ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 2 (8-1-1994)

 

ĐỔI MỚI LÝ LUẬN TỨC LÀ
HIỆN ĐẠI HÓA LÝ LUẬN

TRẦN ĐÌNH SỬ

Công cuộc đổi mới xã hội, mở rộng giao lưu đã cho phép ta nhìn mọi sự vật theo một nhãn quan mới. Theo nhãn quan đó quan niệm văn học, lý luận văn học ngự trị ở ta thời gian qua tuy đúng đắn nhưng sơ lược không đáp ứng nhu cầu nhìn nhận các hiện tượng văn học đa dạng và phức tạp. Lý luận ấy chủ yếu nhìn nhận văn học qua góc độ: phản ánh - nhận thức, ý thức hệ và tiến hóa lịch sử. Nhìn ra thế giới, văn học đã được nhìn nhận theo những hệ quy chiếu khác: bản thể luận, giá trị luận, phân tâm luận, cấu trúc luận, ký hiệu học, hiện tượng luận... những quan niệm đã bị chúng ta phê phán với các danh hiệu: "duy tâm", "hình thức chủ nghĩa", "phản biện chứng", "phi mác-xít"... Ngày nay nhìn lại, sự thể đã không còn giản đơn như thế. Tất cả các thứ lý luận đủ loại màu sắc ấy thực ra là những biểu hiện của cuộc vận động đổi mới tư duy lý luận có quy mô toàn thế giới. Nói theo thuật ngữ của khoa học nhân văn hiện đại thì đó là cuộc vận động đổi mới hệ hình tư duy.

Hệ hình (paradigm, người Trung Quốc dịch là "phạm thức") vốn là một khái niệm của ngôn ngữ học dùng để chỉ bảng biến đổi hình thái của từ trong các ngôn ngữ Ấn - Âu, lần đầu tiên được nhà khoa học Mỹ Thomas Kuhn sử dụng (1962) để chỉ hệ thống tất cả các quan niệm, lý thuyết, phương pháp, thiết bị mà cộng đồng các nhà khoa học sử dụng để đề xuất và giải quyết các vấn đề khoa học. Khi khả năng sử dụng của một hệ hình đã cạn kiệt thì tư duy khoa học tìm đến một hệ hình mới. Lịch sử của khoa học không chỉ là lịch sử tăng trưởng của các tri thức mà còn là lịch sử thay thế và đổi mới không ngừng hệ hình tư duy cũ bằng hệ hình tư duy mới. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên theo hệ hình Copecnich, hệ hình Newton, hệ hình hóa học và hệ hình Einstein. Nhà vật lý Đan Mạch - Max Bon thì gọi đó là sự đổi thay của phong cách tư duy (1963), và theo ông trong khoa học đã trải qua ba phong cách như vậy: phong cách cổ đại với lối suy nghĩ chủ quan, lấy con người làm trung tâm, phong cách Newton với sự đối lập chủ thể, khách thể nhận thức, phong cách tư duy hiện đại với quan niệm về xác suất và coi trọng tính tích cực của chủ thể. Cũng vào những năm 60 nhà khoa học nhân văn Pháp là Michel Foucault cũng xem xét lịch sử tư tưởng từ khái niệm loại hình tri thức (episteme), cách mã hóa tri thức. Theo ông thì lịch sử tư tưởng phương Tây cận đại đã trải qua ba loại hình: loại hình Phục Hưng với lối tư duy dựa vào sự tương tự, loại hình cổ điển với lối tư duy trên cơ sở phân loại, hệ thống hóa và loại tư duy cận đại với quan niệm lịch sử. Loại hình mới nhất theo ông là tư duy nhảy vọt, đứt đoạn. Dù cách hiểu về hệ hình, phong cách tư duy hay loại hình tri thức có khác nhau thì vẫn có chung một sự thật: khi quan niệm chung về thế giới và con người đã đổi thay thì các lĩnh vực khoa học cụ thể cũng đổi thay theo.

