ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 35 (29-8-1987)

 

 

PHỎNG VẤN CỤ NGUYỄN TUÂN

NGUYỄN DUY

 

Chuẩn bị Đại hội lần thứ IV Hội Nhà văn, Văn nghệ đã có ý định đến phỏng vấn nhà văn Nguyễn Tuân. Tiếc thay, việc ấy chưa kịp làm thì nhà văn đã ra đi.

Trong kỳ Đại hội lần thứ III trước đây (năm 1983), nhà thơ Nguyễn Duy, phóng viên của báo, đã có đến phỏng vấn Nguyễn Tuân. Nay nhớ lại, thì ra những điều Nguyễn Tuân nói ngày ấy có lẽ vẫn còn rất nhiều ý nghĩa đối với hôm nay. Trang Văn nghệ phỏng vấn kỳ này xin giới thiệu với bạn đọc cuộc phỏng vấn đó. 

Tôi có may mắn được trò chuyện nhiều lần với cụ Nguyễn, mỗi lần đều nhặt ra được vài ba điều tâm sự cũng độc đáo như văn phong, như cốt cách của cụ. Còn phỏng vấn cụ Nguyễn theo yêu cầu của báo Văn nghệ thì chỉ có một lần, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, tôi nhớ đời vì bị cụ đuổi ra cửa, đuổi yêu thôi, nhưng vẫn có nội dung để nhớ.

Đó là mùa thu năm 1983, tôi ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III, và được cử vào ban phóng viên thường trực Đại hội. Tôi tới thăm cụ Nguyễn, kết hợp làm bài phỏng vấn cụ nhân dịp Đại hội ấy, cùng với nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cụ Nguyễn chưa mời ngồi đã phỏng vấn tôi trước:

- Chú mày ra ngoài này lâu chưa?

- Thưa, ba ngày rồi ạ.

- Sao mà mãi hôm nay mới tới tôi?

- Thưa, em bị bắt vào tổ phóng viên, mấy hôm rồi đi làm phỏng vấn các nhà văn từ các nơi về...

- À, ra chú mày tới đây là để phỏng vấn tôi à?

- Dạ, vừa tới thăm anh, vừa kết hợp việc đó.

- Này, thôi nhé. Đi, đi, đi... Đi mà phỏng vấn người khác. Để cho tôi nằm, tôi mệt. Đừng có bắt tôi đụng vào cái đại hội nhà văn nhà veo kỳ này nhé. Định mượn mồm tôi để ca ngợi đại hội chứ gì? Đi, đi, đi...

Tôi đưa mắt nhìn Phạm Tiến Duật lo lắng. Chắc ông già đang có điều giận ai đó, giận cái gì đó, chứ đâu phải giận chúng tôi, càng không phải giận cái đại hội... Tôi trấn tĩnh và quyết định phải liều mạng choảng yêu cụ một đòn:

- Thôi, anh đã đuổi thì bọn em đành phải đi vậy. Nhưng xin phép anh cho in mấy câu anh vừa nói để thay cho bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Tuân.

- Này... - cụ Nguyễn đang ngả người trên cái ghế nằm bỗng nhỏm dậy. - Vào đây, vào đây đã... chú mày định chơi tôi đấy à?

- Thưa, không ạ. Em định làm thật chứ không phải chơi.

- Được đấy! Vào đây, ngồi đây đi... Mời hai ông trẻ ngồi...

Cụ Nguyễn với tay lôi chai rượu trắng từ dưới gầm bàn viết ra, rót ba chén nhỏ và trỏ mời chúng tôi:

- Thôi, hòa nhé. Cứ ngồi chơi với tôi, hết buổi sáng nay cũng được. Ngồi chơi, uống chơi, nói chơi chứ không có làm báo ở đây. Tôi biết các ông cũng muốn hỏi cái gì đó. Cứ hỏi. Tôi sẽ trả lời. Nhưng cấm in lên báo.

Tôi được thể, dấn tới:

- Thưa lão tiền bối, người đã từng dự tất cả các đại hội văn học, văn nghệ của ta từ mấy chục năm qua. Vậy xin người cho đám vãn bối này được biết đôi điều cảm tưởng. Vâng, đây là hỏi để biết, xin lão tiền bối chớ từ chối nữa.

Cụ Nguyễn cười tủm tỉm, chậm rãi:

- Cái Đại hội ở Việt Bắc năm 48 là vui nhất. Khổ mà vui, nghèo mà lành, các nhà văn ta lúc đó đói rách lắm, mà đẹp lắm, thương nhau lắm. Toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng, vì độc lập và tự do của dân tộc, trong đó có bản thân mình.

