ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, số 40 (1-10-1988)

 

PHÊ BÌNH TỰ PHÊ BÌNH

PHONG LÊ

I

Trong bài nói của đồng chí Gorbachev ngày 27 & 28 tháng 1-1987 về Công cuộc cải tổ và chính sách cán bộ của Đảng ở Liên Xô thì "những khái niệm lý luận về chủ nghĩa xã hội phần lớn dừng lại ở trình độ cuối những năm 30, đầu những năm 40". Đó là nơi có bề dày truyền thống về lý luận hàng thế kỷ, có biết bao Viện Hàn lâm, bao học giả, viện sĩ, giáo sư... Vậy thì ở ta đâu dễ sáng tạo khi mãi đến đầu những năm 60, chỗ dựa cho sự vận dụng, phát triển lý luận văn học mới là được rút ra từ mấy bộ sách "nguyên lý" của Abramovich và Timofeev được dịch cấp tốc từ tiếng Nga – ra mắt cùng lúc với bộ Lịch sử văn học Xô viết của chuyên gia Melich Nubarov (một chuyên gia có học vị phó tiến sĩ, hình như chưa có mấy tiếng tăm ở Liên Xô) được mời sang giảng ở Đại học Tổng hợp vừa mới thành lập. Chúng ta hẳn còn nhớ tác dụng lớn lao của mấy bộ sách đó – nó là cơ sở cho việc biên soạn sách giáo khoa về lý luận văn học, là cơ sở cho các loại trích dẫn trong sinh hoạt lý luận phê bình thường nhật, và trước mắt nó là cơ sở cho một cuộc hội thảo về mấy vấn đề cơ bản của văn nghệ, nhằm chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn lần thứ II.

Và không phải chỉ rút từ mấy bộ "nguyên lý" của Liên Xô. Còn những nguồn khác, từ Pháp, như cuốn sách mỏng, giản lược về Chủ nghĩa Mác và văn học của Jean Phrevin. Và cả từ Trung Quốc, qua bộ sách lý luận của Ba Nhân, bên cạnh bản dịch Học tập tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông sau cuốn Bàn về văn nghệ Diên An, trong một thời gian dài, cũng thuộc số cuốn được vận dụng và trích dẫn nhiều nhiều.

Nói lại những chuyện trên, trong tình hình hôm nay, tôi nghĩ là chúng ta không còn gì ngại sợ hoặc xấu hổ về bệnh ấu trĩ; và như vậy không phải để đổ trách nhiệm cho ai, mà để thấy một hạn chế chung của lịch sử.

