ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 9 (3-3-1990)

 

VAI TRÒ CỦA PHÊ PHÁN TRONG
PHƯƠNG PHÁP LUẬN KHOA HỌC NHÂN VĂN

PHẠM MINH LĂNG

Trong ngôn ngữ hàng ngày cũng như trong nhiều văn bản chính trị, khoa học, trong nhiều bản báo cáo, chúng ta thường được nghe, được đọc những câu "phê phán cái xấu, cổ vũ cái tốt".

Dù muốn hay không, dù có ý thức hay không có ý thức, cách nói, cách diễn đạt như vậy đã gieo vào tâm thức người nghe, người đọc một sự hiểu biết quá hạn chế dẫn đến những ngộ nhận gây tranh cãi kéo dài, ảnh hưởng không có lợi cho sự phát triển về nhiều mặt của đời sống xã hội đặc biệt là trong sáng tạo khoa học và nghệ thuật.

Phê phán chẳng qua chỉ là một nghệ thuật xem xét và thẩm định giá trị (art de juger, d'apprécier) một hiện tượng, một hành vi, một sự kiện nào đó trong trời đất (tự nhiên và xã hội)[1].

Cụ thể hơn đó chỉ là một thủ pháp mà con người dùng để mổ xẻ hiện tượng... để tìm ra cái đúng cái sai, cái tốt cái xấu... để tìm ra cái bản chất, cái quy luật, cái chiều hướng phát triển của sự vật. Nói cách khác là để tìm ra mâu thuẫn và cách khắc phục mâu thuẫn mở đường cho sự phát triển hợp quy luật (xem sách trên).

Nhờ biết dùng thủ pháp phê phán mà con người đã vượt được chính mình để tự khẳng định mình trước vạn vật cũng như trong đời sống của hàng ngày.

Hoạt động khoa học nói chung đặc biệt là hoạt động trong các ngành khoa học nhân văn (triết, văn, sử...) nói riêng vai trò của phê phán là không thể thiếu được vì khoa học bao giờ cũng là sự tìm tòi, sự sáng tạo của xã hội, của con người. Khoa học tự nhiên nghiên cứu các hiện tượng trong tự nhiên, nghiên cứu các lý thuyết tự nhiên do các thế hệ trước sáng tạo có nghĩa là phê phán tự nhiên cũng như các lý thuyết đã có của các thế hệ trước cũng như đương thời. Khoa học nhân văn (sciences humaineo) là khoa học lấy con người (mặt xã hội) làm đối tượng đương nhiên nó đụng chạm trực tiếp đến các thế hệ, các thế lực, đến con người hơn và vì thế sự phê phán sẽ gặp nhiều lực cản hơn thậm chí còn nguy hiểm cho cá nhân nhà nghiên cứu nhất là nếu hiểu phê phán chỉ để nói đến cái xấu, cái sai, chỉ để "bới lông tìm vết"... Từ đó dẫn tới việc cấm kỵ con người nói chung và các nhà khoa học nói riêng không được phê phán lĩnh vực này, lĩnh vực nọ, nhất là trong lĩnh vực chính trị sống còn của đất nước (đường lối chính trị), trong các lĩnh vực liên quan đến niềm tin (các kính tín), trong các truyền thống, tập quán dân tộc, anh hùng dân tộc... Chính vì thiếu sự phê phán cần thiết mà có nhiều sai lầm lớn tồn tại quá lâu gây tổn thất kéo dài trong phạm vi rộng lớn bao trùm cả nước. Các nhà khoa học, các nhà nghệ thuật cần thấy phần trách nhiệm của mình trước hiện tình đất nước hôm nay vì chưa hoàn thành được chức năng phê phán sáng tạo để đưa đất nước ra khỏi những khó khăn chồng chất đang đè nặng từng người có lương tri.

