ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 33 (15-8-1987)

ĐỔI MỚI TƯ DUY, KHẲNG ĐỊNH SỰ THẬT
TRONG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

NGUYỄN VĂN HẠNH

Gần đây Đảng ta nêu lên vấn đề đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức và cán bộ, đổi mới phong cách làm việc. Đổi mới là yêu cầu quan trọng và cấp bách hiện nay không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa.

Nhằm đổi mới tư duy, đổi mới cách đánh giá tình hình, Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VI đã nhấn mạnh: nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Vấn đề này liên quan trực tiếp và sâu sắc đến toàn bộ hoạt động văn học nghệ thuật, và cần được nghiên cứu, đối chiếu với thực tế để tìm ra cách giải quyết đúng đắn cho lĩnh vực công tác tư tưởng đặc biệt này.

Trong văn học nghệ thuật, chúng ta đã có nhiều cố gắng và cũng đã thu được không ít kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, ở đây, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống cách mạng, chúng ta vẫn chưa hài lòng với kết quả đạt được, nhiều lúc còn băn khoăn, thậm chí bực mình trước những việc lẽ ra có thể làm tốt hơn, nhưng không làm được vì những cách nghĩ, cách làm không phù hợp ở bộ phận này, bộ phận khác.

Hoạt động văn học nghệ thuật có những phức tạp khó khăn riêng. Không ở đâu mà lý luận trừu tượng, kinh nghiệm, quy trình lại có tác dụng hạn chế như ở đây. Nghệ thuật là độc đáo, không lặp lại, luôn đổi mới. Trong thành công của một tác phẩm, nhiều khi cái "ngẫu nhiên" bất ngờ, cũng có vai trò của nó: ngẫu nhiên của hoàn cảnh, ngẫu nhiên của tài năng, ngẫu nhiên của cảm hứng. Mỗi tác phẩm giá trị hầu như có quy luật hình thành riêng, cần phải nghiên cứu công phu, tỉ mỉ và số phận lịch sử của các tác phẩm văn học nghệ thuật đều phức tạp và chưa được nghiên cứu thấu đáo. Công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này nhìn chung còn mang nhiều tính chất cảm tính, "tùy hứng". Gọi là nghiên cứu nhưng có khi chỉ là một cách cảm nhận tác phẩm, nói lên những ấn tượng, những suy nghĩ, những liên tưởng, tình cảm mà tác phẩm có thể gợi lên.

Đến bây giờ vẫn chưa làm sao biết được chắc chắn con đường, "quy trình" làm ra một tác phẩm hay, mặc dù người ta đã thực hiện được những điều kỳ diệu về khoa học kỹ thuật. Tri thức của chúng ta về hiện tượng văn học nghệ thuật còn ít ỏi và nông cạn. Nhưng cũng chính vì vậy và do đặc trưng của hoạt động văn học nghệ thuật, ít ở đâu người ta lại dễ chủ quan, "tự mãn" như ở đây. Ảo tưởng này đã gây ra nhiều khó khăn cho sự tiến bộ của văn học nghệ thuật.

Nói đến khoa học là nói đến quy luật. Nói đến sáng tác văn học thì trước hết phải nói đến sự thật. Tài năng của một nhà văn, giá trị của một tác phẩm thể hiện ở nhiều điểm, nhưng trước hết là ở chỗ nói lên được sự thật của đời sống một cách mới mẻ độc đáo, đầy sức thuyết phục. Muốn nói lên được sự thật thì phải nhìn thấy sự thật. Nhưng sự thật có nhiều cấp độ và có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Có khi nó hiện ra một cách rõ ràng, hiển nhiên, phổ biến, có khi lại ở dạng mầm mống, cá biệt, hoặc bị che lấp, phải có con mắt tinh đời mới nhìn thấy được. Nói là cách nhìn, nói là con mắt, thật ra đó là quan điểm và năng lực nhận thức dựa trên cơ sở hiểu biết và tấm lòng của nghệ sĩ đối với cuộc sống, đối với nhân dân lao động. Thực tiễn chứng tỏ rằng đối với một nhà văn có tài năng, trung thực, sống giữa cuộc sống và nhân dân, thì việc nhìn thấy sự thật của đời sống không phải là khó khăn lắm. Vấn đề là nhà văn có dám nhìn thẳng vào sự thật ấy không, có dám nói lên sự thật ấy không, có coi việc nói lên sự thật đó là lương tâm là thiên chức của người cầm bút hay không. Cho nên muốn nói lên được sự thật, chỉ nhìn thấy sự thật, chưa đủ, mà phải có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật, có đủ bản lĩnh để nói lên sự thật đó, phải có con mắt biện chứng để nhìn bản chất và xu thế phát triển không gì đảo ngược được của cuộc sống và cả những vấn đề còn tồn tại của nó. Ở đây cần có sự trung thực, thái độ vô tư với tinh thần dũng cảm. Trong văn học nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, nói lên sự thật hoàn toàn không đơn giản. Một phần vì phải tìm cách nói thích hợp, có sức thuyết phục. Một phần vì nhiều người không quen nghe, không thích nghe sự thật. Do trình độ nhận thức, do tính toán cá nhân, do lo sợ đủ mọi điều, nhiều người không dám nhìn thẳng vào sự thật. Lẩn tránh sự thật, xuyên tạc sự thật thì nhất định tác phẩm sẽ nhạt nhẽo, không nhất quán, không chứa đựng được tư tưởng tình cảm lớn có thể thổi bùng lên ngọn lửa thiêng trong tâm hồn người đọc, và trước sau tác giả sẽ không còn giữ được sự kính trọng và lòng tin của công chúng thông minh và từng trải. Nói hay không nói sự thật thuộc về tư cách và bản lĩnh của người cầm bút. Mặt khác, vấn đề này liên quan mật thiết đến công tác tổ chức, quản lý hoạt động văn học nghệ thuật, đến không khí xã hội chung. Cho nên khi việc nói sự thật trở thành lúng túng, khó khăn có tính chất phổ biến, thì phải xem xét vấn đề một cách chu đáo cả phía người sáng tác, lý luận phê bình, cả phía tổ chức, quản lý, cả không khí xã hội chung để giải quyết một cách đồng bộ và số hiệu quả.

