ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 40 (3-10-1987)

 

 

TRỞ LẠI VẤN ĐỀ THÁI ĐỘ XÃ HỘI

PHẠM HỔ

Cách đây mấy năm, trên báo Phụ nữ rồi sau đó trên báo Nhân dân, báo Văn nghệ, tôi có mấy lần nêu lên vấn đề cần phải gấp rút tìm ra những biện pháp cụ thể trong hoàn cảnh đất nước còn có nhiều khó khăn, để chăm lo đúng mức hơn nữa đến việc giáo dục thiếu nhi. Trong những lần ấy, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, và sự cần thiết phải tạo cho được một thái độ xã hội trước cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu. Sở dĩ tôi khẩn thiết nêu lên vấn đề thái độ xã hội vì nếu cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu mà cứ nhập nhằng, lẫn lộn thì nhất định điều đó sẽ gây rối cho cuộc sống nói chung và cho công việc giáo dục thiếu nhi nói riêng.

Tôi đọc Raxputin (trong tiểu thuyết Đám cháy) mà giật mình vì thấy như tác giả đang viết về chính xã hội của chúng ta: "... Nếu người ta có thể vạch ra một đường ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, chúng ta sẽ thấy rằng có một số người đã vượt qua cái ranh giới ấy, còn một số thì không, nhưng phần lớn đã hướng về cái tốt. Và con số những người tốt cứ tăng dần lên từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Phần tiếp theo đó trở nên khó hiểu. Ai đã làm hoảng sợ những người đã vượt qua cái đường ranh giới kia và đã được nếm hưởng cái tốt, vì sao họ lại quay lui? Không phải cùng một lúc, không phải từng đám đông, nhưng rõ ràng là đã có như vậy. Việc vượt qua ranh giới đã xảy ra từ hai phía, đó là một sự qua lại liên tục và qua quá trình này người ta kết bạn với người này, người kia, cuối cùng, vì bị dẫm lên quá nhiều, đường ranh giới kia đã bị xóa mất, cái tốt và cái xấu lẫn vào nhau. Cái tốt ở trạng thái trong sáng, trở thành yếu đuối, cái xấu trở thành sức mạnh".

Các cháu bé của chúng ta trong nhiều năm qua cũng đã sống trong một tình hình xã hội na ná như vậy. Nhiều em có bố mẹ vốn là những người hiền lành thật thà nhưng vì lương ít, con đông, đành phải làm những chuyện không hay: lấy thịt ở nhà an dưỡng về cho con, lấy cắp của cơ quan thứ này, thứ nọ đem đi bán... có trường hợp bố mẹ trước kia là những người cương trực sau bị trù úm mà trở nên hèn nhát và quỵ lụy cấp trên... Có những nhà làm ăn bất lương mà trở nên giàu có, càng ngày càng giàu có, và đám trẻ trong những gia đình đó lại được ăn ngon mặc đẹp và có thể xem thường tất cả những em bé nghèo khác. Tại sao những đứa con nhà kia học thì dốt, sống thì bừa bãi mà cứ đút lót tiền theo nhau đi Tây... nào lao động, nào đi học nghề, không một ai chịu đi nghĩa vụ quân sự trong lúc nhà nọ chỉ có một anh con trai mà vẫn đi làm nghĩa vụ đối với tổ quốc một cách nghiêm chỉnh? Tại sao bên cạnh những chú công an sẵn sàng hy sinh tính mạng mình để bảo vệ nhân dân lại có những chú khác đi ăn của đút lót, hoặc dung túng cho những kẻ xấu phá rối trật tự, an ninh trong thành phố?

Trong lúc đó thì không thấy ai vạch mặt, gọi tên và công bố trước dư luận: những việc làm xấu, những con người xấu. Ngược lại có những trường hợp, những việc làm xấu, những con người xấu kia lại được bảo vệ, che chở, thậm chí có lúc còn được khen, được đề bạt giữ những chức vụ cao hơn... Còn gì khổ tâm bằng những thấy kẻ ăn cắp mà không dám nói, thấy sự bất bằng mà không dám can thiệp.

Các cháu bé của chúng ta, không phải là tất cả, nhưng một số khá đông đã hoang mang, không biết nên nghe ai, theo ai, mặt khác lại chịu ảnh hưởng độc hại của những việc làm, cảnh sống không tốt ấy. Hiện tượng các cháu không thích học, chỉ thích sớm kiếm ra tiền để tiêu xài thỏa thích đến nay không còn là cá biệt nữa.

Thật khó mà giáo dục tốt các cháu thiếu nhi trong một xã hội có nhiều người lớn sống không gương mẫu. Và chúng ta đã từng nhất trí với nhau nếu có nhiều em sống không tốt hoặc phạm lỗi này, tội kia, thì trách nhiệm trước hết thuộc về những người lớn.

Tôi nói tất cả những điều trên đây cốt chỉ để nói đến một niềm vui mới, một niềm vui lớn, mặc dù chỉ mới là bắt đầu kể từ khi có phong trào "Những việc cần làm ngay" mà đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu lên. Và nhờ có phong trào ấy mà chúng ta thấy rõ thêm thực trạng của xã hội ta (phải thấy được rõ bệnh mới chữa được bệnh) và điều đáng mừng hơn, là cũng từ khi có phong trào ấy, thái độ của xã hội đã thật sự được bày tỏ một cách rõ ràng trước cái đúng và cái sai, trước cái tốt và cái xấu. Điều này sẽ mang lại niềm tin trong lòng nhân dân và tạo nên một chỗ tựa lớn cho công cuộc giáo dục thiếu nhi.

Tôi không nghĩ là cuộc đấu tranh chống lại cái sai, cái xấu sẽ dễ dàng và đơn giản. Mà ngược lại. Nhưng với những tư tưởng lớn của Đại hội VI của Đảng: đổi mới tư duy dân chủ hóa, phát triển năng lực sản xuất và sáng tạo, với lòng khao khát và quyết tâm xây dựng một cuộc sống mới đẹp đẽ, công bằng, chúng ta tin là Đảng và nhân dân chúng ta sẽ khắc phục dần các khó khăn và cuối cùng sẽ thực hiện những điều mà chúng ta hằng mơ ước.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 40 (3-10-1987)

 

Mục lục

6-6-08