ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 27 (4-7-1987)

 

 

NHÀ BÁO

 

NGUYỄN KHẢI

 

Từ Đại hội Đảng lần thứ VI tới nay, anh em nhà báo chúng ta cũng bớt ngượng ngập khi phải đối mặt với người đọc báo. Là vì chúng ta đã được Đảng giao trọng trách làm người truyền đạt, người thăm dò, người phản ánh quá trình thực hiện các nghị quyết quan trọng của Đảng. Là người đi hàng đầu trong công cuộc đổi mới cách nghĩ, đổi mới cách làm, đấu tranh để xóa bỏ nhiều tập tục đã cản trở ghê gớm tới mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với Dân, giữa Dân với Đảng. Ví như chỉ thích nói điều hay mà không dám nói điều dở là một tập tục. Hoặc nói một cái dở lại phải kèm theo rất nhiều cái hay cũng là một tập tục. Hoặc tìm những nguyên nhân vì sao mà dở thường là tại trời tại đất, tại thiếu tại nghèo, tại người này người kia mà chưa dám xem xét tới chủ trương, tới chính sách là đúng hay sai, là còn phù hợp hay đã lỗi thời. Thành thử viết rất nhiều mà như không viết gì cả. Vẫn có nhiều người mua báo và đọc báo, nhưng đọc thì đọc chứ lòng dạ dửng dưng. Có gì liên quan tới cái lo, cái nghĩ, cái mong mỏi của mình mà tha thiết, mà hy vọng.

Tờ báo chỉ là diễn đàn để giải thích, để tuyên truyền của một số rất ít người, dẫu có tiếng vang dội lại thì cũng là những tiếng vang đã được quy định trong khuôn khổ của sự nhiệt liệt hưởng ứng. Do đó nhiều việc làm sai, làm trật, thoạt đầu là nhỏ, là hẹp, là tất nhiên phải có, kéo dài qua năm này tháng nọ hóa ra trầm trọng, phức tạp, dẫn đến những hậu quả rất đáng lo. Báo không ra báo, nhà báo không ra nhà báo, tồn tại biệt lập với xã hội, xa lạ với dư luận của công chúng, tự đặt ra những tiêu chuẩn, những mực thước đã từ lâu không còn gắn bó với những hoạt động muôn màu muôn vẻ của đời sống. Nghĩ lại mà buồn, mà tiếc, mà uất. Vì chẳng có cái dại nào bằng cái dại tự đánh lừa mình.

Năm vừa rồi tôi thường đến chơi với anh em đồng nghiệp báo Lao động thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan báo mà lại có cái không khí căng thẳng, khẩn trương của một cơ quan chỉ huy chiến dịch trong chiến tranh. Trong một ngày có tới vài chục người, là những cán bộ và công nhân của nhiều xí nghiệp, tới xin tiếp xúc với nhà báo, tới gửi thư và đơn từ tố giác, khiếu nại. Người viết báo và người đọc báo cùng nhau xem xét một vấn đề, phân tích các chi tiết, gạn lọc cái thật, loại bỏ cái giả, lại gợi ý cả một cách viết, cùng theo dõi những phản ứng khác nhau, cùng lo âu và hy vọng về hiệu quả của nó trong công chúng rộng rãi. Tờ báo trở thành diễn đàn của số đông, là vị trí thuận lợi và hợp lý nhất để quần chúng thực hiện quyền làm chủ của mình. Là hay thế, là tốt thế mà vẫn e ngại, vẫn rón rén, vẫn rụt rè. Là nói chính tôi chứ không phải anh em nào khác. Thấy bạn đọc báo kéo tới tòa soạn đông đảo quá là ngại. Nó không giống với trước. Nó lạ. Như có "âm mưu" gì bên trong! Nghe anh em họ tố giác chuyện này, chuyện kia với bao nhiêu chứng cớ, có giấy tờ hẳn hoi, có nhân chứng hẳn hoi, cũng vẫn ngại. Nó "phản loạn" thế nào! Nó "chống đối" thế nào! Vì nó vượt ra khỏi cái trật tự quen thuộc. Đọc một bài báo có quá nhiều câu hỏi, buộc người phụ trách cao nhất của một ngành, một bộ phải trực tiếp trả lời, lại càng ngại. Xưa nay cái sai thường là ở phía dưới. Phía dưới lãng phí, phía dưới tham ô, phía dưới ăn hối lộ. Còn phía trên nhiều lắm chỉ là chưa sâu sát thôi, còn quan liêu thôi, còn quá tin vào những phần tử từ lâu đã thoái hóa. Mà như thế là vừa mức. Nó không gây xáo động trong dư luận. Nó giữ được sự đoàn kết và nhất trí. Nó phù hợp với phương châm "trị bệnh cứu người". Với cách nghĩ ấy, nên khi anh em có hỏi tôi việc này việc kia, tôi thường khuyên: "Nên chờ đợi...", "nên xem xem...", "nên nghe nghe...". Rút lại là không nên làm một cái gì quá khác với thông lệ. Đến nỗi một bạn đồng nghiệp trẻ đã phải nói thẳng vào mặt tôi: "Anh nên đi xuống sống với anh em công nhân cao su lấy vài ngày, phải ăn và ở với họ, chứ đừng nằm trên nhà khách của tổng công ty. Rồi anh sẽ biết phải làm gì, phải làm những gì...". Những người bạn cùng nghề với tôi ở các tờ báo Đại đoàn kết, Lao động, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ... đã xác định từ lâu một thái độ nghề nghiệp rất rõ ràng. Chỉ viết có sự thật, những sự thật đã được kiểm tra từ nhiều phía, từ nhiều nguồn, dẫu có bị chẹt xe, bị dao đâm, bị súng bắn, thậm chí bị đưa ra tòa hoặc bị vu là điên là dại cũng không rời bỏ cái vị trí là một nhà báo cộng sản của mình.

