ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 30 (25-7-1987)

 

CÂU CHUYỆN CŨ MỚI

NGUYỄN KHẮC VIỆN

Vụ đổi tiền tháng 9-1985 quả là một tai họa ập đến với nhân dân ta.

Nhưng nói như một ngạn ngữ phương Tây, bao giờ tai họa cũng có mặt hay của nó.

Lần đầu tiên, ở nước ta mọi người đều thấy, lãnh đạo tối cao cũng có thể phạm những sai lầm nghiêm trọng. Trước đó, một số người đã suy nghĩ như vậy, nhưng cái mới là nay số đông bắt đầu nghĩ như vậy. Và dĩ nhiên, tiếp theo là, từ rày, ta không thể khoán trắng cho lãnh đạo suy nghĩ, động não thay thế cho mọi người. Quốc gia hữu sự, ai cũng có trách nhiệm không những gánh vác bằng chân tay, mà bằng cả trí óc nữa.

Chúng ta mấy chục năm trời quen chống thiên tai địch họa, trên dưới một lòng, toàn dân như một đoàn quân ra trận, tướng ra lệnh mọi người tuân theo, lính không thể có ý kiến khác với chỉ huy. Điều đó đã thành phản xạ có điều kiện cho cả trên và dưới. (Xin mở ngoặc: người ta thả trong bể nước một con cá quả và một bầy cá con. Cá quả lao vào đớp cá con, người ta lấy một tấm kính ngăn đôi bể nước, để cá con một bên, cá quả một bên; lao vài lần đụng vào kính, cá quả không làm tiếp nữa, và ngay cả khi người ta đã bỏ tấm kính ngăn cách đi, cá quả hễ bơi đến nơi chia cách là quay trở lại, không tìm đớp cá con nữa. Một phản xạ có điều kiện đã hình thành, ức chế một phản xạ tự nhiên).

Hậu quả tai hại của vụ đổi tiền phá vỡ cái phản xạ có điều kiện đã hình thành trong xã hội nước ta và dẫn đến những phát biểu ý kiến sôi nổi trong năm 1986, thời chuẩn bị cho Đại hội VI. Lần đầu tiên, một dự thảo Báo cáo Chính trị từ trên đưa xuống mà bên dưới lại góp vào rất nhiều điểm cơ bản, và những ý kiến từ dưới đưa lên được đúc kết thành báo cáo chính thức của Đại hội.

Không biết sau này các sử gia sẽ đánh giá thế nào, riêng tôi thì cho rằng đây là một bước ngoặt lịch sử: bước đầu mang tính quyết định của quá trình dân chủ hóa ở nước ta.

Nhân dân ta có nhiều truyền thống tốt đẹp, như kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, sống có tình có nghĩa, nhưng truyền thống dân chủ thì chưa có. Con chỉ biết phục tùng cha, dân phục tùng vua quan, cá nhân phục tùng đoàn thể, vợ phục tùng chồng, trò phục tùng thầy, phục tùng trong hành động, trong cả suy nghĩ. Bề trên vừa là chỉ huy, vừa là thầy, là thánh, chân lý phát ra từ cấp trên. Không thể làm khác ý đồ của trên, không thể nghĩ khác ý kiến của trên.

Khắp nơi, năm 1986 chúng ta nghe: điểm này, tôi không đồng ý, tôi xin bổ sung hay đề nghị chữa lại, chỗ này sai, chỗ kia đúng, người này làm sai, người kia cần rút lui. Bụng chưa no, nhưng đầu óc sôi động, đầy sinh khí. Rồi không những ý kiến đã nở rộ trong những buổi họp, trong những kiến nghị, dư luận không những biểu hiện ra trong những lúc năm bảy người gặp nhau trên vỉa hè, bên bờ ruộng, mà đã tiến tới một bước hết sức quan trọng, lại xuất hiện trên báo chí, đài, tivi, kịch, phim, truyện, tiểu thuyết, tóm lại, trên các media (phương tiện thông tin đại chúng).

