ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 21 (21-5-1988)

 

DỊCH VĂN HỌC - NHỮNG VẤN ĐỀ

PHẠM MẠNH HÙNG - THÚY TOÀN

 

Chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn Việt Nam sắp tới, ngày 30-4 vừa qua Hội đồng dịch văn học của Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với Nhà xuất bản Văn học và Nhà xuất bản Tác phẩm mới tổ chức một cuộc hội thảo về dịch văn học. Tham dự cuộc hội thảo có ngót sáu chục nhà văn, dịch giả, một số đại biểu của các nhà xuất bản và các báo. Hàng chục tham luận đã đề cập nhiều vấn đề cấp thiết của việc dịch và tổ chức lực lượng dịch văn học. Không khí hội thảo nghiêm túc, dân chủ và thẳng thắn.

Vấn đề nổi bật được nhiều người nói đến, phân tích sâu sắc là vấn đề vai trò và vị trí của công việc dịch văn học. Lê Xuân Giang đã nêu ý kiến của Octavio Paz nói rằng: "Thế kỷ của chúng ta là thế kỷ của dịch thuật... Trong khi dịch thuật, chúng ta cải biến cái mà chúng ta dịch và chủ yếu chúng ta tự cải biến bản thân chúng ta". Trần Khuyến nhấn mạnh rằng: "Dịch giả là người tuyên truyền của thế giới. Thiếu họ, Jesus cũng sẽ chỉ là người giảng đạo của một làng mà thôi", và dẫn lời Ghiovich: "Một dân tộc không hay biết những gì đang xảy ra ở dân tộc khác là một dân tộc đang hấp hối".

Như vậy "Không thể xem văn học dịch là một bộ phận phụ thêm của văn học dân tộc, là thứ cấp, mà là một bộ phận hữu cơ của một nền văn học" (Lê Xuân Giang). Mỗi thành tựu của văn học dịch đích thực là thành tựu của văn học dân tộc.

Quan niệm của Hội Nhà văn Việt Nam đối với công việc dịch văn học và người dịch văn học trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Chứng cớ là Hội đã kết nạp những người dịch vào Hội, đã thành lập Hội đồng dịch văn học, đã hai lần xét tặng thưởng các tác phẩm văn học dịch. Mặc dù vậy, quan niệm chung của xã hội đối với việc dịch văn học và người dịch văn học vẫn là xem nhẹ. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đọc truyện dịch chỉ nêu tên tác giả, không nêu tên người dịch, làm như bản dịch tự trên trời rơi xuống. Đài truyền hình chuyển thể bản dịch văn học thành kịch, dùng nguyên văn đối thoại của bản dịch, cũng không buồn nêu tên người dịch. Một số nhà xuất bản không ghi tên người dịch trên sách (Nhà xuất bản Sự thật, Ngoại văn). Đây không chỉ là vấn đề quan niệm, mà là vi phạm thô bạo quyền tác giả, cần chấm dứt ngay.

Trong vòng mươi năm gần đây, hoạt động dịch văn học giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Sách văn học dịch chiếm tới 2/3 tổng số trang in và đầu sách văn học xuất bản hàng năm trong cả nước. Nhiều tác phẩm hay, cả cổ điển lẫn đương đại, của nhiều nước khác nhau, trong cũng như ngoài cộng đồng xã hội chủ nghĩa, đã đến với bạn đọc qua bản dịch tiếng Việt. Có những tác phẩm xuất sắc, gây tiếng vang rộng lớn, đã được dịch ra tiếng Việt trong thời gian rất ngắn sau khi nguyên tác ra đời (chẳng hạn, Đoạn đầu đài của Aitmatov vừa xuất bản và Những đứa con của phố Ac-bat sắp ra mắt bạn đọc Việt Nam nay mai).

