ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ quân đội, số 7-1988

 

BÀN VỀ CHUYỆN ĐỔI MỚI TRONG VĂN HỌC

(nhân đọc bài của Phan Cự Đệ và Lại Nguyên Ân)

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 12, 1987 có đăng bài Mấy ý kiến về đổi mới tư duy trong lý luận phê bình văn học của Phan Cự Đệ. Bài viết đó không ngờ đã làm xôn xao dư luận trong giới văn chương đến mức trở thành một mục tiêu để bị công kích, một cái đích để bị nhắm bắn. Người ta chê bai nội dung của nó là cũ. Người ta bỉ báng người viết nó là xấu. Cũ như thế nào, xấu như thế nào đã được Lại Nguyên Ân mổ xẻ, phơi bày trong bài Đã nghĩ lối mới hay vẫn nghĩ lối cũ? đăng trên Văn nghệ quân đội, số 5 (1988). Ý kiến của ông Đệ, ông Ân tôi sẽ xin bàn lại, bàn qua dưới đây. Nhưng trước hết tôi muốn nói một cảm tưởng tốt đẹp của tôi về tạp chí Văn nghệ quân đội đã muốn tạo ra một không khí tự do trao đổi, tranh luận, tôn trọng các ý kiến khác nhau của các tác giả, không vội cho người này là "cấp tiến", người kia là "bảo hoàng". Tôi thích cái cách làm quán triệt tinh thần dân chủ trong ngôn luận đó.

Bài viết của tôi bàn về chuyện đổi mới trong văn học nhân có bài của Phan Cự Đệ và Lại Nguyên Ân, do đó tôi sẽ có ý "phê phán sự phê phán có tính chất phê phán" đối với những điểm trong bài của hai ông mà tôi bất đồng tình. Ông Đệ có hai đề mục nội dung, ông Ân có ba đề mục và chừng gấp đôi số ấy lời bình, tôi cũng xin học theo đó là chia bài của mình ra mấy câu hỏi sau:

Phê bình cá nhân hay phê bình học thuật?

1 - Câu hỏi nảy ra tức khắc, bởi vì ngay từ mấy dòng đầu của bài ông Ân đã cho đập ngay vào mắt người đọc cái câu bình luận của một anh bạn phê bình nói khẽ vào tai ông như sau: "Đến ông Phan Cự Đệ mà cũng nói "đổi mới tư duy" thì thời thế quả đã khác rồi". Câu bình luận trên có thể diễn nôm: ông Đệ không thể nói chuyện đổi mới, đổi mới không phải chuyện của ông Đệ, hai phạm trù này không thể gắn với nhau được. Nếu lấy thêm một câu trên và một câu dưới lời bình của anh bạn ông Ân: - "Nhan đề ấy đi với tên tác giả ấy đã dễ gây ngạc nhiên"; - "Nhưng có cái khác của thời thế, lại có cái khác của con người"; Thì người đọc sẽ thấy hoàn chỉnh cái quan điểm tư tưởng chủ đạo của sự phê phán của Lại Nguyên Ân là đã đẩy ngòi bút lệch sang phía phê bình cá nhân. Lệch từ trong tư tưởng nên kéo theo phương pháp cũng nghiêng. Bài của Lại Nguyên Ân không phải không đề cập đến những nội dung mà Phan Cự Đệ nêu lên, hơn thế còn thêm nhiều ghi chú lời bình, nhưng cảm tưởng chung là ông Ân nói việc ít hơn nói người, lấy việc để nói người, đoạn nào, phần nào cũng chen, cũng gài vào ít từ, ít câu nhận xét về ông Đệ với tư cách cá nhân con người, chứ không phải tư cách nhà khoa học. Từ cái lệch, cái nghiêng đó dẫn đến cái trượt: thái độ của ông Ân thiếu sự chừng mực cần thiết, thiếu sự tôn trọng phải có đối với người mình tranh luận. Chừng như ngòi bút trong tay ông Ân cứ mỗi lần động đến chữ ông Đệ lại run lên theo một nỗi ấm ức, không kìm giữ được từ trong lòng tuôn ra, khiến cho câu văn đầy sự mỉa mai, diễu cợt, nhạo báng, chỉ trích. Không tin mời bạn đọc đã được nhà khoa học biến thành kiểu câu "buộc tội" đầy cá tính như thế nào. Viết đến câu này tôi không nghĩ rằng mình cố tình tạo ra một sự đối xứng với cái câu trong bài của Lại Nguyên Ân: "... bạn có thể tự kiểm tra lại các phần quy tội "phủ nhận" để thấy kiểu câu mô tả trong tay nhà nghiên cứu đã biến thành kiểu câu tố giác như thế nào?" - tôi rút ra được phép biến hóa kiểu câu của ông Ân là nhờ ông cố ý tạo ra một thế so sánh với phép biến hóa kiểu câu của ông Đệ do ông tìm ra.

