ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 12-1987

 

MẤY Ý KIẾN VỀ ĐỔI MỚI TƯ DUY
TRONG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC

PHAN CỰ ĐỆ

Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận

Từ giữa năm 1979 trên các báo chí đã xuất hiện một số bài viết có khuynh hướng phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Các đồng chí đó cho rằng chủ nghĩa hiện thực của chúng ta là một thứ "chủ nghĩa" hiện thực phải đạo", chủ nghĩa hiện thực "một nửa cái bánh mỳ", văn học của chúng ta là một nền văn học nói dối, chỉ nói có một nửa sự thật và phê bình văn học thì đã rơi vào tình trạng "thiu thối"! Năm 1980, Tạp chí Cộng sản, báo Nhân dân đã đăng bài của các đồng chí Trần Độ (Văn nghệ, vũ khí của cách mạng), Hà Xuân Trường (Văn nghệ là phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng) và bài của một số đồng chí khác tỏ thái độ không đồng tình với những quan điểm nói trên. Gần đây khuynh hướng muốn phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa lại xuất hiện trên một số bài viết với một giọng điệu gay gắt hơn, triệt để hơn. Có đồng chí cho rằng cái non yếu của nền văn học chúng ta là "đồng nhất chính trị với văn học, với nghệ thuật, đồng nhất phê bình văn học với công tác tuyên huấn". Có đồng chí quyết liệt hơn, khẳng định nền lý luận phê bình của chúng ta là "sự thống trị quá ư tuyệt đối của giọng phê bình quyền uy, của tư duy quyền uy trong phê bình". Bên cạnh "phê bình quyền uy" là "phê bình xu phụ", và "phê bình xu phụ vừa là đầy tớ, vừa là bạn đường của phê bình quyền uy"! Lại có đồng chí cho rằng chúng ta chưa có nền phê bình văn học, vì "chúng ta "khen chê" để mà cổ vũ cho nhau, để "bợ" người trên, tính toán lợi ích cá nhân, lắm khi để "nhận xét" độc đoán mà không cho phép cãi lại, nghĩa là không làm phê bình văn học thật sự, "thật ra đã có bài phê bình văn học nào đáng gọi là phê bình văn học nghĩa là theo sát những nguyên lý phê bình cơ bản, tiếp cận với nghệ thuật phê bình đâu"[1]. Những ý kiến có khuynh hướng phủ nhận nói trên không phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy của Đại hội VI. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nói rõ: "Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy"[2]. Mặt khác, khách quan mà nói, chúng ta hoàn toàn không có cơ sở khoa học để phủ nhận những thành tựu tốt đẹp của sáng tác và lý luận phê bình 30 năm qua. Đại hội lần thứ VI của Đảng đánh giá nền văn nghệ chúng ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là "xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay". Trong những thành tựu chung đó có thành tựu của lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học.

Lý luận phê bình đã có những đóng góp quan trọng trong các cuộc đấu tranh tư tưởng trên mặt trận văn học. Không phải như một đồng chí chúng ta cho rằng "nhiệm vụ "đấu tranh văn nghệ"... bây giờ nhìn lại thì hầu hết là đánh vào cối xay gió"! Thời kỳ Mặt trận dân chủ, đồng chí Hải Triều đã đấu tranh chống lại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật và tuyên truyền cho quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, chúng ta tiếp tục phê phán những sắc thái khác nhau của quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật và những rơi rớt của các quan điểm mỹ học tư sản khác. Những năm 40 chúng ta đã đấu tranh chống những hoạt động giả danh mác-xít của nhóm trốt kít Hàn Thuyên và cuối những năm 50 là một cuộc ra quân lớn của đội ngũ lý luận phê bình nhằm chặn đứng những hoạt động phá hoại của bọn trốt kít và bọn xét lại hiện đại trong nhóm "Nhân văn – Giai phẩm". Từ 1979 đến 1981 chúng ta lại tiến hành một cuộc đấu tranh nhằm phê phán một cách tập trung và có hệ thống những ảnh hưởng của các quan điểm mao ít trong văn học. Và suốt thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam, chúng ta liên tục đấu tranh nhằm vạch trần bản chất suy đồi và phản động của cái gọi là văn nghệ thực dân mới của bọn Mỹ ngụy. Về mặt lý luận, suốt mấy chục năm qua, chúng ta đã xây dựng được một nền lý luận tương đối có hệ thống về mỹ học mác-xít, về chủ nghĩa hiện thực xuất hiện chủ nghĩa, về các thể loại văn học và bước đầu đã chú ý đến vấn đề phương pháp luận. Về phê bình văn học, chúng ta đã biểu dương kịp thời những tác phẩm có giá trị của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhất là những tác phẩm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về nghiên cứu văn học, chúng ta đã có những công trình nghiên cứu có giá trị và bước đầu rút ra được những quy luật vận động và phát triển của văn học cổ, cận và hiện đại (tác giả, trào lưu, thời kỳ văn học, thể loại văn học). Đặc biệt chúng ta có nhiều công trình sưu tầm công phu, nghiêm túc về văn học dân gian, văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ, văn học hiện đại. Không thể nói một cách hàm hồ là "những bài viết, những tập sách có tính chất tổng kết văn học thường hết sức hời hợt, công thức".

