ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 16 (22-4-1989)

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC
TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI

PHONG LÊ

Bức tranh chưa đầy đủ của lý luận phê bình

Trong sự nghiệp đổi mới văn học, diễn ra hai năm qua, nói cho công bằng, lý luận phê bình là bộ môn nhập cuộc khá sớm. Nhưng điều đáng tiếc là sự nhập cuộc đang hứa hẹn đà sôi nổi, phấn chấn lại không được tiếp tục trong trạng thái bình thường, lành mạnh, mà lại đi kèm một sự xô xát, có gây nên các thương tổn cá nhân, khiến cho mất vui. Các cuộc bàn luận do vậy bị rẽ sang những hướng khác, có phần xa với yêu cầu học thuật, hoặc lại trở về thế độc thoại, không có đi có lại. Trong bối cảnh đó, nhiều người lùi ra, tránh né, vì không muốn dính vào một cuộc cãi vã mà họ không muốn, xét ra cũng khó và cũng không ích lợi gì trong việc phân xử được thua, phân biệt đúng sai, càng không muốn đứng về phe này hoặc phái kia. Sự im lặng này càng được củng cố vì các báo quá ít trang cho phê bình - chúng ta lại không có tờ chuyên cho phê bình; có tờ lại chỉ nhất thiết đăng bài theo khuynh hướng riêng, ai có quan điểm phù hợp thì được đăng nhiều, viết dài; ai khác thì xin chờ đấy. Giới lý luận phê bình số lớn không chuyên, họ ăn lương làm việc khác, thấy việc tham gia, nhập cuộc khó quá, lẽ tự nhiên họ lảng ra.

Đó là thực trạng đã diễn ra và quá chậm được sửa đổi. Cố nhiên bên cạnh bài vở, cũng đã có những cuộc bàn miệng – bàn ngoài đời ở các bàn tròn. Một số cuộc này được tường thuật trên báo chí, theo tôi đã gợi được không khí, có bù đắp được ít nhiều sự trống vắng, một chiều. Bên cạnh một số ý kiến khác đã có đời sống trong dư luận, hứa hẹn sự thú vị, bổ ích, nếu được phát triển thành bài, được khai triển đến cùng, trên tinh thần truy cầu chân lý mà không bị quy chụp, đe dọa, hoặc không bị xen vào một động cơ gì khác. Từ tình hình trên, theo tôi nghĩ, một nhận định chung về hoạt động lý luận phê bình hai năm qua cần chú ý thêm khía cạnh này: sự non yếu của lý luận phê bình là có; nhưng do dẫu có yếu, có thái quá hoặc bất cập thì tiềm năng, phần dự trữ, phần chưa được bộc lộ ra quả còn lớn, còn phong phú hơn ta tưởng. Giá tạo được không khí và có hoàn cảnh tốt cho lý luận phê bình nhập cuộc, thì biết đâu, sự nghiệp đổi mới văn nghệ ta nói chung sẽ bớt được va vấp, và có được kết quả tốt hơn.

Nếu quá khứ là tốt đẹp thì hà tất cần đổi mới? kết quả của đổi mới trong sáng tác là rõ rệt, nhưng là một quá trình và không tách rời với cái cũ.