Báo chí đã là một quyền lực. Một quyền lực vô cùng mạnh mẽ, mãi mãi mạnh mẽ vì là nơi gặp gỡ lý tưởng giữa ý Đảng với lòng dân. Gặp gỡ trong mỗi ngày, gặp gỡ trong từng việc. Người làm báo cũng có một quyền lực nhất định, vì đã được giao trọng trách làm cái gạch nối giữa Dân với Đảng, giữa Đảng với Dân. Chỉ đứng về một phía, chỉ biết có một phía, lập tức mọi xét đoán, kết luận sẽ phiến diện, bài viết sẽ thiếu hẳn sức thuyết phục, hướng dẫn. Cũng vì vậy mà xã hội có quyền đòi hỏi báo chí và người làm báo phải tuyệt đối trong sạch, phải khách quan, phải nhân hậu và phải hết sức cương trực. Xã hội sẽ không tha thứ một anh nhà báo nào đó dùng cái quyền đã được xã hội ủy nhiệm để móc ngoặc và nhận hối lộ, theo đuôi dư luận và săn lùng những tin tức dễ gây xúc động không lành mạnh trong công chúng, viết những bài báo tùy tiện và cẩu thả. Hãy thử tưởng tượng một bài báo hàm hồ, thiên lệch được tung ra vào lúc này, chẳng những tác giả của nó mất mặt, mà tờ báo đăng bài báo đó cũng mất mặt, thậm chí cả một giới báo chí cũng bị nhục lây. Người đọc sẽ trở lại nghi ngờ về tính xác thực và khách quan của báo chí. Những phần tử tiêu cực sẽ có cơ hội để reo hò: "Thấy chưa! Cứ tin ở báo đi! Toàn vịt cả!".

Báo chí đã là một mặt trận quan trọng của Đảng để khẳng định cái đúng, phê phán cái sai. Đã là mặt trận thì mỗi chiến sĩ phải tự nguyện chấp hành một kỷ luật thật nghiêm ngặt. Cuộc tiến công phải nhịp nhàng, phải toàn diện và tuyệt đối không để sơ hở. Những sai lầm phải được sửa chữa, những thói xấu phải được ngăn chặn, những quan niệm mới phải được hình thành, đó là mục tiêu tiến công của chúng ta, chứ không phải là sự săn lùng và trừng phạt một cá nhân này hay một cá nhân nọ. Con người làm sai có thể thay đổi. Tuy khó mà cũng dễ. Nhưng thay đổi một cách nghĩ, một cách làm mới thật sự khúc khuỷu, gian nan. Vì từng người đều phải tự thay đổi, kể cả các nhà văn và nhà báo. Để kết thúc bài báo nhỏ này, tôi xin nêu một câu hỏi: Anh em nhà báo chúng ta có nên thường xuyên thâu thập ý kiến của bạn đọc để nâng cao trách nhiệm chính trị và tài nghệ của mình không nhỉ?

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 27 (4-7-1987)

 

 Mục lục