ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, phụ san tháng 5 (26-5-1990)

 

CÓ ÂM DƯƠNG TRONG VĂN HỌC HAY KHÔNG?

 

(Trao đổi với giáo sư Hoàng Ngọc Hiến)

NGUYỄN VĂN LƯU

Có thể giải thích và giải quyết những vấn đề văn học bằng thuyết âm dương được không? Đó là điều chúng tôi muốn trao đổi với với giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trên Văn nghệ chuyên san tháng 4-1990.

Chúng tôi nghĩ âm dương là một phạm trù không thuần nhất của triết học cổ đại phương Đông. Nó có tính duy vật (thô sơ) khi giải thích nguồn gốc vũ trụ. Âm dương ở đây là khí âm, khí dương, là hai mặt, hai chất của khí (nguyên khí hỗn nhiên) trạng thái ban đầu của vũ trụ. Âm dương kết hợp hình tượng ra ở ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) là năm yếu tố vật chất tạo nên vũ trụ. Nhưng khi giải thích con người, âm dương lại duy tâm, siêu hình. Cũng quan niệm con người do khí sinh ra, nhưng là loại khí đặc biệt, khí linh thiêng, có tính chất siêu hình, không cùng loại với khí sinh ra vạn vật. Người sống dưới đất, mệnh ở trên trời, ứng với sao chiếu mệnh. Mệnh hết, sao tắt, người chết, khí trở về với trời. (Khí thiêng khi đã về thần- Kiều). Âm dương ngũ hành chưa phải là quan niệm cuối cùng. Đến bát quái mới là quy luật chung nhất. Âm dương kết hợp thành lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái (ngũ hành nằm trong bát quái). Vũ trụ sinh thành luân chuyển muôn đời chỉ trong vòng bát quái. Hiểu được bát quái là hiểu được thiên mệnh, số kiếp, vòng luân hồi... nhưng đây là vấn đề phức tạp không thể bàn rộng ở đây.

Âm dương ngũ hành trở thành nền tảng lý luận y học phương Đông (Đông y). Người xưa quan niệm con người là một vũ trụ nhỏ (thân nhân tiểu thiên địa), tồn tại được là nhờ âm dương cân bằng, ngũ hành sinh hóa... Ngũ hành ứng với ngũ tạng: Tâm (hỏa), Can (mộc), Tỳ (thổ), Vị (thủy), Phế (kim). Cân bằng âm dương là cân bằng vật chất sinh học: suy yếu thì bổ dưỡng, nhiệt quá thì giải nhiệt, hàn lãnh thì túc nhiệt khu hàn, đại để như thế, nó chỉ quan tâm đến mặt vật chất sinh học, không quan tâm đến mặt tinh thần (chữa được bệnh, không cứu được mệnh), là quan niệm tuy thô sơ nhưng rất duy vật.

Nhưng mượn âm dương chữa chạy cho văn học lại là gò ép chủ quan chăng? Văn học có tính độc lập tương đối, có quy luật riêng nhưng không phải là một tiểu thiên địa như sinh mệnh người. Giữa văn học và đời sống có một cái cuống nhau bất diệt, khiến nó không thể có kiểu cân bằng như sinh mệnh con người. Cách hiểu những yếu tố cấu thành văn học của giáo sư có chỗ không ổn. Cái đối lập giáo sư đưa vào thống nhất. Cái thống nhất lại phân thành đối lập. Chúng tôi xin phân tích một vài quan hệ.