***

Suốt cả một thời gian dài kể từ sau cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm cho đến hết thời kỳ chống Mỹ, công việc phê bình của chúng ta, theo tôi nghĩ, gần như chủ yếu là bình, chứ không phải phê. Bình đóng góp của tác giả, bình cái hay của tác phẩm. Như một sự hô ứng trong cuộc tác chiến hợp đồng: sáng tác thì nhằm vào ca ngợi cái mới của đời sống, khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và sản xuất của nhân dân... Còn phê bình thì nói cái hay, cái đẹp của văn chương. Cuộc sống mới "ra ngõ gặp anh hùng" – lại do hoàn cảnh thời chiến, và do yêu cầu phải huy động sức người, sức của cho chiến đấu, nhà văn không được phép, và cũng không đành lòng nói cái xấu, cái tiêu cực – nếu có lúc được nói, hoặc cần phải nói thì cũng chỉ là một động tác vờn nhẹ, và mục tiêu dứt khoát không phải là chỉ trích hoặc kê bệnh, mà là nhằm làm nổi bật mặt tốt, mặt vươn lên của hiện thực. Còn phê bình thì, từ đời sống mà đối chiếu để diễn giải, để bình giảng, để tôn thêm lên cái đẹp của cuộc sống trong văn chương; thậm chí lắm khi tác phẩm chỉ là cái cớ để người viết bình về những vấn đề chung của cách mạng, chẳng hạn: "Mỹ thì Mỹ, cóc sợ!" - "Sức mạnh Việt Nam" - "Anh giải phóng quân, con người đẹp nhất!" - "Người mẹ cầm súng, người mẹ anh hùng". Thành ra việc thẩm định văn chương cứ như là bình luận chính trị xã hội. Kể cũng là những dụng ý tốt, nhưng lại đi xa... nghề nghiệp. Nói sự tồn tại của khuynh hướng phê bình "xã hội học dung tục" có lẽ là ở dạng đó chăng? "Xã hội học" thì đúng, nhưng "dung tục" thì quá nặng! Tóm lại, đời sống văn học suốt trong một thời gian khá dài như là sự cộng hưởng của những giai âm ca ngợi, khẳng định... Cố nhiên, trên toàn cục, đời sống văn học cũng có những khi không êm ả, do có giai điệu lạc, hoặc những tìm tòi không thuận theo guồng chung. Những khi ấy "phê" là chính, phê nặng hơn bình. Và đã là phê, thì gần như là "nhất hô bách ứng", không chỉ riêng trong khu vực văn chương, mà tất cả đội quân báo chí, chữ nghĩa dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn, hoặc cao hơn nữa, cùng ra quân. Có thể nói đến cả một chiến dịch, lớn hoặc nhỏ, để vây bắt "hung thủ" hoặc "khổ chủ", từ các "vụ" lớn và kéo dài như Nhân văn - Giai phẩm đến các "vụ" lẻ tẻ như Vào đời, Đống rác cũ... Cây táo ông Lành, Chuyện một đêm đợi tàu... rồi Vòng trắng, Sẹo đất... hoặc chưa thành "vụ", nhưng do sự định hướng trong dư luận, nên cũng nổi cộm lên thành vấn đề như Mạch nước ngầm, Những người thợ mỏ, Cái gốc, Tình rừng... Ở tất cả những vụ việc, hoặc những cái "có vấn đề" như trên, khó có "tội nhân" hoặc "nạn nhân" nào thoát được, và cũng khó ai dám bênh che hoặc biện hộ. Từ các cấp lãnh đạo, các vị chủ báo, hoặc quần chúng "cơ sở", rồi các cây bút phê bình... Tôi có chủ ý sắp xếp theo thứ tự như trên để thấy trật tự nặng nhẹ trong cán cân dư luận... Và để thấy giới phê bình được xem là chuyên nghiệp, nếu tiếng nói muốn có trọng lượng thì phải gắn với một chức trách nào đấy – chức trách càng cao thì độ "tin cậy" càng tăng, và phải có công cụ ngôn luận trong tay. Chẳng hạn nói nhà phê bình Hoài Thanh, cần phải hiểu ngầm, và hiểu thêm, đó là ông Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Phó viện trưởng Viện Văn học; nói ông Hồng Chương là nói ý kiến của Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Trung ương Đảng, v.v... Còn nếu chỉ với danh nghĩa là một cây phê bình thuần túy, trần trụi, không chức tước, không có hậu thuẫn gì ở phía sau, tóm lại, với danh nghĩa cá nhân – như một nhà chuyên môn dám chịu trách nhiệm về tư cách nghề nghiệp của mình thì trọng lượng tiếng nói của họ cũng chỉ vừa phải thôi, không nên quá cường điệu uy lực của họ. Nếu có bạn nào đó nói đến hiện tượng phê bình "quyền uy", và tình hình "bao cấp" trong giới chúng ta thì tôi muốn biểu thị sự đồng tình trong phạm vi các hiện tượng trên, và giới hạn phạm vi tác động của nó như đã kể.

Từ tình hình lấy "bình" làm chính, và "phê" thỉnh thoảng nổi lên gay gắt trong một số vụ việc, nhằm vào mục tiêu chung rất mực đúng đắn mà ai cũng có thể nêu là bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, là xây dựng nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một bức tranh hồng hào, tươi khỏe về cuộc sống mới con người mới, và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, có thể nói, trong cả một thời gian dài, nền lý luận phê bình của ta cùng đồng hành với sáng tác trên một đại lộ, cùng hưởng một khí hậu chung, cùng chịu một từ trường chung. Cũng khí hậu ấy, cũng từ trường ấy, khó có âm điệu gì khác. Do vậy, tôi muốn xem đây là một hạn chế chung của lịch sử. Còn muốn gọi nó là căn bệnh gì: là áp đặt, minh họa, xơ cứng, một chiều... thì tùy. Một hạn chế không riêng phê bình chịu, mà là chung cho cả sáng tác - phê bình. Có ai đó nói: Lý luận phê bình từng nhiều lúc hóa đá. Tôi tưởng nếu ý đó là đúng thì không ít sáng tác cũng là những tượng, những phù điêu đá; và nếu là hoa thì cũng là hoa trên đá, hoặc hoa đá.