Thế kỷ chúng ta là thế kỷ đổi thay hệ hình. Năm 1914, V. Lênin đã tiên đoán thế kỷ XX sẽ xuất hiện một trào lưu khoa học tự nhiên hùng hậu, ảnh hưởng lớn tới khoa học xã hội của thế kỷ. Các lý thuyết hệ thống, lý thuyết thông tin, điều khiển, lý thuyết tương đối, định luật bất định Haidenbec, lý thuyết cấu trúc hao tán và độ bất định của Haidenbec, lý thuyết cấu trúc hao tán và độ bất định của Prigoging, các tiến bộ về sinh học, quan niệm về sinh thái đã làm thay đổi lớn lao bức tranh khoa học về thế giới. Trong lĩnh vực khoa học về con người thì sự phát hiện ra thế giới vô thức, sự xác lập các ký hiệu học, các quan niệm mới về ngôn ngữ, sự xuất hiện của hiện tượng học, lý thuyết tiếp nhận, nhận thức luận phát sinh, tâm lý học gestalt... đã làm thay đổi bức tranh khoa học về con người và về ý thức con người.

Xét trong bối cảnh rộng lớn đó, công cuộc đổi mới văn học và lý luận văn học của chúng ta hiện nay không nên hiểu chỉ như một phong trào gắn liền với các biến cố chính trị vừa qua của các nước xã hội chủ nghĩa, mà nên hiểu là một cuộc vận động cùng chiều với thế giới, mà nhiệm vụ cụ thể là phá thế khép kín, cách ly, tạo thế cân bằng thông tin, đạt tới sự hiện đại hóa cho văn học và lý luận văn học.

Sẽ rất giản đơn, nếu đổi mới lý luận văn học bằng cách "đột phá" phản ánh luận, vượt qua "ý thức hệ", "vứt bỏ" quan điểm lịch sử, và tiếp thu toàn bộ các lý luận phương Tây. Làm như vậy, nhiều lắm ta sẽ đổi cái phiến diện này lấy cái phiến diện khác. Khi thế giới bị chia làm hai nửa đối đầu thì cả hai đều khó tránh khỏi phiến diện. Đổi mới lý luận văn học không phải là phát biểu những lời hô hào nhiệt huyết, mà phải là quá trình tham bác, lựa chọn, biện chính nhằm xây dựng một bức tranh văn học mới thu hút được tối đa các thành tựu khoa học hiện đại, làm phong phú cho các thành tựu hiện có.

Điểm xuất phát của đổi mới lý luận văn học hôm nay không thể là vứt bỏ tất cả những gì hiện có để thay thế giản đơn một cái khác, mà là sự so lệch giữa lý luận hiện có và các thành tựu lý luận của thế giới. Do đó đổi mới lý luận văn học cũng có nghĩa là hiện đại hóa lý luận văn học, làm cho lý luận khoa học hơn, sâu sắc hơn.