Xin trích hai câu để thấy đây là "trung kiến" hay "thiên kiến" của ông Ân:

- "... Vì những người như ông Phan Cự Đệ luôn thảo sẵn các bản án ấy đệ trình lên những người có quyền lực" (tôi nhấn mạnh và xin hỏi: đâu các bản án ấy? Đâu những vụ đệ trình ấy? Ông Ân có thể cho biết? – PXN) "chỉ cần điền thêm tên người, tên bài báo quyển sách mà có vẻ ông Đệ theo dõi rất sát với một cách đọc khá đặc biệt".

- "... chỉ e rằng mỗi lần có ai đó nêu lên một điểm nào đó còn bị trói buộc thì người ấy lại lập tức bị ông Phan Cự Đệ hoặc những người tương tự chụp cho cái mũ "phủ nhận" và đề nghị trừng phạt!".

Tôi chợt nhớ lại mới đầu năm nay, tại một cuộc hội nghị nhân hai năm mất của nhà thơ Xuân Diệu, có một nhà nghiên cứu cũng đã hơi quá đà. Anh phân tích lý tưởng thẩm mỹ, phong cách sáng tạo thơ ca của Xuân Diệu quả là lý thú có nhiều tìm tòi và anh khen câu thơ "Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần" là một câu thơ hay nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại. Theo đà sảng khoái bốc lên, từ trên diễn đàn anh cao giọng hạ một đòn chí tử vào một nhà nghiên cứu mà tuy anh không nhắc tên nhưng mọi người dự đều đoán ra, người đó "với tâm hồn vẩn đục" (tôi nhớ nguyên văn mấy chữ này) đã dám chê câu thơ hay nhất đó của Xuân Diệu. Cả hội nghị hôm ấy vỗ tay hoan hô anh - nhà nghiên cứu có tư duy mới. Và tôi nhận ra một điều: đó là thái độ quá khích, mà đã quá khích tức là có phần cá nhân ở trong.

Nên chăng nhắc lại ở đây cho ông Ân và nhà nghiên cứu kia một ý của Mác: "Phê bình không phải là sự phẫn nộ của lý trí, mà là lý trí của sự phẫn nộ". Loại phê bình mà Mác nói đây là phê bình trong cuộc đấu tranh chống chế độ xã hội cũ tất yếu phải bị thủ tiêu. Do đó "đối tượng của phê bình, chính là kẻ thù mà nó muốn tiêu diệt chứ quyết không phải muốn bác bỏ". Mác gọi sự phê bình chú trọng vào đối tượng như vậy là sự "phê bình hỗn chiến" và trong hỗn chiến thì vấn đề không phải là xem xem kẻ thù có phải là một kẻ thù thích đáng, một kẻ thù ngang hàng với mình, một kẻ thù đáng bỏ công chú ý hay không, mà vấn đề là phải đánh cho trúng kẻ thù" (Về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật, 1977, tr.94-95). Đem cái cách ông Ân phê phán ông Đệ so với những điều Mác viết trên thì quả là phải chắp tay bái phục bậc tiền bối sao mà nhìn thấu rõ con cháu mai hậu đến vậy, chỉ lưu ý rằng ông Đệ cùng một trận tuyến với ông Ân.

Nên chăng nhắc lại ở đây câu chuyện phê bình xoay quanh bài báo của ông Hoàng Ngọc Hiến năm 1979 mà trong bài ông Ân có nói đến. Hồi ấy tranh cãi, phê phán là tập trung vào luận điểm của ông Hiến nói về một đặc điểm của văn nghệ ta thời gian qua chứ có ai thảo luận về tư cách cá nhân con người ông Hiến đâu. Ngay cả lúc đó có một số được giải tỏa, được làm rõ ra và không ai được phép xúc phạm, thóa mạ nhân cách của nhà nghiên cứu. Ông Ân là người trong cuộc phải biết rõ chuyện này. Hay vì ông đặt lại "vụ 79" nên cho rằng hồi ấy thời thế cũ thì chỉ dám phê học thuật thôi chứ không được "đánh" người, còn hồi này thời thế mới thì được phép "đánh" người là chính.

