ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 26 (26-6-1988)

MẤY NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH
VĂN HÓA VĂN NGHỆ THỜI GIAN VỪA QUA

T.N.P.

Năm 1987 là năm hoạt động văn hóa văn nghệ có những chuyển động đổi mới quan trọng. Những chuyển động đó đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng mới về văn hóa văn nghệ, đồng thời là kết quả tiếp theo của sự nỗ lực phấn đấu nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển nền văn hóa văn nghệ cách mạng của giới trí thức văn hóa và đồng bào ta từ gần một chục năm qua.

Có thể nói: ngay từ những năm cuối của thập kỷ 70 đã xuất hiện những yêu cầu và nguyện vọng mới về văn hóa văn nghệ:

- Sự chuyển biến, phát triển của xã hội, của cuộc đấu tranh cách mạng làm nảy sinh những vấn đề mới về lối sống và con người, hình thành những phẩm chất mới của con người, những con người mới, đồng thời cũng nảy ra những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động kinh tế xã hội và về đạo đức, thẩm mỹ.

- Sự chuyển biến của xã hội cũng đặt ra những yêu cầu mới về đời sống văn hóa ở các cơ sở dân cư và nổi rõ là những yêu cầu hưởng thụ văn hóa, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật.

- Do vậy mà trong sáng tác văn nghệ xuất hiện những yêu cầu mới. Những người sáng tác có nguyện vọng sâu sắc sáng tạo lên những tác phẩm mới phù hợp với cuộc sống mới: có chất lượng mới về nội dung tư tưởng, về nghệ thuật, về phương pháp v.v...

Đến những năm đầu thập kỷ 80, một số tác giả và tác phẩm văn nghệ đáp ứng phần nào nhu cầu mới đó là bắt đầu xuất hiện, thu hút được sự chú ý của công chúng.

Tiếp đó, những tư tưởng đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI lại thúc đẩy nhu cầu giải quyết vấn đề lãnh đạo và những vấn đề văn hóa văn nghệ một cách cấp bách hơn. Chính những nhu cầu và nguyện vọng của văn nghệ có từ gần chục năm trước đã gặp tư tưởng của Đại hội VI. Và sức mạnh của Đại hội VI đã thúc đẩy việc cần ra đời một nghị quyết cơ bản của Đảng về văn hóa văn nghệ. Suốt năm 1987, các giới hoạt động văn hóa văn nghệ quan tâm sâu sắc và tích cực đóng góp ý kiến về các vấn đề văn hóa văn nghệ để kiến nghị với Đảng chuẩn bị xây dựng nghị quyết.

Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị là một mốc quan trọng đánh dấu việc Đảng hiểu rõ những yêu cầu của sự chuyển biến mới trong xã hội và nguyện vọng chính đáng của các văn nghệ sĩ, tức cũng là yêu cầu phát triển và trưởng thành của nền văn nghệ cách mạng nước nhà. Nghị quyết đã xác định những quan điểm cơ bản của văn hóa văn nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển đó.

Nghị quyết ra đời đáp ứng được đúng yêu cầu của cuộc sống, được hầu hết trí thức văn nghệ đón nhận phấn khởi và hồ hởi, đồng thời cũng đặt cho họ phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình làm sao để sáng tạo nên tác phẩm có chất lượng, đóng góp tích cực vào quá trình đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, cụ thể là quá trình dân chủ hóa đất nước, quá trình đổi mới hiện nay.

Khi Nghị quyết đi vào đời sống cũng đặt ra những vấn đề mới trong lãnh đạo và quản lý cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo để giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lãnh đạo, quản lý và tự do sáng tác, nhằm bảo đảm mở rộng tự do tìm tòi đổi mới, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo văn nghệ một cách đúng đắn vì lợi ích con người, vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

Những tháng qua, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị đã được phổ biến và nghiên cứu sâu rộng trong cả nước thông qua hàng loạt bài viết trên báo chí Trung ương cũng như các địa phương, nhiều cuộc hội nghị ở thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố, hàng chục cuộc hội thảo của các ngành văn học, nghệ thuật, các cơ quan văn hóa, báo chí. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã phổ biến Nghị quyết 05 tại Hội nghị các bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đã ra chỉ thị hướng dẫn việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Bước đầu Nghị quyết đã được thấm nhuần trong cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong nhân dân, trong giới trí thức văn hóa văn nghệ và được thực hiện một cách hào hứng.