Công việc dịch văn học phát triển rầm rộ như thế, nên đương nhiên là có nảy sinh vấn đề. Nghiêm trọng nhất là vấn đề chất lượng dịch. Có không ít bản dịch in ra chỉ nhằm đạt mục đích kinh doanh, đánh vào thị hiếu tầm thường của người đọc, bản dịch sai nhiều, yếu kém về chất lượng văn học.

Phương pháp hiệu nghiệm nhất để khắc phục tình trạng là phải đẩy mạnh hoạt động phê bình văn học dịch.

Một lĩnh vực nữa trong hoạt động dịch còn yếu là việc tổng kết công tác dịch và xây dựng lý luận dịch văn học (Đỗ Đức Dục).

Lực lượng dịch của chúng ta hiện nay khá hùng hậu, chúng ta đã có những cây bút dịch vững vàng, có tay nghề cao, được bạn đọc yêu mến, dịch trực tiếp nguyên bản từ nhiều thứ ngữ (Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hung, Tiệp, Đức, Ba Lan v.v...). Ngoài ra, còn có nhiều cây bút trẻ có triển vọng, đang làm việc có hiệu quả. Song, đối với "nhân tố người" này, có nhiều vấn đề gay gắt cần phải giải quyết thỏa đáng.

Trước hết là vấn đề nhuận bút. Đây cũng là vấn đề chất lượng bản dịch. Mạnh Tử nói rất đúng rằng "chẳng nên duy tâm hô hào chuyện nhịn đói mà vẫn sản xuất tốt", anh dẫn lời nữ dịch giả Pháp Xedan chuyên dịch văn học Mỹ Latinh, phát biểu trên tờ Nuven Ovxecveto rằng: để có chất lượng tốt, mỗi dịch giả chuyên nghiệp chỉ nên dịch mỗi năm một cuốn sách 500 trang thôi. Anh kêu gọi: "Các cơ quan nhà nước ăn lãi ít thôi, để cho người lao động có thể tái sản xuất sức lao động của mình". Có thể nói tất cả những người dự hội thảo đều hết sức không đồng tình về mức nhuận bút hiện nay. Lạ một điều là vấn đề này đã được nói đến rất nhiều lần trong nhiều cuộc họp, đã được nêu trên báo chí, song các cơ quan có trách nhiệm giải quyết về nhuận bút vẫn giữ lập trường "im lặng là vàng" để còn tiếp tục "nghiên cứu". Mà kinh nghiệm lâu nay là: mỗi khi nhuận bút mới được ban hành thì nó đã lạc hậu ngay từ khi ban hành, càng về sau càng vô lý và dường như người ta muốn duy trì cái vô lý ấy càng lâu càng tốt. Nguyện vọng của anh em là các cơ quan có thẩm quyền trả lời công khai trên mặt báo để vấn đề được đem ra thảo luận với mọi khía cạnh của nó.

Cuối cùng là vấn đề tổ chức lực lượng dịch. Tuy Hội Nhà văn Việt Nam đã có sự quan tâm nhất định trong việc tổ chức lực lượng dịch, song việc kết nạp hội viên là người dịch còn quá dè dặt: mỗi năm mấy người. Như thế thì cho đến cuối thế kỷ này, số người dịch văn học là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam có lẽ chỉ mấy chục người, làm sao có thể có ảnh hưởng tốt đối với lực lượng dịch đông đảo.

Trước tình hình đó, một số đồng chí đề nghị xin thành lập Hội những người dịch văn học như một tổ chức xã hội và nghề nghiệp độc lập, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc tự quản tài chính.

Đây là chuyện trong tương lai; trước mắt, đề nghị xuất bản tạp chí Văn học nước ngoài do Hội đồng dịch văn học phụ trách, đồng thời đề nghị ban lãnh đạo Hội Nhà văn chú ý thích đáng hơn nữa đến lực lượng dịch, tôn trọng và mở rộng thỏa đáng quyền hạn của Hội đồng dịch và nhất thiết phải dân chủ hóa sinh hoạt của Hội đồng dịch văn học.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 21 (21-5-1988)

Mục lục

4-1-09