ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 9 (27-2-1988)

 

TINH THẦN DÂN CHỦ CÔNG KHAI PHẢI ĐƯỢC
THỂ HIỆN RÕ TẠI ĐẠI HỘI NHÀ VĂN SẮP TỚI

Phỏng vấn nhà phê bình THÀNH DUY

PHÓNG VIÊN: - Xin anh phát biểu chút ít về tổ chức Hội, về hoạt động của Hội - điều này có lẽ có ích chung, bởi vì hiện giờ trong việc chuẩn bị Đại hội cũng có cả vấn đề sửa đổi bổ sung Điều lệ. Theo anh, Hội cần phải tổ chức như thế nào?

THÀNH DUY: - Hiện giờ, theo tư duy mới, đang có ý kiến đề nghị giảm bớt viện nghiên cứu để thành lập các hội nghiên cứu chuyên nghiệp. Như vậy các hình thức hội nghề nghiệp bây giờ càng có chỗ đứng vững chắc. Tôi nghĩ, Hội Nhà văn Việt Nam là hội nghề nghiệp của tất cả những công dân Việt Nam hoạt động văn học chuyên nghiệp, dù là người sáng tác văn, thơ, kịch, phê bình lý luận nghiên cứu văn học hoặc dịch thuật văn học, tính chất hội nghề nghiệp phải thể hiện ngày càng rõ trong hoạt động của Hội, trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan Hội. Lâu nay, về danh nghĩa, Hội ta đã là hội nghề nghiệp, nhưng trong hoạt động, nó lại hơi giống với một cơ quan hành chính sự nghiệp của Nhà nước. Nhiều khi, có vẻ như Hội thực tế chỉ gồm văn phòng hội và mấy cơ quan trực thuộc. Hội viên mà là "người ngoài" thì rất ít được quan tâm, hội viên làm phê bình lý luận càng ít được quan tâm hơn. Có lẽ không chỉ riêng tôi, nhiều hội viên khác cũng mong hoạt động của Hội đừng nên bó hẹp trong mấy người quản lý Hội. Việc quản lý Hội đừng nên chỉ gồm chuyện lo cho mình và lo cho nhau trong phạm vi mấy người quản lý ấy. Tinh thần mở rộng dân chủ, công khai đang thâm nhập vào nhiều khu vực, nhưng hình như chưa nhập được vào không khí sinh hoạt của Hội ta. Nhiều vụ việc quan trọng, nhiều quyết định hệ trọng, các hội viên chưa được thông báo...

P.V. - Không riêng giới nhà văn, cả xã hội ta đang "học" và "tập" sống và làm việc trong tinh thần dân chủ và công khai. Có lẽ Đại hội tới sẽ là một dịp "thực tập" tốt cho nếp sống này. Nếu có thể, xin anh nói rõ hơn ý kiến của anh về việc tổ chức Đại hội sắp tới của Hội ta.