Trên đây là mấy nét cơ bản của những thành tựu lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học mấy chục năm qua. Quán triệt tinh thần đổi mới tư duy của Đại hội Đảng lần thứ VI, trong khi tổng kết thành tựu, chúng ta cần kiểm tra lại nhận thức của mình, sớm lĩnh hội được những quan điểm mới, kiên quyết gạt bỏ những quan niệm sai lầm, những quan niệm mang "tính bảo thủ, sức ì" của "những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và đầu óc thủ cựu, con người không vượt qua được cái bóng của mình"; cho nên trong việc đánh giá quá khứ, chúng ta cần phải có quan điểm lịch sử. Mặt khác lại cần phải có thái độ khoa học, cần phân biệt những sai lầm nhất thời có tính chất hiện tượng với những sai lầm kéo dài trong bản chất, phân biệt ý kiến của một vài cá nhân, của một tờ tạp chí với ý kiến chung của đội ngũ lý luận phê bình. Đôi khi chúng ta lại lẫn lộn sự lãnh đạo của Đảng thông qua các văn kiện và nghị quyết về văn nghệ với sự đánh giá mang tính chất cá nhân của một vài đồng chí lãnh đạo cấp cao, mà chúng ta biết hai phạm trù đó không phải lúc nào cũng là một. Lại cũng cần phân biệt công tác tuyên truyền cho một tác phẩm viết về người thật việc thật với giá trị nghệ thuật mà nó vốn có. Lẫn lộn các phạm trù, lẫn lộn hiện tượng với giá trị nghệ thuật mà nó vốn có. Lẫn lộn các phạm trù, lẫn lộn hiện tượng với bản chất dễ đi đến những kết luận không chính xác, thậm chí gay gắt về công tác lý luận phê bình trong 30 năm qua.

Văn học của chúng ta trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám không khỏi không có lúc chịu ảnh hưởng của những quan niệm đơn giản và ấu trĩ về mặt lý luận. Có người quan niệm điển hình chỉ là một bản chất của lực lượng xã hội, do đó đồng nhất điển hình xã hội với điển hình văn học. Lại có quan niệm cho rằng không thể có một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa khi chưa có thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội hoặc cho rằng nền văn học nhân loại là một cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng: hiện thực và phản hiện thực. Những quan niệm ấu trĩ ấy được khắc phục dần nhưng rất đáng tiếc là đến năm 1966 vẫn còn rơi rớt những quan niệm đồng nhất nghệ thuật với cuộc sống, chủ trương nghệ thuật chỉ là một bản sao chép của tự nhiên. Các đồng chí đó cho rằng hiện thực chống Mỹ là vàng mười nên bút ký không cần phải hư cấu sáng tạo! Lại có đồng chí đề cao bức ảnh truyền thần, pho tượng rập khuôn và hạ thấp bức tranh hội họa và pho tượng điêu khắc! Các đồng chí đó không thấy rằng bức ảnh truyền thần, pho tượng rập khuôn không phải là sản phẩm của chủ nghĩa hiện thực, mà trong nhiều trường hợp chính là con đẻ của chủ nghĩa tự nhiên.

Nhìn chung, những quan niệm ấu trĩ và đơn giản nói trên đều không thấy hết đặc trưng thẩm mỹ của văn học.

