ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 22 (28-5-1988)

 

 

THẢO LUẬN VỀ SÁCH VĂN HỌC CHO THIẾU NHI
VÀ VIỆC DẠY VĂN Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

 

Chăm sóc, giáo dục thiếu nhi là công việc lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội; đồng thời đó cũng là vấn đề thời sự nóng bỏng buộc những ai quan tâm tới sự nghiệp tư tưởng, trước hết là những người làm công tác văn hóa, văn nghệ và giáo dục phải suy nghĩ nghiêm túc. Để góp phần thiết thực vào sự nghiệp trọng đại ấy, ngày 11-5 vừa qua, tuần báo Văn nghệ đã kết hợp với nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức thảo luận về các vấn đề: sách văn học cho thiếu nhi và việc dạy văn ở nhà trường phổ thông. Tới dự cuộc thảo luận có các nhà văn Vũ Tú Nam, Võ Quảng, Phạm Hổ, Hà Ân, Văn Hồng, Lê Cận, Hải Hồ, Võ Văn Trực, Bế Kiến Quốc, Ngô Ngọc Bội; các nhà giáo và những cán bộ đang công tác tại ngành giáo dục: Nguyễn Lân, Nguyễn Khắc Viện, Ánh Tuyết, Phan Kế Hoành, Văn Tâm, Nguyễn Gia Phong; các nhà phê bình: Thiếu Mai, Lại Nguyên Ân, Lã Nguyên.

Dưới đây chúng tôi trích giới thiệu một số ý kiến tại cuộc thảo luận này.

Mở đầu, nhà văn NGUYÊN NGỌC phát biểu đề dẫn. Anh nói: ... Trong việc góp phần xây dựng con người do những điều kiện lịch sử đặc biệt, văn học ta trong một thời gian dài đã phải tập trung vào một số mặt nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu của thời chiến. Nhiều yêu cầu sơ đẳng mà lại là cơ bản, lâu dài đối với con người chưa được đề cập đúng mức, thậm chí có mặt không hề được đặt ra. Văn thơ nói nhiều tới quan hệ của con người đối với Tổ quốc, với nhân dân... nhưng lại chưa quan tâm tới quan hệ đối với cha mẹ, với gia đình, với thầy giáo, với thiên nhiên... Nhìn chung, phần bồi dưỡng những tình cảm hết sức căn bản tạo thành nền tảng của nhân cách, chúng ta làm còn ít và yếu. Cho nên con người của chúng ta thường biết ứng phó với những tình huống phi thường nhưng lại tỏ ra lúng túng trong những tình huống bình thường...

Một số tác phẩm được viết ra trong những thời kỳ trước đây nay bản thân tác giả cũng như bạn đọc đã đánh giá khác đi, khiến các thầy giáo dạy văn hiện đang rất lúng túng. Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại: về sách cho thiếu nhi, mảng nào ta đã làm tốt? Mảng nào chưa làm được? Nên dạy những gì và dạy như thế nào môn văn hiện nay trong nhà trường?

NGUYỄN KHẮC VIỆN - Thực tế đời sống và những đổi mới của văn nghệ gần đây đang đòi hỏi ngành giáo dục phải dạy theo kiểu khác. Nên nhớ, trình độ nhận thức của trẻ em ngày nay rất cao. Chúng biết tất, hiểu hết. Không thể nói dối trẻ em được điều gì. Cho nên khi giảng dạy phải nói thật với các em. Cũng không nên giáo dục theo lối áp đặt.

Theo tôi, phải làm sao để nhà trường hấp dẫn với trẻ em hơn là đường phố. Bởi nếu chợ búa, đường phố còn hấp dẫn trẻ em hơn nhà trường, thì vẫn còn những trẻ em phạm pháp. Trẻ em phạm pháp thường bắt đầu từ chỗ chán ghét nhà trường, bỏ học, đi lang thang. Môn văn là bộ môn dễ hấp dẫn con người nhất, nên môn văn cần đổi mới triệt để.

Vừa rồi tôi được xem quyển Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, 800 trang, rất hấp dẫn, nói về một đội trinh sát thiếu nhi ở Huế thời chống Pháp. Theo tôi, mảng chuyện viết về sự tham gia của thiếu nhi vào hai cuộc kháng chiến còn rất ít. Đây là món nợ của các nhà văn đối với các cháu.

NGUYỄN LÂN - Tôi cho rằng trong nhà trường phổ thông việc dạy văn là vô cùng quan trọng, vì qua dạy văn, ta dạy cho học sinh yêu tiếng Việt, một thứ tiếng rất phong phú và rất hay.

Tiếc rằng các thầy dạy văn ít chú ý đến dạy các cháu cách nói và viết một cách trong sáng. Hiện nay, về từ ngữ người ta dùng sai nhiều từ, ví dụ người ta nói yếu điểm thay cho điểm yếu, cấu kết thay cho câu kết, ngay ở trên đài và trong báo chí, người ta cũng lầm lẫn như thế.