2 - Tôi đọc xong bài ông Ân, một ý nghĩ hiện ra và tôi không thật yên lòng, đó là: con dao phê phán trong tay ông Ân quả là sắc lẹm, sắc đến mức đứt tay cả người dùng mà không biết. Ông Ân phê ông Đệ khá là mạnh, khá là có lý, tưởng khó mà biện bác được, thế rồi ông lại mắc phải những chỗ vừa phê ấy. Đó là hai lưỡi của một con dao hay ông Ân tự mâu thuẫn với chính mình vậy? Chỉ riêng cái việc ông chỉ trích ông Đệ là hay buộc tội cho người khác, nhưng trong bài viết ông lại buộc tội cho ông Đệ rất chi là lắm tội mà tội nào cũng tày đình cả, đã là bất nhất trong mạch nghĩ rồi. Tội của Phan Cự Đệ, theo con mắt tố tụng hình sự của Lại Nguyên Ân chung quy lại là tội quy chụp, mà cái mũ dùng để chụp là "phủ nhận". Ông Ân viết: "Người này nêu một nhược điểm, người kia nhận xét một tình hình, người nọ phát biểu một cảm tưởng về những yếu kém của văn học hoặc lý luận phê bình... tất thảy đều bị Phan Cự Đệ chụp cho cái mũ "phủ nhận". Lạ quá, thế sao bài viết này của ông Đệ, ông Ân không xem nó như một nhận xét, một phát biểu, một cái nhìn về tình hình đổi mới của văn học như ông nói, mà ông cũng lại thấy cái mũ mình vừa muốn vứt đi để chụp lên đầu người khác? Nói người cũng phải nghĩ đến ta chứ! Chắc rằng vì ông tự cho mình là mới, ông Đệ là cũ nên cứ nghĩ mình nói gì cũng mới và đúng, còn ông Đệ nói gì cũng cũ và sai. Lại nữa trong bài ông Đệ có câu: "Gần đây khuynh hướng muốn phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa lại xuất hiện trên một số bài viết với một giọng điệu gay gắt hơn, triệt để hơn". Vấn đề "khuynh hướng phủ nhận" có thực hay không, đúng sai thế nào phần sau tôi sẽ xin bàn tới. Nhưng đây cũng chỉ là một nhận định của nhà nghiên cứu nêu ra trên cơ sở quan sát một số hiện tượng văn học gần đây nhất. Trong không khí đổi mới, mọi nhận định về một tình hình đều được công khai trình bày và mọi ý kiến đều được dân chủ bàn bạc, trao đổi. Ông Ân có thể biểu đồng tình hay không biểu đồng tình với nhận định đó của ông Đệ, có thể thỏa sức lập luận, chứng minh cho ý kiến của mình. Việc gì ông phải la lối lên là ông Đệ "phát giác những dấu hiệu của một "vụ 79"sờ sờ ra đó mà cả giới còn chưa ai thấy", làm như bắt được quả tang một vụ trộm giữa thanh thiên bạch nhật. Ngẫm ra ông Ân có tài "phát giác" (xin mượn lại chữ của ông) thật, vì chẳng có ai như ông giữa hai dòng chữ rành rành lấy giấy trắng mực đen nhìn ra một nguy cơ như vậy đang ẩn tàng. Vậy mà ông là người đã viết cái câu đứng đắn sau: "Và trong cái lĩnh vực tư tưởng tinh thần này, có lẽ nên nắm bắt lấy cái thần thái thực chất đằng sau cái phát ngôn hơn là chăm chăm bắt bẻ cái ngôn từ". Té ra điều ông Ân nói rất hay đó chỉ áp dụng cho ông và một phạm vi hẹp thôi, chứ còn những người như ông Đệ và những ai từng nói đến mấy chữ "phủ nhận", "khuynh hướng phủ nhận" thì không được chiếu cố áp dụng điều trên và phải công nhiên chịu tội một khi ý đã ra lời, lời đã thành chữ, chữ đã lên giấy và giấy đã đóng sách. Nhưng có lẽ vì quá mải đọc sau dòng chữ nên đôi lúc ông Ân không còn nhìn rõ những con chữ đã được in và sắp thành bài. Trong bài của Phan Cự Đệ, ở đề mục thứ nhất khi nói tới những thiếu sót, khuyết điểm của phê bình có viết: "Chúng ta còn nhiều lúng túng trong cơ chế đánh giá một tác phẩm, nhất là khi tác phẩm đó lại bị những người có thẩm quyền đánh giá khác nhau" (tr.12). Lại Nguyên Ân dẫn lại ý này và từ đó phát triển lên thành cả một đoạn văn suy luận mang đầy đủ ba tính chất lệch, nghiêng, trượt tôi đã nói. Xin nhường lời cho ông Ân: "nói không ngoa, ý kiến người đọc, dư luận công chúng vẫn "chưa là cái đinh" gì trong quan điểm văn học của ông Đệ. Khi cần, ông chỉ trông lên, chỉ nhìn vào "những người có thẩm quyền" - đối với ông, chỉ thế cũng đã định đoạt số phận tác phẩm rồi. Nền lý luận và phê bình của ta cùng với sự luận chứng của ông Đệ đã tìm được một "tháp ngà" đặc biệt: nó chỉ có đường dây liên hệ với "những người có thẩm quyền"!". Ở đây ông Ân đã đọc không kỹ văn bản và đã tách rời văn bản bài viết của ông Đệ. Thứ nhất, khi ông Đệ nói tới thái độ đánh giá khác nhau của những người có thẩm quyền về một tác phẩm văn học là đã nói đúng một khuyết điểm của tình hình phê bình trước đây khi phê bình có phần quá lệ thuộc vào những ý kiến nhận xét của cấp trên lãnh đạo. Ông Đệ chỉ nói chưa đủ vì phê bình văn học trước đây còn có khuyết điểm trong mối quan hệ với quần chúng, bạn đọc, và đó là lỗi chung của một thời mà các nhà phê bình đều phải gánh phần trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho riêng một cá nhân nào. Thứ hai, ý kiến của ông Đệ ở trang 111 là nằm ở phần kiểm điểm, còn khi sang phần phương hướng nêu lên những nhiệm vụ đổi mới của lý luận phê bình thì ông Ân nên giở đến trang 114 đọc vào nhiệm vụ thứ ba ông Đệ viết: "Chúng ta phải mở rộng thường xuyên các cuộc đối thoại, tranh luận dân chủ và bình đẳng trong đội ngũ lý luận phê bình, giữa các nhà lý luận phê bình với các nhà sáng tác và quần chúng yêu thích văn nghệ" (tôi nhấn mạnh PXN) như vậy là trong quan điểm văn học của ông Đệ có "cái đinh" (theo cách nói của ông) rồi đấy chứ?

