ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 28 (9-7-1988)

 

 

CÁC NHÀ VĂN BẢY TỈNH PHÍA NAM TRUNG BỘ
THẢO LUẬN VỀ VĂN XUÔI

Theo tin của ban liên lạc của Hội Nhà văn Việt Nam tại Nam Trung Bộ, trong hai ngày 18 và 19 tháng 5 vừa qua, tại Đà Lạt đã có cuộc hội thảo về văn xuôi gần đây. Tham gia hội thảo có các hội viên Hội Nhà văn và các cây bút văn xuôi khác đang sống và làm việc tại các tỉnh trong vùng (Phan Tứ, Giang Nam, Y Điêng, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Ngô Thị Kim Cúc, Ngân Vịnh, Lệ Thu, Lê Văn Ngăn, Nay Nô, Đào Xuân Quý, Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo v.v...) và một số anh chị em sáng tác, phê bình đi công tác qua đây.

Nhà văn PHAN TỨ nhận xét: gần đây sáng tác văn xuôi của anh em viết văn trong vùng đang tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhưng bên cạnh những anh em viết khỏe cũng có những người chững lại, ít viết hoặc hầu như nằm im. Có lý do riêng, nhưng cũng có lý do ở sự thiếu quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam và các hội địa phương.

Nhà văn THÁI BÁ LỢI nêu lên sự chú ý của công chúng đối với văn xuôi trong nước. Nhưng phía nhà văn cũng có vấn đề: những người từng là chủ chốt trong văn học thời chiến hiện đứng trước một thử thách lớn, vì không thể viết như trước đây nữa. Để khắc phục điều này, cùng với nỗ lực của từng người, cần chú ý đến công tác tổ chức đội ngũ, tạo điều kiện cho anh em sáng tác.

Nhà văn CAO DUY THẢO cho rằng văn học hiện nay đang ở một thời điểm "bùng nổ", nó sẽ làm hết sức mình cho tương lai đất nước và cho chính nó. Trong sự phát triển của văn xuôi, có thể thấy một sự "điều chỉnh lại" so với thời gian trước đây về nhiều điểm, ví dụ việc xuất hiện "văn học chống tiêu cực". Nhưng anh muốn văn xuôi không nên dừng lại ở mức độ của báo chí. Anh cũng phê phán những cách phê bình chủ quan, suy diễn thô thiển, hạ thấp văn học.

Nhà thơ THANH QUẾ, Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng cho biết thể ký và truyện ngắn trên tạp chí này, do xáp vô các vấn đề đời sống nên không còn bị thờ ơ như trước. Người ta đọc, đồng tình hay phản đối, chứ không thờ ơ. Anh cũng nêu những câu hỏi nghi vấn đang tồn tại trong nhiều anh em viết văn về giá trị của "văn học chống tiêu cực".

Nhà văn NGÔ THỊ KIM CÚC nhận xét: âm hưởng anh hùng ca đi suốt văn học những năm kháng chiến, và sau 1975 văn học vẫn tiếp tục ngợi ca chiến thắng. Nhưng cuộc sống ngày càng khắc nghiệt. Nhiều ảo tưởng đổ vỡ, người ta chứng kiến nạn cường hào mới ở nông thôn, những sai lầm trong chỉ đạo kinh tế xã hội, sự suy thoái biến chất của không ít cán bộ, đảng viên... Tất cả những điều này tạo ra những phản đề cho văn học, đòi hỏi nhà văn thực thi trách nhiệm của người cầm bút và trách nhiệm công dân...

Nhà văn TRẦN THÙY MAI từ Huế vô dự hội thảo, tuy e dè nhưng dứt khoát tin rằng: đổi mới là trân trọng tất cả những giá trị tinh thần của con người, là triệt để chống đồng loạt hóa trong sáng tạo nghệ thuật.

Nhà văn NGUYỄN GIA NÙNG nói: trang bị của nhà văn gồm tri thức, tâm hồn và tay nghề. Mỗi người phải thường xuyên kiểm tra lại hành trang của mình xem có đủ để đi đường dài hay không. Mỗi người phải tự đổi mới bằng chính tác phẩm của mình.

Nhà thơ LÊ THU nhận xét: văn xuôi gần đây có nhiều biến động. Các cây bút truyện ngắn và ký đã đụng vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, họ nhập cuộc và có lúc đột phá vào các cánh cửa cấm.

Nhiều anh chị em là hội viên các hội văn nghệ địa phương, là cán bộ tuyên huấn, văn hóa trong vùng đã phát biểu ý kiến nhận xét về văn xuôi, về các vấn đề lý luận văn nghệ đang được thảo luận ở các tờ báo và tạp chí trong cả nước, hoặc trao đổi những tâm niệm những ý kiến riêng về sáng tác và hoạt động văn nghệ.

Cũng tại hội thảo này, các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong vùng một lần nữa bày tỏ nhu cầu cấp thiết của anh em: tổ chức ban liên lạc của Hội ở các tỉnh trong vùng phải được củng cố, phải sớm có một tờ tạp chí và một cơ quan xuất bản đứng tên Hội Nhà văn Việt Nam đóng tại vùng này. Nhiều ý kiến cũng khẳng định: điều kiện tiến hành Đại hội lần thứ IV Hội Nhà văn Việt Nam đã chín muồi, Đại hội cần được tiến hành sớm, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo hội viên.

P. V. lược ghi

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 28 (9-7-1988)

 Mục lục

22-2-09