Từ sau khi có Nghị quyết, sáng tác văn nghệ và hoạt động văn hóa sôi động và khởi sắc, cởi mở hơn.

Sự khởi sắc, cởi mở của hoạt động văn hóa văn nghệ theo tinh thần đổi mới trước hết biểu hiện ở sự ra đời một loạt tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc với những tìm tòi mới về nội dung và sự phát triển đa dạng của phong cách, thể loại.

Nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần thẳng thắn, trung thực, các nhà sáng tác văn nghệ đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật phong phú, phức tạp, phát hiện những vấn đề gai góc của đời sống, khám phá hiện thực và con người trên nhiều bình diện, nhiều góc cạnh. Các tác phẩm mạnh dạn phanh phui, phê phán những hiện tượng tiêu cực, đặc biệt ở khu vực nông thôn, lên án mạnh mẽ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, làm trái tinh thần Đảng, đạo đức cách mạng, bản chất chủ nghĩa xã hội. Sự thật đau xót được phản ánh trong các sáng tác văn nghệ thời gian qua mà trước đây còn ít được phản ánh hoặc được phản ánh nhưng chưa đến mức dữ dằn, nhức nhối, phần lớn là những sự thật chân thật và điển hình.

Phê phán những hiện tượng tiêu cực, song nhìn chung các tác phẩm toát lên được cảm hứng tích cực, tinh thần xây dựng, ý thức trách nhiệm đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân của các tác giả, toát lên được ý tưởng khẳng định một xã hội nhân hậu, công bằng, tiến bộ mà bấy lâu nay chúng ta hằng ấp ủ, phấn đấu.

Do nói lên được tâm tư, suy nghĩ của người nông dân, của các tầng lớp lao động, nên văn nghệ gắn bó hơn với đời sống nhân dân, với nhiệm vụ cách mạng, được đông đảo công chúng tiếp nhận nồng nhiệt, từ đó mà văn nghệ nêu cao sức mạnh và tác dụng của mình, góp phần tích cực thức tỉnh lương tri, báo động dư luận, thúc đẩy quá trình đổi mới của xã hội, của sự nghiệp cách mạng.

Bên cạnh mặt thành công là mặt chính, các sáng tác văn nghệ thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm khó tránh trong quá trình tìm tòi, đổi mới.

Phê phán không khoan nhượng cái xấu xa, tiêu cực, bảo thủ, trì trệ là rất quan trọng và rất có ích trong lúc này, bởi vì chúng ta đang phải đấu tranh quyết liệt với nó để thực hiện đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng; càng quan trọng và cần hơn do văn nghệ chúng ta lâu nay xao nhãng việc này.

Song hiện thực xã hội chúng ta có cả hai mặt luôn đấu tranh với nhau: xấu và tốt, cũ và mới, bảo thủ, trì trệ, và tiên tiến, năng động, do vậy không nên dừng lại việc phê phán, mà cùng với việc phê phán không khoan nhượng những hiện tượng tiêu cực, bảo thủ, trì trệ "cần nhạy bén phát hiện và biểu dương cái mới, khẳng định mầm non đang nảy sinh trong cuộc sống" như Nghị quyết Bộ Chính trị đã chỉ rõ, từ đó mà gợi cảm hứng tin tưởng ở hướng đi lên của đất nước, của sự nghiệp cách mạng. Quả là trong thời gian qua, văn nghệ chưa thật nhạy bén phát hiện những mầm non này, chưa quan tâm đầy đủ khẳng định những cái mới hình thành và phát triển trong quá trình đấu tranh đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ cái cũ.

Xét cho kỹ, một số sáng tác văn nghệ vừa qua còn có phần nặng tính chính luận, thông tấn, báo chí, gây được tiếng vang và sự chú ý phần lớn bằng vào nội dung hiện thực được phản ánh có tính thời sự, nóng hổi, chứ chưa thật giàu sự gia công, tìm tòi có chiều sâu về tư tưởng và nghệ thuật, đạt tới giá trị nghệ thuật cao, lâu bền, mặc dầu bản thân việc gây được xúc động trong công chúng của một số sáng tác đó đã nói lên được phần thành công về mặt nghệ thuật của nó.