Tôi nghĩ dạy văn là phải dạy cho học sinh nắm vững ngôn ngữ của dân tộc, đồng thời phải bồi dưỡng cho các em những khái niệm về đạo đức làm người, về cách cư xử với mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Nhưng không nên biến bài giảng văn thành một bài chính trị, nhất là đối với các em nhỏ.

Theo ý tôi, dạy cho các em nhỏ, nên cho học nhiều câu ca dao, tục ngữ mà Bác Hồ có lần khen là những hòn ngọc, nên cho các cháu học những câu lục bát, là thơ văn riêng của dân tộc ta.

Tôi đồng ý với đồng chí Nguyên Ngọc là nên dạy cho các em tình yêu thiên nhiên, hợp với lứa tuổi của các em, như một số bài thơ của Trần Đăng Khoa chẳng hạn.

NGUYỄN GIA PHONG - Có hai mảng hiện rất khó dạy trong nhà trường: mảng tố cáo chế độ cũ và mảng ca ngợi chế độ mới, vì giáo viên thường bị lúng túng khi học sinh "liên hệ thực tế" với tình hình xã hội hiện nay. Khi xây dựng chương trình cải cách giáo dục cho nhà trường phổ thông trung học, có ý kiến để nghị nhà trường chỉ học văn học Việt Nam từ năm 1945 trở về trước. Từ 1945 đến nay chỉ để một bài tổng luận. Ý kiến này chưa được chấp nhận. Xin các đồng chí giúp chúng tôi trong việc tuyển chọn những tác phẩm có thể giảng dạy trong nhà trường.

Tình hình suy giảm chất lượng dạy và học môn văn không phải chỉ do lỗi ở sách, ở phương pháp, ở chương trình, ở bản thân ngành giáo dục. Số đông giáo viên đang túng đói. Ngoài lương, họ không có thêm khoản thu nhập nào khác. Cho nên các đồng chí có viết hay thì người ta cũng không có tâm trí đâu mà nghiền ngẫm, rung cảm với cái hay. Muốn nâng chất lượng dạy văn phải nâng cao đời sống cho giáo viên, phải cải thiện tình hình kinh tế - xã hội.

VŨ TÚ NAM - Chúng ta chưa thực sự coi trọng văn học cho thiếu nhi. Đó là nói chung cả Hội Nhà văn, cả phê bình văn học lẫn toàn xã hội, nhất là văn học cho thiếu nhi là lĩnh vực mang tính chất chiến lược. Ngay từ bây giờ văn học đã phải nghĩ tới việc đào tạo con người cho thế kỷ XXI. Cho nên văn học cho thiếu nhi không nên chạy theo "thời sự". Yêu cầu mọi mặt đối với tác phẩm dành cho thiếu nhi đều phải cao. Lâu nay chúng ta sử dụng văn học cho thiếu nhi hết sức "thực dụng".

Rất ít nhà phê bình viết phê bình về loại sách cho thiếu nhi. Hiện nay tình hình sách xuất bản cho thiếu nhi khá lộn xộn, nhưng không thấy phê bình lên tiếng.

Tôi đề nghị Đại hội Nhà văn sắp tới cần đề cập thích đáng với bộ phận văn học dành cho thiếu nhi.

ÁNH TUYẾT - Tác phẩm văn học phải có tính thẩm mỹ cao. Tính thẩm mỹ cao bản thân nó đã mang tính giáo dục. Nhất thiết phải dạy cho các em những cảm xúc thẩm mỹ đa dạng chứ không nên tạo ra những cảm xúc một chiều. Liệu có nên để cho trẻ em thờ ơ trước đau khổ của bạn bè hiện đang phải đi ăn mày đầy đường hay không? Trước ta chỉ dạy cho các em biết tự hào, nay phải dạy thêm cho chúng biết xấu hổ.

Trong việc soạn thảo, chương trình văn học trong nhà trường không nên cực đoan, nhảy từ cực này qua cực khác. Trước kia ta bỏ qua nhiều tác phẩm cổ điển đã là không nên, nay cũng không nên bỏ hẳn phần hiện đại.

Tác phẩm văn học viết về thiên nhiên còn ít quá. Đề nghị các nhà văn quan tâm hơn nữa tới mảng sách dành cho các cháu ở lứa tuổi mẫu giáo bé.

PHẠM HỔ - Khách quan mà nói sách giáo khoa cải cách hiện nay so với những năm trước kia có khá hơn nhiều. Nhiều tác phẩm có giá trị văn học trong nước và nước ngoài đã được chọn lọc. Tuy nhiên, ở đây cũng còn rất nhiều bài trích chọn chưa hay, thậm chí có bài kém. Phần lớn đó là những bài viết theo chủ đề. Các câu hỏi ở dưới các bài chưa có tác dụng tốt trong việc khơi gợi các em động óc và hiểu sâu thêm, rộng hơn về các tác phẩm mình học. Mặt khác phần nào các câu hỏi ấy còn mang tính chất áp đặt, khuôn ý nghĩ các em theo ý nghĩ và sự cảm thụ của người đặt câu hỏi.