Văn học là sự ý thức về đời sống, do đó không thể được lý giải bên ngoài phản ánh luận. Nhưng phản ánh luận mà ta thường viện dẫn chỉ dừng lại ở trình độ đầu thế kỷ. Nó nhấn mạnh mặt khách quan mà không thấy rõ mặt chủ quan. Viện sĩ Nga Leonchiev (1975) nói rằng: "phải cần đến gần một thế kỷ mới làm cho tâm lý học thoát khỏi cái quan niệm cho rằng tri giác là kết quả trực quan thụ động của chủ thể đối với ngoại giới". Tâm lý học, hiện đại cho thấy cảm giác, tri giác, biểu tượng đều không phải là hình ảnh sao chép, mà là hình ảnh mang quan niệm và đánh giá. Với truyền thống văn học khác nhau con người sẽ cảm giác, tri giác khác nhau. Phản ánh luận hôm nay phải được hiện đại hóa bằng lý thuyết thông tin và các lý thuyết tâm lý học hiện đại. Các hình ảnh tâm lý cảm tính là hình ảnh mang ý nghĩa và quá trình phản ánh được thực hiện bằng các cơ thể hết sức phức tạp, nếu bỏ qua thì không hiểu được bản chất của ý thức. Quan niệm phản ánh này cho thấy bản chất tượng trưng của hình tượng, làm sống lại các khác nhau như "ý tượng" có từ Kinh Dịch, hay "ý cảnh" trong lý luận Trung Hoa cổ. Mặt khác, lý luận văn học hiện nay phải vượt qua nhận thức luận triết học để khẳng định nhận thức luận nghệ thuật và thẩm mỹ, một vấn đề mà những nhà triết học như P. Covnin, viện trưởng viện triết học Liên Xô trước đây phản đối, và hôm nay cũng không ít người muốn gạt bỏ từ một phía khác! Nhận thức luận nghệ thuật của G. Poxpelov, M. Khravchenco trên một mức độ nhất định vẫn chưa thoát khỏi khuôn hình triết học. Nghệ thuật có kênh nhận thức riêng không trùng với suy lý logic và nhận thức cảm tính hàng ngày. Nó thực hiện một phép biện chứng từ mình đến ta, đến người khác, đến xã hội, vũ trụ. Nghệ thuật phát hiện mình trong người khác và phát hiện người khác trong bản thân mình. Những khái niệm như "đời", "thời", "đạo", "nhân loại", "con người"... chẳng gì khác hơn là tên gọi của cái hiện thực mà nghệ sĩ hướng tới. Hiện thực ấy vừa ở ngoài ta, vừa ở trong ta, và kết quả nhận thức là một quan niệm về đời và con người. Nghệ thuật nhận thức bằng cách xác lập sự cảm nhận toàn bộ về thế giới. Sự biểu hiện tình cảm trong nghệ thuật cũng có chức năng nhận thức. Qua khoái cảm, bất khoái cảm mà nhận ra cái gì có thể thỏa mãn con người. Nghệ thuật nhận thức bằng sự phát huy năng lực cảm nhận, nhận ra. Nói như Bakhtin (1924) một khi đã không làm cho người ta nhận ra một cái gì thì lúc ấy không có gì để nhớ lại, để nói, để đánh giá nữa. Tiêu chuẩn của nhận thức trong nghệ thuật không phải là sự chính xác, mà là chiều sâu. Tất cả những vấn đề trên đều đã có truyền thống lâu đời và cần phải được nhận thức lại trên những cơ sở mới.

Nhưng bình diện nhận thức luận nghệ thuật dù quan trọng thế nào cũng không thể bỏ qua bình diện bản thể luận. Trong triết học hai bình diện này không tách rời nhau, nhưng trong lý luận văn học, bình diện bản thể luận của văn học chưa được chú ý thích đáng. Vấn đề bản thể đòi hỏi nghiên cứu xem xét đến cùng, cái gì tạo thành tính chất văn học? Trả lời cho câu hỏi này không thể chỉ ra giản đơn là hiện thực đời sống hay ý đồ tốt đẹp của nhà văn, mà phải tìm trong cấu tạo tác phẩm và phương thức tồn tại của nó. Vấn đề này đã được các nhà lý luận văn học Nga như Scolovski, Tomasevski, Bakhtin đề xuất từ những năm 20, 30 nhưng khái niệm bản thể luận văn học được nhà lý luận phê bình mới của Mỹ là John Claude Remxon nêu lên vào năm 1941 và cùng thời các tác giả Oenlec, cũng đề cập trong sách Lý luận văn học (1942) qua khái niệm phương thức tồn tại của tác phẩm. Bản thể luận của văn học đề cập tới tính độc lập tương đối, nội tại của hình thái văn học, vấn đề giá trị và ý nghĩa của hình thức, cấu trúc văn học, vấn đề hiện tượng tác phẩm văn học. Lý luận văn học trước đây chỉ nói đến nhận thức, khái quát, cái chung cái riêng, đến ý thức xã hội, mà chưa xét đến thế giới tinh thần, khách thể tinh thần của nghệ thuật. Về mặt này quan niệm hiện tượng học cho phép xem xét hình tượng nghệ thuật như một thế giới đặc thù với không gian riêng, thời gian riêng, con người riêng, được cấu tạo bởi ngôn từ, biểu tượng và cấu trúc mang quan niệm của nhà văn đối với thế giới. Roman Ingarden (1962) đã xem tác phẩm văn học vừa như một chuỗi liên tục các pha vận động, vừa như tổng thể của các lớp yếu tố như âm thanh ngôn từ, ý nghĩa của câu chữ, lớp khách thể được nói tới và lớp bề ngoài mà qua đó ta cảm nhận được khách thể ấy. Ở đây quan hệ giữa lớp ý nghĩa lời văn cùng với lớp bề ngoài đối với lớp khách thể được biểu hiện là phạm vi thể hiện cái nhìn và quan niệm nghệ thuật của nhà văn đối với thế giới. Văn học phản ánh hiện thực bằng cấu trúc nội tại của nó.

