ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI
 

Mục lục 

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 (3-12-1988)

 

TRÒ CHUYỆN VĂN CHƯƠNG
VỚI NGUYỄN MINH CHÂU

Nhà văn NGUYỄN MINH CHÂU
trả lời phỏng vấn tuần báo
Văn nghệ

 

PHÓNG VIÊN: - Lâu nay trong giới văn học nghệ thuật chúng ta có khái niệm cởi trói, anh có suy nghĩ gì về việc này?

NGUYỄN MINH CHÂU: Phải nói có Nghị quyết về văn hóa văn nghệ của Bộ Chính trị ra đời thì mới có tình hình cởi trói cho các văn nghệ sĩ, cùng sự sởi lởi trong việc nhìn nhận lại những hiện tượng và tác phẩm văn nghệ tưởng đã vùi sâu trong quá khứ, cùng tình hình tự do sáng tác được như bây giờ. Phải sau 40 năm cách mạng, Đảng ta mới có cái nhìn văn nghệ rất đáng phấn khởi như hiện nay. Nếu không có sự cởi trói và tình hình tự do trong sáng tác như bây giờ thì làm sao xuất hiện được một Nguyễn Huy Thiệp. Phải có cái bầu khí quyển ấy thì con chim ấy mới bay bổng và cất tiếng hót được.

P.V. - Vậy theo anh được như thế này đã là đủ lắm rồi sao?

N.M.C. - Đủ hay chưa là ở nội lực cá nhân từng nhà văn chúng ta. Từng cá nhân chúng ta mới là kẻ quyết định. Đảng đã cởi trói nhưng cái nút thắt buộc cuối cùng lại phải do anh tự cởi lấy, bởi không phải ai khác mà chính anh đã tự trói mình. Anh mang cái vòng dây trói ấy trong mọi thói quen và quan niệm về sáng tác lâu ngày đến mức trở thành một thứ thuộc tính. Đấy là cái điều đáng buồn của thế hệ chúng tôi hoặc lớp đàn anh chúng tôi. Đến ngày nay chúng tôi đã có sau lưng đôi chút tác phẩm được làm nên bởi mồ hôi, nước mắt và cả tâm huyết của một thời nghiêm trọng của số phận đất nước. Chưa nói chuyện những tác phẩm ấy bây giờ nhìn lại hay dở ra sao, mà hãy nói cái lằn dây mình tự trói mình lâu ngày nó đã ăn lún sâu vào da thịt, biến thành da thịt, có khi cởi ra còn đau đớn hơn cái lúc trói vào.

P.V. - Như thế này thì anh em trẻ mới bắt đầu cầm bút sướng thật!

N.M.C. - Đúng thế. Nhưng có một thời gian có lẽ cũng khá dài, hoặc ngay cả bây giờ, trong xã hội ta có một thứ quan niệm: làm nhà văn chỉ cần viết câu văn cho gãy gọn, đúng văn phạm, khéo hơn chút nữa là viết cho dí dỏm. Chính cái quan niệm đầy thô thiển nhưng lại có vẻ đúng quan điểm quần chúng này không khéo cũng là một sợi dây trói một số anh em trẻ. Tôi không được đọc nhiều nhưng tôi thường nghĩ anh em trẻ mới xuất hiện bây giờ - từ Nam ra Bắc - có nhiều người có tài nhưng khi họ viết ngắn thì thấy rõ tên tuổi và khuôn mặt văn học của họ được dễ dàng hơn.

P.V. - Từ Đại hội Nhà văn lần thứ III tới giờ, theo anh có sự kiện gì trong văn học là đáng ghi nhớ nhất?

N.M.C. - Là trong mấy năm hả chị?

P.V. - Năm năm, Đại hội III họp năm 1983.

N.M.C. - Chả biết có thể gọi là một sự kiện văn học được hay không nhưng trong quãng thời gian đó, vào quãng năm 1980 trở đi hoặc nói rộng ra, từ sau 1975, chưa có hồi nào các nhà văn Việt Nam chúng ta lại trăn trở nhiều đến như thế.