Trong từng tác phẩm cũng còn không ít những nét gợn, những tỳ vết. Ta có thể nghe được nhiều ý kiến nhận xét của cán bộ, của nhân dân và của cả các văn nghệ sĩ, như sau: Có tác phẩm còn cái nhìn thiếu bản lĩnh vững vàng thực tế đời sống nên đã lệch lạc, thái quá trong nội dung, thái độ phê phán, dễ gây hiệu quả bất lợi (như ca khúc Trần trụi 87, Đen trắng). Có tác phẩm còn thấp thoáng lối nói móc máy, bóng gió, chưa thật thẳng thắn, ít nhiều gây sự khó chịu, vì ngoài xã hội vấn đề đã được tự do phát biểu công khai (như kịch nói Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Có tác phẩm còn tình cảm quá xúc động chỉ thiên ca thán sự thiếu thốn, kham khổ về đời sống vật chất của cán bộ ta, chưa cắt nghĩa rõ ràng, thuyết phục nguyên nhân của nó và mô tả kết cục của sự thiếu thốn, kham khổ ấy còn có phần phiến diện, do vậy mà tầm tư tưởng, hiệu quả xã hội của tác phẩm bị hạn chế (như kịch nói Em đẹp dần trong mắt anh). Có tác phẩm còn đôi ba hình ảnh so sánh đối chiếu thô thiển giản đơn dễ gây hiểu lầm đáng tiếc (như trong phim tài liệu Chuyện tử tế). Có tác phẩm còn những cảnh khỏa thân làm tình kéo dài không cần thiết, thiếu thẩm mỹ (như trong phim truyện Cô gái trên sông...".

Có thể nói đó là những ý kiến khá chính xác.

Một sự việc rất đáng quan tâm là tình trạng lộn xộn về video cassette. Video là một phương tiện tốt. Nhưng ta chưa đủ kinh nghiệm và điều kiện để quản lý các nguồn băng, nên nhiều loại băng nhập vào không kiểm soát nổi. Đặc biệt là nhiều tổ chức, cơ quan và tư nhân lại coi video là một phương tiện kinh doanh thu lãi, nên tổ chức chiếu bừa bãi càng làm cho tình hình lộn xộn thêm. Các cơ quan có trách nhiệm đã bàn cách quản lý lại nhưng tình hình chuyển biến còn chậm chạp và khó khăn.

Sự khởi sắc, cởi mở của văn hóa văn nghệ thời gian qua còn thể hiện ở sự khởi sắc của hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Cũng với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, xuất phát từ thực tiễn sáng tác, đồng thời dựa trên những tư tưởng lớn của Nghị quyết Đại hội VI, những quan điểm mới về văn hóa văn nghệ trong Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, lý luận phê bình đã đặt ra và bắt đầu được trao đổi ý kiến, thảo luận và đánh giá tình hình văn nghệ những năm trước, về một loạt vấn đề lý luận then chốt như văn nghệ và chính trị, chức năng nhiệm vụ, thuộc tính của văn học nghệ thuật; văn nghệ và hiện thực; phương thức lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ và tự do sáng tác; phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa v.v... Có những ý kiến mạnh dạn, tìm tòi nghiêm túc, bắt đầu đóng góp những gợi ý tốt nhằm đổi mới và nâng cao nhận thức lý luận phê bình văn nghệ trong điều kiện mới. Ở một chừng mực nhất định những ý kiến khác nhau, trái ngược nhau về những vấn đề lý luận cơ bản, cũng như về tác phẩm cụ thể đã được phát biểu công khai, thảo luận, tranh luận bình đẳng với tinh thần cởi mở, dân chủ. Khuynh hướng phê bình độc đoán cũng như khuynh hướng phê bình phụ họa đã được khắc phục khá rõ rệt. Công chúng cũng đã bắt đầu quan tâm tham gia vào công việc phê bình văn học, nghệ thuật.