Ở thời đại chúng ta, nếu ý kiến nhân dân chưa được nói lên trên các media thì dân chủ hóa chưa thực sự được thực hiện. Ngày nay chúng ta có những phương tiện rất có hiệu lực để làm cho những tư tưởng mới thâm nhập đại chúng, và từ đó biến thành sức mạnh vật chất. Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất còn non yếu, nếu không huy động được lực lượng trí tuệ của toàn dân, không nâng cao nhận thức về mọi vấn đề của toàn dân, mãi mãi đặt nhân dân vào thế thụ động, chúng ta không có cách nào thoát khỏi cảnh nghèo nàn và bê bối hiện nay. Công cụ huy động chính là các media. Giấu dân một điều là cản trở một bước tiến của xã hội, là bóp nghẹt cái mới, để cho "cỏ dại" mọc tràn.

Chưa bao giờ, người cầm bút (và máy ảnh hay quay phim) thấy rõ vinh quang và trách nhiệm của mình như hiện nay. Phản ánh, đúc kết dư luận, nói lên những đòi hỏi và nguyện vọng của nhân dân ta nổi lên thành nhiệm vụ hàng đầu của các media, chứ không chỉ dành để phổ biến những chỉ thị của trên. Ngày nay, thông tin hàng ngày là món ăn tinh thần của toàn dân, quan trọng không kém so với cơm gạo. Đứng vào những hàng người kéo dài đợi mua báo hay tụ tập chung quanh loa truyền thanh khi cả nước hay địa phương có một tin gì quan trọng mới thấy rõ sự khát khao của quần chúng. Các media của chúng ta đang trên đà dân chủ hóa, đó là một trong những chìa khóa mở ra con đường tiến lên của dân tộc.

Quá trình dân chủ hóa thể hiện qua mấy khâu:

- Đầu tiên là nhận thức của số đông là mỗi người có quyền làm công dân, có quyền suy nghĩ, nói lên ý của mình, không ai được xâm phạm những quyền cơ bản mà hiến pháp và pháp luật đã quy định;

- Báo chí trở thành công cụ sắc bén của dư luận;

- Các cơ quan dân cử như Quốc hội, các đoàn thể làm tròn nhiệm vụ là thay mặt cho dân, chứ không làm "cây cảnh" nữa;

- Những cơ quan tư pháp giữ tính độc lập, xử theo pháp luật, không chấp nhận một sức ép nào bất kỳ từ đâu.

Bốn khâu này cần hoạt động đồng bộ, khâu này hỗ trợ khâu kia. Và dân chủ ở thành phố phải hỗ trợ cho dân chủ ở nông thôn, và ngược lại. Quên mất nông thôn để một nông thôn rộng lớn (80% dân số) phi dân chủ bao vây các thành phố thì chóng chầy những mầm non dân chủ chớm nở ở thành phố cũng bị bóp nghẹt. Chúng ta còn phải lâu dài "tập sự dân chủ", tập làm quen với chế độ dân chủ, dưới làm quen với việc tranh cãi với trên, trên tập nghe ý kiến của dưới mà không nghĩ rằng đó là "phạm thượng", là "chống Đảng".

Và cũng phải tập đấu tranh cho dân chủ. Vì dân chủ, thì một số người có quyền có chức đã phạm sai lầm tất phải rút lui, mất ghế, cũng có một số người liêm khiết nhưng quen ra lệnh, từ trước đến nay không ai dám nói lại, nay lại "mất thiêng". Chúng ta không thể mãi mãi ngây thơ nghĩ rằng, hễ là có ý đồ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã có Đảng của giai cấp công nhân, có Nhà nước chuyên chính vô sản là hết mâu thuẫn giữa trên và dưới, giữa lãnh đạo và nhân dân. Chính phương châm và nguyên tắc dân chủ tập trung là để giải quyết những mâu thuẫn ấy.