P.V. - Có thể nói rằng đó là những năm có cái gì đang vỡ ra trong nhận thức của từng người cầm bút viết văn trên đất nước này.

N.M.C. - Chị cũng thấy thế ư?

P.V. - Mà cũng chẳng riêng nhà văn. Đất nước này cũng đang trăn trở, từng con người Việt Nam đang trăn trở...

N.M.C. - Để làm một cuộc trở mình đầy khó khăn suốt hơn 10 năm nay. Đó là những năm các nhà văn nghĩ rất nhiều và băn khoăn, day dứt rất nhiều về mối quan hệ giữa văn học và đời sống thực tại đang một ngày xa nhau. Nhà văn lớn tuổi và có lương tâm cầm bút rất khó khăn. Tôi là người viết trong bộ đội, những năm chống Mỹ ác liệt, hoan nghênh nhiệt liệt về sau ngó nhìn lại thấy nó cứ bạc phếch.

P.V. - Cái nghề giấy mực đôi khi nó cũng độc thật, anh Châu nhỉ?

N.M.C. - Không phải độc mà nó công bằng, sòng phẳng.

P.V. - Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Hai con nhó, Dấu vết nghề nghiệp, Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra được in trong những năm này phải không?

N.M.C. - (Cười) Tôi đã khoác lác làm xôm trò cho tờ tuần báo của chị trong một thời gian khá lâu, kể cả cái trò rất xôm: Trao đổi về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau đó.

P.V. - Anh nói vui thế thôi chứ anh cũng ghê lắm. Người ta bảo anh là kẻ mở đầu cho việc đổi mới trong văn học trong những năm đầy khó khăn trước đây... Nhưng tôi còn muốn hỏi anh một điều: Anh nghĩ gì về công việc của các nhà văn trong những ngày này?

N.M.C. - Tôi nghĩ rằng thời nào và ở đâu cũng vậy, các nhà văn chỉ có một công việc chính và duy nhất là viết cho hay, ngoài ra bằng uy tín của mình, anh phải tham gia tiếng nói vào những vấn đề của con người. Trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền dửng dưng, thây kệ khi con người bị đầy. Có lúc ở chiến trường sống bên cạnh cái chết nhưng khi ngồi viết thì thanh thản, còn về sau này, nhất là vào những năm 1983, 1984 có đôi khi mình cầm bút mà cảm giác y như đứng giữa trận tiền, viết ra một cái gì đưa đi in, trở về nhà ngồi nghĩ lại, lại đâm sợ cái vừa được làm ra.

P.V. - (Cười) Rồi lại vội vã chạy đi lấy về?

N.M.C. - Tính tôi vốn dát mà chị! Tóm lại đó là những tháng ngày giống như một thứ máy kiểm nghiệm từng nhà văn cả về tài năng và nhân cách: Có những cái lúc anh viết ra bị báo chí dọa và chà đạp, và công việc đó nó phải là phản ứng tự nhiên của các nhà văn. Nhưng với các nhà văn nước ta có lẽ hình như vì mang tư tưởng tự do tiếng nói bé bỏng, đôi khi chúng ta y như những kẻ bàng quan trước những vấn đề cấp bách của con người. Ví dụ nhà tôi ở bên cạnh chùa Một Cột, tôi biết những gì cái công trường xây dựng bên cạnh đã làm đối với ngôi chùa. Nhưng chỉ đến khi các báo Văn hóa Thể thao, Tuần tin tức lên tiếng, rồi tivi cùng các báo khác cũng lên tiếng, mình mới thấy sự im lặng của mình thật đáng sợ.

Tờ tuần báo Văn nghệ trong thời gian qua đã trở thành một tiếng nói đầy trách nhiệm của các nhà văn trước những vấn đề vô cùng bức xúc của con người và xã hội, vì thế mà nó có sức hấp dẫn và có uy tín lớn trong đông đảo bạn đọc thuộc tất cả các giới trong Nam ngoài Bắc mà trước hết là trí thức. Có một nhà văn có tài, đã già, tâm sự với tôi: "Không lúc nào bằng lúc này, những người cầm bút không thể không đối diện với cái xấu và cái ác. Đấy là điều mà tôi chợt nghĩ sau khi đọc những bài phóng sự như Cái đêm hôm ấy... đêm gì? trên tờ tuần báo Văn nghệ. Bài phóng sự ấy đã làm tôi giật mình như một sự cảnh tỉnh".

