ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Lý luận và phê bình văn học, Hà Nội, Nxb Hội Nhà văn, 1996, tr.30-43

 

PHƯƠNG DIỆN CHỦ QUAN CỦA PHẢN ÁNH
VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN NGHỆ

TRẦN ĐÌNH SỬ

Phản ánh luận Mác-Lênin cùng với vấn đề quan hệ văn học và hiện thực là những nguyên lý lý luận được nhiều người quan tâm. Nhưng lâu nay do cách kiểu khác nhau nên dẫn đến những cách vận dụng khác nhau. Thậm chí có nơi lắm lúc lại vận dụng một cách máy móc, thô thiển. Tìm hiểu thấu đáo những vấn đề lý luận vốn tưởng như quen thuộc ấy, nhìn nhận chúng một cách thực sự cầu thị và khoa học, đang là yêu cầu bức thiết để trả về cho lý luận phản ánh nội dung khoa học vốn có của nó, giã từ các ngộ nhận, từ đó nhìn nhận các vấn đề hữu quan được sâu sắc hơn.

Phản ánh luận Mác-Lênin là lý luận về quá trình nhận thức của con người, là bước phát triển mới trên cơ sở phát hiện những nhược điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật cũ, "là sự vật, hiện thực, cái có thể cảm giác được, chỉ được nhận thức dưới hình thức khách thể hay hình thức "trực quan, chứ không được nhận thức là hoạt động cảm giác của con người, là thực tiễn; không được nhận thức về mặt chủ quan"[1]. Cả Mác, Ăngghen, Lênin đều coi trọng tính năng động chủ quan của ý thức con người.

Tuy vậy, nhìn sự vật từ phương diện chủ quan không có nghĩa là chủ quan chủ nghĩa hay xóa bỏ ranh giới chủ thể và khách thể, ý thức và tồn tại, trở lại truyền thống bất khả tri. Ăngghen trong Chống Đuyrinh chủ trương phân biệt rõ "vật và phản ánh của vật trong tư tưởng", và Lênin, vào thời của mình, đã dựa vào những tiền đề của Ăngghen mà phát triển thành lý thuyết phản ánh trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Đó là một bước tiến của nhận thức luận mác-xít.

Bước tiến này thể hiện ở mấy điểm:

+ Trước hết, phản ánh được xem là một thuộc tính phổ biến của vật chất. Thuộc tính phản ánh có cả một lịch trình tiến hóa trong tự nhiên và trong xã hội. Trong các hình thái ý thức xã hội khác nhau, thuộc tính phản ánh cũng khác nhau.

+ Thứ hai, khái niệm phản ánh của Ăngghen và Lênin không mang ý nghĩa trực quan, hàng ngày như phản chiếu của chiếc gương, mà được hiểu như là một nguyên tắc của nhận thức. Đã là nhận thức thì hình ảnh nhận thức phải phù hợp với đối tượng của nó. Hình ảnh ở đây không có nghĩa chỉ là hình ảnh cảm tính, mà cũng có nghĩa là hình ảnh trừu tượng, khái niệm, suy lý, tư duy. Còn hiện tượng "chụp lại", "chép lại", "sao lại" mà Lênin nói về bản chất phản ánh không có ý nghĩa là sao chụp sự vật cụ thể hàng ngày, mà là nguyên tắc phù hợp khách quan giữa hình ảnh phản ánh và khách quan, không phụ thuộc vào con người và loài người. Chính cái khả năng của ý thức con người "chụp ảnh, sao chép" thực tại như thế trên mọi cấp độ, dưới mọi hình thức đã làm cho con người có thể nhận thức được thực tại, phân biệt cái này với cái kia.

+ Thứ ba, "nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con người. Nhưng đó không phải là một phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn chỉnh mà là một quá trình cả một chuỗi những sự trừu tượng, sự cấu thành, sự hình thành ra các khái niệm, quy luật v.v... và chính các khái niệm, quy luật này v.v... (tư duy, khoa học = "ý niệm logic") bao quát một cách có điều kiện, gần đúng tính quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn vận động và phát triển"[2].

