ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 41 (10-10-1987)

 

 

NÊN CÓ MỘT NGHĨA TRANG
DÀNH CHO CÁC NHÀ VĂN HÓA

PHAN HỒNG GIANG

Nadim Hichmet, nhà thơ lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, đã nói một câu gần như gói gọn cả vốn hiểu biết của một cuộc đời gian nan, phong phú mà ông đã sống qua: "Cuốn sách lớn nhất trong đời tôi được đọc - ấy là Cái chết". Thoạt nghe có người tưởng như vô lý. Nhưng nghĩ kỹ rồi thì ta chỉ còn có thể thán phục sự thâm trầm cùng sự tỉnh táo, sáng suốt của nhà thơ...

Thế đấy, trong vô vàn tất bật lo toan của cuộc sống thường nhật, nhiều khi chúng ta đã quên đi cái điều chính nhất - ấy là cái chết. "Chết như thế nào" suy cho cùng lại hóa ra là câu hỏi "Sống như thế nào"...

Thái độ vấn đề người đã khuất vì thế mà xét cho đến cùng lại chính là thái độ đối với những người đang sống, thậm chí với tất cả những người mai sau sẽ đến sống tiếp trên hành tinh này của chúng ta...

... Đầu tháng 9 năm nay, nhân chuyến đi thăm Liên Xô, chúng tôi có dịp được đến Tanlin, thủ đô nước Cộng hòa Xô viết Extonia, xứ sở nhỏ nhắn với 45.000 kilomet vuông và gần 1,5 triệu dân này đã làm cho chúng tôi kinh ngạc về sự chăm chút của Đảng, chính quyền và của toàn dân đối với sự nghiệp văn hóa. Thủ đô Tanlin với hơn 800 năm lịch sử như đang sống cùng những công trình cổ kính của cha ông để lại đã và đang được tu bổ đầy công phu. Nông trang tập thể "Vi-ru" cách thủ đô 90km đã tự bỏ ra hơn triệu rúp để xây một Nhà văn hóa nguy nga đồ sộ với hội trường lớn và hơn 30 phòng lớn nhỏ dành cho các tổ sinh hoạt nghệ thuật. Các khu rừng quốc gia được giữ gìn chu đáo, tạo dựng môi trường sống cho con người hòa hợp giữa thiên nhiên...

Nhưng điều làm chúng tôi xúc động nhất ấy là lần đi thăm khu nghĩa trang dành cho các nhà văn hóa. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Condix, Trưởng Ban Văn hóa của Đảng Cộng sản Extonia, lại dành một chiều nắng đẹp đưa chúng tôi tới đó. Mấy dải đồi cao, nằm ven con sông nhỏ, phủ đầy những hàng thông cao vút. Phía dưới tán lá bốn mùa xanh tươi ấy là những ngôi mộ nhỏ đắp bằng, để cách thưa nhau mươi mười lăm mét, với những phiến đá granit khắc tên tuổi và tạc phù điêu các nhà văn hóa đã khuất. Đây đó chúng tôi gặp tên các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư, đạo diễn, diễn viên... những người đó là niềm tự hào của nền văn hóa dân tộc. Những khóm hoa nho nhỏ mọc trên mộ và cả những bó hoa còn tươi ai vừa đến viếng gợi một cảm giác thuần khiết về tấm lòng của những người sống đối với người đã khuất, về sự trân trọng của cả một dân tộc đối với những con người sinh thời đã góp phần tạo ra giá trị bền vững nhất - giá trị văn hóa tinh thần...

Từ khu nghĩa trang trở về thành phố ồn ào náo nhiệt, chúng tôi còn chưa thoát khỏi được cái ấn tượng ấm áp về nơi gìn giữ lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, của dân tộc đối với hiện thân của nền văn hóa.

Chúng tôi chạnh nghĩ đến quê nhà, "trông người mà ngẫm đến ta"... chúng tôi ước ao một ngày kia ở một triền đồi thông hay bạch đàn nào đó ở ngoại thành Hà Nội chúng ta sẽ có một nghĩa trang dành cho các nhà văn hóa, với cảnh quan khoáng đãng chung quanh, với những nấm mộ kiến trúc đơn sơ mà hài hòa chu đáo, với những tấm bia ghi lại tên tuổi những con người mà giá trị tinh thần họ để lại đã vượt quá khuôn khổ rất hữu hạn của một đời người...

Và sẽ trang trọng và tôn nghiêm biết bao, nếu vào buổi khánh thành, chúng ta sẽ rước di hài của các bậc danh nhân văn hóa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... cùng về nơi đây tụ hội...

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 41 (10-10-1987)

Mục lục

12-6-08