Chúng ta rất quý những tiến bộ mà sáng tác văn học của chúng ta đã đạt được những năm gần đây thể hiện ở sự đa dạng hơn về đề tài, sự phong phú hơn về nội dung, ở sự đổi mới về thể loại và ngôn ngữ. Nhưng một số tác phẩm gắn văn học với hiện thực lớn lao, nóng bỏng của đất nước, nói lên sự thật của cuộc sống thì còn rụt rè. Tính hình không lành mạnh này cần phải được phân tích, phê phán kỹ lưỡng mới có thể đưa văn học nghệ thuật của chúng ta thoát khỏi trạng thái thụ động lâu nay, tạo cho nó một sức bật mới theo tinh thần đổi mới tư duy, "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", như Đại hội Đảng lần thứ VI yêu cầu.

Tất nhiên trong nghệ thuật, nói đúng sự thật, nói rõ sự thật bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bằng sức mạnh riêng của nghệ thuật.

Để nói lên được sự thật trong nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo văn học nghệ thuật, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu và tổ chức trao đổi một cách nghiêm túc, dân chủ, với tinh thần thực sự cầu thị những vấn đề như tính đảng, điển hình, sự thật trong cuộc sống và sự thật trong văn học, bản chất và chức năng của nghệ thuật, nâng cao tính chiến đấu và chất lượng của công tác lý luận phê bình, có biện pháp giúp đỡ một cách thiết thực hơn nữa đối với những nghệ sĩ có tài năng, tâm huyết và đang sung sức.

Những người làm công tác văn học nghệ thuật ở nước ta sống gần gũi với nhân dân, hiểu rõ cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhiều người được thử thách, rèn luyện trong cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc, gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đó là những thuận lợi rất cơ bản. Những năm gần đây, do tình hình giáo dục phát triển, việc giới thiệu các tác phẩm văn học có giá trị trong nước và ngoài nước được mở rộng, cho nên tầm nhìn, trình độ văn hóa, nghề nghiệp của lực lượng sáng tác trẻ cũng được nâng cao thêm. Theo cách riêng của nó, văn học thể hiện bản lĩnh và tâm hồn, khuôn mặt tinh thần, lương tâm và sự hiền minh của dân tộc thông qua những bức tranh, những cảnh đời, những số phận cá nhân, cuộc đấu tranh giữa ánh sáng và bóng tối, sự cao thượng và sự thấp hèn, sự trung thành và sự phản bội với tất cả cung bậc và dạng thức biểu hiện. Do chỗ đã phản ánh, đã sự thật điển hình của cuộc sống, mà văn học được nhân dân trân trọng, lắng nghe, nó thật sự là một tấm gương, mỗi người có thể soi vào đó để suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc đời, về lẽ sống, về những người xung quanh và về chính mình.

Nghĩ như thế, tính như thế, lại càng phải tìm cách giải tỏa những thành kiến, vướng mắc đang kìm hãm bước tiến của văn học nghệ thuật, nhất là những thành kiến, vướng mắc do thiếu hiểu biết, do cách nghĩ, cách làm không đúng gây ra, để nghệ sĩ được yên tâm, phấn khởi làm công việc cao quý và đầy trách nhiệm của mình, mạnh dạn đi vào những vấn đề trung tâm, những vấn đề có ý nghĩa sâu xa trong hiện thực sôi động ở nước ta, nói lên hùng hồn sự thật của cuộc sống trong nghệ thuật, biểu dương đúng mức và kịp thời những con người đang lao động và chiến đấu một cách dũng cảm, quên mình, nhiều lúc rất âm thầm, để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cảnh tỉnh mọi người trước nguy cơ suy thoái về đạo đức và nhân phẩm, góp phần thực hiện đắc lực chủ trương đổi mới mọi mặt công tác của chúng ta hiện nay do Đảng ta đề ra.

Làm công tác tư tưởng nói chung và làm văn học nghệ thuật nói riêng mà lẩn tránh sự thật, không dám nói hay không nói lên được sự thật, thì không thể nào biết mình là ai, đang đứng ở đâu, phải làm gì và tiến lên như thế nào. Giả dối làm tê liệt thần kinh và cằn cỗi tâm hồn, xúc phạm lương tri và nhất định sẽ dẫn đến hỏng việc nhưng nó thường lại ngọt ngào, trau chuốt, phỉnh nịnh. Sự thật thì mộc mạc, trần trụi, với những mặt tích cực, cao đẹp của nó và có khi với những cái cay đắng, đau lòng của nó. Chỉ có sự thật mới phát huy được ưu điểm vốn cũng là sự thật và mới chữa được khuyết điểm và sai lầm, đưa công việc đến kết quả, định hướng đúng cho suy nghĩ và hành động, bảo đảm sức sống và tiến bộ không ngừng cho sự nghiệp cách mạng.

Nói sự thật không dễ dàng và chắc chắn không hoàn toàn suôn sẻ. Nhưng con đường đầy chông gai này cũng là con đường độc đạo lớn rộng đến vinh quang chân thật trong văn hóa nghệ thuật, là hòn đá thử vàng đối với mọi tài năng muốn phục vụ nhân dân và có ích thật sự cho đời.

 Mục lục

19-4-08