ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 27 (4-7-1987)

 

 

BĂN KHOĂN CỦA MỘT NGƯỜI
VÀO QUỐC HỘI

 

PHAN TỨ

 

Nắng trưa đầu hè oi nồng nung trắng những con đường lở lói chạy ngang dọc trên vùng tây Quảng Nam. 10 người chúng tôi dồn trên chiếc xe U-oát vừa phục vụ nước bạn trở về, còn giữ biển số Campuchia. Đùa quấy ồn ào để quên nóng, quên buồn ngủ, quên những trận quăng quật chồm chúi...

Đó là nhóm ứng cử viên Quốc hội khóa VIII, cùng với phóng viên báo tỉnh, cán bộ tổ chức bầu cử của tỉnh và huyện, đi gặp cử tri trong khu vực bầu cử số 4 của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong một tuần, chúng tôi đi qua ba huyện đất rộng người thưa, gặp gỡ đại diện cử tri trong chín cuộc mít tinh họp cách xa nhau, hầu hết trên vùng núi và trung du.

Chúng tôi nói ít, hứa hẹn càng ít hơn, dành thì giờ để nghe và ghi ý kiến cử tri nối nhau nói dồn dập, nói xả láng.

Cử tri năm nay khác trước nhiều. Họ không động viên, không thỉnh nguyện, không cả lựa lời. Họ phê phán nghiêm khắc, đòi hỏi gay gắt đối với những người định ra thay mặt nhân dân. Họ nói toạc rằng sẽ không chấp nhận một Quốc hội bù nhìn chỉ có giá trị trang sức, sẽ không để yên các ông bà nghị gật, sẽ không dùng lá phiếu của mình để giúp cho một ai kiếm chức quyền và mưu lợi riêng.

Đổi mới, dứt khoát phải đổi mới! Quốc hội sắp bầu cũng phải đổi mới, trở về với quyền hạn và nhiệm vụ ghi trong Hiến pháp!

Bà con các dân tộc cõng gùi đến từ các làng trên núi, những công dân sần vai gánh nước trồng khoai trên bãi cát trắng Thăng Bình, những thầy cô giáo dạy nơi hẻo lánh với trường nát và dầu thiếu, những thanh niên và bộ đội phục viên đang tìm việc làm, những bác chuyên viên và sĩ quan về quê nghỉ hưu... tất cả, tất cả cử tri ở những nơi gặp gỡ đều có những lời nói chung, giọng nói chung, đòi hỏi đổi mới!

Lần đầu ứng cử, thật tình tôi rất băn khoăn, lo ngại. Liệu có làm được gì cho ích nước lợi dân chăng, hay lại chỉ biết mỗi năm đi họp hai kỳ, nghe huấn thị xong là ngoan ngoãn giơ tay đồng ý, sợ sệt trước những người thực quyền trong bộ máy hành pháp khổng lồ, lánh mặt cử tri để khỏi bị mắng nhiếc? Tôi đã bận nhiều công tác, còn rất ít thì giờ và sức khỏe để viết văn theo chức trách chính, sao nay lại nể nang mà chịu nhận sự đề cử của các bạn văn hóa - văn nghệ trong tỉnh?

Tôi đi họp Quốc hội khóa VIII với những dự cảm hoài nghi nặng nề, tuy vẫn giữ vẻ tươi tỉnh để che giấu những bối rối riêng.

Bên cạnh những bản báo cáo rất tỉ mỉ của các cơ quan Nhà nước, tôi đã đọc kỹ và nghiền ngẫm nhiều lần bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Tôi nghe đọc tại hội trường, dò lại theo bản roneo, lại dò theo bản in báo Nhân dân.

Trong quãng đời xấp xỉ 40 năm công tác, cũng như nhiều bạn khác, tôi đã lắm khi răm rắp tin rằng mỗi câu mỗi chữ từ cấp trên đưa xuống (thường được truyền đạt lại và khúc xạ qua nhiều lớp trung gian) đều sẽ biến thành hiện thực, thành đời sống hàng ngày, thành cơm áo và cuốn sách bản nhạc cho người dân. Bốc đồng mê mẩn, sau đó không ít lần thất vọng, buồn bực, nghi ngờ, dần dà tim óc mới trở lại nếp cảm nghĩ bình thường để bắt tay vào việc mới.

Lần này, tôi tin lời đồng chí Nguyễn Văn Linh. Bởi bài nói ấy rất gần với những gì tôi từng nghe và suy ngẫm ở những vùng núi hiểm trở, vùng trung du gồ ghề, vùng cát khô cháy ở miền Trung xa xôi mà tôi bám sát lâu nay. Bởi những ý và lời bộc trực mà tha thiết của đồng chí đã cô đúc lại những đòi hỏi của đồng bào ta ở từng nhà, từng xóm, ở những nơi tôi thường chống gậy mò đêm đi móc nối cơ sở trong nhiều năm chiến tranh, khi tính mạng người cán bộ địch hậu hoàn toàn nằm trong tay dân. Không sao quên được quãng đời ấy...

Tôi không đi vào từng câu chữ của bài nói mà cả nước đã đọc. Tôi chỉ tin một điều rất chung đằng sau mấy năm rối ren lộn xộn, một lần nữa lòng dân và ý Đảng lại đến với nhau, gặp nhau, khớp nhau, cùng nhau kiên quyết chống cái xấu, cái sai, cái lỗi thời, cùng làm nên sự đổi mới mà Đại hội VI của Đảng đã vạch đường. Tôi tin rằng những khó khăn chồng chất hôm nay sẽ được lần hồi tháo gỡ, và biết rằng cuộc đấu tranh để cái mới thắng cái cũ sẽ không tránh khỏi thương vong nếu không vỡ đầu sứt tai thì chí ít cũng phải nhiều lần trầy vi tróc vẩy. Có lẽ tôi chỉ nói một cách công thức thế thôi, bởi vì có quá nhiều sự việc và con người cần phải nói.

Một anh bạn mới nghe qua đã giễu cợt ngay: "Tất nhiên, cậu đã vào Quốc hội, ắt phải tin tưởng và làm cho mọi người tin tưởng!". Tôi không cãi nhiều, chỉ tóm vài lời: "Trong đời sáng tác, mình chưa hề viết một câu xu nịnh. Đến nay, nếu mình tin thật lòng ở khả năng đổi mới, tại sao mình lại ngậm mồm?".

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 27 (4-7-1987)

 

Mục lục