ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 42 (15-10-1988)

 

 

VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA VIẾT VĂN VÀ DẠY VĂN

PHAN TRỌNG LUẬN

Nhiều nhà văn tên tuổi đã tỏ bày ý kiến về việc dạy văn học trong nhà trường phổ thông: Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Bùi Hiển, Phạm Hổ... và một vài nhà văn nhà thơ trẻ. Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng đi dự giờ giảng văn ở phổ thông. Cũng có cái thú vị và ý nghĩa riêng khi chính tác giả ngồi nghe thầy giáo phân tích tác phẩm của mình. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, ngôn ngữ học, văn hóa quen biết cũng đều có đóng góp những ý kiến quý báu. Từ kinh nghiệm riêng, từ những góc độ khác nhau, mỗi người đã đề cập những phương diện quan trọng nhất định: bản chất thẩm mỹ của văn chương, sức mạnh riêng của văn chương, vai trò của nó trong đời sống... Và cả những vấn đề về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp. Riêng nhà văn Hoài Thanh trong những năm cuối cuộc đời vẫn thiết tha dự định đi dự một số giờ giảng văn, ông đã có những nhận xét tinh tế sâu sắc về sách giáo khoa phổ thông. Trong tay tôi vẫn còn lá thư của ông hứa viết bài nhận xét cho một chuyên luận về phân tích tác phẩm văn chương mà ông quan tâm và có phần thích thú. Báo Văn nghệ có nhiều bài và đã dành hẳn một phụ trương "Hoa phượng đỏ" cho việc dạy, học văn. Dạy văn, học văn không còn là công việc riêng của nhà giáo và nhà trường. Nó trực tiếp liên quan đến chiến lược con người, đến sinh mệnh của chế độ ta và cả đời sống văn học của xã hội. Đây cũng là một phần việc gắn bó hữu cơ với hoạt động sáng tác của nhà văn. Mọi quan tâm đều đáng vui mừng nhưng thật ra cũng còn quá ít. Lại càng không thể coi đây là một loại công việc giúp đỡ, tùy lòng được chăng hay chớ. Góp phần cụ thể thường kỳ vào việc dạy học văn phải là công việc có tổ chức, thuộc điều lệ Hội Nhà văn và của mỗi nhà văn lớn. Từ lâu ở Liên Xô vấn đề này đã được đặt ra. Nhiều tên tuổi như M. Gorki, Tvadovxki, Phadeev, Marsac, Bacto... gần đây như các viện sĩ Mikhancov, Secbina, Xunxov... đã trực tiếp tham gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa, trực tiếp tỏ bày quan điểm và ý kiến cụ thể về giảng dạy văn chương với các nhà giáo Xô viết. Ở ta sự đóng góp còn quá ít ỏi. Song cũng nên và có thể có một cuộc tổng kết hội thảo những ý kiến đó đây trên báo sau hàng chục năm nay. Chắc hẳn là sẽ có nhiều thu hoạch bổ ích. Nhiều quan điểm, luận điểm có thể thống nhất và chắc chắn là không ít ý kiến còn phải bàn cãi, trao đổi. Từ văn chương đến văn chương nhà trường, từ sáng tác của nhà văn đến bài văn trong sách giáo khoa, từ bạn đọc ngoài đời đến bạn đọc học sinh, từ quy luật và nguyên tắc sáng tác ở nhà văn đến quy luật và nguyên tắc tiếp nhận của học sinh... tất cả đều khúc xạ và chiết quang đi trong môi trường sư phạm. Ý kiến chưa dễ gì thống nhất. Nhiều ý kiến đặt ra từ góc độ, người làm phê bình, nghiên cứu và sáng tác dường như đã là chân lý được thể nghiệm qua bản thân mỗi người, nhưng với nhà trường, cách hiểu đã có phần biến dạng đi theo những quy luật đặc thù của khoa sư phạm và đối tượng tiếp nhận là học sinh. Đáng tiếc là hàng chục năm qua, ai nói cứ nói, ai muốn nghe hay không cứ mặc, đúng sai chưa rõ. Ngành văn và Bộ Giáo dục có thể làm công việc tổng kết này, chắc chắn là rất bổ ích cho cải cách giáo dục hiện nay và cho việc dạy văn về lâu về dài.