Việc nhận định lại tình hình văn học thời gian qua cả sáng tác và phê bình, rõ ràng có đóng góp vào việc đổi mới tư duy, là một hiện tượng của đổi mới tư duy. Đặt vấn đề phê phán cái cũ là đúng, là kịp thời, nếu không nói là quá muộn. Nếu cái cũ đã là tốt thì hà tất cần đổi mới hôm nay! Có những điều làm giật mình và đau lòng, nhưng ngẫm lại thấy cần phải có cái đau như vậy mới có thể tỉnh ra, nếu chúng ta không muốn tất cả cứ lăn theo vết cũ. Tôi giật mình vì "ai điếu" của Nguyễn Minh Châu, lại giật mình vì "cái thời lãng mạn" của Nguyễn Khải. Sao các anh viết tâm huyết và thông minh đến thế, nhạy cảm và thức thời đến thế! Nhưng rồi ngẫm lại, sau cái giật mình, vì được cú đánh làm cho tỉnh ra, lại thấy phải giữ cho được sự tỉnh táo (nó là công của cú đánh), để nhìn nhận cho sáng rõ và cho công bằng. Không phải vì trước đây ta quá bốc, quá khen, bây giờ ngượng! Chẳng gì phải ngượng. Không phải vì mình quá yêu quá khứ - vì trong quá khứ có mình. Đọc bài anh Nguyễn Đăng Mạnh trên Văn nghệ, số 35 (29-8-1987), thấy cả một thời phê bình bây giờ nhìn lại, thấy đều mất giá, mà chỉ còn một vệt bình giảng văn chương mà thôi. Dĩ nhiên là có buồn phiền, nhưng xin nói thật là tôi không tự ái chút nào khi thấy số lớn người phê bình, bây giờ điểm lại hành trang thấy không còn gì. Nhưng không phải vì không có mình (hoặc có mình) mà không biết yêu đứa con tinh thần chung cho cả một giai đoạn. Tôi cho rằng quá khứ cũng có nhiều cái được, tuy không thật lớn, nhưng cũng không đến nỗi thấp bé, lè tè. Chẳng lẽ những trang như của Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Thi... không có gì đáng giá, không còn gì để nói với hôm nay và mai sau? Họ đã viết hết mình, sống hết mình. Họ đã viết với tất cả quyền tự do trước trang giấy, và của ngòi bút, chứ không chịu bất cứ một sự áp đặt hoặc đe dọa nào. Không nói đến chuyện họ đã hy sinh... Tôi không muốn là người lúc nào cũng dựa vào sự "hy sinh", vào tư cách "nhà văn - chiến sĩ" được nói quá nhiều về họ để dọa ai. Các tên tuổi ra đi quá sớm. Nhiều việc họ chưa kịp làm. Nhưng còn tất cả những người còn sống, tính từ Tố Hữu cho đến Trần Đăng Khoa? Cả một thời gian rất dài, không biết bao người đã bình thơ Tố Hữu, tôi không tin họ nói lời giả, ý giả.

Cách đây chưa thật lâu, trong một Hội thảo lớn về văn học do Viện Văn học và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, một nhà văn trong giới lãnh đạo của Hội có nói, đại ý, giá trong mấy chục năm chiến đấu đó, "ta không có một chữ văn học nào thì có lẽ cũng không ai trách được ta"[1]. Thế mà ta đã làm được. Tôi không muốn nhắc lại những chuyện ta đã làm được theo sự phân tích của tác giả lúc đó. Các nhận định cũ hôm nay có thể điều chỉnh hoặc thay đổi. Nhưng từ chỗ khiêm nhường đến mức "không cần có chữ gì", đến chỗ có, rồi lại bắt bẻ và bất mãn với nó thì khoảng cách có xa quá không? Tôi không sợ bị quy là bảo thủ khi cho rằng cái phần ta đã làm được đó, dẫu khiêm tốn đến mấy, cũng là lớn hơn nhiều lần con số 40 truyện ngắn, 40 bài thơ như một giới hạn khiêm tốn nhất, và cũng là khe khắt nhất, mà một nhà thơ đàn anh đã đặt ra để cho ta yên tâm. Các giá trị đã qua là có mà không cần bất cứ sự nhân nhượng hoặc chiếu cố nào. Nếu bây giờ, giả định bạn đọc có sao lãng – riêng tôi, tôi không tin có sự sao lãng đó, thì tôi cũng chính bạn đọc sẽ lấy lại sự cân bằng, trong độ lùi cần thiết của lịch sử, và khi các chuẩn mực mới của đời sống được điều chỉnh, và đi vào thế ổn định.