II

Trên các văn kiện của Đảng và trong sinh hoạt lý luận, không ai và cũng không lúc nào không có sự xác nhận vị trí quan trọng của lý luận phê bình. Cao quý biết mấy khi xem nó là "phương thức chỉ đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ". Kỳ vọng ở nó rất nhiều: là lính gác, là xung kích, là bà đỡ, là người bạn đồng hành cùng sáng tác, là tri âm tri kỷ... Đòi hỏi ở nó không ít: là tính chiến đấu, tính khoa học, tính nghệ thuật... Người nào làm hoặc bình và công tác phê bình cũng đều có thể tìm ra chỗ dựa ở những dẫn trích về chức trách và sứ mệnh cao quý đó. Nhưng trong thực tế, trước yêu cầu lớn lao và chính đáng đó, đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp của chúng ta lại quá ít và chưa được chăm sóc.

Hãy mạnh dạn nhìn vào sự thật để thấy được thực trạng đội ngũ phê bình của chúng ta ra sao? Đã có đội ngũ chuyên nghiệp chưa? Tôi nghi ngại về khái niệm này lắm. Kể ra nếu chịu khó liệt kê thì cũng có một danh sách gồm từ người có chức trách cao trong bộ máy lãnh đạo văn hóa văn nghệ đến những người được xem là chuyên nghiệp, gồm nhiều thế hệ. Nhưng sự hành nghề bằng chính tên gọi thì ít ai thấy thật khớp, thật hợp với mình. Gọi họ là người lãnh đạo, nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà biên tập, nhà dịch thuật thì được, còn nhà phê bình, nghe ra thế nào! Vậy là sự hành nghề số lớn gần như là bằng tay trái – và hiện tượng đó có nhiều nguyên nhân sâu xa cần đi sâu. Được gọi là nhà phê bình, cho đúng với tên gọi, cho xứng với chức trách, và cho đạt sự yên tâm của người làm, được mấy ai! Tôi nghĩ con số đó không nhiều đâu. Không nhiều, không thật chuyên, trong đối xử lại có sự bất công, thế nhưng lại phải đảm trách một sứ mệnh quá lớn. Lớn, thì không vừa tầm. Đã lớn, lại còn khó nữa. Đem cái khó này vận vào từng cá nhân, lại càng thấy nặng...

***

Tôi đã đọc bài phát biểu của anh Nguyễn Quang Sáng trong dịp gặp đồng chí Tổng Bí thư, và dừng lại ở cái ý: "Viết không viết, vẽ không vẽ, chỉ có khen với chê cũng không làm đúng". Không biết loại như trên là ai? Còn nếu đây là sự quy hẹp vào giới phê bình thì ngẫm ra, quả là buồn. Phê bình nói gọn lại, như chính tên gọi, chỉ là phê và bình, khen và chê, việc đó đơn giản biết bao, và ai làm mà chẳng được, thế mà không nên chuyện.

Nhưng rồi sau cái buồn, lại đến với tôi một tâm trạng gì đó, như là một nỗi oan. Phê bình khó chứ! Đến bây giờ sau gần 30 năm làm quen với nghề, tôi vẫn thấy như mình chưa đi vào nghề. Vẫn cứ là quanh quẩn, tiến lui thế nào! Có cái gì đó khó, và quả có cái gì đó bó. Tôi lại nhớ bài một đồng chí lãnh đạo kể cái chuyện anh tác giả nấp sau cánh gà toát mồ hôi theo dõi trộm từng cử động của đồng chí trong tư cách người được mời duyệt vở, và rồi chính đồng chí lãnh đạo ấy cũng nói lên trạng thái toát mồ hôi của mình vì sợ khen – chê không đúng. Vậy nếu quả khen chê là dễ thì việc gì anh tác giả phải hồi hộp nấp sau cánh gà và người lãnh đạo phải toát mồ hôi?

