ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)

CÁI GIÁ CỦA VĂN HỌC

NGUYỄN TRỌNG TẠO

... Trong tinh thần đổi mới hiện nay, Đảng ta quyết tâm "cởi trói" cho văn nghệ. Vậy lâu nay ai đã buộc trói văn nghệ? Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật và công khai chỉ rõ những sai lầm trong công tác lãnh đạo văn nghệ. Nhưng phải chăng, sự buộc trói ấy chỉ do những sai lầm đáng tiếc của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp gây ra? Có thể nói thẳng ra rằng, chính chúng ta, những người trực tiếp làm văn nghệ cũng đã góp phần thắt chặt thêm sợi dây buộc trói ấy cho chính bản thân mình. Đây là khi chúng ta tự đánh mất bản lĩnh nhà văn, không dám có chính kiến trong những tác phẩm của mình. Đấy là khi chúng ta có tư tưởng đố kỵ nhau trong nghề nghiệp, ganh tỵ nhau về tài năng, chỉ chấp nhận và ủng hộ những tài năng thấp hơn mình mà không đủ can đảm để thừa nhận và ủng hộ những tài năng vượt lên trên tài năng của mình. Đấy là khi chúng ta tìm cách này cách khác hạ uy tín của nhau, gây hiểu lầm cho lãnh đạo. Đấy là khi trong chúng ta luôn có một anh muốn làm và một anh muốn phá. Lại có những trường hợp nhà văn không dám đứng lên đấu tranh bảo vệ những giá trị chân chính của văn học, thậm chí có người còn tỏ ra cơ hội, hèn nhát, biết mình không sai phạm vẫn vội vàng sám hối để được lòng lãnh đạo, để mình được yên thân. Thiết nghĩ, những nhân cách như thế hoàn toàn đối lập với nhân cách của người cộng sản khi bị giam cầm trong lao tù của bọn phản động Tưởng Giới Thạch hơn bốn chục năm về trước:

 

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

 

Văn học không ghép lành lại được những chiếc xương đã gãy, nhưng văn học có thể chữa khỏi căn bệnh đen tối và câm điếc của tâm hồn. Muốn vậy, nhà văn trước hết phải làm sao cho tâm hồn mình không đen tối, không câm điếc. Làm được điều đó, có tài chưa đủ, phải có niềm tin và lòng dũng cảm. Nhưng không phải niềm tin và lòng dũng cảm chung chung. Đấy phải là niềm tin và lòng dũng cảm của những người tù cộng sản.

 

... Rồi đến lúc giá một tập sách có thể tăng lên 10 lần, 100 lần, có thể phải nhịn cả một cuộc bia mới mua nổi một tập sách; rồi đến lúc nhuận bút có thể thỏa mãn nhu cầu vật chất của nhà văn... thì nhà văn vẫn không có quyền tự hạ giá lương tâm của mình trước những nỗi khổ đau của nhân loại. Có như thế, chúng ta mới có thể tiếp tục sáng tạo ra được những giá trị văn học có ích cho con người, những giá trị văn học vô giá.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 & 5 (23-1-1988)

 

 Mục lục

26-8-08