ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 17 (23-4-1988)

MUỐN TẬP HỢP NHAU LẠI, PHẢI CÙNG NHAU
LÀM RÕ NHỮNG TƯ TƯỞNG ĐỔI MỚI VĂN NGHỆ

Phỏng vấn nhà thơ NGUYỄN KHOA ĐIỀM

 

PHÓNG VIÊN: - Nói bằng một cảm nghĩ bao quát, anh mong muốn điều gì nhất cho Đại hội Nhà văn lần này?

NGUYỄN KHOA ĐIỀM: - Tôi tán thành quan điểm của hầu hết những anh em đã phát biểu trên báo Văn nghệ. Mong rằng Đại hội Nhà văn lần này sẽ đóng được vai trò của nó trong chuyển biến của văn học ta, thực sự thể hiện những tư tưởng đổi mới trên tinh thần Nghị quyết mới đây của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ, đáp ứng nguyện vọng chung của văn nghệ sĩ và của người đọc, đặt đúng văn học ta trong dòng đổi mới của văn học các nước xã hội chủ nghĩa.

Trong số nhiều vấn đề cần giải quyết, tôi muốn rằng từ nay đến Đại hội, chúng ta phải cùng nhau làm rõ những tư tưởng đổi mới. Có tập hợp nhau lại được hay không cũng là do chỗ này. Từ tư tưởng sẽ gọi ra con người, nhân sự, bộ máy. Và tránh được những xu hướng không lành mạnh, những tìm kiếm phe nhóm, không nói lên được thực chất của đổi mới.

P.V. - Theo anh, những nội dung đổi mới quan trọng nhất cần làm rõ là những gì?

N.K.Đ. - Điểm chung nhất là: văn học ta phải thực sự tham gia vào công việc của đời sống một cách mạnh mẽ hơn. Trong số các công việc của đời sống, vấn đề chuẩn bị lại nhân tố con người có vai trò quan trọng hàng đầu. Nói chủ nghĩa xã hội, có khi ta chỉ nghĩ đến sắt, thép, xi măng, cầu đường... mà quên nghĩ con người cần được trang bị những gì. Bản chất của văn học và yêu cầu của cuộc sống đòi hỏi phải quan tâm đến con người, phải làm thật nhiều cho con người. Đối với con người, cần làm sao phát huy khả năng sáng tạo của họ. Phải tính đến những khả năng cụ thể mà con người đã và đang có, giúp cho họ biết lựa chọn một cách chủ động và mạnh mẽ, tích cực hơn. Mở rộng dân chủ và công khai là những điều rất có ý nghĩa.

Điều quan trọng mà văn học cần phải tham gia giải quyết là làm cho con người có ý thức về họ một cách sâu sắc hơn, chân thực hơn, tự tin hơn. Làm sao cho mọi người thấy họ có vóc dáng riêng của họ trong đời sống. Văn học phải trở nên gần gũi hơn với số phận mỗi con người, giúp cho họ nghị lực. Có thời kỳ ta nhìn con người trừu tượng chung chung quá, do đó văn học trở nên trừu tượng khi nói đến nhân dân, vì vậy không thỏa mãn từng người đọc cụ thể. Nghệ thuật bây giờ phải trở lại với con người thực nhiều hơn nữa.

Ta đang nói văn học hướng tới sự thật, nhưng cũng phải nói văn học hướng tới lương tâm. Tôi cho là không đúng nếu chỉ nói đến phản ánh sự thật. Còn phải nói đến tấm lòng, đến thái độ trước các số phận.

P.V. - Trước những yêu cầu rất cao của việc đổi mới, anh nghĩ là chúng ta phải có một tổ chức Hội, một đoàn thể nhà văn như thế nào?