Khuynh hướng phủ nhận; có hay không?

Khi nêu lên một số bài viết gần đây có khuynh hướng phủ nhận với giọng điệu "gay gắt hơn, triệt để hơn" ông Đệ không gọi tên thẳng ra nhưng lại để lộ cho thấy đó là các bài của Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đăng Mạnh và vài người khác. Ông Đệ gói tròn nội dung các bài đó trong một câu "khuynh hướng phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa". Ông Ân cho đó chỉ là các nhận xét phê phán hoặc tự ý thức. Tôi cho như ý ông Ân là đúng, không có gì quá nặng như ông Đệ lo lắng. Tuy nhiên khi nhìn lại tình hình văn học trước đây trong các bài của ông Ân, ông Mạnh giữa sự phê phán khuyết điểm và sự khái quát đặc điểm thường có phần trùng nhau: phê phán quyết liệt, triệt để nên kéo theo khái quát đến mức cực đoan, tuyệt đối, dường như muốn chứng minh khuyết điểm đó chỉ là do duy nhất một đặc điểm đó gây ra và lấy cái một đó phổ quát lên giải thích tất cả các hiện tượng khác của văn học. Do đó mới gây nên cảm tưởng có sự phủ nhận ở một phần nào đó thành tựu thực tế của văn học ta thời gian qua. Tiện đây xin được bàn qua bàn lại cùng hai tác giả.