Không thể dân chủ hóa nếu không nâng cao thường xuyên trình độ hiểu biết và nhận thức của toàn dân, tranh luận về đúng sai của những chính sách, chủ trương trong mọi lĩnh vực, đánh giá từng con người không thể tiến hành ở mức cảm tính, không có cơ sở khoa học, học thuật đúng đắn. Một xã hội dân chủ bắt buộc phải có một nền khoa học cao, về tự nhiên cũng như về xã hội, một nền văn học nghệ thuật phong phú, sắc bén.

Có những con người hết sức nhạy bén với những nhân tố mới chớm nở trong lòng xã hội với những gì sai lầm hay lỗi thời, những gì giúp cho hạnh phúc con người hay vùi dập con người. Đó là những người làm khoa học, những văn nghệ sĩ, những con người có tâm huyết, có khả năng tập trung tư duy, đặc điểm của thời đại là ngày nay họ không chỉ nằm trong giới có bằng cấp, mà xuất thân từ mọi tầng lớp. Họ chính là những con người tiên phong, trinh sát thăm dò mở đường cho xã hội, vì chính họ tiếp nhận những tinh hoa của xã hội.

Lãnh đạo sáng suốt chính là biết nghe ngóng tất cả những gì xuất hiện trong các giới khoa học, văn nghệ, từ đó rút ra những kết luận xác đáng để xây dựng chính sách, chủ trương. Trong nhiều năm qua chúng ta đã đặt cái cày đi trước con trâu: lãnh đạo đến với các giới khoa học, văn nghệ, nghe thì ít, lên lớp thì nhiều, và chỉ muốn các giới vọng lại ý kiến của mình, minh họa những chính sách đã đề ra. Văn dĩ tải đạo, mà đạo thì đã đúc khuôn sẵn thành nghị quyết, thành công thức, cái được gọi là "chính trị" thống soái tất cả, điều gì xem như có vẻ ngược lại là bị cắt xén không thương tiếc.

Một số công trình, tác phẩm bị duyệt khắc nghiệt, có khi tác giả bị kết án, tạo ra phản xạ tự kiểm duyệt của nhiều người cầm bút, điều gì nghi là góc cạnh gọt trước đi mới đưa nộp bản thảo, như ở con cá quả, sự cấm đoán đã nhập tâm trở thành một nhân tố bên trong của người sáng tác. Đào Tấn có lần viết, bản án văn học cha con Nguyễn Văn Thành thời Gia Long, mặc dù xảy ra gần 100 năm trước vẫn làm cho ông run tay mỗi khi cầm bút.

Đứng trên cương vị quyền lực mà phê phán, đánh giá một công trình khoa học hay nghệ thuật là một việc làm hoàn toàn phi dân chủ, kìm hãm sự phát triển của học thuật, óc sáng tạo của nhiều người. Một đất nước, một dân tộc mà chất xám bị kìm hãm khó mà vươn lên và trong hoàn cảnh hiện nay, không ít người có tài lâm vào cảnh bế tắc.

Giữa dân chủ và văn hóa, tức khoa học, nghệ thuật, mối quan hệ mang tính hữu cơ. Văn hóa, một lao động phức tạp, đòi hỏi con người sáng tạo dốc hết toàn tâm toàn ý vào sự nghiệp - không thể phát triển trong sự ràng buộc. Xưa nay quan hệ giữa những người có tài và những người có quyền bao giờ cũng phức tạp căng thẳng. Ngày nay chúng ta có cái may là lãnh đạo và các người làm công tác khoa học, văn nghệ có một chỗ tâm đắc, một nơi gặp nhau đó là chủ nghĩa Mác-Lênin, một chủ nghĩa mang tính khoa học và nhân đạo cao nhất trong các triết lý và học thuyết từ xưa đến nay.