Những quan điểm xã hội học dung tục trong phê bình lý luận đã có từ thời kỳ nhóm Hàn Thuyên. Nhưng đến đầu những năm 1950, khi có ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao, những sai lầm kiểu đó lại tái phát và được tô đậm thêm bằng những quan niệm dung tục về thành phần giai cấp, về tính giai cấp của điển hình văn học. Trong một số trường hợp, người ta chỉ cắt nghĩa nhân vật bằng thành phần giai cấp và cố quy kết cho mỗi nhân vật (kể cả những nhân vật trong văn học dân gian và văn học cổ điển) một thành phần giai cấp nhất định! Trước đây Nguyễn Bách Khoa đưa ra một thứ duy vật máy móc, một thứ quyết định luận (déterminisme) của huyết thống, hoàn cảnh theo quan niệm của chủ nghĩa thực chứng trong phê bình văn học thì bây giờ đây những quan niệm mao ít lại đưa ra một thứ quyết định luận của thành phần giai cấp, của điều kiện sinh hoạt kinh tế của nhà văn, của hoàn cảnh xã hội và cơ sở hạ tầng mà xem nhẹ tác động trở lại của ý thức đối với vật chất, của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng hoặc không chú ý đến ảnh hưởng qua lại của các hình thái ý thức trong thượng tầng, đến tính độc lập tương đối của mỗi hình thái ý thức, đến truyền thống văn học dân tộc, đến vai trò của mọi nhân tố khách quan và chủ quan trong sự sáng tạo nghệ thuật. Những ảnh hưởng của quan điểm mao ít cũng dẫn đến một quan niệm thực dụng về chức năng văn học thành một thứ công cụ tuyên truyền kịp thời cho chủ trương chính sách, không thấy rõ văn học là nhân học, nó góp phần xây dựng đời sống tư tưởng, tình cảm, thế giới tâm hồn của con người mới, cổ vũ và thức tỉnh con người, giúp con người đến với những lý tưởng cao đẹp.

Về mặt tổ chức, chúng ta còn nhiều lúng túng trong cơ chế đánh giá một tác phẩm, nhất là khi tác phẩm đó lại bị những người có thẩm quyền đánh giá khác nhau. Có những thời điểm chúng ta thiếu trao đổi, tranh luận dân chủ. Khi một đồng chí lãnh đạo phê phán một tác phẩm nhưng có trường hợp ý kiến chưa toàn diện, chưa chính xác thì các cơ quan chức năng làm công tác lý luận, phê bình, nghiên cứu không có ý kiến trở lại, không làm đúng vai trò chuyên gia tư vấn của mình. Tình trạng quá phụ thuộc vào ý kiến cá nhân của một đồng chí lãnh đạo diễn ra có lúc khá phổ biến ở các tỉnh và đôi khi ở cả trung ương. Hiện tượng "phê bình quyền uy" như một vài đồng chí nói là có thật, nhưng không có cơ sở để nói "phê bình quyền uy" và "phê bình xu phụ" đã "thống trị quá ư tuyệt đối" đối với nền lý luận phê bình mấy chục năm qua!

Về thái độ phê bình, nói chung chúng ta đã giữ được một quan hệ đồng chí, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, đôi khi là tri âm, tri kỷ giữa nhà phê bình và nhà sáng tác. Nhưng cũng có một số bài phê bình hơi lên giọng "công tố viên", chứng minh, lý giải đối thoại thì ít nhưng quy kết, lên án, chụp mũ thì nhiều, đôi khi đã quy chụp tràn lan, gây một không khí không lành mạnh trong văn học. Tất nhiên, đây là việc làm của một vài đồng chí một vài cơ quan, một vài tạp chí, các đồng chí ấy phải chịu trách nhiệm về mình, chứ không thể quy vào sự lãnh đạo của Đảng hay chủ trương chung của đội ngũ lý luận phê bình. Lịch sử của một nền lý luận, phê bình chân chính là lịch sử của những cuộc đối thoại, tranh luận để tìm ra chân lý. Cho nên ở nước ta, những quan niệm ấu trĩ và đơn giản, những quan niệm xã hội học dung tục, những thái độ học phiệt trong phê bình trước sau đều bị lên án, đều có kẻ đấu tranh trở lại, chúng không thể "thống trị quá ư tuyệt đối" nền lý luận phê bình suốt mấy chục năm.

Điểm cuối cùng là trong quá khứ, có những tác phẩm có giá trị nhưng non yếu mặt này mặt khác hoặc có mang những yếu tố tự nhiên chủ nghĩa nhưng bị lên án quá gay gắt, thậm chí không được phát hành; nay trong hoàn cảnh mới, chúng ta nên tổ chức đọc lại một cách nghiêm túc, góp ý kiến để tác giả sửa chữa, và nếu có thể, nên cho in trở lại để bảo đảm công bằng xã hội, khuyến khích và giải phóng các lực lượng sáng tác.

Đổi mới tư duy trong công tác lý luận phê bình văn học hiện nay

Muốn tìm được những phương hướng để đổi mới tư duy trong lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học hiện nay, cần phê phán những nhược điểm còn rơi rớt trong cách tư duy cũ của chúng ta, những hạn chế có tính chất lịch sử do đời sống xã hội và sự tác động qua lại của các hệ tư tưởng quy định.

