23 (4-6-1988)

 

ĐỔI MỚI CÁI TÂM

TRẦN ĐĨNH

 

Văn học và nghệ thuật... Người xưa đặt tên có lý của người xưa. Lý khoa học chứ không phải lý chủ quan để tâng bốc lên dọa đời. Văn và nghệ chỉ những hoạt động tạo nên cái đẹp tinh thần. Mà lại còn cài thêm cho chữ "học": là một khoa học. Và "thuật": bước vào địa giới kỹ xảo rồi đó. Thấy rõ người xưa rất sành. Và rất công bằng: biết giá trị mồ hôi nước mắt đầu tư vào những hoạt động sáng tạo này lắm.

Đỗ Phủ nói: viết một chữ không khiếp kinh quỷ thần, chết không đành nhắm mắt. Nhắm tới tận giám khảo là quỷ thần mới to gan! Cược bằng cả cái chết hận! Mà ai dám chê câu đó mê tín dị đoan hoặc thiếu quan điểm quần chúng? Trái lại càng thêm kính trọng ý thức trách nhiệm, tinh thần lao động của nhà thơ. Chưa kể còn bái phục ở đằng sau câu đó cái kho tàng ngôn ngữ đồ sộ của ông. Vốn liếng nửa xe thồ chữ thì quỷ thần khiếp kinh thế nào được!

"Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi". Có lẽ trong ngôn ngữ Việt Nam chỉ một lần động từ kêu cặp bồ với sóng. Không gầm thét cũng không than vãn tâm sự. Mà kêu! Uraniom chữ qua Nguyễn Du đã được làm giàu. Hoặc "Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng". Sự lần giở chậm rãi, buồn ngán những trang thời gian đến thế này thật hay. Bằng vào mỗi đảo đầu đuôi. Tưởng đâu nói nhịu, người xưa biết văn học nghệ thuật là một loại nghề độc đáo. Ở chỗ nào? Trồng lúa phải có hạt thóc, đúc lưỡi cày phải có gang, xeo giấy phải có vỏ cây, chế thuốc bổ âm bổ dương phải có sâm có thục... ở nghề gì ta cũng nhòm thấy cái nguyên liệu có thể sờ mó, kiểm nghiệm, tước chẻ, băm chặt được của nó. Còn văn học nghệ thuật? Nguyên liệu của nó ta không sờ mó, kiểm nghiệm được luôn luôn, thường chỉ cảm thấy. Để trở thành của cải, nguyên liệu này phải trải qua một quá trình gia công phức tạp, trừu tượng, lắm vẻ trong đầu người tạo ra của cải. Ra của cải lại ở dạng đặc biệt: thật đấy mà giả đấy. Người chết giả trên sân khấu nhưng ta vẫn khóc. Trăng nhòm cửa sổ đòi thơ. Mây mặc quần. Oan hồn bố Hamlet. Hình Trương Chi trong chén trà. Ca dao khen cổ tay người yêu mà hỏi "ai xây nên tròn?" (bình tác phẩm điêu khắc cổ tay đến mức nhà nghề như thế chứ. Vừa thật vừa giả, cho giả vào để càng thêm thật, cái đó là sự kỳ diệu của con người. Sự kỳ diệu càng lớn, giá trị con người càng cao, cớ gì đi e ngại nó nhỉ? Sợ con người giỏi giang à?

Tóm lại văn học nghệ thuật là một loại nghề tinh. Một thứ chữ tài, có cái phép biến hóa kỳ diệu, có thể trở thành mẹo biến hóa, gian dối. Nếu chữ tâm thắng thì nổi cơn cớ sóng gió và quyền hành sẽ định đoạt nặng nhẹ, xanh vàng, địch ta... Thô bạo là võ truyền thống của thô trị. Chữ uy riêng của người này thể tất phải đẻ ra chữ úy (sợ) của người kia. Con mắt xanh bị thay bằng con mắt trắng dã. Và bóng ma lượn lờ. Run rẩy thay cho rung động.

Mở dân chủ thì xóa quan liêu, thì nảy nở văn nghệ. Như với mọi ngành, dân chủ trong văn nghệ cũng cứ theo đúng phương châm "Lấy dân làm gốc", "dân làm, dân kiểm tra", chứ không phải lấy quan làm gốc, theo quan bảo làm rồi trình quan kiểm tra. Tất cả tựu trung cốt để nhằm giải phóng mọi tiềm năng sản xuất, xây dựng xã hội trung thực, công bằng, giàu mạnh, tự do.

Tự cởi trói lấy, đồng chí Tổng Bí thư đã nói. Và trước hết, chữ tâm hãy sáng lại! Hãy cách mạng, đổi mới cái tâm! Để có uy sáng tạo. Bóng ma khắc biến. Quy luật sống còn.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 23 (4-6-1988)

 Mục lục

5-2-09