Còn văn học hôm nay phải khác, phải mới hơn văn học hôm qua là tất nhiên. Cũng như văn học hôm qua. Đã từng là cái khác, cái mới so với văn học trước 1945, và xa hơn nữa. Văn học hôm nay phải có gương mặt riêng của nó: và gương mặt đó theo tôi đã được chuẩn bị hình thành từ buổi đầu thập kỷ này, trong những tiếng nói của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Dương Thu Hương, Xuân Cang... chứ không phải chờ đến hôm nay. Như vậy cái hôm nay chỉ là một sự tiếp tục. Nhưng cái hôm nay cũng không hoàn toàn là sự nối dài của danh sách cũ. Sự xuất hiện mới của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái, Dạ Ngân, Đoàn Lê, Phạm Thị Hoài... quả có thể xem là sự chuẩn bị – và cũng là hệ quả cho những nhu cầu và chuyển động của đời sống văn học ta chung quanh cương lĩnh đổi mới của Đại hội Đảng. Thời điểm và địa bàn nào đã tạo cơ hội cho sự xuất hiện những cây bút ấy cần được ghi công. Còn về công tác lý luận – phê bình? Thái độ của họ trước các hiện tượng mới trong sáng tác như đã kể trên thế nào? Nhen nhóm, vun trồng, bảo vệ? Hoặc e dè, ngập ngừng? Hoặc kinh sợ, phản bác? Đã diễn ra các cuộc tranh luận với các ý kiến đối ngược nhau về một số hiện tượng mới xảy ra. Đó là chuyện bình thường. Sự tranh luận xem ra còn rất căng, chưa bên nào chịu bên nào. Cũng nên xem là bình thường. Nhưng điều không bình thường là chúng ta đã, hoặc là thái quá, hoặc là bất cập; và giữa hai cực đó, sự tranh luận, do mang rất nhiều nhe nhắm hoặc tâm sự, nên chỉ còn nhằm vào chuyện hơn thua; nói rằng bảo vệ chân lý nhưng thực ra là bảo vệ cá nhân; và khi mục tiêu nghiêng về cá nhân thì ngôn ngữ, giọng điệu chẳng còn mấy sự bình tĩnh.

Có hay không vấn đề hai bá quyền: chính trị và văn nghệ?