Nhưng không dễ dàng gì mà tiếp nhận đầy đủ chủ nghĩa Mác-Lênin trong một xã hội còn mang nhiều tính cổ truyền; đặc biệt tính phê phán, tinh thần khoa học, tinh thần dân chủ là những điều xa lạ với nhiều người xuất thân từ trong xã hội cũ. Lãnh đạo thiếu dân chủ dù giỏi đến đâu, không thể không dẫn đến những tai họa như vụ đổi tiền. Bà quý phi họ Dương bị quan quân oán trách đã làm nhà Đường sụp đổ, bị ba quân đem chém. Cụ Nguyễn Du viếng mộ bà, cảm hứng viết mấy hàng, đặt câu hỏi: tại sao chỉ đổ tội lên một mình một người đàn bà đẹp, thế thì lúc nhà vua lao vào cuộc sống trụy lạc, để triều đình bê bối, trăm quan đứng im như ngựa đá, không hé miệng can ngăn, không có tội hay sao? Vì con người chỉ có thể thoát khỏi chủ quan, thấu suốt được thực tế, thông qua một sự trao đổi thường xuyên với người khác trên cơ sở bình đẳng. Lúc ra trận, lính phải tuân lệnh của tướng, nhưng lúc bàn luận đúng sai, thì không còn ai là tướng, ai là lính, ai là viện sĩ 70, 80 tuổi, ai là thanh niên mới lớn lên, chỉ còn ý kiến nào ăn khớp nhất với thực tế khách quan. Quán triệt được tinh thần ấy quả là việc khó trong một xã hội xưa nay quen sống theo tôn ti trật tự chặt chẽ.

Theo danh từ xưa, những người làm công tác khoa học, văn nghệ là "kẻ sĩ", nhiệm vụ của "kẻ sĩ" là nói và viết, là tạo tiền đề cho dư luận, là góp ý với lãnh đạo, không thể là những con ngựa đá xếp hàng để trang trí cho những lễ tiết triều đình. Và ngay từ trong nội bộ hàng ngũ của mình, phải dân chủ hóa cao độ. Quan liêu hóa hai ngành khoa học và văn nghệ là làm khô héo nguồn sáng tạo của toàn dân.

Kẻ sĩ từ ngàn xưa đã mơ ước "tứ hải giai huynh đệ". Ngày nay mơ ước ấy có khả năng trở thành hiện thực. Cuộc sống trong từng chi tiết đã mang rất nhiều yếu tố quốc tế. Hạt gạo làng ta không chỉ có vị ngọt của phù sa sông Hồng hay sông Cửu Long, Thái Bình hay Hậu Giang, nó còn mang trong mình công lao của nhiều nhà bác học, nhiều kỹ sư, công nhân của nhiều nước. Thiếu quan hệ quốc tế, thiếu trao đổi quốc tế, khoa học văn nghệ không thể phát triển.

Ngày nay hạn chế tầm nhìn và hoạt động trong ranh giới của một đất nước, tuyệt đối hóa độc lập chủ quyền của quốc gia dân tộc làm cho khoa học và văn hóa giảm mất nhiều sinh khí và cả một thế hệ thanh niên không có triển vọng tiến lên những đỉnh cao của loài người.

Nhưng nhảy ra giữa môi trường quốc tế không phải là chuyện đơn giản. Chúng ta bước vào đấy như một người nông dân vào chợ Bến Thành hàng hóa đầy đủ, muốn gì có nấy, nhưng buôn bán ở đây người lương thiện có, mà gian thương cũng không thiếu, lưu manh côn đồ cũng nhiều. Cái may của chúng ta là trong cái siêu thị phức tạp ấy, chúng ta đã có họ hàng có kinh nghiệm và thế lực làm chỗ dựa, có thể chung lưng chung vốn để làm ăn có lợi. Nhưng trong chúng ta cũng có người nghĩ rằng, với óc tinh ranh có sẵn của người nông dân, chúng ta có thể làm ăn một mình, tội gì phụ thuộc vào họ hàng bè bạn. Đó thật là ảo tưởng, mánh lới của nông dân không thể đối chọi với thủ đoạn của những công ty đế quốc siêu quốc gia, với những lưu manh chuyên nghiệp, đơn thương độc mã nhảy ra giữa thị trường quốc tế thì chẳng bao lâu bị lừa đảo và trấn lột. (Đó là nói về quyền lợi của Nhà nước và nhân dân, chứ đối với cá nhân những người làm việc giao dịch ấy, đây là một món bở). Có cố kết với các nước anh em rồi mới giao dịch với đế quốc, không thể nào khác.