Các hiện tượng trong đời sống xã hội (bài này không bàn đến tự nhiên) vô cùng phức tạp, nói lên vô vàn mối quan hệ. Có bao nhiêu mối quan hệ thì có bấy nhiêu "nhiễu" làm cho con người khó mà nắm bắt ngay được đời sống thực của hiện tượng. Các hiện tượng trong đời sống xã hội lại luôn bị con người (các thế lực) xuyên tạc, tô vẽ cho có lợi cho mình nên vốn nó đã phức tạp lại càng thêm phức tạp, vốn nó đã nhiều "nhiễu", "nhiễu" lại gia tăng. Cần thấy đặc trưng trên để thấy đúng tầm vóc của thủ pháp phê phán trong khoa học nhân văn. Thiếu nó thì có thể khẳng định là không có khoa học, không có sáng tạo và cũng không có tiến bộ xã hội.

Mỗi ngành khoa học lại có ngôn ngữ riêng của mình hay nếu muốn gọi là có "mã" riêng của mình cũng được. Toán học có ngôn ngữ toán, sử có ngôn ngữ sử, triết có ngôn ngữ của triết và đương nhiên văn có ngôn ngữ của văn và v.v... Tóm lại mỗi khái niệm, mỗi nguyên lý khoa học đều có một câu đố. Nếu các khoa học không có ngôn ngữ, không có "mã" riêng của mình thì chỉ cần đọc thông viết thạo là có nguyên lý khoa học đó. Các khoa học chỉ khác nhau ở chỗ các "mã" không giống nhau chứ không phải khoa học khác thì không có "mã". Hãy lấy một ví dụ, nếu cho rằng triết học không có "mã" thì tại sao thiên hạ lại tốn bao công sức bàn về một câu nói tưởng như không có gì phải bàn của Socrate "Hãy tự biết lấy chính mày" (Connais-toi, toi-même) hay "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại" (Je pense que le suis) của Descarte - Từ khi chủ nghĩa Mác ra đời đến nay người ta vẫn còn hỏi nhau "chủ nghĩa xã hội là gì" và cho đến nay chưa ai an tâm với một lời giải thích nào đã được nghe. Một câu hỏi đang làm cho các môn học nhân văn ở nước ta lo trả lời là "Con Người (viết hoa) xã hội chủ nghĩa" "Con người người Cộng sản" là con người thế nào?". Chắc chắn đây là loại "mã" khó giải nhất trong các loại "mã" mà chúng ta đang đau đầu. Chúng ta đã mất khá nhiều công sức để giải "mã" cho khái niệm "làm chủ tập thể". "Con người làm chủ tập thể" mà đến nay không biết những khái niệm đó còn tồn tại nữa hay không để các nhà nghiên cứu tiếp tục giải "mã".

Vậy làm thế nào để giải "mã" cho một loạt ngôn ngữ đó nếu không phải là sự phê phán khoa học.

Chúng ta ai cũng có thể nhớ được một nguyên lý của khoa học nhận thức: "Nhận thức là vô cùng tận" nhận thức mang tính lịch sử" "nhận thức vừa vô hạn lại vừa hữu hạn". Nhưng đây đó vẫn còn thái độ không phù hợp với nguyên lý trên – Nào là không được phê phán lại "lịch sử", nào là không được phê phán các "vĩ nhân" – phê phán lại "lịch sử", phê phán lại "vĩ nhân" đồng nghĩa với phê phán "dân tộc" v.v...

Chúng ta cần nhất trí với nhau là sự nhận thức về lịch sử, về vĩ nhân, về dân tộc cũng như mọi nhận thức khác về đời sống xã hội luôn chịu sự chi phối của nguyên lý trên nghĩa là nó chịu sự hạn chế của lịch sử (mang tính lịch sử) đồng thời nó chưa và không bao giờ là điểm tột cùng của sự hiểu biết của con người. Vì vậy phê phán các hiện tượng đó để tìm thêm những điều hay, điều tốt, cũng như những hạn chế yếu kém để khắc phục và phát huy là một việc làm khoa học, chính đáng và cần thiết. Không nên cho rằng lịch sử đã nói như vậy thì cứ như vậy, không cần đến sự phê phán của các thế hệ sau.

Hơn nữa, cái mà ta thường gọi là phê phán "lịch sử", "vĩ nhân" lại chỉ là phê phán sự hiểu biết, sự thẩm định giá trị của các thế hệ trước, của người khác và nói chung chỉ là nhận thức của con người trong từng giai đoạn lịch sử về lịch sử chứ đâu đã là phê phán bản thân lịch sử, bản thân vĩ nhân. Phải chăng đó là nhân danh lịch sử, dân tộc để phê phán lại sự phê phán về nhận thức của "tôi" về lịch sử về dân tộc.