Duy tâm - duy vật là hai quan niệm khác hẳn nhau về thế giới. Trong suốt lịch sử triết học, cũng như trong đời sống thực tiễn, quan hệ của chúng là phủ định nhau, thay thế nhau, chiếm lĩnh nhau chứ không phải là hai yếu tố cân bằng với nhau. Đó cũng là hai phương pháp nhận thức thế giới, không thể giao hòa bồi bổ cho nhau. Vấn đề cơ bản của triết học chính là ranh giới không thể vượt qua giữa hai quan niệm này. Quan niệm duy vật ngày nay đang chiếm lĩnh những khu vực bí hiểm xưa nay quan niệm duy tâm chỉ biết khoanh tay thành kính tôn thờ. Không phải chúng tôi cố tình bịt mắt bưng tai tụng niệm theo sách in mõ tre mà thực tiễn đời sống nó hiển nhiên như thế. Chúng tôi đồng ý với giáo sư là sinh hoạt triết học ở ta lâu nay như một trạng thái đồng tính luyến ái. Không phải đối thoại mà là đối xử như với kẻ tội phạm. Cứ thừa thế trói gô nó lại rồi tha hồ đấm đá rồi reo lên chúng ta hoàn toàn chiến thắng! Chúng tôi rất tán thành là phải đối thoại với các quan niệm duy tâm như những đối thủ khoa học thực sự, phải biết mình biết người chứ không thể như lâu nay chỉ biết mình chứ không thèm biết người. Song điều đó không bắt chúng ta phải đón cô nàng duy tâm âm tính về sống chung dưới một mái nhà để chuộc lại lỗi lầm. Sẽ đi đến đâu, sẽ hình thành nên cái gì sau cuộc hôn phối hồn nhiên ấy? Sẽ là những đứa con ái nam ái nữ, ái duy vật ái duy tâm thì các nhà văn nghệ sẽ không muốn liếc tình đến đâu. Chúng tôi cho rằng, để có một tư duy khoa học cũng như tư duy văn học mạnh mẽ và uyển chuyển ở mỗi người cũng như nền văn học và cả xã hội, càng cần phải duy vật hơn nữa, duy vật đến nơi đến chốn chứ không phải giản đơn sơ lược như bấy lâu nay. Phải xuất phát từ quan niệm triết học mà suy nghiệm về con người và cuộc đời chứ không phải chỉ biết triết học một cách tóm lược qua các giáo trình soạn sẵn. Nên tạo điều kiện cho các nhà văn, nghệ sĩ nghiên cứu triết học chứ không chỉ bắt họ đi học, nghe giảng, thảo luận... thi cử thì qua loa nhưng cấp bằng thì chính thức lắm... Nếu đến lúc ấy mà vẫn chưa có được nền triết học mạnh mẽ hài hòa thì hãy tính chuyện quay trở lại với cô nàng duy tâm âm tính thì cũng vẫn là chưa muộn. Tôi đồ rằng đến lúc ấy cô nàng sẽ rất ngọt ngào âu yếm: Em xin khuất phục, chàng đã khám phá hết bí mật của em rồi, từ nay em là của chàng... Tôi tin một ngày kia sự thể sẽ diễm tình như vậy. Vì những tín hiệu khả quan đang phát lộ ra rồi. Đến những sóng điện từ mong manh của trường sinh học cũng bị các nhà nghiên cứu tìm ra hỏi cô nàng duy tâm còn ẩn trốn mãi sao? Đối thoại, tiếp thu những tri thức cụ thể các quan niệm duy tâm không phải là chấp nhận nó như một bộ phận thống nhất trong quan niệm duy vật.

Ý thức và vô thức tuy khác nhau nhưng cùng một gốc mà ra. Cái vô thức có trước, là cơ sở, tiền đề, tài liệu của ý thức. Khi ý thức đã được xác lập, nó trở thành cột sống trong hoạt động tiếp nhận của con người, có khả năng chi phối, kiểm soát toàn bộ. Song không phải ý thức bao quát hết cái vô thức. Và đó là một cơ may cho con người. Không có cái vô thức, con người sẽ là một nhân loại mặt sắt đen xì, nhân loại người máy... Nhưng ý thức không kiểm soát được (về đại thể) thì lại trở về bản năng, về thời tiền sử. Không chấp nhận cái vô thức là duy vật thô thiển. Nhưng cho vô thức cân bằng với ý thức, bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương sẽ thổi còi ngay, không được dở say dở tỉnh đâu đấy. Chúng tôi xem vô thức là cái kho dự trữ chiến lược của đời sống tinh thần, là khả năng tự điều hòa kỳ diệu của bộ não người. Khi ý thức lánh mình ẩn sâu vào bộ nhớ thì cái vô thức xuất hiện... Ý thức càng cao càng thúc đẩy, làm nảy nở cái vô thức, tiềm thức. Giấc mơ, sự mộng du, huyền ảo, cảm hứng nhập thần, xuất thần... không bao giờ là quà tặng dễ dàng cho những ý thức nhạt mờ. Thường mơ đến người thân người yêu, mấy khi mơ đến người dưng! Ý thức không tập trung đến say mê, đam mê thì khó có những giấc mơ ngọt ngào hay những cơn ác mộng, những siêu thăng sáng láng ngất ngây. Phải chấp nhận và biết quý cái vô thức, tiềm thức. Không có nó, không còn là con người. Không cảm xúc, cảm hứng, không hồn nhiên ngạc nhiên thì đâu phải con người bình thường. Nhưng không vì vậy mà đưa nó lên vị trí cân bằng, dẫu ở cá thể hay toàn thể. Có thể đốt cháy trái tim thành lý trí, đốt cháy lý trí thành trái tim, có thể lầm lẫn như nàng Mỵ Châu đáng thương, nhưng không thể có cân bằng âm dương nào ở đây được cả.