Xây dựng khoa học và văn hóa cũng vậy. Nếu chỉ nhìn không xa hơn lỗ mũi, thì quả là nhiều khi giao dịch với bên tư bản thuận lợi hơn với các nước xã hội chủ nghĩa, vì chỉ cần thông qua một cơ quan, thậm chí một cá nhân nào đó là giải quyết. Nhưng cơ quan và cá nhân cũng chỉ giúp được từng sự việc, trong một thời gian nào đó, và trong khung khổ nhà nước của họ đã quy định, đến lúc nhà nước của họ ngăn cản, họ không thể nào không bỏ rơi chúng ta, làm cho công việc dở dang. Xây dựng khoa học và văn hóa là một sự nghiệp lâu dài, không thể ăn đong từng ngày, giữa hai nhà nước, giữa hai hay nhiều dân tộc với nhau, có cùng đi một con đường, cùng một chí hướng mới hợp tác lâu dài được.

Cũng như trong kinh tế, đây không chỉ là hợp tác thông thường, mà là hòa nhập vào một cộng đồng lớn rộng vượt khỏi phạm vi của từng nước, một cộng đồng ngày càng mở rộng. Đây là thực sự xây dựng một cộng đồng mang tính thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, thực hiện ước mơ "bốn bể là anh em". Chắc có người sẽ bảo là không tưởng, tự nghìn xưa, quốc gia nào cũng đặt quyền lợi của mình lên trên tất cả, ai đời lại chịu hy sinh quyền lợi vì quốc gia khác, câu chuyện cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới chỉ là một khẩu hiệu mà thôi.

Tự nghìn xưa quả là như vậy. Nhưng đây chính là cái mới của thời đại. Thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, thời đại của cách mạng vô sản. Cái mới mà Nguyễn Ái Quốc đã mang về cho dân tộc ta khi nêu lên "Cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới". Vai trò lịch sử của Nguyễn Ái Quốc là ở điểm, không những thừa kế truyền thống yêu nước của dân tộc, mà đã phất lên ngọn cờ quốc tế vô sản. Chỉ nhắc đến câu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" là chỉ mới nói được phần nửa tư tưởng của con người tiên phong ấy.

Cố kết chặt chẽ với các nước anh em trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa là một động lực mạnh mẽ buộc chúng ta phải vươn lên ngang tầm thời đại; làm ăn đơn độc, một mình mình biết một mình mình hay, tức là mãi mãi sa lầy trong những cái tùy tiện và luộm thuộm của chúng ta. Một trong những trở lực cơ bản trên con đường tiến hóa là tư tưởng dân tộc hẹp hòi, không chịu hòa nhập vào cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới.

Đến đây chúng ta có thể thấy rõ, thế nào là cũ, thế nào là mới.

Ta có thể vẽ ra hai vế đối lập:

Đẩy mạnh dân chủ hóa - phát triển khoa học văn hóa - quốc tế vô sản.

Tiếp tục chế độ phi dân chủ - không tưởng, duy ý chí - dân tộc hẹp hòi.

Giữa dân chủ, khoa học và quốc tế là mối quan hệ hữu cơ, cái này lôi kéo cái kia, thúc đẩy nhau mà tiến tới. Và ngược lại, phi dân chủ là kìm hãm khoa học, cũng như co mình lại trong quốc gia dân tộc tất yếu dẫn đến phi dân chủ và kém phát triển về khoa học và văn hóa.

Mọi chúng ta, trong cương vị của mình, đều có thể tham gia vào cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới đang tiến diễn quyết liệt ở nước ta. Ai thắng ai - không thể khoanh tay ngồi đợi với tư tưởng: rồi thời cuộc sẽ trả lời (tiếng Anh gọi là Wait and see). 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 30 (25-7-1987)

Mục lục

6-4-08