Nhìn chung, chúng ta còn yếu về lý luận, lý luận để tổng kết và rút ra quy luật của những chặng đường văn học quá khứ, lý luận để soi sáng thực tiễn văn học sôi động hôm nay, văn học những chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Một số công trình nghiên cứu của chúng ta rất công phu, phong phú về mặt tư liệu nhưng kiến thức thường bị dàn trải theo lối miêu tả, chưa dựng lên thành những hệ thống lý luận. Lối phê bình cảm tính, ấn tượng, chủ nghĩa kinh nghiệm không phải không tồn tại trong một số tác phẩm của chúng ta. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một điều rõ ràng là trong quá khứ lịch sử, cha ông ta có nhiều ý kiến hay về văn nghệ nhưng chưa ai xây dựng được một hệ thống lý luận cả về triết học, cả về văn học.

Trong mấy chục năm qua, hệ tư tưởng chính thống của chúng ta là hệ tư tưởng Mác-Lênin và chúng ta cũng đã xây dựng được một nền lý luận, phê bình, nghiên cứu theo quan điểm mác-xít. Tuy nhiên, từ trong quá khứ cũng như hiện nay, các hệ tư tưởng khác nhau thuộc các giai cấp khác nhau không phải không tác động đến nề nếp tư duy của chúng ta.

Tạp văn của Lỗ Tấn cũng như tiểu phẩm văn học của Ngô Tất Tố đã phê phán lối tư duy phong kiến. Rơi rớt của lối tư duy theo kiểu phong kiến là lấy quyền uy để áp đặt ý kiến của mình lên ý kiến những người khác, là lối tư duy thụ động, giáo điều, sách vở, cứng nhắc, là lối tư duy bảo thủ, lấy những tiêu chuẩn của quá khứ áp đặt lên hiện tại, suy nghĩ và viết theo kinh sách của cổ nhân, không hề sáng tạo, không dám phê phán. Những rơi rớt của lối tư duy này tuy không phổ biến nhưng không phải không tồn tại trong một số tác phẩm của chúng ta.

Chúng ta phải tiếp tục quét sạch những tàn dư của các khuynh hướng phê bình, các khuynh hướng triết học tư sản đã có một thời ảnh hưởng đến nền văn học của chúng ta. Đó là quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật với phương pháp phê bình ấn tượng chủ quan là mọi thứ xã hội học dung tục, mọi thứ duy vật máy móc, mọi thứ quyết định luận của chủ nghĩa thực chứng trong phê bình văn học (Nguyễn Bách Khoa), là sự sùng bái một chiều phân tâm học Freud trong việc đánh giá Hồ Xuân Hương và Vũ Trọng Phụng... Sau này, ở Sài Gòn trước 1975, ngoài phân tâm học hiện đại, trong đó có phương pháp phân tâm hiện sinh của Sartre. Đó là chưa kể đến phương pháp phê bình cấu trúc luận (Roland Barther, Luyxiêng Gônman) dựa trên cơ sở triết học của chủ nghĩa tân thực chứng, tức là chủ nghĩa thực chứng của các dấu hiệu (Sygnes).

Những rơi rớt của lối suy nghĩ của những người sản xuất nhỏ (nông dân và tiểu tư sản) cũng dễ dẫn chúng ta đến lối tư duy cục bộ, kiểu ao chuông xã xóm; tư duy phiến diện một chiều, kinh nghiệm chủ nghĩa, không thấy tổng thể, toàn cục không dựng được thành hệ thống lý luận. Lối suy nghĩ của những giai cấp trung gian thường bấp bênh, dao động, từ cực này nhảy sang cực kia, từ hữu sang tả, từ thắt chặt đến buông lỏng, từ khẳng định một chiều đến phủ định sạch trơn. Chỗ đứng của các giai cấp trung gian cũng dễ dẫn chúng ta đến một quan niệm dân chủ chung chung, một quan niệm dân chủ tách khỏi hoàn cảnh lịch sử, một thái độ khách quan chung chung, mơ hồ về đấu tranh giai cấp và đấu tranh chính trị (trong lúc giai cấp tư sản không lúc nào buông lỏng chính trị)!

Phương hướng đổi mới tư duy đã được xác định rõ trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VI: "Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, tiếp thu những thành tựu lý luận, những kinh nghiệm mới phong phú của các đảng anh em, những kiến thức khoa học của thời đại. Phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết có hệ thống sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, rút ra những kết luận đúng đắn, khắc phục những quan niệm sai lầm hoặc lỗi thời".