Nhắp một tí rượu, cụ Nguyễn kể tiếp, giọng cao hứng:

- Cái kỳ đó, tôi có đọc tham luận. Đang đọc dở thì tôi dừng lại, xin phép Đại hội cho tôi kể một câu chuyện tiếu lâm. Chuyện "Cái rắm thơm, cái rắm thối" ấy mà. Sau đó, tôi lại đọc tham luận tiếp. Lúc xuống bục diễn đàn, về ngồi ghế đoàn chủ tịch, một ông quan văn nghệ (cụ Nguyễn có nói rõ ràng tên họ vị đó, nhưng chính tôi lại thấy không tiện dẫn ra đây) bỏ nhỏ vào tai tôi: "Ông to gan thật! Cái câu chuyện ông kể là có vấn đề đấy...".

Cụ Nguyễn cười khà khà rồi hạ giọng:

- Lúc đó, tôi nào có để tâm cái vấn đề nó là cái gì. Và quả là sau đó cũng chả có vấn đề gì cả. Tôi vẫn trúng cử với phiếu cao. Cái Đại hội năm 58 mà nói năng kiểu đó nữa thì bỏ mẹ chứ chả chơi, thì dứt khoát là có vấn đề ngay. Đến bây giờ thì lại càng có vấn đề.

Ông bạn thơ Phạm Tiến Duật khoái quá, cười ngang và chêm vào:

- Vậy ra, cái hồi chưa giải phóng ấy, văn học ta tự do và dân chủ hơn bây giờ ạ?

Cụ Nguyễn tỉnh như sáo:

- Này, cái câu ông vừa nói đó là của ông chứ không phải của tôi, nhá. Nào, uống...

Tôi nhắc cụ Nguyễn cái câu chuyện đang dở dang:

- Thưa, còn cái Đại hội kỳ này thì sao ạ?

- Khác lắm. - Cụ Nguyễn lắc đầu quầy quậy. - Khác ghê lắm. Có vẻ tợn lắm. Ban trù bị họp kín, thì thì thào thào cứ như là bàn chuyện đánh quả ấy...

Rồi cụ Nguyễn dằn giọng, nhứ nhứ ngón tay trỏ vào xó nhà:

- Làm cái anh nhà văn mà không lo việc sáng tác cho mình và cho nhau, mà cứ lo đấu đá, sát phạt nhau, thì lạ thật. Cái hậu quả của lịch sử đấy, nhà văn ta hồi mới làm cách mạng đâu có như vậy!... Cần phải văn học hóa cái Hội Nhà văn của ta lên thì hội hè mới vui lên được... Ấy là việc của đám các ông trẻ trẻ đấy. Phải làm lại, phải làm lại, nhá...

Sau kỳ Đại hội Nhà văn năm đó, tôi tới chào cụ Nguyễn để về Nam, cụ cười khì khì:

- Sao, chú mày thất vọng hả? Thôi, đừng nóng ruột. Việc của chú mày là viết, cứ viết đi là tốt nhất. Cái gì tới rồi sẽ tới...

Nhân có Tuyển tập Nguyễn Tuân vừa được xuất bản, cụ Nguyễn tặng sách cho tôi và tôi thành tâm chúc mừng cụ. Cụ Nguyễn cả cười mà rằng:

- Ông không phỏng vấn tôi nữa à? Rất nên phỏng vấn tôi về cái Tuyển tập này, thì các ông lại không làm. Lạ thật.

Tôi lúng túng thật sự. Điều cụ Nguyễn nói đúng quá. Tôi cũng tiếc là báo Văn nghệ đã không làm việc đó. Riêng tôi thì xin hỏi để biết, để nhớ thôi, thầm hứa sẽ làm kỹ cái phỏng vấn nghề văn với cụ. Cụ Nguyễn tâm sự:

- Nhiều người chết rồi mà không nhìn thấy Tuyển tập của mình đấy, trong đó có người thật là tài, thật là lớn... Còn tôi, đằng sau cái mừng, còn có cái buồn. Nửa thế kỷ làm nghề văn, được chọn lại mấy trăm trang sách. Ít quá. Sách trong bụng thì nhiều hơn gấp mấy, mà bày ra giấy chưa được bao nhiêu. Thời trẻ, tôi phí sức cho cái sự chơi lang bang quá. Chết đến nơi rồi mới biết tiếc việc thì đã muộn... Đã ít mà lại còn thiếu.

Trầm ngâm một lát, cụ Nguyễn lại cười tủm tỉm:

- Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi Tuyển tập này, cũng giống như là cắt cái lá gan của tôi ra khỏi bụng tôi. Họ sợ nó ung thư hay sao ấy, gan rượu mà. Thực ra, nó là gan lành, nó bị nghi oan. Này, sau này nếu chẳng may có chút quyền hành, thì các ông chớ có đè mấy anh nhà văn ra mà cắt ruột cắt gan nhau đấy nhé... Nào, uống đi, có thể đây là chén rượu cuối cùng tôi cụng với chú mày đấy...

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 35 (29-8-1987)

Mục lục

3-5-08