N.K.Đ. - Tôi nghĩ Hội Nhà văn giống như các hội quần chúng khác, hiện đang có thêm khá nhiều. Đây là hội của những người cầm bút. Tổ chức của nó phải thật sự dân chủ, tránh tính chất hành chính, thậm chí quan liêu. Nó phải làm được một trong những việc của nó là bảo vệ vị trí của nhà văn trong cuộc sống, làm cho xã hội quan tâm giúp đỡ nhà văn nhiều hơn, tạo ra bầu không khí cần thiết cho sự sáng tạo... Lẽ dĩ nhiên không thể cầm tay dạy nhà văn viết, nhưng tạo ra bầu không khí thuận lợi, yên tâm, thoải mái để họ sáng tạo là quan trọng. Như vậy, Hội phải tăng cường hệ thống công cụ của nó như báo chí, xuất bản, các cơ quan chuyên môn, quỹ sáng tác, các trại sáng tác. Tôi nghĩ đây cũng là dịp cần nghiên cứu lại, tổ chức lại công việc, giúp cho Hội đóng được vai trò của mình, đừng để Hội bất lực hoặc vẫn cứ là cơ quan hành chính.

Dĩ nhiên các cơ quan báo chí xuất bản của Hội phải đi vào hạch toán, kinh doanh. Đừng nghĩ là hạch toán sẽ giết chết sáng tạo, tìm tòi, mà ngược lại, vì trở về bao cấp còn nguy hại hơn.

Nói chung, Hội phải mang tính chủ động cao trong công việc. Và nếu cần đấu tranh thì cần đấu tranh để có nhiều phương thức tạo ra kinh phí cho Hội hoạt động.

P.V. - Anh nghĩ thế nào về yêu cầu đổi mới với cơ quan quản lý Hội?

N.K.Đ. - Phải gồm những nhà văn có uy tín, tạo ra được bầu không khí sáng tạo đích thực, giúp nhà văn nâng cao vị thế xã hội của họ, phải đại diện cho tinh thần đổi mới của đời sống văn học. Nhưng trong các cơ quan Hội còn cần những chuyên viên giỏi, những cán bộ làm công tác văn học giỏi (họ có thể không vào Ban Chấp hành) để có thể xử lý, giải quyết những công việc và vấn đề hàng ngày của cả đội ngũ, có khả năng quản lý tốt, tạo ra sự năng động thật sự trong tổ chức của Hội. Phải làm sao thanh toán được một mâu thuẫn ta hay vấp phải lâu nay về lãnh đạo Hội: là những nhà văn giỏi thì không gỡ được những vấn đề của tổ chức, quản lý; hoặc, là những người quản lý giỏi thì lại không xử lý nổi những vấn đề văn học phức tạp. Kinh nghiệm làm văn nghệ địa phương cho tôi nhiều bài học về chuyện này. Thiếu mặt nào cũng gây thiệt thòi cho phong trào.

P.V. - Nhân tiện, xin được biết ý kiến của anh về quan hệ giữa các hội viên nhà văn cư trú ở các địa phương với Hội Văn nghệ địa phương, vì đề nghị của khá nhiều hội viên là lập các chi hội của Hội Nhà văn Việt Nam?

N.K.Đ. - Ở hầu hết các tỉnh đều có Hội Văn nghệ địa phương, tuy kết quả hoạt động ở các nơi không như nhau. Anh em chuyên nghiệp vẫn sinh hoạt với các hội này, nhưng hiệu quả thì không rõ lắm. Tôi nghĩ, cần tách hoạt động nghiệp dư cho các Sở văn hóa quản lý. Còn các nhóm hội viên nhà văn chuyên nghiệp cư trú khá đông ở một địa phương có nhu cầu tập hợp lại thì đó là điều chính đáng. Hội ta cần triển khai giải quyết. Tôi nghĩ đến một mô hình thế này: ví dụ ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc ở Cần Thơ v.v... có những tạp chí văn học vừa là cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam vừa là của lực lượng nhà văn "tại chỗ" (đây là "công thức" mà ở Liên Xô vẫn làm). Đấy là những tạp chí toàn quốc, điều này tăng uy tín cho nó. Đó sẽ là nơi quần tụ, gặp gỡ các hội viên cư trú lân cận, là đầu mối tập hợp nhà văn theo khu vực. Hội Nhà văn Việt Nam từ Trung ương phải quản lý đến tận những đầu mối lớn đó, từ đó mà thúc đẩy sự phát triển sáng tác của anh em. Lâu nay, ta chưa chú ý đến điểm này, thành thử có cảm giác là vẫn tồn tại một nền văn học địa phương không được ai theo dõi chăm sóc. Tôi nghĩ chính việc lập các tạp chí loại này cần thay cho việc lập những cơ quan có tính chất hành chính của Hội ở các địa phương. Nó sẽ giúp ích cho các cây bút sống ở địa phương nhiều hơn, lại tránh được khó khăn về kinh phí và biên chế.