Trong bài viết của mình các ông Lại Nguyên Ân và Nguyễn Đăng Mạnh xuất phát từ sự nhìn nhận lại hoàn cảnh lịch sử, cơ sở tâm lý xã hội của sự hình thành và phát triển ngành phê bình văn học (và cả nền văn học nói chung) để rút ra kết luận về nó là "Đó là sự thống trị quá ư tuyệt đối - (tôi nhấn mạnh PXN) của giọng phê bình quyền uy, của tư duy quyền uy trong phê bình" (Lại Nguyên Ân), "đây là xu hướng đồng nhất chính trị với văn học, đồng nhất tuyên truyền với nghệ thuật, thể hiện dưới những dạng khác nhau và ở những mức đội khác nhau. Vì thế đây cũng là khuynh hướng đồng nhất (tôi nhấn mạnh PXN) hoạt động phê bình văn học với hoạt động tuyên huấn hiểu theo nghĩa hẹp của danh từ" (Nguyễn Đăng Mạnh). Tình trạng đó theo ông Ân đẻ ra cái hiện tượng mà ông đặt tên là "phê bình xu phụ", còn ông Mạnh thì cho là "chủ nghĩa cơ hội trong phê bình văn học". Cả hai ông đều thống nhất cho nguyên nhân của tình hình trên là do sự thiếu dân chủ kéo dài trong đời sống văn học nước ta mấy chục năm qua. Thực tế hoàn cảnh lịch sử thời gian trước đây không chỉ có phía khách quan của một cuộc chiến tranh kéo dài với những hậu quả của nó, mà còn có phía chủ quan bên trong bản thân nền văn học. Đó là tư duy lý luận văn học chung (do chịu sự quy định của tư duy chính trị cùng thời) đang ở trình độ thấp và khá lệ thuộc vào trình độ của bên ngoài. Những thí dụ về các vấn đề "không tưởng", "mâu thuẫn thế giới quan và sáng tác"... không hẳn hoàn toàn do sự áp đặt từ trên xuống mà là do ảnh hưởng dội lại từ những cuộc tranh luận ở bên ngoài mà ta tiếp thu gần như nguyên xi. Chỉ cần nhắc lại việc đánh giá một nhân vật như Lukas và hệ thống mỹ học của ông ta đã diễn ra như thế nào từ những năm 60 trước đây đến những năm 80 hiện nay trong giới lý luận phê bình ở các nước xã hội chủ nghĩa nói chung đã đủ thấy sự lạc hậu và kém cỏi của chúng ta là do đâu. Mặt khác, nhìn vào lịch sử văn học cách mạng nước ta thì rõ ra một điều: cái gọi là "phê bình quyền uy" rất ít có cơ sở để tồn tại theo cái nghĩa độc đoán, độc tài, có tính chất bắt buộc phải theo làm theo. Xin nêu thí dụ. Trong đợt chỉnh huấn và phát động quần chúng năm 1953, các văn nghệ sĩ đã chân thành kiểm thảo về tư tưởng và nghệ thuật của mình trước tổ chức theo yêu cầu chính trị lúc bấy giờ, nhưng đồng thời họ lại phủ nhận hết mình về mặt sáng tác. Hiện tượng này có thể vừa là do sự chỉ đạo tư tưởng, vừa là do giới hạn nhận thức của con người hồi ấy tạo nên. Trước tình hình đó, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong Báo cáo công tác văn nghệ 1953 (tạp chí Văn nghệ, 3-3-1954) đã có sự điều chỉnh cần thiết. Ông viết: "Trong những bản thu hoạch và tổng kết tư tưởng của một số đông anh em văn nghệ chúng ta, phần nhiệt tình thành khẩn rất là rõ rệt, nhưng sự nhận định về nghệ thuật của mình trước đây có ít nhiều quá đáng. Thái độ hoàn toàn trối kệ những tác phẩm cũ của mình, coi như một cái gì xấu hổ, có tội, không đúng. Nó nằm chung trong cái tư tưởng khá phổ biến sau chỉnh huấn, là hầu như không đếm xỉa gì đến những giá trị cũ của ông cha. Chúng tôi tưởng rằng cái thái độ đúng mực phải là đặt nghệ thuật cũ của mình vào hoàn cảnh khách quan của một giai đoạn lịch sử nhất định mà đánh giá. Cho nên, phủ nhận hoàn toàn nghệ thuật cũ của mình chưa hẳn là đã nhận ra hết những sai lầm... ở đây vấn đề không phải là tước bỏ, mà là phát huy các bản sắc, cốt cách của từng người văn nghệ để họ sáng tác phong phú hơn, có màu sắc hơn, nghĩa là có hiệu quả hơn trong việc giáo dục tư tưởng tình cảm, tâm hồn cho những con người đang chiến đấu, đánh giặc giữ nước và xây dựng xã hội mới".