Trên bình diện lý thuyết, câu chuyện văn nghệ và chính trị như đã được quan niệm nhiều chục năm nay, theo tôi vẫn là trên cơ sở nhất trí với ý kiến của Hồ Chủ tịch: "Văn hóa - nghệ thuật cũng là một mặt trận", "Văn hóa văn nghệ ở trong nền kinh tế và chính trị". Do yêu cầu đổi mới, nếu cần thiết cũng nên mạnh dạn trở lại các ý kiến đó mà bàn. Xem đó vẫn là "kinh điển", hoặc phải điều chỉnh sửa đổi? lấy đó làm cơ sở cắt nghĩa mọi thành tựu, hoặc thấy ở đó sự chật chội, gò bó, làm đẻ ra các non yếu, tệ bệnh? Phần tôi, cho đến nay, tôi cho rằng lý thuyết đó vẫn cứ đúng; và cố nhiên, trên cách hiểu đó, vị trí văn nghệ không bị hạ thấp, không bị lép vế trong quan hệ với chính trị. Tôi cho rằng nhân tố chính trị bao giờ cũng là cái quyết định mọi mặt khác của đời sống xã hội. Nhưng không phải chính trị tốt thì văn nghệ tốt, theo một công thức đơn giản. Truyện Kiều là sản phẩm của một thời đại cực kỳ nhiễu nhương. Sáng tác của Nam Cao trước 1945 dứt khoát là hay hơn sau 1945. Chưa đợi có sự lãnh đạo của Đảng, Vũ Trọng Phụng vẫn có thể viết được những tác phẩm vào loại xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam hiện đại. Nhưng không phải từ đó mà quy ra càng chính trị phản động và càng xã hội thối nát thì mới đẻ ra văn nghệ hay. Tác động của chính trị (bao gồm các thể chế, quan điểm, chính sách và người điều hành) đối với văn nghệ phải qua nhiều khâu. Chính trị tốt không trực tiếp đẻ ra văn nghệ hay, nhưng dứt khoát tạo những điều kiện thuận lợi cho văn nghệ hay nảy nở. Và cố nhiên, nói điều kiện, mới chỉ là nói yếu tố khách quan: Mác có nói xã hội mới không tạo ra Raphael...; còn việc chuyển được điều kiện tốt sang sản phẩm hay là ở vai trò chủ thể nhà văn. Cái này mới là nhân tố quyết định. Nam Cao chưa kịp có nhiều sản phẩm hay sau 1945, nhưng chỉ có chế độ mới sau 1945 mới trả lại giá trị và khẳng định tuyệt đối cái hay của Nam Cao. Tôi không biết có nhà văn nào muốn lấy tác phẩm hoặc bản lĩnh cá nhân của mình để khẳng định một thứ bá quyền chính trị? Những nhà văn chân chính đứng về phía nhân dân cố nhiên là ở về phía đối lập với chính quyền phản dân. Chân lý đó quá đơn giản để cho ta nhận dạng các giá trị được lưu lại từ những Tắt đèn đến Cái đêm hôm ấy... đêm gì. Những chuyện tàn nhẫn, bất lương trong tác phẩm Tắt đèn tưởng đã vĩnh viễn qua đi, đau buồn thay, lại tái diễn trong Cái đêm hôm ấy... Nhưng điều tất yếu hoặc điều may mắn là cái cơ chế đã đẻ ra những chuyện ấy, từ chính quyền cấp xã đến nhân vật cao nhất của một tỉnh trong truyện của Phùng Gia Lộc, chúng ta đã kịp ngăn chặn. Và đó phải là cơ sở để cho ta tin một chế độ chính trị hôm nay là khác, là trái ngược 180 độ với cái chính quyền trong Tắt đèn mà chúng ta đã lật đổ cách đây hơn nửa thế kỷ. Trở lại cái ý mỗi nhà văn chân chính đều đứng vào thế đối lập với chính quyền phản động hoặc thoái hóa, hư hỏng. Nhưng trong ý thức, trong kết quả công việc của họ, họ muốn đạt một cái gì khác, chứ không phải bá quyền và thật ra họ làm gì được chính quyền, với bá quyền chính trị? Câu chuyện "vũ khí tiếng nói" mà Mác nêu nhằm biểu dương văn học thế kỷ Ánh sáng cần một cách biểu khác. Voltaire tiếng tăm lừng lẫy nhưng làm gì được với chính quyền chuyên chế. Victor Hugo nhục mạ Napoléon-bé và tuyên bố chỉ trở về Paris khi đất nước có tự do, nhưng vẫn phải chịu thân phận tù đày. Rồi Tolstoi "sa hoàng thứ hai" phải chịu rút phép thông công. Picasso với Ghecnica vang động nhưng chính quyền Franco cứ tồn tại... Tôi nghĩ chúng ta cần hiểu sâu hiệu quả, sức mạnh của văn nghệ, nhưng không thể xem nó như một thứ bá quyền, dẫu chỉ là một cách nói bóng, một phép tu từ.

Có hay không, và đến đâu câu chuyện "lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ"?