P.V. - Trở lại chuyện chuẩn bị Đại hội, anh có ý kiến thế nào xung quanh việc bầu cử các cơ quan quản lý cao nhất của Hội -- điều mà nhiều hội viên đang quan tâm?

N.K.Đ. - Tôi tán thành làm đại hội toàn thể, vì mỗi nhà văn đều là một thực thể sáng tác không thể thay thế, bất cứ ai cũng cần được huy động đóng góp cho công việc chung. Về việc để Ban Chấp hành bầu ra Ban Thư ký và Tổng thư ký hay để cả đại hội trực tiếp bầu Tổng thư ký và Ban Thư ký - tôi nghĩ phương thức nào cũng được cả, tùy theo quá trình tiến hành đại hội mà chọn cách thức, và chăng điều này cũng chỉ có thể do tập thể đại hội quyết định mà thôi. Nếu tiến hành được một đại hội thực sự dân chủ thì Ban Chấp hành được bầu cũng đã đại diện cho nguyện vọng của tập thể được rồi, vì vậy, nó có thể đại diện cho hội viên để bẩu Tổng thư ký và Ban Thư ký. Nhưng điều làm tôi băn khoăn là đừng nên để cho người ta lo chọn phương thức này hay phương thức kia, vì hình như với mỗi trường hợp đều phải lo cách đối phó trước. Cái cần quan tâm hơn là làm sao cho mỗi người cầm bút nghĩ nhiều đến việc đổi mới văn học. Đồng thời phải thực hiện tinh thần công khai ngay trong quá trình chuẩn bị đại hội. Rồi thì tại Đại hội, cái gì cần đến nó sẽ đến.

Luôn tiện nói đến công khai và dân chủ, tôi rất tán thành cách làm của báo Văn nghệ gần đây, ví dụ đăng các ý kiến khác nhau xung quang "bàn tròn", hoặc đăng ý kiến "ngược" qua thư bạn đọc, hoặc đăng hai ý kiến khác nhau về cùng một hiện tượng, một vấn đề. Đừng sợ những ý kiến "ngược" có thể làm mất phương hướng đổi mới. Tôi cho là cần hiểu đổi mới thật rộng, như một cái gì đủ sức tập hợp tất cả mọi người; cứ cho là có người còn "bảo thủ" đi, nhưng đừng tránh đăng ý kiến của họ, và nhất là đừng tạo nên cái tình thế dồn họ vào một góc, tạo ra sự bè phái, phe nhóm.

P.V. - Xin được biết những nhận xét của anh về các dấu hiệu vận động đổi mới trong sáng tác của ta gần đây?

N.K.Đ. - Tôi chỉ có thể nói những ấn tượng của mình. Tất cả các thể loại văn học có khởi sắc. Văn xuôi bộc lộ những hiện tượng mới. Thơ cho đến sát gần đây cũng đã thấy có những dấu hiệu khởi sắc. Kịch và sân khấu thì thật rõ. Rồi hoạt động phê bình, rồi văn học dịch. Đó là những dấu hiệu đáng mừng.

Điểm thứ hai, đã có chỗ cho những cây bút trẻ xuất hiện với tất cả sự lạ lẫm của họ và bước đầu đã gây được ấn tượng, tuy mỗi người chỉ với vài tác phẩm ngắn. Tôi cho dấu hiệu quan trọng của đổi mới là xuất hiện những cây bút trẻ mang tư tưởng đổi mới đi vào sáng tác.

Một điểm nữa, tôi thấy báo chí văn học, cả trung ương và địa phương đều có chuyển biến. Thế có nghĩa là những người làm công tác văn học đã trở nên hoạt động hơn, sôi động hơn. Tôi nghĩ đây là một sự chuẩn bị quan trọng, không có sự chuẩn bị này, thì sẽ không có cơ sở cho một thời kỳ phát triển mới.

(L.N.Â. thực hiện)

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 17 (23-4-1988)

 

Mục lục

29-11-08