Về mối quan hệ cân bằng âm dương văn hóa - chính trị, không hiểu giáo sư có đồng ý với chúng tôi là từ khi có chính trị đến nay, nó luôn luôn thống nhất chứ không phải thống nhất trong thế đối lập cân bằng. Cũng có sự không thống nhất của các dòng văn hóa trong một nền chính trị, nhưng chuyện đó ta nói sau, nếu cần thiết. Chúng tôi đồng ý với giáo sư về sự giải thích bản chất chính trị nhưng chưa đủ. Còn có thứ chính trị của một giai cấp nhằm đi đến thống nhất các giai cấp, thống nhất các dân tộc, quốc gia; đi đến tự tiêu vong giai cấp và nhà nước nhằm thống nhất nhân loại trong tính nhân văn chân chính nhất. Thứ chính trị này rất thống nhất với nền văn hóa của nó trong tính nhân loại phổ biến. Có thể hiện giờ nó chưa thành công hoàn toàn, nó đang bị khủng hoảng, nhưng mục đích nhân văn của một nền chính trị - văn hóa như thế cũng không nên bỏ qua, dù ở khía cạnh chung nhất. Giáo sư giải thích bản chất văn hóa thật quá hào phóng. Ta không nên thực dụng hẹp hòi nhưng cũng không nên xa xôi hoang tưởng. Làm gì có một thứ văn hóa đơn thuần hướng tới sự thống nhất các giai cấp, dân tộc, quốc gia... từ khi có cái khóa đến nay. Chỉ khi nào kỹ nghệ làm khóa bị tuyệt diệt thì mới có thể có một nền văn hóa với bản chất như giáo sư quan niệm. Bởi chúng ta còn đang trong vòng vây, trong quan hệ với những nền chính trị - văn hóa của các ông chủ khổng lồ. Họ có thể mua bán các quốc gia, các chế độ xã hội, các cuộc bầu cử, các chức vụ nguyên thủ... Họ có thể thay máu cả một nền văn hóa nào đó bằng mấy trăm tỷ đô la. Thừa nhận tinh thần nhân loại của văn hóa là thừa nhận những nền, những dòng văn hóa mang tính nhân loại, hướng tới nhân loại chứ không phải mọi thứ văn hóa trên đời này đều "nhân loại" tất cả. Chắc giáo sư không xa lạ gì với những điều nói trên. Nhưng thiết nghĩ một khi đã nói đến, cũng phải nói cho trót mọi bề. Nếu phân chia văn hóa - chính trị thành hai cực âm dương thì chẳng khác gì dùng lưỡi dao cắt ngang dòng nước chảy.

Trở lại văn học: Qua Hàn Mặc Tử hay Huy Cận và vài nhà thơ mới khác mà cho rằng văn học thời kỳ này nặng về âm tính thực là chưa đủ. Thế còn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng... thì sao? Nếu giáo sư lơ đoạn này đi là sẽ có người khác khiếu nại cho đấy. Còn văn học sau 1945 đến 1975 bảo rằng dương tính, thôi thì cũng được. Nhưng từ sau 1975, cho rằng bừng tỉnh kinh nghiệm âm dương, có thể âm sẽ nổi lên, dương thì chìm xuống... Rồi theo bài bổ âm tiếp dương của người xưa bốc cho nền văn học tương lai một thang cân bằng... thì chúng tôi lấy làm hồ nghi. Bởi những tác giả như Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh cũng dương lắm, thịnh dương lắm... Ở Nguyễn Huy Thiệp có huyền thoại và lịch sử, nhưng đều là lấy giả nói thật, mượn xưa nói nay, trần tục hiện tại lắm, siêu thăng siêu thoát gì đâu. Ở đây giáo sư lại có thể vấp vào sợi dây phân cách âm dương vừa mới chăng ra.

Chúng tôi kính trọng nhiệt tâm của giáo sư, người luôn trăn trở trong đời sống văn học muốn tìm ra những gì còn bất cập những gì còn thiếu, còn yếu, những gì phải có, phải đến. Nhưng quay về đời thái cổ mượn cái thước cân bằng âm dương để bắt mạch kê đơn cho nền văn học như cách các cụ lang lại càng bất cập. Một nền văn học ở thời nay nó phức tạp lắm, đa sự đa đoan nhiêu khê lắm lắm, một bài cân bằng âm dương đâu đủ hài hòa mạnh khỏe. Tôi cứ nghĩ văn chương, dẫu ở một nhà hay muôn nhà hợp lại, rất úy kỵ sự cân bằng đăng đối. Vật bất bình tắc thanh huống nữa là người. Không đau quá mà kêu lên, không mừng quá mà hát lên, không buồn đến rơi lệ thì văn chương có hơn gì tụng kinh bằng máy ghi âm. Giáo sư bảo từng nhà từng lúc có thể thiên lệch, nhưng toàn bộ phải cân bằng mới phát triển bình thường được. Một xác xuất như thế, chỉ có thể có trong đời sống dân số tự nhiên. Đời sống văn học nó khác lắm. Dù ở một nhà một người hay toàn bộ, đều không thể phân thành âm dương được. Phân chia như giáo sư thì văn chương muôn đời sẽ là nước mắt Ngưu lang Chức nữ mất thôi. Có lẽ chúng ta phải tìm lối thoát ở hướng khác, thưa giáo sư!

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, phụ san tháng 5 (26-5-1990)

 

Mục lục

20-9-10