Nghiên cứu bản thể đòi hỏi khám phá cấu trúc bên trong tạo nên chất văn, chất thơ của văn học. Các công trình của Jajobson (1960), Todorov (1966), Lotman (1970), cũng như của các nhà hình thức Nga trước đó đã đề cập đến vấn đề này. Cấu trúc tác phẩm là cấu trúc biểu đạt, cấu trúc ngôn ngữ, cho phép hiểu ngôn ngữ nghệ thuật được sâu hơn. Quan niệm truyền thống thường xem ngôn ngữ hình ảnh chỉ là phương tiện biểu đạt bề ngoài, thụ động, nhưng ngày nay, với cuộc cách mạng trong quan niệm ngôn ngữ, vai trò tích cực sáng tạo của ngôn ngữ được hiểu đúng hơn. Từ cuối thế kỷ trước nhà thơ Pháp - Ranhbo đã nói: "Lời nói đang nói về tôi", còn nhà văn Anh - Waiter thì nói: "Ngôn ngữ là cha đẻ của tư tưởng". Lời nói này có vẻ coi nhẹ chủ thể tác giả mà thực ra là hiểu sâu hơn về tác giả. Tác giả truyền sức sáng tạo cho ngôn ngữ và do ngôn ngữ thực hiện. Xem ngôn ngữ là "hình thức của đời sống" (Wittgenstein), là "ngôi nhà của tồn tại" (Heidegger), "vô thức là sản phẩm của ngôn ngữ" (Lacan), "Đời sống là cái giống với ngôn ngữ" (Levi Strauss)... những quan niệm độc đáo hơn là toàn diện này về ngôn ngữ đều chỉ ra bình diện mới của bản thể văn học là ngôn ngữ, và nghiên cứu văn học phải quan tâm miêu tả ngôn ngữ, khám phá ngôn ngữ để hiểu tác phẩm, chứ không phải gán ghép giản đơn nội dung cho tác phẩm bằng cách suy diễn một chiều từ bên ngoài. Ở đây ngôn ngữ nghệ thuật có tính đa mã, đa nghĩa, có khả năng "tự điều chỉnh" để cung cấp nhiều thông tin mà người đọc cần đảm bảo đời sống lâu dài cho tác phẩm. Ở đây văn học có nhiều mối quan hệ mật thiết với văn hóa và đời sống. Vấn đề nội dung tác phẩm, xét trên bình diện ngôn ngữ là vấn đề chuyển mã, lập mã mới, dịch sang mã khác. Nói như Levi Strauss, việc tìm nội dung tác phẩm giống như tra từ điển, để tìm sự giải thích một từ bằng một từ khác có tính đồng cấu. Do các đặc điểm này mà lý luận văn học hôm nay phải bao hàm nhiều vấn đề của ký hiệu học. Nhiều nhà lý luận hôm nay nhất trí rằng, không biết ký hiệu học thì giống như người mù chữ trong lĩnh vực nghiên cứu văn học (Robert Sokolov, 1974, Terry Eagleton, 1986, Iu. Xtepanov, 1971, 1983, 1986).

Một bình diện khác không kém phần quan trọng của bản thể văn học là bình diện sự sống tinh thần trong văn học, phân biệt với bình diện tri thức luận của văn học. Văn học là sự ý thức về đời sống, sự ý thức đem lại tri thức về đời sống. Nhưng đó là một mặt. Mặt khác, bản thân cảm giác, cảm nhận, đời sống tâm linh, trí tư tưởng, tình cảm yêu ghét, sự đắm say trong sự ý thức đó lại là một "sức mạnh bản chất của con người" (C. Mác). Về mặt này, tự biểu hiện là một phương diện của bản thể văn học. Bình diện này trong văn học trước thế kỷ XX, thường là cái bóng mờ của bình diện miêu tả đời sống khách quan, nay trong xu thế "hướng nội" của một số trào lưu văn học hiện đại, đang trở thành một bình diện chủ yếu: văn học không miêu tả sự kiện, mà miêu tả sự phản ánh, sự thể nghiệm của tâm linh trước sự kiện (Viecginia Vunpho). Tâm linh là một yếu tố của hiện thực con người, tác phẩm văn học, hình tượng nghệ thuật là một sự kiện của đời sống tâm linh. Việc xem xét văn học từ bình diện này đang làm cho các khái niệm về nhân vật (tính cách, điển hình, hoàn cảnh) chỉ còn có một ý nghĩa nhất định bên cạnh khái niệm tác giả (quan niệm về thế giới, sự ám ảnh, siêu mẫu...). Tác giả, hình tượng tác giả (khác với tác giả tiểu sử) là một trung tâm giá trị của tác phẩm đang trở thành đối tượng quan trọng của nghiên cứu văn học. Điều này dĩ nhiên không có nghĩa là đời sống xã hội không còn là đối tượng phản ánh của văn học, mà chỉ là sự thay đổi của điểm nhìn, hệ quy chiếu. Đây chính là điều mà Bakhtin đã phát hiện qua sáng tác của Dostoevski[1].