Xác định thuộc tính phản ánh có tính phổ biến là để khẳng định cội nguồn vật chất của hình thức phản ánh và của ý thức con người nói chung. Xác định nguyên tắc phản ánh để ý thức rõ nhiệm vụ phản ánh của ý thức con người. Vì ý thức xã hội không bao giờ bao quát được toàn vẹn cái chuỗi tất yếu của đời sống xã hội do hoạt động đa dạng của con người tạo ra. Lênin nói: "Nhiệm vụ cao quý nhất của loài người là bao quát được cái logic khách quan ấy của cuộc tiến hóa kinh tế (cuộc tiến hóa của tồn tại xã hội) trong những nét chung và cơ bản, để làm cho ý thức xã hội của loài người và ý thức của những giai cấp tiên tiến của tất cả những nước tư bản thích ứng với logic đó một cách hết sức rõ ràng và sáng sủa, với tinh thần phê phán"[3]. Nếu hiểu phản ánh theo tinh thần hiện đại, xem nội dung phản ánh là thông tin, thì việc lưu giữ, xử lý thông tin là nhu cầu của mọi hệ thống tự phát triển, như vậy phản ánh cũng là chức năng của mọi hệ thống tự phát triển, cũng tức là nhiệm vụ của các hệ thống đó. Theo quan niệm đó, ý thức là chức năng của não, đảm bảo cho hoạt động sống của con người trong thế giới, không thể không làm nhiệm vụ phản ánh thế giới - thế giới bên ngoài và cả thế giới bên trong con người! Khẳng định thuộc tính phản ánh để đi đến phủ định nguyên tắc phản ánh và nhiệm vụ phản ánh thực tại của ý thức, chỉ là một cách hiểu sai lầm và hời hợt.

Khoa học ngày nay đã hiểu phản ánh một cách sâu sắc hơn và cụ thể hơn. Ngay trường hợp giản đơn như chụp ảnh hay miêu tả một vật thể chẳng hạn, thì phản ánh là sự tái hiện vật thể được phản ánh dưới một hình thức khác, trong một khách thể khác, sao cho cấu trúc của khách thể được phản ánh giữ được tính tương tự trong khách thể phản ánh. Hoặc như việc miêu tả bằng lời một vật thể trong không gian buộc người miêu tả phải chuyển cấu trúc trong không gian của vật thể thành thứ tự trước sau của lời trong thời gian - hoặc là tả trên trước dưới sau, hoặc trong trước ngoài sau, hoặc dưới trước trên sau... tức là chuyển cấu trúc của cái được phản ánh từ lập thể sang mặt phẳng, hoặc từ trật tự không gian sang trật tự thời gian. Như vậy, phản ánh gắn liền với mã hóa, phản ánh tất yếu là sự biến đổi, chỉ có cấu trúc là giữ được mức độ tương đồng trong sự chuyển dịch. Đặc điểm của phản ánh là yếu tố thực hiện sự phản ánh phải có năng lực giữ lại các dấu vết phản ánh, tức là những phản ánh đã mã hóa. Nhờ vậy mọi sự phản ánh ở cơ thể sống đều là phản ánh đón trước, tạo thành một quan hệ nhân quả mới, là nhân quả thông tin: vật tác động trở thành tín hiệu do đánh thức những phản ánh đã mã hóa trong ý thức. Hình tượng của khách thể sản sinh trong ý thức là sản phẩm sáng tạo trong ý thức như là kết quả của sự giải mã các tín hiệu. Tính chất phản ánh - thông tin này làm cho mọi sự phản ánh đều mang tính chất chức năng, thực hiện những chức năng đặc thù trong các tác động qua lại, trở thành nhân tố đặc thù quy định hành vi của các hệ thống vật chất phản ánh. Ở đây, nội dung phản ánh đóng vai trò tích cực đối với hệ thống phản ánh, kích thích nó hành động.