Một khía cạnh đáng lưu tâm trong vấn đề văn nghệ và chính trị là mối quan hệ giữa người lãnh đạo chính trị - người cầm quyền và văn nghệ sĩ. Câu chuyện "lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ" như anh Mạnh nêu thật ra không phải không có. Tôi không tán thành cách nói nặng lời của anh Mạnh, đã "khinh bỉ" lại còn "khinh bỉ sâu sắc", hoặc "coi văn nghệ sĩ như con nít". Nhưng nội dung vấn đề ấy là có, và cũng cần được bàn nghiêm túc. Cách mạng Tháng Tám đã làm được sự nghiệp giải phóng cực kỳ lớn - không chỉ giải phóng dân tộc ra khỏi ách thực dân, mà còn giải phóng nhân dân ra khỏi đầu óc nô lệ. Đáng tiếc là nhiều chục năm sau, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội – mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta lại luẩn quẩn sa vào một thứ tâm lý nô lệ mới được đẻ ra do chính cái cơ chế quan liêu mà ta ngỡ là chủ nghĩa xã hội. Cái tâm lý nô lệ, hoặc muốn nô lệ người khác theo tôi là có, từ cả hai phía - trên và dưới, giới lãnh đạo và người được lãnh đạo. Cũng có tình hình êm thấm như bài của Nguyễn Thanh Hà trên Tạp chí Cộng sản, số 7 (1988), những bài đó không khái quát được tất cả tình hình. Kiểu tọa đàm và "ngọa đàm" thân mật như đồng chí Tố Hữu với một số văn nghệ sĩ là có, nhưng thật ra cũng hiếm hoi; và chắc đồng chí Tố Hữu cũng chỉ "ngọa đàm" với một số người thôi. Ở cái đất nước còn quá nặng cơ chế quan liêu này, trật tự nặng nhẹ trong uy tín thường theo phẩm trật chính quyền. Ta hãy nhớ lại sinh hoạt văn nghệ qua các thời kỳ, nhất là những khi có vấn đề, có các vụ - việc. Đố "nạn nhân" hoặc "khổ chủ" nào thoát được sự phê phán gần như là nhất hô bách ứng trong những cuộc "đấu tranh tư tưởng" mà người chỉ huy, người chịu trách nhiệm là các đồng chí ủy viên trung ương phụ trách văn nghệ; và đến lượt mình, các đồng chí đó cũng lại phải tuân thủ một "ý chí" cao hơn. Ý này tôi đã có dịp trình bày trong bài viết có tên Phê bình tự phê bình cũng ở báo này.

Từ tình hình trên, tôi muốn nói mối quan hệ chính trị và văn nghệ như ta quan niệm trong nhiều chục năm nay xét đơn thuần trên lý luận thì cũng khó bắt bẻ. Nhưng lý luận là một chuyện và thực tế là một chuyện. Thực tế tuy không phải đến mức như anh Mạnh nêu, nhưng không phải không có những sự bực dọc hoặc đau lòng, mà trong tình thế mới hôm nay, cần giãi bày cho sòng phẳng. Tìm chân lý trên tinh thần đoàn kết, dân chủ, tôn trọng sự thật khách quan, chứ không phải nhằm vào sự hơn thua.

Trở lại sự nhận định về hoạt động lý luận phê bình với những khởi động tốt, nhiều hứa hẹn, nhưng sau đó diễn biến lại không hay. Thực ra thì sự đổi nào mà chẳng phải có giá, ít nhất nó nghĩ nó nhất thiết phải gây nên căng thẳng, hoặc đổ vỡ không? Chúng ta đội ngũ thì mỏng, sự chăm sóc thì không nhiều, hoạt động trong nhiều chục năm qua, phần hào hứng tuy cũng có, nhưng vất vả thiếu thốn thì nhiều, hợp lực với nhau còn chưa làm nên chuyện, huống là phân rã. Cần tạo không khí thuận lợi cho sự bàn bạc, trên các vấn đề mới mở ra và đang có sự khác nhau trong lý luận phê bình. Thật không có gì buồn và bực dọc bằng cứ vào một cuộc trao đổi thì ngay từ mở đầu, đối phương – người khác với ý mình – là một kẻ phải được nhập môn bằng những kiến thức đi từ a, b, c. Càng buồn khi người đồng ý với mình lại bị xếp vào phe bảo thủ. Vào những lực lượng đi ra ngoài hoặc đi ngược lại công cuộc đổi mới.