Tuy có dấu hiệu khởi sắc, nhưng lý luận phê bình văn nghệ vừa qua chưa có bước tiến triển đáng kể. Một loạt vấn đề lý luận mới được đặt ra, chưa vấn đề nào được giải quyết, kết luận một cách sáng tỏ, đủ sức tác động có hiệu quả đến sáng tác và thưởng thức. Bên cạnh những ý kiến mạnh dạn tìm tòi đóng góp tích cực cho đổi mới, cũng còn những ý kiến bảo thủ, cũ kỹ hoặc những ý kiến biểu hiện sự phiến diện, cực đoan trong đánh giá tình hình trước đây cũng như trong đổi mới quan niệm liên quan đến văn hóa văn nghệ. Có không ít vấn đề của văn học, nghệ thuật nảy sinh trong quá trình đổi mới, lý luận phê bình chưa phát hiện nhanh, đánh giá, lý giải một cách thuyết phục, góp phần tích cực, kịp thời tạo nên sự nhất trí cao trong giới văn hóa văn nghệ cũng như trong xã hội, đặng thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới văn nghệ.

Một số văn nghệ sĩ trước đây mắc sai lầm, khuyết điểm đã chịu kỷ luật, được chấp nhận nguyện vọng trở lại sinh hoạt hội nghề nghiệp của mình, đang bắt đầu tiếp tục cuộc sống bình thường của người cầm bút và một số tác phẩm văn nghệ trước cách mạng được phổ biến lại trong công chúng là một biểu hiện đổi mới văn hóa văn nghệ.

Sáng tác của các nhà văn Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Loan đã được in trên các báo chí ở trung ương và địa phương. Nhà xuất bản Thuận Hóa (Bình Trị Thiên) đã in lại cuốn Vượt Côn Đảo của Phùng Quán... Những việc đã góp phần thể hiện không khí cởi mở, tinh thần đoàn kết tập hợp lực lượng trong lao động sáng tác văn nghệ.

Nhiều ca khúc trữ tình trước Cách mạng Tháng Tám của hàng chục tác giả (Văn Cao, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Nguyễn Đình Phúc, Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Tý, Lương Ngọc Trác, Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn, Hoàng Quý...) được trình diễn trong các đêm tác giả và các chương trình ca nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ, của các câu lạc bộ. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Hồ DZếnh... được nhà xuất bản Văn học tái bản. Những sự việc đó diễn ra sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc hơn một thập kỷ, một bước nữa thể hiện quan điểm đánh giá, chọn lọc, sử dụng đúng đắn những di sản văn hóa quá khứ, thái độ trân trọng mọi giá trị văn hóa dân tộc, góp phần làm cho hoạt động văn học, nghệ thuật đa dạng hơn, món ăn tinh thần của nhân dân thêm phong phú. Sự hoan nghênh nồng nhiệt của đông đảo công chúng, cả thế hệ đã đứng tuổi cũng như thế hệ trẻ đối với các tác phẩm từng một thời bị quên lãng được phổ biến trở lại thời gian vừa qua, chứng tỏ việc chọn lựa của những tổ chức biểu diễn, xuất bản văn học, nghệ thuật là chính xác và trách nhiệm. Tuy nhiên, việc dàn dựng một chương trình đậm đặc những sáng tác loại trên đây là điều cần cân nhắc, bởi lẽ việc đó có thể làm giảm hiệu quả tốt về tư tưởng và nghệ thuật của chương trình.

Qua hoạt động văn học, nghệ thuật thời gian qua chúng ta có thể nêu vài nhận xét chung như sau:

Nhìn chung các tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu và cả âm nhạc, tạo hình... đều nổi lên đặc điểm là: tích cực đi vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, mạnh dạn nói lên những sự thật cay đắng và gai góc trong xã hội ta mà từ trước chưa được nói tới. Nói lên những sự thật, hoặc dựa vào chuyện cũ, các tác giả đều có ý thức đấu tranh cho sự tốt đẹp của cuộc đời và con người, đều đề cập những vấn đề quan niệm sống, đến đạo đức và đến yêu cầu đổi mới, như vậy không trái với Nghị quyết Đại hội, mà các tác giả tỏ ra có trách nhiệm với cuộc sống. Văn nghệ có cố gắng gắn liền với hiện thực cuộc sống, nghệ thuật đã tác động vào cuộc sống, nghệ thuật đã không thờ ơ với cuộc sống và cuộc sống cũng không lạnh nhạt với nghệ thuật. Hiệu quả xã hội của nó ở chỗ đã làm cho nhiều người quan tâm đến những ngang trái của cuộc sống, lương tri được thức tỉnh mạnh mẽ. Vì thế không khí hưởng ứng văn nghệ cũng sôi động hơn, có chiều sâu hơn. Vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã diễn hơn 100 buổi vẫn còn nhiều người xem. Phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai Chuyện tử tế được nhiều người nô nức đi xem đông hơn phim truyện. Phim Cô gái trên sông cũng khá đông người xem. Công chúng tỏ ra có trình độ đánh giá tác phẩm nghệ thuật, có nhiều ý kiến nhận xét phim Chuyện tử tế, Cô gái trên sông, Thằng Bờm, kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt rất chính xác và nói chung thống nhất.