Chính quy luật phản ánh chức năng này đã phân hóa ý thức xã hội thành các hình thái ý thức đặc thù, mỗi hình thái có nội dung riêng, có hệ thống tín hiệu riêng, quy tắc mã hóa và giải mã riêng. Do đó, không phải là do nghệ thuật có tính đặc trưng, đặc thù mà người ta không thể vận dụng lý luận phản ánh vào đó được, mà ngược lại, do sự phân hóa của quy luật phản ánh của ý thức mà tạo thành tính đặc thù của nghệ thuật. Vì vậy, gạt bỏ khái niệm phản ánh để tìm đặc trưng của nghệ thuật là một cách làm không phù hợp với lịch sử văn học và không có có triển vọng.

Nhiều khi, không ít người đem đối lập phản ánh và sáng tạo, cho rằng trong phản ánh chỉ liên quan tới tính tích cực của tác động, chỉ trong sáng tạo thì mới có vai trò tích cực của chủ thể, do vậy phản ánh luận không thể là cơ sở của lý luận về nghệ thuật. Cần phải nói ngay rằng việc nhấn mạnh tính khách quan của phản ánh, và khách quan đây được hiểu là không phụ thuộc vào con người và loài người, không hề có nghĩa là chủ thể không có vai trò của nó. Tuy vậy, vai trò của chủ thể sáng tạo trong nhận thức chân lý khách quan ở đây nên được hiểu như thế nào, đang là vấn đề của khoa học. Điều thú vị là vào những năm 20, nhà tâm lý học S. L. Rubinstein cho rằng tính khách quan thống nhất với tính tích cực sáng tạo; muốn đạt tới tính khách quan thì phải có yếu tố tích cực sáng tạo. Và ông lại hình dung sự thống nhất này qua sáng tạo nghệ thuật. Theo ông, tri giác con người ta không thể nhận ra các mối liên hệ bên trong của sự vật. Theo Canter, các mối liên hệ bên trong là cái duy nhất mà khách thể không cung cấp cho con người qua tri giác và biểu tượng, và do đó có thể xem chúng như là "vật tự nó". Nhưng muốn nắm bắt chúng, nhà nghệ sĩ có thể cấu tạo lại các hiện tượng, biểu tượng, sao cho tạo thành một chỉnh thể độc lập, tự tại. Nghệ sĩ có thể giả định các mối liên hệ bên trong một cách chủ quan, rồi xây dựng hình tượng theo các mối liên hệ đó. Nếu hình tượng có sức thuyết phục thì có nghĩa là giả thiết kia là hỏng. Ở đây việc sáng tạo thế giới tưởng tượng được xem như một hoạt động thực tiễn đặc thù mà trực giác, kinh nghiệm có thể kiểm nghiệm[4]. Vấn đề đáng chú ý ở đây là nguyên tắc phản ánh lại được chứng minh bằng sự thống nhất với nguyên tắc sáng tạo trong nghệ thuật. Phản ánh không giản đơn là cung cấp nguyên liệu, tư liệu cho sáng tạo như là cách quan niệm trực quan thường hiểu, mà bản thân phản ánh chỉ thực hiện được bằng sáng tạo, phản ánh là sáng tạo, bởi đó là phản ánh các mối liên hệ bên trong. Và trong quan hệ thống nhất giữa nguyên tắc phản ánh và nguyên tắc sáng tạo này, nghệ thuật hoàn toàn chẳng khác gì với khoa học cả. Cái quan niệm cho rằng khoa học thì thực hiện theo nguyên tắc phản ánh còn nghệ thuật thì thực hiện theo nguyên tắc sáng tạo, thiết nghĩ chẳng có cơ sở nào. Sự khác biệt của khoa học và nghệ thuật là ở nội dung và hình thức tương ứng với nội dung đó, chứ không khác biệt ở nguyên tắc phản ánh và sáng tạo. Không có sáng tạo thì không có cả nghệ thuật và khoa học đích thực, và không có nguyên tắc phản ánh thì chẳng những không có khoa học đích thực, mà nghệ thuật cũng sẽ rơi vào bịa đặt, viển vông, xuyên tạc. Tôn Ngộ Không trong Tây du ký có thể nhảy một cái bay xa một vạn hai nghìn dặm, nhưng hình tượng nhân vật này không hề thoát ly trân thế, xa rời mảnh đất hiện thực.