Điểm lại lịch sử văn học nhân loại, con số giáo sư, tiến sĩ thì nhiều, nhưng số nhà phê bình nổi tiếng có bao nhiêu đâu. Và ngay trong sự ít ỏi ấy, cũng không thiếu người phê bình nổi tiếng mà vẫn nhầm, hoặc để sót những tài năng lớn. Thế kỷ XIX ở Pháp có hai nhà phê bình nổi tiếng là Brunetière và Sainte-Beuve thì một người để sót Balzac, một để sót Stendhal.

Và nếu nói do là làm phê bình nên không hiểu những chuyện bếp núc của sáng tác, không có năng lực cảm thụ, hoặc cái khiếu bẩm sinh là nghệ sĩ mà khen – chê nhầm thì đây, chính nhà văn, thậm chí là nhà văn lớn vẫn cứ có sự đánh giá sai, hoặc bất công về nhau. Lev Tolstoi không chịu được Shakespeare. Và Stendhal, dưới con mắt của Victor Hugo và Gustave Flaubert, là một anh thợ viết xoàng, không chút tài năng gì. Những dẫn chứng như vậy có thể nêu nhiều. Cũng không hiếm chút nào trong văn học ta. Giải thích điều này không khó, và cũng lắm thú vị, giúp sáng tỏ "những trói buộc" và hướng "tháo gỡ" trong đời sống văn học ta, nhưng tôi không muốn sa đà vào chuyện này.

Nêu những dẫn chứng trên tôi muốn nói việc khen chê là không dễ. Và do đó người phê bình cũng có thể nhầm, cũng có quyền nhầm. Cái nhầm đó ở họ, thời gian sẽ giúp họ sửa chữa, hoặc người khác sửa chữa cho họ – cũng chẳng sao! Miễn là họ biết hành nghề với tất cả lương tâm và trách nhiệm. Miễn là họ biết tránh, biết thù ghét cái tệ giản đơn, sơ lược, áp đặt, và nhất là cơ hội – vốn là loại bệnh dường như lúc nào cũng có: lựa gió theo chiều, đánh mất bản thân để cầu lợi cho cá nhân.

Cái nghề khó thế, và càng khó trong thực trạng kinh tế – xã hội mà chúng ta đang trải hôm nay. Nếu toàn giới chúng ta cùng chịu chung một sức ép của sự kiếm sống - sống để viết hoàn toàn không được thì nói như Béranger đành có lúc phải viết để sống. Nhưng viết ở thời điểm hôm nay đâu có dễ sống được. Sống bằng sáng tác đã khó, sống bằng phê bình càng khó gấp dăm mười lần hơn. Do vậy nếu đội ngũ có teo đi do bỏ nghề, chuyển nghề, hoặc chỉ hành nghề bằng ngẫu hứng, và tay trái, thì cũng là điều dễ hiểu.

III

Phê bình là khó – người phê bình phải được trang bị như thế nào đó để có thể khen chê đúng. Tôi nói có thể, vì xác suất một trăm phần trăm ở đây là khó lòng thực hiện được. Phê bình là khó, vì phải chịu nhiều sức ép – sức ép từ tác giả, và cả từ công chúng. Tác giả thì không phải ai cũng dễ tính, và thường thì cũng dễ chủ quan – "văn mình vợ người" mà! Còn công chúng là một thực thể phức tạp và luôn biến động. Người phê bình đi giữa hai cực đó, phải cùng lúc thỏa mãn cả hai phía, đại diện cho phía này để đối thoại với phía kia. Và do chịu nhiều sức ép như vậy, nên ngoài sự trang bị, còn cần sự dũng cảm. Soi vào đội ngũ, qua bản thân tôi, tôi thấy cả hai tiêu chuẩn đó xem ra mình đều thiếu.