Tình hình đó là tình hình bình thường và lành mạnh.

Văn nghệ sĩ đã có ý thức tìm tòi để nâng chất lượng nghệ thuật, không bằng lòng với những cách làm theo đường mòn, tích cực tìm lại những giá trị cũ do điều kiện lịch sử đã lâu không được nhắc đến. Điều đó tạo cho sinh hoạt nghệ thuật phong phú, sôi nổi, chứng minh được thái độ rộng rãi và cởi mở của chính sách văn hóa của Đảng. Nói chung những hoạt động nghệ thuật vừa nói được đông đảo công chúng hoan nghênh và như vậy là đã đáp ứng một thứ nhu cầu của công chúng, đó là nhu cầu bình thường, không có gì lạ.

Tuy nhiên trong các hoạt động văn học, nghệ thuật vừa qua còn có những khuyết điểm đáng chú ý:

- Chưa làm được việc phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, những phẩm chất con người mới đã xuất hiện ở khá nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực.

- Việc phê phán các hiện tượng tiêu cực khá sắc sảo, nhưng cũng có đôi chỗ tác phẩm chưa gợi được những cảm hứng tin tưởng vào hướng đi lên mà khách quan có thể làm nặng nề thêm tâm trạng vốn đã nặng nề trong một số người.

- Cần đề phòng sự quá nóng vội và cực đoan trong việc đổi mới những quan niệm liên quan đến văn hóa văn nghệ, như trong việc đánh giá quá khứ. Trong việc tiếp nhận Nghị quyết, đề phòng tư tưởng bảo thủ, lẩn tránh ngay trong danh nghĩa đổi mới, hoặc lợi dụng đổi mới...

- Quan tâm hơn nữa tới yêu cầu đoàn kết trong văn nghệ sĩ. Cố gắng khắc phục những hiện tượng cá nhân, những hiện tượng cơ hội chủ nghĩa.

Tóm lại mặc dù sáng tác văn nghệ và hoạt động văn hóa theo phương hướng đổi mới thời gian qua có những khuyết điểm, nét gợn, còn khía cạnh phải tranh cãi, nhưng khung cảnh chung là lành mạnh, tích cực, những kết quả vừa gặt hái được do sự tác động của Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị là tốt, hoạt động và văn hóa văn nghệ cởi mở hơn, có hào hứng và khởi sắc, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Nét chung đáng biểu dương là chúng giàu tính chiến đấu và chân thực, gắn bó với đời sống nhân dân, với những vấn đề nóng hổi đang đặt ra trong cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái thiện và cái ác, cái cách mạng và không cách mạng. Do vậy mà nó được đông đảo công chúng hứng thú tiếp nhận, hoan nghênh. Những kết quả trong bước đầu đổi mới đó được khích lệ, nuôi dưỡng, chắc chắn hứa hẹn sự tiến bộ mới, bước phát triển mới của văn hóa văn nghệ cách mạng nước nhà.

Bên cạnh mặt tốt, mặt được là chính yếu, cán bộ, hoạt động sáng tác, lý luận phê bình, biểu diễn văn nghệ vừa qua không tránh khỏi có những khuyết điểm, biểu hiện sự tìm tòi chưa tới. Không nên và không thể vì những khuyết điểm, chuệch choạc có tính chất bộ phận đó mà ngộ nhận diện mạo của chúng. Rồi đây, chắc chắn vẫn sẽ còn tìm thấy những nét gợn, những tỳ vết trong các tác phẩm khá nỗ lực phấn đấu có trách nhiệm theo hướng đổi mới. Đó là điều bình thường, không có gì lạ. Công chúng, sự phê bình và thời gian sẽ tiếp nhận cái được, cái hay, sàng lọc đi những cái chưa được, cái dở, sẽ giúp các tác giả rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng các tác phẩm của mình. Theo cách đó, và chỉ như thế, chúng ta mới có thêm nhiều tác phẩm văn nghệ đạt giá trị cao, hoàn thiện cả về tư tưởng và nghệ thuật.