Lời nhắc nhở của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong điều kiện lịch sử bấy giờ, thật chí tình chí lý và đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa.

Ông Ân nói "phê bình quyền uy đẻ ra tư duy quyền uy" ở một mức độ nào đó là có thể có, nhưng không thể cho rằng "tư duy quyền uy" đó thống trị tuyệt đối, là khuynh hướng lấn át tất cả trong lĩnh vực phê bình văn học. Một lẽ đơn giản: nếu nhà phê bình nào trong bài phê bình nào cũng "thích công bố các nhận định tùy tiện mà không cần chứng minh, thích lặp đi lặp lại các nhận định của mình từ quyển sách này sang quyển sách khác, không cần một lần chứng minh đến nơi đến chốn", "tập cho mình cái thói quen coi mình là người duy nhất sở hữu chân lý, người duy nhất đáng được nói kết luận sau cùng trong các vấn đề văn học" – thì làm sao lịch sử văn học Việt Nam hiện đại có thể ghi nhận được những thành tựu và giá trị đã được khẳng định và chấp nhận để làm thành truyền thống cho hôm nay. Phê bình cũng có tính lịch sử như sáng tác vậy. Thời gian trôi qua, những giá trị đích thực sẽ còn lại và sống mãi. Mà văn học ta có không ít những giá trị như vậy và vào thời của nó phê bình văn học đã kịp thời phát hiện, phân tích và đề cao. Những người viết văn trẻ, là một thí dụ. Nói "tư duy quyền uy" là ngầm ý nói một kiểu tư duy rập khuôn máy móc, tiên nghiệm. Quả đây đó có một vài biểu hiện như thế, nhưng nhìn chung phê bình văn học một thời qua đã có tư duy khoa học của mình, dù tính chất khoa học ở đây nhiều phần mới dừng lại ở cấp độ cái chung, cái toàn thể.

Hai tác giả nhấn mạnh đến khuynh hướng phê bình văn học nặng về chính trị, về uy quyền, do đó đã vô tình (hoặc cố ý) xem nhẹ (hoặc phủ nhận) thành tựu của cả nền phê bình trước đây. Tôi không thuận lắm với nhận định của ông Ân về loại phê bình thông thường - điểm sách, bình thơ, giảng văn rằng: "loại phê bình này thường không mấy khi tạo nên được những tác động thật mạnh trong khí hậu văn học chung". Thực ra nên nghĩ kỹ hơn. Chính loại phê bình đó đã góp phần tạo nên và tỏ ra phù hợp với khí hậu văn học chung của cả một thời - cái thời lịch sử đòi hỏi con người phải sống với nghĩa vụ công dân cao cả của mình và con người đã bộc lộ hết mình trong cuộc sống chung, từ đó văn học viết về lịch sử và con người chỉ tập trung chăm chú vào cái đẹp, cái cao cả, cho nên phê bình văn học chú trọng hàng đầu đến việc chỉ ra cái hay của mỗi áng văn, câu thơ. Tôi nghĩ rằng tác động của giới hạn của "phê bình quyền uy" (nếu có) cũng nằm chung trong bầu không khí đó và có chịu sự quy định của nó. Đặc điểm của hoàn cảnh lịch sử - đặc điểm của văn học - đặc điểm của phê bình văn học: đó là một quá trình thuận chiều và không nên nhìn nó chỉ với con mắt hoài nghi, chỉ thấy toàn điểm dở, điểm xấu. Trên tinh thần đó, tôi cũng không hoàn toàn tán thành ý kiến của ông Mạnh cho rằng: "Những bài viết, những tập sách có tính chất tổng kết văn học thường hết sức hời hợt, công thức". Anh nói đó là những ví dụ cho sự yếu kém của lý luận trước những vấn đề do thực tế đời sống văn học đặt ra. Có thể nhận rằng những bài viết, những công trình tổng kết ở các trường đại học, ở các viện nghiên cứu còn mang tính giáo trình quy phạm, hàn lâm, kinh viện. Nhưng không phải thế là chúng vô ích và vô tác dụng. Các quy luật của sự phát triển đến bây giờ, ở thời điểm hiện tại, mới được tìm hiểu và nghiên cứu, mà chúng đã được nêu lên và khái quát trên từng chặng đường, từng giai đoạn của tiến trình văn học hiện đại. Những tổng kết, nhận định, khái quát, rút ra quy luật ấy trong các bộ sách lịch sử văn học nếu là "hết sức hời hợt, công thức" thì diện mạo của văn học Việt Nam hiện đại sẽ phải nhìn nhận ra sao trên dòng thời gian hơn 40 năm qua? Cố nhiên không phải mọi điều tổng kết đều đúng đắn, chính xác và hợp lý, mà trong đó có những sai lầm, ngộ nhận, những khiên cưỡng, gò ép. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân chủ yếu là do trình độ lý luận chung của một thời. Nguyên nhân không biện hộ cho kết quả, nhưng cũng xin đừng vì nguyên nhân mà phủ nhận hoặc đổ lỗi cho kết quả.