Không phải đến bây giờ chúng ta mới ý thức và nhận thức được sự sút kém thảm hại về chất lượng dạy học văn trong nhà trường. Những lời nhận định, đánh giá, phân tích không phải là ít trên các văn bản hành chính của ngành giáo dục cũng như trên báo chí và trong công luận. Có điều là ý kiến chưa được đúc kết, hệ thống hóa lại, cách nhìn nhận vấn đề còn thiếu đồng bộ tổng thể. Cũng như không ít ý kiến phải bàn bạc thêm.

Qua mấy năm tiến hành cải cách môn văn và tiếng Việt ở trường phổ thông cơ sở cùng với những biến động dữ dội trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đặc biệt với không khí đổi mới, dân chủ hóa, công khai hóa, hưởng ứng "Những việc cần làm ngay" của đồng chí Nguyễn Văn Linh và với Nghị quyết Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ, nhiều vấn đề trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, về văn học nghệ thuật và về nhà trường được chúng ta nhìn lại một cách hội tụ, sáng tỏ hơn. Đến nay chúng ta mới thực sự có những tiền đề cần thiết cho một nhận định toàn diện, xác đáng về dạy học văn trong nhà trường. Cách nghĩ và hướng giải quyết việc dạy học văn trong nhà trường tùy thuộc, gắn bó hữu cơ với thực tiễn đời sống xã hội văn hóa và quan điểm nhìn nhận đánh giá thực tiễn đó. Gần đây dưới ánh sáng mới của tư duy triết học, chính trị, văn hóa, văn học nghệ thuật, chúng ta có được những tiền đề quan trọng để lý giải bài toán phức tạp lâu nay. Nhiều vấn đề lý luận văn nghệ, về chức năng văn nghệ, về tự do sáng tác, về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị v.v... đang đặt ra hàng loạt vấn đề cho nhà trường suy nghĩ, phán định, đánh giá đâu là mặt được, mặt chưa được của văn học nhà trường. Tác động của văn nghệ đối với nhà trường rất nhanh nhạy và sâu sắc. Dù vô tình hay cố tình, dù bàng quan chạy vạy áo cơm thì tiếng đập dữ dội của cuộc đời vào cánh cửa lớp học, không cho phép chúng ta ngồi im được. Cuộc sống bão táp ngoài đời đang lôi cuốn trẻ em học sinh và nhiều giáo viên, cha mẹ học sinh, đòi hỏi nhà trường phải có thái độ. Lời của một em học sinh lớp 11 trường Amsterdam (Hà Nội), hay của nhà sư phạm lão thành Nguyễn Lân hay một giáo sư toán học về phát ngôn thủ cựu nọ đều là những tín hiệu nhắc nhở chúng ta không thể không chọn lọc con đường đổi mới việc dạy học văn trong nhà trường. Vì đây không phải là chuyện văn chương đơn thuần mà là chuyện đời, càng không phải chỉ là câu chuyện về những cậu học trò thơ ngây mà là chuyện của những con người sắp thay thế cha anh làm chủ thế kỷ XXI; đây không phải là chuyện chữ nghĩa mà là linh hồn của chiến lược con người. Đã đến lúc, dù quá muộn, cần có một cái nhìn toàn diện tổng thể về thực trạng dạy học văn trong nhà trường theo đòi hỏi gay gắt, cấp bách của bản thân đời sống xã hội, và đời sống sư phạm để tìm ra một hướng giải quyết bài toán cực kỳ phức tạp có nhiều nghịch lý và nhiều lời giải khác nhau nhưng vẫn chưa tìm ra được đáp số tối ưu. Hội Nhà văn hợp sức với Bộ Giáo dục sẽ có những đóng góp hữu hiệu vào vấn đề cực kỳ quan trọng này. Đây không phải là việc riêng của nhà trường, mà của chính Hội Nhà văn và mỗi nhà văn. Xin được coi đây là một kiến nghị với Đại hội Nhà văn sắp tới, một đại hội mà nhà giáo và học sinh luôn luôn hướng về coi nhà là đại hội của chính mình.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 42 (15-10-1988)

 Mục lục

 

6-1-19