ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 (17-1-1987)

MUỐN LÀM ĂN PHÁT ĐẠT THÌ PHẢI
COI TRỌNG NGƯỜI THỢ TRỰC TIẾP SẢN XUẤT

NGUYỄN MINH CHÂU

Tôi nghĩ rằng Đại hội lần thứ VI của Đảng có một tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống văn học. Công việc thay đổi tư duy mà Đại hội Đảng lần này đề ra có một ý nghĩa như một sự thay đổi đầu óc suy nghĩ của toàn Đảng toàn dân về mọi mặt công việc, về những quan niệm về thế giới và con người, nhằm mục đích xây dựng một chủ nghĩa xã hội khoa học (chứ không phải chủ quan, duy ý chí) phù hợp với thực tiễn đất nước và thế giới ngày nay.

Những biến đổi trong nền văn học của chúng ta trong một số năm gần đây - nhất là trong văn xuôi - nói lên tính dự báo của các tác phẩm văn học, những tác phẩm ấy nói lên tiếng nói nhân dân của cách mạng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội lần này đã vạch ra: lấy dân làm gốc, tất cả vì con người. Những tác phẩm ấy cũng nói lên truyền thống gắn bó của những người cầm bút nước ta với đời sống, với những khát vọng của nhân dân, trong chiến tranh trước đây cũng như ngày hôm nay.

Tôi còn nhớ trong Đại hội Nhà văn Liên Xô vừa qua, nhà văn G. Badanov có nói đại ý rằng: công việc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước Liên Xô không phải ở chỗ vỗ tay dài hay ngắn, sớm hay muộn về những biện pháp cải tổ cụ thể nào đó, mà ở chỗ các nhà văn giúp Đảng trong công việc có thể nói là khó khăn nhất: thay đổi lại bầu không khí đạo đức, tư duy của xã hội, mà công việc đó lại phải làm không phải thông qua những cuốn sách loại nhì mà bằng những tác phẩm nghệ thuật thực sự và được nuôi dưỡng bằng sự thật.

Tôi nghĩ rằng đối với nước ta ngày hôm nay, cách mạng xã hội chủ nghĩa thực chất là một cuộc cách mạng dai dẳng và thầm lặng trong mỗi một con người, và một trong những nhiệm vụ quan trọng hôm nay của các nhà văn là giúp Đảng khám phá ra con người Việt Nam - cả con người của ngày nay và con người của ngàn năm với trăm thứ lo toan nằm trong những hành lý tính cách và tâm lý đầy ẩn náu khi đi vào cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là khi đi vào cái yêu cầu thay đổi tư duy hôm nay. Chúng ta có những nhà văn có tài, giàu lòng yêu nước và gắn bó với chủ nghĩa xã hội. Nền văn học của chúng ta đang chuyển mình đúng hướng. Tôi tin rằng trong những năm sắp tới, việc lãnh đạo văn học nhất định sẽ được đổi mới, tạo điều kiện ra đời những tác phẩm hay - không phải "con hát mẹ khen hay" mà là những tác phẩm thực sự có giá trị có thể góp mặt với thiên hạ. Nói một cách đơn giản, Hội Nhà văn cũng giống như một xưởng máy, muốn làm ăn phát đạt thì phải coi trọng người thợ trực tiếp sản xuất, mọi mặt công việc phải phục vụ người trực tiếp sản xuất và nhà máy luôn luôn khuyến khích phát minh, sáng chế.

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 3 & 4 (17-1-1987)

Mục lục