Trẻ em của chúng ta có năng lực cảm thụ văn học rất tinh tế. Phải tôn trọng các cháu. Và nên xem lại, soạn lại sách giáo khoa cho hay hơn.

LÊ CẬN - Lâu nay trong việc sáng tác, in sách cho trẻ em, hình như người ta lấy động cơ kinh tế là chủ yếu. Sách hay dành cho trẻ em hiện nay rất hiếm. Thị hiếu của trẻ em hiện nay rất tầm thường. Những thiếu nhi biết rung động nội tâm có khuynh hướng hướng nội cũng rất hiếm. Tôi hoan nghênh báo Văn nghệ đã tổ chức một cuộc thảo luận như thế này để báo động cho xã hội. Xin đề nghị: cần phải có một bộ phận quản lý chung vấn đề văn học - nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Theo tôi, Ủy ban thiếu niên - nhi đồng nên đảm nhiệm công việc này.

Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải làm cho sách văn học thiếu nhi gần gũi hơn nữa với cuộc sống, góp phần giải đáp cho các em những vấn đề đạo đức, nghề nghiệp, lý tưởng v.v...

NGÔ NGỌC BỘI - Tôi đề nghị khôi phục lại việc giáo dục của gia đình. Phải giáo dục cho con người biết làm ăn, nếu cần bớt phần viết về chiến đấu đi một ít cũng được. Phải đặc biệt chú ý tới đối tượng từ 12 đến 15 tuổi. Lâu nay viết cho trẻ em chúng ta hay cổ động phải theo gót ông cha. Phải làm sao để có sự phủ định thì may ra mới khá lên được!

HÀ ÂN - Về sách cho các cháu lâu nay viết chúng ta kiêng kỵ nhiều thứ quá cho nên khi các cháu gặp những chuyện tiêu cực là ngơ ngác mất phương hướng. Nay viết sách phải giáo dục bản lĩnh cho trẻ em. Đừng biến trẻ em thành những người mắc bệnh SIDA, mất khả năng đề kháng.

VĂN TÂM - Cần phải ngăn chặn kịp thời, kẻo việc dạy văn và học văn sẽ tiến nhanh tới tình trạng thảm hại. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ấy.

Thứ nhất, do đời sống quá khổ cực, giáo viên khó có thể trở thành người có tâm hồn nghệ sĩ lẫn nhà khoa học thực thụ để dạy tốt môn văn. Thứ hai, trình độ của giáo viên yếu, đại bộ phận không có năng lực diễn giả. Thứ ba, sách giáo khoa chưa chọn được nhiều tác phẩm tốt, tức là công cụ để dạy văn rất hạn chế.

Về phía học sinh: tuy vẫn say văn nhưng không thích học văn. Vì sao? Ở đây có nguyên nhân thời đại, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển làm giảm sút hứng thú đối với văn học. Lại có nguyên nhân ở tâm lý sinh tồn: dạy văn, viết văn là những nghề nghèo nhất, khó sống nhất bởi thu nhập rẻ mạt nhất... Cuối cùng là nguyên nhân tâm lý mỹ học, sách giáo khoa dở, học trò nhiều khi chỉ tìm thấy ở đấy sự nhàm chán. Tôi đề nghị báo Văn nghệ nên mở trang Văn học trong nhà trường.

NGUYÊN NGỌC - Hai vấn đề được nêu lên thảo luận có liên quan chặt chẽ, tôi chắc rằng còn nhiều ý kiến phong phú. Nhưng đây là vấn đề vừa bức bách, vừa lâu dài, ta chưa có thể đưa ra những kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, trong các ý kiến phát biểu của các đồng chí đã có một số điểm thống nhất, xin phép được nhấn mạnh lại:

Thứ nhất - Phải coi trọng các cháu, bởi các cháu là đối tượng rất đáng kính trọng. Đây là cơ sở để ta giải quyết hàng loạt vấn đề. Chẳng hạn, phải nói sự thật với các cháu trong quá trình giảng dạy, giáo dục.

Thứ hai - Phải đào tạo cho xã hội những con người có bản lĩnh vững vàng. Do đó phải giáo dục cho các cháu toàn bộ vốn văn hóa của nhân loại và của dân tộc. Bất cứ sự phiến diện nào cũng đều là nguy hại.

Thứ ba - Việc tuyển chọn đúng những tác giả, tác phẩm văn học xứng đáng đưa vào giảng dạy trong nhà trường là việc hết sức quan trọng. Cần có một hội đồng bao gồm nhiều bộ phận hữu quan để chăm lo việc này.

Xin cảm ơn các đồng chí đã phát biểu thẳng thắn, và cởi mở.

THỦY THÀNH lược ghi

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 22 (28-5-1988)

 

Mục lục

 

2-1-12