Chủ thể sở dĩ có được tính tích cực sáng tạo là do nó có khả năng phản ánh đón trước. Ý thức chủ thể không phải như một tấm bảng trắng để cho thực tại viết lên những chữ của nó, mà tấm bảng đã "có chữ" do tích lũy kinh nghiệm phản ánh mà có được (Lênin từng nói: hình thức logic là kết quả lặp lại hàng triệu lần những phương pháp logic trong thực tiễn).

Mặt khác, cái hiện thực mà người ta thường đặt đối diện với văn học nghệ thuật cũng không phải là một hiện thực tự nó, hoàn toàn khách quan, trung lập, mà là cái hiện thực đã được lựa chọn, nhận thức và đánh giá, đã được thẩm mỹ hóa, nhưng chưa định hình, dễ nhào nặn. Do vậy, thực chất của quan hệ văn học phản ánh hiện thực bao giờ cũng được thực hiện trong phạm vi của một quan niệm nhất định về đời sống. Và đổi mới việc phản ánh hiện thực cũng có nghĩa là chủ thể phải thay đổi quan niệm về hiện thực. Quan niệm về hiện thực là một lĩnh vực liên quan đến tư tưởng, văn hóa, truyền thống và cá tính sáng tạo của nghệ sĩ. Đổi mới việc phản ánh cũng gắn liền với việc đổi mới phong cách tư duy.

Có thể nhận thấy rằng lý luận phản ánh hiện đại trên cơ sở vẫn giữ nguyên tắc nguyên lý cơ bản của Mác, Ăngghen, Lênin đã được nghiên cứu sâu thêm nhiều về phương diện chủ quan của phản ánh, cơ chế của phản ánh, hệ hình của phản ánh, chủ thể của phản ánh, sáng tạo của phản ánh. Điều này thể hiện trong quan niệm tâm lý học về phản ánh, lý thuyết về nội tỉnh (Vưgotxki), về phản ánh đi trước (Anokhin), về tính chủ quan, thiên vị của phản ánh (Rubinstein). Cơ chế mã hóa và tính ước lệ, tính thao tác của phản ánh tâm lý cũng đã được vạch ra. Tính mục đích, quy luật giá trị, phong cách phản ánh cũng được nghiên cứu. Tất cả các bình diện chủ quan này của phản ánh đều là sự tiếp tục hướng nghiên cứu mặt "năng động", "cảm tính", "chủ quan" mà Mác đã vạch ra từ Luận cương về Phơbách nhằm khắc phục chủ nghĩa duy vật siêu hình. Đó chính là những điều mà những người muốn hạ thấp vai trò phương pháp luận của lý thuyết phản ánh có thể là chưa hề biết tới.