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, công việc đổi mới tư duy trong lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học, theo chúng tôi, có nhiều việc phải tập trung cùng nhau làm. Trước hết phải triệt để phát huy sức mạnh của sự trừu tượng khoa học, sự tổng kết lý luận trên cơ sở những thành tựu và những kinh nghiệm của 40 năm văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải đúc kết được những quy luật, mô hình và đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đúc kết những quan điểm văn hóa, văn nghệ của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng thành hệ thống lý luận của nền văn học cách mạng; đúc kết những vấn đề lý luận của văn học trong chặng đường đầu tiên đi lên chủ nghĩa xã hội (sau 30 năm chiến tranh); đúc kết những đặc trưng của các thể loại văn học hiện đại ở Việt Nam (đặc biệt là vấn đề dân tộc, hiện đại).

Thứ hai là phải đổi mới kiến thức, đổi mới cách suy nghĩ và phương pháp luận trong phê bình, nghiên cứu văn học. Muốn thế phải tăng cường thông tin khoa học, tiếp thu những kiến thức khoa học, kỹ thuật của thời đại, tiếp thu những thành tựu của các ngành khoa học khác như tâm lý học xã hội học, di truyền học, phân tâm học, điều khiển học; tất nhiên là tiếp thu có phê phán, tiếp thu có sáng tạo, nhằm bổ sung kiến thức mới, gạt bỏ những nhận thức cũ kỹ, lỗi thời. Chúng ta cũng sẵn sàng cũng tiếp thu những thành tựu mới nhất của những phương pháp luận tiến bộ trong thời đại ngày nay, cùng với việc mài sắc hơn nữa phương pháp phê bình và nghiên cứu theo quan điểm mác-xít. Cần mở những cuộc hội thảo về phương pháp luận, thông tin về phương pháp luận. Chúng ta cũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm giúp đỡ các nhà phê bình tăng cường trao đổi quốc tế, tham dự các cuộc hội nghị lý luận phê bình trong phe xã hội chủ nghĩa và cả ở các nước phương Tây.

Thứ ba là chúng ta phải mở rộng thường xuyên các cuộc đối thoại, tranh luận dân chủ và bình đẳng trong đội ngũ lý luận phê bình, giữa các nhà lý luận phê bình với các nhà sáng tác và quần chúng yêu thích văn nghệ. Mở rộng tranh luận dân chủ, chúng ta sẽ kết hợp được tinh thần độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng của cá nhân với trí tuệ của tập thể. Đối với những tác phẩm có nhiều ý kiến khác nhau nên mở các cuộc hội thảo, có mời tác giả tham gia, đảm bảo cho những người bị phê bình có quyền trả lời trở lại trong các cuộc hội thảo và trên báo chí công khai. Mục tiêu của chúng ta là giúp đỡ, bồi dưỡng nhằm giải phóng các năng lực sáng tạo, tôn trọng phong cách cá nhân, tài năng cá nhân.

Đổi mới tư duy là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt nhưng đồng thời cũng là một công việc lâu dài, phải tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc. Tránh thái độ bảo thủ, trì trệ nhưng cũng tránh thái độ nôn nóng hoặc phủ nhận, chửi bới quá khứ. Cần có quan điểm lịch sử khi nhìn lại các chặng đường đã đi qua nhưng cũng cần thấy rằng có những cái hôm qua đúng, hôm nay đã trở thành lỗi thời, lạc hậu. Hoặc có những điều trong chiến tranh chưa được nói, nay không còn là điều cấm kỵ. Đó là những chuyện bình thường trong quá trình đi lên của lịch sử và nhận thức của con người. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật khách quan, toàn diện, chúng ta phải vừa phê bình, vừa tự phê bình. Trong cái sai lầm ngày hôm qua có những hạn chế của lịch sử và những sai lầm mà cá nhân chúng ta phải chịu trách nhiệm. Chúng ta nhìn lại quá khứ với trách nhiệm của một người đứng trong đội ngũ, mang theo cả cái mạnh và cái yếu của đội ngũ, cho nên phê bình cũng đồng thời là tự phê bình. Trong quá trình đổi mới tư duy, tất nhiên không chỉ có phê phán mà chủ yếu là phải suy nghĩ, khám phá, sáng tạo, cá nhân và tập thể cùng đổi mới và sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI.

w Nguồn: Văn nghệ quân đội, Hà Nội, số 12-1987

 


 

[1] Xem báo Quân đội nhân dân ra ngày 11-7-1987 và Văn nghệ các số ra ngày 29-8-1987 và 19-9-1987.

[2] Tạp chí Cộng sản, số 1-1987, trang 76.

 Mục lục

4-4-10