Sự chú ý tới bản thể tác phẩm đã đổi mới quan niệm về hình thức và nội dung văn học. Khắc phục quan điểm nhị phân, đối lập hình thức với nội dung, tuyệt đối hóa nguyên lý nội dung, quyết định hình thức, lý luận văn học hiện đại xác nhận hình thức mang tính nội dung, hình thức sáng tạo nội dung. Điều quan trọng là ở chỗ hình thức văn học không phải là hình thức khách thể, mà là hình thức chủ thể, là chức năng của chủ thể trong sáng tạo nghệ thuật[2]. Quan niệm sáng tạo nghệ thuật cũng được xét qua nhiều bình diện: bình diện bản thể (sống là sáng tạo), bình diện nghệ thuật (tỉnh lược, cắt rời, ghép nối, hư cấu tạo ra thế giới thứ hai), bình diện nhận thức (xác lập quan niệm về hiện thực). Tính chân thực nghệ thuật cũng không còn chỉ được xét một chiều là sự phù hợp với thế giới bên ngoài. Nó phải được xét trên các bình diện ngữ nghĩa, bình diện hiện tượng luận, bình diện nhận thức, bình diện lịch sử.

Trên đây là một số vấn đề lý luận văn học hiện đại, đánh dấu sự đổi mới hệ hình tư duy trong lĩnh vực này. Không phải mọi vấn đề ở đây đều đã được giải quyết tốt đẹp, chắc chắn sẽ còn nhiều bàn cãi thêm nữa. Mục đích chúng tôi là muốn giới thiệu một cách tổng quát đôi nét về bức tranh lý luận văn học hôm nay, mà một phần đã được thể hiện qua một số công trình của chúng tôi và của các tác giả khác, đặc biệt là trong nghiên cứu thi pháp.

Đổi mới lý luận văn học là một công việc nặng nhọc. Uy tín của lý luận không chỉ ở sự định hướng mà còn ở thành quả nghiên cứu và phát hiện. Hiện thời trên thế giới cách thành quả theo các hướng mới vẫn chưa nhiều, nhưng cách nhìn đã không thể như cũ. Đổi mới lý luận đòi hỏi một thái độ khách quan, không định kiến và sự hợp tác của nhiều người. Nó mong mỏi sự giúp đỡ của báo chí, con mắt xanh của các nhà xuất bản, các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học. Đã đến lúc cần thay đổi mặt bằng các kiến thức lý luận, một công việc đòi hỏi phiên dịch, giới thiệu nhiều công trình khoa học hiện đại của thế giới mà ta chưa có dịp tiếp xúc. Không thể đổi mới lý luận bằng những kiến thức đó. Chỉ có đổi mới hiện đại hóa như thế ta mới thật sự tạo thành một ngôn ngữ lý luận mới, mới tham gia các cuộc đối thoại văn học của thời đại và hòa nhập với văn học nhân loại.

 

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 2 (8-1-1994)

 


 

[1] Xem Những vấn đề thi pháp Dostoevski. Nxb Giáo dục, H., 1993, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch.

[2] Xem Trần Đình Sử. Quan niệm thi pháp tác giả của Bakhtin. Thông báo khoa học, Bộ Giáo dục Đào tạo, số 4-1992.

 Mục lục

6-10-10