Tất nhiên, phản ánh luận là cơ sở nền tảng chứ không phải là duy nhất. Các lý thuyết chuyên ngành như mỹ học, lý thuyết hệ thống, lý thuyết giao tiếp, lý thuyết ký hiệu, lý thuyết sáng tạo, tâm lý học, văn hóa học, xã hội học, lý thuyết giá trị... đều là không thể thiếu để nghiên cứu văn học và lý luận văn học, bởi vì văn học là một hình thái đặc thù của hoạt động sống của con người, một hình thái vừa có cái chung với các hoạt động khác, vừa có tính đặc thù. Có thể nói, hoạt động văn học phát sinh từ hoạt động sống nội cảm của con người. Khi nhu cầu đời sống tinh thần được kích thích đến cao độ, con người có nhu cầu sáng tác văn học để biểu hiện mình, để giao tiếp với đồng loại. Điểm xuất phát của chủ nghĩa Mác là con người sống, hoạt động, và từ quá trình sống thực tế của họ mà phơi bày sự phát triển của phản ánh và hồi vọng của quá trình đó trên phương diện hình thái ý thức. Con người dĩ nhiên có phương diện sinh vật và nhu cầu sinh vật, nhưng theo Mác, chính cái "hoạt động sống có ý thức đã trực tiếp phân biệt con người với con vật" (Bản thảo kinh tế học - triết học 1844). Nói hoạt động sống có ý thức, cũng có nghĩa là nói nó có mục đích: Không ai có thể làm một cái gì đó mà lại không vì một nhu cầu nào đó, hoặc vì cái cơ quan của nhu cầu đó. Nhưng nói hoạt động sống có ý thức, chủ yếu là nói tới đời sống tinh thần. Con người trong hoạt động vật chất để cải tạo thế giới và chính mình, nhưng toàn bộ hoạt động sống đó được cảm nhận bằng thể nghiệm và nội cảm. Do vậy, nói tới cuộc sống con người là nói tới sự thể nghiệm và cảm nhận đời sống, qua đó mà tự đánh giá và bày tỏ thái độ, tình cảm với những gì mình cảm thấy và làm ra. Mác nói: "Toàn bộ lịch sử là sự chuẩn bị để cho con người trở thành khách thể có ý thức cảm tính và để cho nhu cầu của con người với tư cách là người được trở thành nhu cầu". Từ những điều đó có thể suy ra: đặc trưng của cuộc sống con người là sự tự ý thức của nó. Cấu trúc của văn học hoàn toàn là sự phản ánh của cấu trúc tự ý thức của con người. Nếu hiểu tri thức mà theo Mác, là phương thức tồn tại của ý thức, là cách thức để một vật nào đó được tồn tại với ý thức con người, thì cấu trúc văn học bao gồm một mặt là sự tái hiện lại thế giới dưới dạng hình tượng về khách thể, và mặt khác là thái độ tình cảm của nhà văn đối với thế giới đó. Sự tự ý thức đòi hỏi chủ thể phải là một cá thể, do vậy cá tính của tác giả trở thành yếu tố cấu trúc nội tại của ý thức trong văn học. Hai phương diện của cấu trúc ý thức đó được biểu hiện qua cấu trúc chất liệu - văn bản ngôn từ. Mỹ học biểu hiện (chẳng hạn như Croxe (Benedetto Croce, 1866-1952) và những người nối tiếp quan niệm) chỉ biết có khâu chủ thể trực giác - biểu hiện - trữ tình. Nếu đúng như vậy, thì thử hỏi làm sao có thể sáng tạo được một bức tranh đồ sộ mang nội dung lịch sử sâu sắc như Chiến tranh và hòa bình? Giải thích lý luận phản ánh theo cách thô thiển thì chỉ thấy phản ánh ở mỗi việc miêu tả sự kiện, nhân vật, sự thật; mà không thấy nó bao gồm toàn bộ: cả bức tranh đời sống; cả ý nghĩ, thái độ, tình cảm của nhà văn; cả bản thân cấu trúc văn học (vốn là sự phản ánh của cấu trúc ý thức con người). Chính vì vậy mà phải thừa nhận lý luận phản ánh có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để giải thích về nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh luận, nếu được hiểu sâu sắc và toàn diện, không hề bài xích các học thuyết phiến diện khác, trái lại có thể bao dung và đặt chúng vào vị trí cần phải có. Ngược lại, nếu dựa vào một số nguyên lý, luận điểm của lý luận từng mặt (chẳng hạn dùng lý thuyết văn học là nghệ thuật biểu hiện tình cảm, hay văn học nghệ thuật là tưởng tượng) để bác lại lý luận phản ánh có tính phổ quát thì đó là một việc làm không có ý nghĩa.

Thừa nhận mọi hình thái ý thức xã hội đều là sự phản ánh của đời sống xã hội thì con người đi tìm đặc trưng nghệ thuật thông thường là xác định đối tượng đặc thù và hình thức phản ánh đặc thù. Có người men theo con đường này và chỉ ra đối tượng của văn học nghệ thuật không phải là đời sống xã hội, hiện thực xã hội, mà chỉ là đời sống cá nhân, tâm linh, vô thức, tình cảm cá nhân như niềm vui, nỗi buồn, nỗi đau. Đó lại cũng là một cách hiểu siêu hình về con người. Làm thế nào mà tách được cái hiện thực xã hội, đời sống xã hội ra khỏi con người, khi mà bản thân xã hội, chế độ chính trị lại chính là số phận của con người: khi mà một trong những nỗi đau nhức nhối của con người lại là nỗi đau trước các vấn đề xã hội? Điều đáng suy nghĩ là một số tác phẩm của thời kỳ vừa qua được mệnh danh là văn học về con người, là ý thức về bản thân văn học lại nổi tiếng trước hết ở âm hưởng chính trị, xã hội. Rõ ràng, lý luận giả tạo luôn luôn mâu thuẫn với thực tế văn học và đời sống.