Đổi mới là một quá trình

Trong phần kết luận bài viết của mình, Lại Nguyên Ân có viết: "Nghĩ ra được cả một chiến lược đổi mới tư duy trong phê bình, nghiên cứu văn nghệ quả là việc khó, hầu như quá sức chúng tôi. Thiết thực nhất xem đây là cả một quá trình...". Tôi nghĩ như vậy là đúng. Đổi mới là một quá trình trong đó mỗi người cầm bút đều phải vượt lên quá khứ của mình, nhìn lại những sai lầm, vấp váp và hướng đi tìm cái mới. Quá trình này đầy vất vả, trăn trở, không đơn giản, xuôi chiều, do đó không nên cho rằng mọi ý kiến, mọi bài viết cứ phải nói, có khi đến mức cực đoan, thái quá, thì mới là đổi mới. Hệ thống quan điểm nghiên cứu văn học, phương pháp phê bình văn học của ông Đệ trước đây có chỗ khả dĩ, bây giờ có chỗ bất cập, điều đó cũng dễ thấy và dễ hiểu. Thái độ phê phán đúng đắn đối với ông Đệ không phải đứng trên quan điểm cá nhân để nhạo báng, đả kích, từ đó đi đến phủ nhận toàn bộ hoạt động văn học của một đời người, mà phải đứng trên quan điểm lịch sử khoa học để thấy ông có đóng góp chỗ nào, sai lầm chỗ nào và nguyên nhân của những cái đó. Thật sự khách quan ra thì khi phê phán ông Đệ "phần nghĩ mới quá ít, nếp nghĩ cũ lại quá nhiều" (Lại Nguyên Ân nhấn mạnh), ông Ân cũng cần phải ghi nhận đây là một bước chuyển mình đáng động viên, khích lệ của ông Đệ trên con đường đổi mới và tự đổi mới. Tiếc thay ông Ân lại hoài nghi và diễu cợt điều đó. Quá trình đổi mới mà ông nói rút cục chỉ được phép tiến hành theo một cách như sau: "Cần nhận ra dần những chỗ bị trói buộc, những chỗ nhói buốt nhất, nói to lên (tôi nhấn mạnh PXN) và cùng nhau tháo gỡ". Tiếp theo câu này là câu có chữ "e rằng" ông Ân nêu lên một nhận xét dưới dạng phán đoán đầy tính chất thóa mạ ông Đệ mà tôi đã dẫn ở phần đầu bài. Lại Nguyên Ân tự cho mình cái quyền đứng cao hơn người khác như vậy là vì ông cực lực không thể chấp nhận được cái cách nói về đổi mới mà không nói to lên, chỉ nói một cách điềm đạm, bình tĩnh, có cân nhắc trước sau. Ông đòi tất cả mọi người phải nói như ông mới là đổi mới, còn nói khác đi là cũ. Nếu suy luận là này là đúng thì hoặc là ông Ân còn có phần cũ hơn những người bị ông coi là cũ, hoặc là ông Ân hiểu cái mới một cách quá ư quyết liệt và căng thẳng. Điều ông Ân nói tôi chỉ chấp nhận xem như một trong nhiều cách nói có thể trong câu chuyện bàn luận về cũ mới hôm nay mà thôi.

Tôi xin dừng lại cái việc "phê phán" đối với ông Đệ, ông Ân ở đây. Cố nhiên tôi biết cái mệnh đề phê phán này có thể sẽ lại được vận dụng cho tôi. Đổi mới là một quá trình và là một quá trình đa thanh, do đó nếu chỉ im lặng hoặc chỉ có độc một loại phát ngôn thì thật đáng buồn.

w Nguồn: Văn nghệ quân đội, số 7-1988

Mục lục

14-4-10