Vấn đề còn lại không phải là có nên phê phán lịch sử, phê phán dân tộc hay không mà là phê phán có cơ sở khoa học, có với tấm lòng trong sáng, có đúng hay không mà thôi.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam ta từ bao đời nay con người luôn luôn phê phán lịch sử, phê phán vĩ nhân, viết lại lịch sử, viết lại danh nhân. Chưa đầy 80 năm mà Liên Xô đã ba bốn lần phê phán lại lịch sử và viết lại lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Người Việt Nam ta cũng đã nhiều lần phê phán lại lịch sử và viết lại sử Việt Nam. Vì vậy nên xem lại việc phê phán lịch sử, vĩ nhân chỉ là việc làm bình thường của các nhà khoa học nhằm tìm ra những cái ta chưa biết kể cả tốt và xấu nhằm làm cho lịch sử thêm phong phú, phục vụ tốt hơn con người mà thôi.

Việc phê phán các hiện tượng trong đời sống xã hội còn gặp một trở lực lớn nữa là quan niệm khác nhau của các thế hệ khác nhau cũng quan niệm khác nhau của các tầng lớp xã hội cũng như các cá nhân cùng thời. Cùng một hiện tượng người này khen, kẻ khác chê, cho nên chỉ có thảo luận mới mong tìm ra một tiếng nói chung, mới tìm ra chân lý. Xin nêu một ví dụ, không biết thật hư đến đâu về câu chuyện vua Quang Trung vị anh hùng dân tộc mà không ít người cho là vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc ta thời phong kiến đã bàng hoàng trước vẻ đẹp (cả tâm hồn và thể xác) một phụ nữ tới mức tuột tay làm rơi chén (bát) rượu. Có người cho như vậy là làm giảm oai phong của vĩ nhân, một vị anh hùng chiến tích lừng lẫy không thể mềm yếu như vậy, thế là xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ anh hùng. Không ít người khác thì cho rằng cái vĩ đại của vị anh hùng Quang Trung không phải chỉ ở những chiến tích, những tư tưởng vì dân, vì nước... mà còn ở ngay trong trường hợp bàng hoàng trước vẻ đẹp mê hồn của người con gái. Vĩ nhân chính là ở chỗ biết rung cảm trước cái đẹp, biết thưởng thức cái đẹp. Ý kiến nào đúng sai cần có luận bàn nhưng có điều chúng ta cần có những con người biết căm thù cái xấu, cái ác. Chắc chắn loài người nói chung và con người Việt Nam ta nói riêng rất cần những con người còn trái tim người nghĩa là những con người không thể dửng dưng trước cảnh oan trái bất công mà đồng loại phải chịu – Xã hội nếu chỉ còn những con người chai sạn, không còn khả năng rung động trước việc đời sẽ là tai họa cho đời.

Như ta khẳng định ở trên, phê phán không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Điều đó có nghĩa là phê phán vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, không chỉ thấy mặt khoa học mà coi nhẹ hoặc quên mất mặt nghệ thuật cũng như ngược lại.

Vì vậy một mặt cần khẳng định vai trò của phê phán trong phương pháp khoa học nhân văn thì mặt khác đòi hỏi một cách nghiêm ngặt các nhà khoa học nhân văn phải tiến hành việc phê phán cho có hiệu quả nhất – nghĩa là phải ngày càng tiếp cận tới chân lý. Lĩnh vực nghiên cứu nào cũng không thể một lúc đạt được chân lý ngay. Đại chúng rất rộng lượng đối với các nhà khoa học nhưng bản thân các nhà khoa học lại luôn tự kiềm chế mình, lượng sức mình, cố tránh mọi sai lầm có thể. Khoa học nhân văn có đặc trưng là rất phức tạp, lại liên quan trực tiếp đến các thế hệ, đến cả một dân tộc. Vì vậy, trong lĩnh vực này sự sáng tạo dù chỉ nhỏ nhoi cũng là quý lắm rồi.

 Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 9 (3-3-1990)
 

 


[1] Xem Từ điển chính trị, Nxb Tiến bộ - Liên Xô.

Mục lục

1-9-10