Xem văn học là một cái gì hoàn toàn đặc thù, tách bạch với các hình thái ý thức xã hội khác, cũng lại là một biểu hiện của quan điểm siêu hình. Ở đây, thiết nghĩ, ý kiến của nhà lý luận văn học Nga M. Bakhtin đáng được chú ý. Bakhtin viết: "Đặc trưng cơ bản của cái thẩm mỹ làm cho nó khác hẳn với nhận thức và hành vi (đạo đức) là tính chất cảm thụ, tiếp nhận chính diện của nó: Cái hiện thực đã được nhận thức và đánh giá bằng đạo đức được đặt trước hành động thẩm mỹ đã chuyển thành tác phẩm (đúng hơn là thành khách thể thẩm mỹ) và trở thành yếu tố cấu tạo tất yếu ở đấy. Với ý nghĩa đó, ta có thể nói: quả thật, cuộc sống không chỉ nằm ở ngoài nghệ thuật, mà còn nằm trong nghệ thuật, nội tại trong nghệ thuật, với tất cả sức nặng toàn vẹn về giá trị của nó về các mặt xã hội, chính trị, nhận thức và các mặt khác. Nghệ thuật phong phú chứ không khô khan, không đặc thù; nhà nghệ sĩ chỉ là nhà chuyên môn như là một nghệ nhân, tức là chỉ trong quan hệ với chất liệu"[5]. Điều đáng chú ý ở đây là quan niệm của Bakhtin về đặc trưng nghệ thuật: nghệ thuật vừa đặc thù, vừa không đặc thù. Không thấy tính đặc thù của nghệ thuật cố nhiên là sai, nhưng không thấy tính không đặc thù cũng rất là sai, bởi vì nó trái ngược với thực tế văn học. Chẳng phải là cái cách chúng ta đánh giá một nhân vật ngoài đời và trong tác phẩm về các mặt chính trị, đạo đức, văn hóa, trí tuệ, thẩm mỹ... là rất giống nhau đó sao? Chỉ khác một điều là trong tác phẩm nhân vật được hư cấu sáng tạo sao cho sự đánh giá đó là đích đáng nhất, phù hợp với mong muốn của ta nhất, còn nhân vật ngoài đời thì thường phức tạp hơn. Điều này chứng tỏ văn học bao giờ cũng là sự thể hiện thế này hay thế khác của lý tưởng, và đó là bằng chứng cho việc phản ánh đời sống tinh thần của thời đại trong văn học, là lý do để xếp văn học vào các hình thái ý thức xã hội. Nhưng khác với các hình thái ý thức xã hội khác, văn học nghệ thuật là lĩnh vực hình thái ý thức lơ lửng trên tầng cao nhất của cấu trúc xã hội, bên trên cả chính trị, pháp luật, tôn giáo; là lĩnh vực của ý thức thẩm mỹ. Đó là lĩnh vực không vụ lợi ích thiết thực, trước mắt, mà vụ lợi ích lâu dài, là sự hài hòa, sự đồng cảm, sự nảy nở toàn vẹn của các phẩm chất văn hóa tinh thần của con người. Chính tính chất không vụ lợi thiết thực này làm cho văn học, nghệ thuật có được một tính chất vĩnh cửu và cao quý. Văn học tái hiện mọi hiện tượng đời sống và nhìn nhận, phán xét chúng dưới con mắt cảm nhận có tầm văn hóa. Năng lực cảm nhận một cách có văn hóa là năng lực người nhất, là sản phẩm của văn hóa chứ không phải bẩm sinh. Người ta thường ngây thơ đi tìm đặc trưng của nghệ thuật ở chỗ chỉ có nghệ thuật có, còn các hình thái ý thức khác không có. Như vậy cũng có lý, vì nghệ thuật là cái không thể thay thế được. Nhưng không nên tìm đặc trưng nghệ thuật bằng cách đối lập tuyệt đối nó với các hình thái ý thức xã hội khác, đối lập với khoa học. Đó là vì văn học, nghệ thuật có tính chất song trùng: vừa là hình thái ý thức xã hội đứng cùng dãy với pháp luật, chính trị, đạo đức, tôn giáo... lại vừa đứng cao hơn chúng. Đây là điều mà các nhà lý luận phi mác-xít cùng thừa nhận. Trong quan niệm về tính đa chức năng của văn học, nhà cấu trúc chủ nghĩa J. Mucarovxki (1891-1975) chia làm hai loại chức năng: "thẩm mỹ" và "siêu thẩm mỹ". Ông nói: "nếu chỉ dựa vào chức năng thẩm mỹ thì không cách gì thể hiện được ý nghĩa toàn vẹn của kinh nghiệm" trong nghệ thuật. Nói thẳng ra, nếu không có chức năng "siêu thẩm mỹ" thì văn học không thể tồn tại. Bởi vì, các chức năng đó vốn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, đồng thời cũng giàu đặc trưng. Chẳng hạn, cảm nhận về sự sống, cái chết, sự tìm tòi về ý nghĩa cuộc đời, cách giải đáp về lẽ sống, suy nghĩ về động cơ và giá trị hành động của con người, sự được mất của mọi tìm kiếm...". Nếu thiếu các chức năng nhận thức, đánh giá này, thì chức năng thẩm mỹ còn lại bao nhiêu sức nặng? Xét sâu hơn, đặc trưng thẩm mỹ hoàn toàn không phải là dấu hiệu để cô lập nghệ thuật khỏi mọi hoạt động của con người. Do đó, đặc trưng đích thực của nghệ thuật chính là ở chỗ nó phát triển ở con người một năng lực chẳng đặc trưng chút nào, trái lại, là năng lực phổ biến, vạn năng của con người, tức là năng lực cảm nhận thế giới cảm tính trong ánh sáng của cái đẹp, một năng lực cần thiết cho con người trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào: nhận thức, khoa học, chính trị, đời sống hàng ngày... Phát huy năng lực này, nghệ thuật giúp con người biết tưởng tượng sáng tạo một cách táo bạo, phóng khoáng, tinh tế. Nhưng đó là tưởng tượng có ích; cho nên nó phải hướng tới việc phản ánh đời sống (cá nhân, xã hội, thiên nhiên) ở bề sâu, bề xa, ở cả bên kia bờ của những suy nghĩ vụ lợi, trực tiếp, giải phóng con người khỏi sự thiển cận.