Rõ ràng sự nghiệp cách mạng của chúng ta hôm nay cần được đóng góp bằng sức của nhiều người, của mọi người. Một nền kinh tế đang mở ra trên nhiều thành phần, không lẽ một nền văn học lại chỉ bó hẹp trong một số người được cấp chứng chỉ đổi mới bởi một vài ông tổng biên tập báo hoặc một số cấp cao nào. Cái niềm mong muốn đổi mới, và sự nghiệp đổi mới nếu chỉ giới hạn trong một số người tự đặt mình cao hơn người khác là cực kỳ mâu thuẫn với khuynh hướng dân chủ hóa đang được tiếp tục mở rộng thành xu thế không thể đảo ngược hôm nay. Tiện dịp tôi xin được nói thêm, mới và cũ không nên là chuyện quy vào thế hệ, vào lứa tuổi. Càng không nên xem là độc quyền của riêng ai. Dẫu vậy, do sự nghiệp đổi mới đang diễn ra hôm nay là tự nhiên, là cần đặt niềm hy vọng vào các thế hệ mới, trẻ – sản phẩm của thời điểm. Phải ủng hộ họ, vun đắp cho họ. Trước một hiện tượng mới ra đời cần vui mừng, hoan hỉ; thấy nó khác cái cũ, cái quen thuộc càng nên mừng. Vì đó là biểu hiện của sự phát triển hợp quy luật sáng tạo nghệ thuật. Nếu có sai, lệch thì uốn nắn, có thể uốn nắn một cách nghiêm khắc, nhưng không nên vùi dập. Thấy hay thì khen. Nhưng khen sao cho đúng mức, chứ không phải bốc lên đến không thấy có bất cứ tì vết gì, và đặt nó trong thế đối lập triệt để với toàn bộ, với tất cả những gì đã qua, đã có. Sự phát triển nào cũng bao hàm thế phủ định, nhưng là một phủ định biện chứng. Chúng ta chống bảo thủ, trì trệ, cũng đồng thời để phòng sự bỉ bạc, hư vô.

Tôi mong được sự thông cảm về cái sự có thể là quá lời này, nhưng quả tôi không biết dùng chữ thế nào, trước sự tranh cãi, chẳng hạn chung quanh Nguyễn Huy Thiệp đang diễn ra hôm nay. Người khen hết mức, người chê hết lời. Cũng chẳng sao. Lịch sử văn học nói chung không hiếm những ca như vậy. Nhưng phải thấy chuyện đọc, chuyện khen chê là quyền của từng người; "giảng" cho họ còn được, nhưng ép họ yêu – ghét thì xin đừng. Nếu đúng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là có nhiều tầng nghĩa thì ai dám ép, dám quy tội một bạn đọc nào đó chỉ muốn hiểu một tầng nghĩa. Ai muốn hiểu, muốn phát huy tất cả mọi tầng nghĩa thì tùy. Còn đối với công chúng số đông, nếu họ chỉ quen hiểu một tầng nghĩa, và là tầng nổi, tầng rõ nhất thì cũng đừng nên trách họ dốt, hoặc nông nổi, thiển cận. Phần tôi, tôi không tin, những người đọc Nguyễn Huy Thiệp hôm nay, trong đó có không ít giới trí thức – có tên tuổi có học hàm học vị... đang viết về Thiệp đều dốt như cách các vị quy cho nhau. Tất cả chúng ta đều thông minh và trí lực cả. Có thể cứ tôn trọng nhau mà đọc Thiệp rồi bàn về Thiệp chứ không nên dựa vào Thiệp, vào những gì Thiệp viết ra làm cái cớ để bộc bạch mọi nỗi niềm và đi tới những chuyện khác.

Quả còn nhiều chuyện cần bàn, khi chúng ta đi sâu vào các vấn đề lý luận, hoặc các khía cạnh lý luận của vấn đề. Nhưng tôi nghĩ đó là việc có thể để vào dịp khác, và cần bàn dài lâu. Ở bài phát biểu này tôi chỉ mong, nhân việc nhận thức lại tình hình đã qua, mà tìm đến những chỗ nhất trí, những điểm gặp bạn bè, đồng nghiệp.

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 16 (22-4-1989)

 


 

[1] Tạp chí Văn học, số 5-1980.

 

Mục lục

 

1-5-10