T.D. - Qua báo chí, chúng ta biết hiện giờ hình thức "bầu cử" giám đốc, viện trưởng v.v... đang được áp dụng rộng rãi ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Ở ta, tôi được biết đã và đang áp dụng hoặc thí nghiệm hình thức này ở nhà máy xí nghiệp, ở trường đại học, ở viện nghiên cứu. Đương nhiên các hội sáng tác cũng phải bầu người quản lý của mình. Có điều là phải tìm một phương thức, một quy trình bầu cử sao cho dân chủ thật sự. Ở một trường đại học đang thí nghiệm làm việc này, ban đầu người ta định dùng hình thức tạm gọi là "dân chủ một nửa" tức là quy định những "đại cử tri" đi bỏ phiếu bầu hiệu trưởng. Sau, người ta thấy không ổn, và tốt nhất là nên dùng hình thức dân chủ triệt để, tức là để cho tất cả cán bộ công nhân viên, từ ông giáo sư đến bà nhân viên tạp vụ đều tham gia bỏ phiếu. Ngay việc chấp nhận mấy danh sách đề cử cũng là chuyện tập làm việc theo dân chủ; lúc đầu có đến ba danh sách (của phía tổ chức Đảng, của phía ban lãnh đạo cũ, của phía quần chúng), sau rồi bàn bạc thì nhất trí chỉ dùng danh sách do tập thể quần chúng đề cử thôi, vì dù người được tổ chức Đảng cử ra hay ban lãnh đạo cũ đề cử ra thì cũng phải được quần chúng lựa chọn, chấp nhận. Lại phải có quy chế, tiêu chuẩn cụ thể cho các ứng cử viên: độ tuổi, trình độ, năng lực, phẩm chất... rồi cũng phải tạo điều kiện cho các ứng cử viên được trình bày trước tập thể những chương trình hoạt động của mình nếu được chọn vào chức vụ ấy... Đối với Hội ta, dân chủ triệt để tức là để mọi hội viên tham gia bỏ phiếu bầu các cơ quan lãnh đạo; bầu Ban Chấp hành, bầu Tổng thư ký. Cho nên, nguyện vọng họp đại hội toàn thể là xác đáng, và nếu điều kiện vật chất (chủ yếu là chuyện lo vé đi về) cho phép thì tôi thấy nên triệu tập đại hội toàn thể.

P.V. - Anh nghĩ như thế nào về tiêu chuẩn của những người sẽ được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thư ký, vào chức vụ Tổng thư ký của Hội ta?

T.D. - Phải là tiêu biểu. Ủy viên Chấp hành phải là những người tiêu biểu xứng đáng về sáng tác thuộc các loại hình, kể cả phê bình, và có tỷ lệ thích đáng cho giới phê bình trong Ban Chấp hành và Ban Thư ký. Cũng phải lưu ý độ tuổi, chú trọng xu hướng trẻ hóa đội ngũ quản lý trong tất cả các ngành hiện nay.

P.V. - Thế còn tiêu chuẩn năng lực quản lý, vì trong giới văn học không phải ai cũng thạo quản lý?

T.D. - Phải kết hợp thôi. Tôi nghĩ trong Ban Thư ký phải có cả một số người thật tiêu biểu cho trình độ và xu hướng sáng tác khá nhất, cao nhất hiện giờ, cả một số người có năng lực quản lý giỏi, những người biết tạo ra và điều hành bộ máy cơ quan Hội thật năng động và hiệu quả. Phẩm chất quản lý bao gồm cả năng lực, đầu óc quản lý và phẩm hạnh quản lý: không lo cho riêng mình mà phải lo và biết lo cho cái chung, lo cho cả Hội. Nếu tại Đại hội này không chọn được một Ban Thư ký có năng lực quản lý và điều hành hoạt động của Hội thích hợp với tình hình mới thì có thể cầm chắc là tình hình không thể khác, không thể tốt lên được. Trong Hội ta cũng nên bàn để áp dụng quy chế thời hạn cho những người được bầu vào cơ quan quản lý, tức là Ban Thư ký. Một hội viên nhiều lắm cũng chỉ nên giữ chức vụ này đến hai nhiệm kỳ. Phải nghĩ đến cái nguy cơ quan liêu hóa nhà văn. Tôi vẫn nghĩ nhiều đến vị trí của người làm lý luận phê bình trong cơ quan quản lý Hội. Thiếu người làm lý luận phê bình trong cơ quan quản lý Hội thì không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động phê bình mà thiệt thòi chung cho cả phong trào sáng tác. Trước đây, Hội ta cũng có một số người lãnh đạo được coi là thuộc giới phê bình, nhưng thật ra, đó là những cán bộ chính trị được cử sang quản lý cơ quan Hội thì đúng hơn. Tôi muốn những người của giới phê bình được cử vào Ban Chấp hành và Ban Thư ký sắp tới phải thực sự làm nghề phê bình, bám sát văn học hôm nay, chứ không phải chỉ là nhà phê bình trên danh nghĩa chung chung.

(L.N.Â. thực hiện)

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 9 (27-2-1988)

 

 Mục lục

28-9-08