Thực tiễn hoạt động văn hóa văn nghệ thời gian qua, đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu và giải quyết tốt.

Ta đi vào cuộc chuyển động lớn của sự đổi mới, đặc biệt chung quanh vấn đề quản lý một sự nghiệp tự do. Cần xác định:

- Quản lý, lãnh đạo và tự do sáng tác về bản chất và thống nhất. Sự lãnh đạo và quản lý phải được đổi mới và nâng cao để bảo đảm chính sách tự do sáng tác.

Phải kiên trì chính sách tự do sáng tác, luôn luôn cố gắng vươn lên, nhất thiết không thể "làm nhiễu" trở lại đường mòn cũ.

- Muốn thế cần thiết kế một cơ chế mới, về nguyên nhân của cơ chế mới có ba nội dung rõ rệt: không cấm những tác phẩm không phạm luật; có sự phê bình náo nhiệt và ở trình độ cao; tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các hội đồng nghệ thuật. Cho đến khi có cả ba yếu tố này, vẫn còn có thể xảy ra những lúng túng và sự tranh cãi. Cần xác định một cơ chế quy định trách nhiệm quyền hạn cụ thể của các cơ quan lãnh đạo, quản lý ở trung ương và địa phương, của các cơ sở nghệ thuật. Có những quy trình xử lý các việc xảy ra. Và những quy trình đó cố gắng khắc phục được những mâu thuẫn.

Cơ quan lãnh đạo, quản lý có sự can thiệp mà tác động đến việc hạn chế tự do trong sáng tạo thì không tốt; không có cấm đoán, nhưng lại có dự duyệt và ngăn một cách ngặt nghèo thì không tốt. Cơ quan lãnh đạo, quản lý cần nâng cao trình độ lý luận để chỉ can thiệp bằng thuyết phục, giúp đỡ cho các tác phẩm được hoàn thiện hơn.

Do bảo đảm tự do sáng tác, nên các tác giả có thể vì chủ quan mà tạo nên những tác phẩm có những điều hoặc lệch lạc, hoặc quá trớn chút ít, hoặc không hay. Nhưng ta đã có sự phê bình và ta có quyền can thiệp kịp thời, không có gì đáng lo ngại.

- Tâm trạng xã hội đang rất phức tạp, những khó khăn về kinh tế đời sống, cùng những mặt khó khăn khác vẫn còn tiếp tục tác động mạnh không thuận lợi đến tâm trạng xã hội. Đó là tâm trạng bất bình thường và căng thẳng. Văn nghệ vốn có sức mạnh riêng, sức mạnh đặc biệt có thể dễ dàng tác động nhạy bén vào tâm trạng trên theo hướng tích cực, hoặc theo hướng không tích cực. Vì vậy nhiệm vụ văn nghệ rất nặng nề và tế nhị. Do đó cần kêu gọi, yêu cầu và giúp đỡ văn nghệ sĩ nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân trước tình hình phức tạp của đất nước, rèn luyện thêm những cảm hứng cách mạng sâu sắc, nâng cao ý chí đấu tranh chống cái xấu, đấu tranh cho cái mới, cái đẹp để góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy quá trình cách mạng đi lên.

Mỗi một chuyển biến, đổi mới trong đời sống xã hội đều tất yếu xảy ra những xao động. Tuy có những xao động không tránh khỏi, nhưng tình hình chung là khởi sắc, cởi mở và hứa hẹn tốt đẹp. Ta cần bình tĩnh và không nên nôn nóng hoặc hoảng hốt trước một vài biểu hiện cụ thể chưa được thật chuẩn, thật chỉnh. Ta có thể tin cậy đầy đủ vào đội ngũ văn nghệ sĩ của ta và tin cậy vào nhân dân ta.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 26 (26-6-1988)

 Mục lục

12-2-09