Tóm lại, phản ánh luận Mác-Lênin là một bước đột phá khỏi chủ nghĩa duy vật tầm thường để phát triển về phía năng động, sáng tạo. Ở giai đoạn Lênin, phản ánh luận nghiêng về giải quyết phương diện khách quan của phản ánh; còn phương diện chủ quan thì được nghiên cứu sâu từ những năm 60 về sau. Với nội hàm triết học và tính chất bao quát, phản ánh luận là cơ sở phương pháp luận để nghiên cứu các vấn đề lý luận cơ bản của văn học hiện nay, đặc biệt là vấn đề phản ánh đời sống dưới ánh sáng của lý tưởng xã hội và thẩm mỹ.

Nguồn: Lý luận và phê bình văn học, Hà Nội, Nxb Hội Nhà văn, 1996, tr.30-43

 


 

[1] C. Mác - Ăngghen. Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tập 1, tr.252.

[2] V. I. Lênin. Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Moskva, 1980, tập 29, tr.192.

[3] V. I. Lênin. Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Moskva, 1980, tập 18, tr.403.

[4] S. I. Rubinstein. Nguyên tắc của hoạt động sáng tạo, tạp chí Những vấn đề triết học (tiếng Nga), số 4, 1989, tr.90-94.

[5] M. Bakhtin. Những vấn đề văn học và mỹ học, Moskva, 1975, tr.29 (tiếng Nga).

 

Mục lục 

23-5-10