ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 41 (10-10-1987)

 

 

ĐỂ TẠO NÊN NHỮNG GIÁ TRỊ TINH THẦN

NGUYỄN KIÊN

1 - Về việc đánh giá tình hình văn học, tôi nghĩ, rằng cùng với việc khẳng định mạnh mẽ những thành tựu chúng ta đã đạt được, những thành tựu mà trong đó có xương máu và mồ hôi của nhiều thế hệ nhà văn, chúng ta cần chỉ ra những thiếu sót và lầm lẫn chúng ta đã mắc phải, trong lý luận cũng như trong thực tiễn sáng tác. Không phải chỉ ra những thiếu sót một cách chung chung để cho có, để cho "cân bằng" ưu - khuyết một cách hình thức. Quả thực là chúng ta đã có thiếu sót và cả lầm lẫn nữa; tôi nghĩ rằng chúng ta phải gọi ra được đúng tên những cái đó, và từ đó rút ra được điều thực sự có ích cho công việc của chúng ta hôm nay. Ví dụ như, do bị chi phối bởi phương pháp tư tưởng chủ quan, bởi quan niệm giản đơn, thông tục hóa văn nghệ, phải chăng chúng ta đã từng lúc, từng nơi, với những mức độ khác nhau, vướng vào chủ nghĩa minh họa? Điều này có đúng không và ngoài điều này ra còn điều gì khác nữa... tôi hy vọng là sự thảo luận thẳng thắn, cởi mở, đầy tinh thần trách nhiệm của chúng ta - những người làm nghề nghĩ về nghề của mình, dịp Đại hội này sẽ đi tới được một tổng kết, có thể mới chỉ là bước đầu thôi nhưng là một bước đầu đích đáng.

2 - Về công việc của chúng ta, có thể nói gỏn gọn trong mấy chữ nôm na: sống và chết. Nhưng với tinh thần đổi mới, có một vấn đề nghề nghiệp được đặt ra, nó có vẻ như ở ngoài công việc nhưng lại chi phối hiệu quả của công việc. Ấy là chúng ta phải làm cách sao cho đúng nhất, tốt nhất cái việc mình phải làm. Xưa nay vẫn thế, cái hay của một kiệt tác văn chương thường là ở chỗ nó có cái gì đó giống như là sự quyến rũ, buộc người ta phải say mê và ở chỗ tận cùng của sự say mê là sức tác động có vẻ như âm thầm nhưng mạnh mẽ và dai dẳng, vào ý thức. Trong lịch sử văn học đã có bao nhiêu ví dụ về tác dụng to lớn của văn học góp vào sự chuẩn bị tư tưởng và tình cảm cho người đương thời, trước những bước ngoặt quyết định của lịch sử. Hay và tác động được đến như thế quả thực là rất khó, rất hiếm hoi. Nhưng biết làm sao, chí ít thì chúng ta cũng phải nhằm tới một tác phẩm có ích cho sự chuyển mình về phía trước của cuộc sống cũng như của bản thân văn học. Phải làm sao cho mỗi trang sách là một trang đời hôm nay, trong đó ẩn chứa một cách cảm nhận, một cách nhìn, một cách nghĩ khách quan, trung thực, phù hợp với quy luật phát triển. Người đọc không cần ở chúng ta những lời giáo huấn khô khan. Người đọc, hình như thế cũng không cần chúng ta làm cố vấn, mách bảo họ phải thế này hay thế khác trong công việc chuyên môn, hàng ngày rất cụ thể của họ. Nhưng họ vẫn nóng lòng trông đợi chúng ta, có lẽ là ở chỗ giữa người viết và người đọc vốn có một điểm gặp gỡ, tự nhiên mà bức bách.

Tôi có cảm tưởng là, trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm đấu tranh để đổi mới hiện nay, trong sự đương đầu với những vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng, gay gắt đến rối ren hiện nay, đời sống tư tưởng của xã hội đang không ngừng xao động. Mỗi người chúng ta hôm nay vừa làm việc và tranh luận về công việc vừa loay hoay tranh luận với chính mình chung quanh cái đề tài có vẻ như muôn thuở nhưng cũng mới tinh khôi, như mới được đặt ra lần đầu. Cái đề tài về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sống và thái độ sống. Tôi nghĩ rằng văn học ta, xuất phát từ thế giới của sự kiện phải vào cuộc hành trình thuộc thế giới tinh thần, tất nhiên mỗi người viết có một cách khác nhau để đến với người đọc, cùng với người đọc tâm sự và tranh cãi. Ở tầng sâu của những ý tưởng, những vui buồn, yêu ghét... văn học vốn có thể mạnh là nó có thể miêu tả một cách rất cá biệt, cụ thể đời sống bên trong của con người, tâm hồn con người, phát hiện ra những động cơ thầm kín dẫn đến những hành vi cao thượng hoặc thấp hèn, ánh sáng và bóng tối cùng vô số những biến hóa của sự chen lấn giữa cái phần người và chưa người ở quanh ta và trong bản thân ta. Đã đến lúc người đọc cần những tác phẩm có sức kích thích và khêu gợi để từng người tự tìm lấy lời giải đáp, tự quyết định cách ứng xử và hành động của riêng mình, trong việc xây dựng nhân cách và bản lĩnh, việc xây dựng môi trường đạo đức xã hội - cái chuyện vô cùng hóc búa này vừa chung lại vừa riêng, không thể áp đặt, cũng không ai gánh thay được cho ai. Truyền giảng thì dễ, thức tỉnh để đi đến hành động dứt khoát và đúng đắn là việc khó hơn nhiều.

Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã khẳng định: "Không hình thái ý thức tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp sống, nếp nghĩ của con người". Vì sao lại không thay thế được? Tôi tin chắc là mỗi người viết chúng ta đều đang nghĩ về chuyện đó và hy vọng cái chương trình hành động được đề ra trong Đại hội phản ánh được những suy nghĩ của chúng ta.

3 - Tôi chỉ có một kiến nghị: Làm sao cho những dự thảo bảo cáo chính của Đại hội được có sớm, được gửi tới các hội viên để mọi người hình dung được đại thể Đại hội sẽ phải bàn và quyết định những vấn đề gì? Trên cơ sở đó, mỗi người có thể đóng góp ý kiến được nhiều và tập trung hơn.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 41 (10-10-1987)

 

Mục lục

15-6-08