Là những nhà văn hiền lành, vô sự, chỉ biết ca ngợi, cả đời chúng ta không làm hại ai, không làm điều ác với ai. Nhưng cái lỗi lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp hãi trước cái xấu và cái ác. Và lâu dần, dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó - cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không còn oan khiên, oan khuất...

P.V. - Anh là người hay nghĩ ngợi, quan sát những hiện tượng văn học ta hiện nay anh thấy có gì lý thú?

N.M.C. - Gần đây tôi chợt nghĩ điều này: hơn 20 năm về trước chúng ta có một người viết truyện ngắn đầy tài hoa là Đỗ Chu và ngày nay xuất hiện một tài năng Nguyễn Huy Thiệp. Mỗi thời lại có người nghệ sĩ với giọng điệu và tiếng nói của thời ấy, đã đành thế, nhưng trong cái sự khác biệt nhau đến chan chát giữa hai nhà văn này có biết bao nhiêu điều đáng nói, đáng bàn. Giá có một nhà nghiên cứu nào nhìn thật sâu vào sáng tác của hai nhà văn này cũng là làm một điều lý thú chứ?

P.V. - Một câu hỏi cuối cùng: Đại hội Nhà văn sắp tới với rất nhiều băn khoăn, thắc mắc và những mối lo âu, ý kiến anh thế nào?

N.M.C. - Cứ nghĩ đến cái lúc hàng mấy trăm bạn bè đồng nghiệp cầm bút viết văn trong cùng một thời lâu nay phần đông chỉ biết tên nay có thể nhìn thấy mặt, sẽ ùn ùn kéo về ngồi bên cạnh, cùng nhau bàn bạc, trò chuyện về nghề, hoặc quây quần bên nhau chung quanh những cốc bia hơi, chỉ mới nghĩ đến lúc ấy mình đã thấy cái không khí vui vẻ hồ hởi, tay bắt mặt mừng. Vui chứ.

Về phương hướng văn học hoặc các công việc đã làm còn có sự khác biệt ý kiến, thậm chí cãi nhau thì cũng là chuyện thường mà thế mới lành mạnh. Tôi ghét cái sự thì thào, nửa kín nửa hở, nó không nhà văn một chút nào.

Thực ra mấy tháng nay trên mặt báo Văn nghệ, các nhà văn trong cả nước phát biểu đã nhiều, nhiều ý kiến hay lắm. Tôi đề nghị:

1 - Chúng ta sẽ tiến hành Đại hội thật dân chủ và công khai, họp toàn thể, không cần một cái chủ tịch đoàn ngồi san sát như những bức tượng mà Đại hội sẽ bầu một nhóm độ năm nhà văn công tâm nhất, tiêu chuẩn đầu tiên là có thể đảm bảo dân chủ thực sự cho Đại hội, để điều hành nội dung và mọi công việc của Đại hội.

2 - Không biết Ban Thư ký có biết trong Hội ta lòng người đang ly tán, có nhiều thắc mắc, ý kiến trái ngược nhau nhiều, tôi đề nghị: Từ nay đến đấy không nên làm thêm một việc gì làm kinh động nhân tâm các nhà văn trong cả nước, từ nay đến Đại hội không còn lâu, chức Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ hãy chờ đến Đại hội sẽ quyết định. Và trong Đại hội Nhà văn lần thứ IV này, chúng ta cố gắng bàn bạc một cách sáng suốt những vấn đề thiết yếu nhất của hiện tại và tương lai nền văn học nước nhà, làm sao biến Hội ta thành Hội của những tài năng và tư cách văn học, sống trong tình đoàn kết và kính trọng lẫn nhau giữa các thế hệ cầm bút.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 (3-12-1988)

 Mục lục

12-3-10