ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 12 (19-3-1988)

 

XIN HỎI:
CÓ THẬT LÒNG MUỐN ĐỔI MỚI KHÔNG?

TÔN GIA CÁC

Tôi không phải là người làm công tác nghiên cứu phê bình văn học. Vì thế tôi chưa bao giờ làm cái việc theo dõi để nhận xét, đánh giá một nhà văn hay một nhà phê bình nào về tài năng và nhân cách của họ. Nhưng gần đây không khí đổi mới sôi nổi và rất đáng phấn khởi của nền văn nghệ ta khiến tôi không thể dửng dưng được. Thế là tôi chăm đọc báo chí hơn, nhất là các báo chí về văn học nghệ thuật. Và cũng chịu khó tìm hiểu ý kiến các nhà văn, nhà phê bình về những vấn đề văn học đang đặt ra hiện nay. Tôi nhận thấy có nhiều bài viết hay và sâu sắc, kể cả sáng tác và phê bình lý luận. Nhưng vừa rồi đọc đến bài của anh Phan Cự Đệ đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 12-1987 nhan đề: Mấy ý kiến về đổi mới tư duy trong lý luận, phê bình văn học thì tôi thấy buồn quá, thậm chí rất bực. Qua bài báo tôi thấy người viết luôn luôn nhân danh Đảng, nhân danh đổi mới, nhưng lại nhằm ý đồ hoàn toàn khác. Vì thế, tuy là người "ngoại đạo", tôi cũng xin mạn phép có mấy lời trao đổi với giáo sư Phan Cự Đệ xung quanh vấn đề mà giáo sư quan tâm: vấn đề "cũ" và "mới".

Phải nói rằng bài viết của anh Đệ (xin được gọi bằng anh cho gần gũi) có một cái gì đó lạc lõng đối với xu hướng thành thật tự nhìn lại mình của nhiều cây bút có uy tín hiện nay. Họ mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, rút bài học quá khứ để soi sáng cho ngày hôm nay, cho dù đó là sự thật đau lòng đối với chính sự nghiệp của họ. Như trường hợp anh Nguyễn Khải chẳng hạn (qua bài Cái thời lãng mạn). Ngày xưa Nguyễn Khải lên án Tuy Kiền. Nay nhà văn thẳng thắn gặp lại ông ta. Đem người ta ra làm nguyên mẫu cho nhân vật tiêu cực của tác phẩm mình, nay thấy những điều mình nói có chỗ oan uổng cho người ta, tự thấy áy náy, tự thấy phải nghĩ lại và nói lại với công chúng cho sòng phẳng. Thái độ như thế thật là đẹp và dũng cảm. Cũng thật là thông minh nữa. Vì trong không khí dân chủ này, người ta trọng sự thật, sự công bằng. Mình không nói ra sự thật thì rồi công luận cũng sẽ phán xét công minh lại cả! Thời buổi này cái chân cái giả không thể lộn sòng được mãi.

Xin trở lại bài viết của anh Phan Cự Đệ. Bài viết gồm hai phần: một là Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận. Hai là Đổi mới tư duy trong công tác lý luận phê bình văn học hiện nay. Cả hai phần về logic hình thức mà nói đều nói "đổi mới", nhưng người đọc không thấy đổi mới ở đâu cả.

Tôi nghĩ rằng tinh thần đổi mới trước hết phải thể hiện ở cách nhìn mới, cách đánh giá mới đối với những việc cũ. Ví như vụ Hoàng Ngọc Hiến. Té ra giáo sư Phan Cự Đệ vẫn chưa chịu cởi cái áo "chủ nghĩa hiện thực phải đạo" cho anh Hoàng Ngọc Hiến sao?

Trong mấy chục năm qua thực tiễn cách mạng nước ta chứng tỏ nhân dân ta rất anh hùng. Văn nghệ sĩ ta cũng không thiếu dũng cảm. Nhiều anh chị em đã ngã xuống nơi chiến trường như những nhà văn - chiến sĩ. Nhưng sự dũng cảm cũng còn có dạng biểu hiện khác nữa. Trong khi có những kẻ chỉ trông mồm nói dựa người có chức có quyền, hoặc nói chung chung vô thưởng vô phạt, thì có người dám nói ý nghĩ riêng của mình về sự thật, như thế cũng là dũng cảm lắm chứ! Vì sự thật được nói ra ấy, nhiều khi họ đã phải trả giá rất đắt. Theo tôi, trường hợp anh Hoàng Ngọc Hiến có thể xem như thuộc vào số những ví dụ về sự dũng cảm nói trên. Vậy mà anh Đệ vẫn chưa chịu "tha" cho anh Hiến. Anh lại đem cái mũ to tướng từng chụp vào đầu anh Hiến để chụp lung tung vào một loạt người khác nữa (cái mũ: "Phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta" và "chửi bới quá khứ").