Sáng tác dễ yên ổn hơn với sản phẩm của mình. Hình tượng rộng hơn tư tưởng. Tư tưởng qua hình tượng như một cách nói bóng và thường hàm chứa nhiều nghĩa. Còn phê bình là tư tưởng trần trụi. Là sự trực diện khen chê. Không nói chê, ngay cả khen thôi cũng không dễ hết sự phiền. Vì khen người này có nghĩa là không khen người kia. Khen đúng đã khó, nhưng dẫu sao việc có cái hay để nói là khoái, là vui cho cả hai, là do vậy, là dễ cho người bình. Còn chê, càng khó; vì không phải ai và lúc nào cũng có thể nói thẳng ý kiến của mình. Chê, khó biết mấy đối với những người có chức trách cao. Hoặc một số "thần tượng" văn chương đã quen được xếp vị trí của mình ở trên. Trong tình hình đó không ít người phê bình, nếu muốn nhập cuộc thì phải rào đón, và thường quen tìm sự yên ổn ở cái việc bình tán, bình chứ không phê! Và bình, chỉ có nghĩa là diễn giải nội dung, và thuyết minh về tư tưởng. Theo cái logic nội dung tách rời hình thức ấy, thì người càng có cương vị cao, có trách nhiệm xã hội cao, thì giá trị văn chương phải cao; hoặc giá trị văn chương tuy ít, cũng phải soi gạn cho hết để nâng lên mức cao. Thang bậc văn chương vô hình trung, dù muốn hoặc không, được xếp theo thang bậc xã hội. Quả không khó tìm dẫn chứng cho tình trạng đó trong sinh hoạt phê bình, từ các bài lẻ có mặt thường xuyên trên các báo, đến hầu hết các công trình nghiên cứu, biên khảo, hợp tuyển, giáo khoa, nó chi phối không chỉ ở các ý kiến đánh giá mà đến cả cách sắp xếp trước sau, liệt kê thứ tự...

Đó là lỗi ở người phê bình, chứ không phải là lỗi của lịch sử.

Anh Nguyễn Minh Châu có nói đến "cái hèn" của giới sáng tác – đúng sai ra sao còn phải bàn. Còn "cái hèn" của giới phê bình, nếu đúng như thế là hèn, tôi nghĩ là ở phía đó.

Tôi nói nhiều về cái khó và thực trạng non yếu, gồm những thái quá và bất cập, chung cho đội ngũ và cá nhân giới phê bình không phải để gây sự nản lòng. Nếu cái nghề có khó khăn, thì cái nghiệp giữ lại. Khó, nhưng vẫn phải có người hành nghề, như một tất yếu, một đòi hỏi của thực tiễn, không phụ thuộc vào ý muốn của một cá nhân nào, dù là người có uy tín nghề nghiệp, hoặc quyền cao chức trọng đến đâu. Nếu có ai đó bỏ nghề, thì có người khác lại vào nghề như một dòng sông chu chuyển không ngừng. Không kể sự phê bình của công chúng là một thực trạng tự nhiên không ai có thể cấm đoán hoặc ép buộc. Vì sự tồn tại hợp lẽ, bình thường của một nền văn học hoàn chỉnh bao giờ cũng cần sự hiện diện của lý luận – phê bình, như một bộ phận hữu cơ. Tôi không muốn mượn những chữ to tát để nói về công việc phê bình như là ý thức của sáng tác, triết học của văn chương, mà chỉ muốn xem đời sống văn học như một cơ thể, không phải vì đã có mắt mà không cần tai, có đầu óc mà không cần chân tay. Có ai đó nói đến sự đối lập, sự đố kỵ, sự không chịu nhau, gây cản trở cho nhau giữa sáng tác và phê bình. Còn tôi, xin được nghĩ khác. Giữa hai giới không hiếm những tình bạn, tình đồng nghiệp quý mến và tôn trọng lẫn nhau. Nếu có cọc cạch hoặc căng thẳng thì chỉ là giữa một số cá nhân khác nhau về cá tính, về quan niệm, hoặc vì một lý do lịch sử nào đó (nhưng ngay những lý do này cũng không phải là những "hàng rào điện tử" không thể vượt qua để xây dựng tình bạn). Tôi muốn kết thúc bài này ở một nhận xét lạc quan như trên về tình hình đội ngũ chúng ta, mong được xem là cơ sở cho sự phát triển của phong trào trong giai đoạn mới, một giai đoạn rất cần sự hợp lực, hướng tâm, chứ không nên là sự phân tán, ly tâm; sự đoàn kết chứ không phải phân rã; sự tiết kiệm và phát huy năng lực sáng tạo chứ không phải sự phí sức vào những tranh cãi gay go để phân thua được.

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 40 (1-10-1988)

 Mục lục