Nhìn lại tình hình phê bình văn học trước đây, có người nêu lên lối phê bình quyền uy và phê bình xu phụ. Anh Đệ không dám phủ nhận sự thật ấy nhưng lại cho là không nặng nề nghiêm trọng lắm. Anh cho rằng, nói như thế là "không có cơ sở", rằng xu hướng ấy đã "bị lên án" hay "bị đấu tranh trở lại". Vậy xin hỏi anh Đệ, hồi anh Nguyên Ngọc, anh Hoàng Ngọc Hiến bị "đánh" thì các anh ấy có được cãi lại không và cãi lại bằng cách nào, cãi lại ở đâu được? Anh lại nói nhìn sai lầm cũ phải có quan điểm lịch sử. Đúng là phải có quan điểm lịch sử để giải thích nhiều quan niệm giản đơn, ấu trĩ lúc bấy giờ. Nhưng cố tình vu oan chụp mũ cho người ta và nịnh bợ người có chức có quyền mà cũng định vin vào lịch sử hay sao? Hồi ấy đúng là có những kẻ bản thân không có quyền uy gì, nhưng do "khỉ mượn oai hùm" cho nên cũng thành ra có quyền uy và nói giọng quyền uy. Trong không khí mất dân chủ, họ cứ nhân danh Đảng, nhân danh đồng chí này, đồng chí nọ thì còn ai dám cãi? Cái lối viết như thế, trong điều kiện ngôn luận của ngày hôm nay, tưởng không còn trở lại được nữa. Nào ngờ anh Phan Cự Đệ trong bài viết mới nhất này của mình vẫn còn dùng, vẫn thích dùng!

Tôi không hiểu anh Đệ nghĩ ra làm sao chứ tôi chỉ suy luận đơn giản thế này cũng đủ rõ: Từ trước đến nay tình hình lãnh đạo văn nghệ như thế nào thì mới có cuộc tọa đàm hai ngày liền giữa đồng chí Tổng Bí thư với các nhà văn hóa văn nghệ mà tinh thần cốt yếu là cởi trói cho văn nghệ sĩ chứ! Rất tiếc là hôm ấy hình như anh vắng mặt! Tiếp đó lại có Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác văn hóa văn nghệ để thể hiện cụ thể tinh thần ấy. Đảng đã chủ trương cởi trói cho văn nghệ mà anh Phan Cự Đệ lại cứ ngơ ngác: Không, có ai bị trói đâu! Thật là nực cười! Hay là anh ngại rằng cái công phu 30 năm trời nghiên cứu trước tác của anh cũng là một mớ dây trói lằng nhằng nên anh định phủ nhận cả ý Đảng và xu thế thời đại? Vậy là Đảng đã cởi trói rồi mà anh lại cứ nắm mãi lấy cái sợi dây cũ để định vẫn trói buộc văn nghệ mãi sao? Hai đầu dây nếu một bên nắm một bên buông thì dễ ngã chỏng quèo lắm đấy anh Đệ ạ!

Về phần thứ hai trong bài viết của anh Phan Cự Đệ, tôi không muốn nói nhiều. Anh nói đổi mới mà toàn đưa ra những ý kiến chung chung, cái gì cũng nói một tý, mặt nào cũng nói một tý lan man dông dài làm loãng mọi chuyện. Nào chuyện thời 1930-1945 với lối phê bình của Nguyễn Bách Khoa, rồi những phân tâm luận, cấu trúc luận, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực chứng v.v... những kiến thức có vẻ uyên bác anh từng lặp đi lặp lại, nhào đi nặn lại hết bài này sang sách khác không biết lần này là lần thứ mấy. Rồi anh giảng giải nào là phải chống tả, lại phải phòng hữu, nào là tiếp thu ngoài là tốt nhưng lại phải có phê phán, rồi phải kết hợp suy nghĩ cá nhân với trí tuệ tập thể, và đổi mới là cấp thiết nhưng không nên sốt ruột nôn nóng v.v... và v.v... Những ý kiến ấy của anh xem ra viết vào thời nào cũng được, lúc nào cũng được. Một bài thuyết giảng chả có gì sai nhưng không ăn nhằm gì vào những vấn đề trọng tâm nóng hổi cần giải quyết. Rõ ràng là bài viết không thể hiện tinh thần muốn thật sự đổi mới.

Hiện nay, đổi mới, cải tổ đang là một phong trào sôi sục của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Những năm qua ta có thành tích lớn nhưng cũng có không ít sai lầm. Vì thế tình hình mới khó khăn như hiện nay. Đổi mới không phải là chuyện dễ. Trong lĩnh vực văn nghệ cũng vậy. Nhưng càng khó càng đòi hỏi phải quyết tâm, phải nhiệt tình, phải dũng cảm để nếu cần có thể chịu đựng cả những tổn thất cá nhân. Có như thế đất nước mới tiến lên được.

Để kết luận xin hỏi thật anh Phan Cự Đệ: "Anh có thực bụng thích đổi mới thật không?". Hình như trong tivi những năm trước có chiếu vở cải lương Làm lại cuộc đời đấy – chúng mình cũng nên làm như vậy chăng?

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 12 (19-3-1988)

 Mục lục

8-4-10