ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Mục lục


Nguồn: Công an thành phố, Tp.HCM. (6-12-1995)

 

TRỞ LẠI VẤN ĐỀ "HỘI NHẬP VĂN HÓA":
COI CHỪNG XU HƯỚNG MUỐN HÒA TAN

NGÔ VĨNH BÌNH

Mấy năm gần đây chúng ta hay nói tới sự hội nhập của Việt Nam với cộng đồng quốc tế: đặc biệt là sự hội nhập kinh tế. Điều này thật hợp với quy luật phát triển và đúng với xu thế của thời đại. Người Việt Nam ai mà không tự hào khi được thấy những chiếc máy bay, con tàu mang hiệu cờ Tổ quốc hạ cánh và thả neo trên những sân bay, bến cảng xứ người, ai mà không tin hơn, yêu hơn Tổ quốc mình khi trên thương trường quốc tế có những thùng dầu, bao gạo, hộp cà phê... mang nhãn hiệu Việt Nam? Chúng ta đã bước qua mấy mươi năm chiến tranh, đã qua thời bao cấp, đóng cửa gian khổ, nhọc nhằn, bây giờ được đi cùng bè bạn, phấn đấu để "bằng chị, bằng em" với các nước trong khu vực, ai mà không phấn khởi, tin tưởng và gắng sức. Hội nhập là hợp với quy luật và xu thế của thời đại, nhưng hội nhập như thế nào, như thế nào là hội nhập, đặc biệt là trong văn hóa, nghệ thuật, văn học là cả một vấn đề cần bàn.

Ngay từ những ngày mới ra đời và nhận lĩnh sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã chủ trương xây dựng một nền văn hóa dân tộc - khoa học và đại chúng, trong đó quan điểm xây dựng nền văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hết sức coi trọng. Quan điểm ấy càng ngày càng được hoàn thiện qua các nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ, và trên thực tế đã được cuộc sống kiểm nghiệm tính chất đúng đắn. Ấy vậy mà gần đây không biết do hiểu sai quan điểm hay là do quá sốt ruột trước cảnh "tịch mịch vắng lặng và nhiều phần cũ càng" của văn học hoặc quá sợ hãi trước "nguy cơ tụt hậu trước đời sống" của nó mà có nhà phê bình văn học đã nguyện ước: muốn đổi mới, muốn thay đổi những "quy trình công nghệ" của giới cầm bút Việt Nam để có văn chương "xuất khẩu", để cho văn chương nước ta được "hội nhập" với thế giới?

Khoan hãy bàn tới chuyện đánh giá nền văn học cách mạng 50 năm qua là "tịch mịch vắng lặng" sai ở mức nào, khoan hãy bàn tới có một "quy trình công nghệ" trong nghề viết văn hay không và nếu có thì nước ta có đủ khả năng nhập khẩu? để trở lại chuyện "hội nhập của văn học".

Hội nhập theo nghĩa thông thường có nghĩa là gặp nhau, họp nhau, cùng nhau. Nói hội nhập kinh tế với thế giới là hợp với quy luật và xu thế của thời đại. Quy luật ở đây là quy luật kinh tế. Văn học nói riêng và văn hóa nói chung không tách rời kinh tế, chính trị nhưng nó có những quy luật riêng, đặc tính riêng. Mỗi một dân tộc, mỗi một quốc gia trên thế giới đều có những đặc trưng văn hóa, một nền văn học riêng. Kinh tế nước Mỹ và kinh tế nước Nhật có thể phát triển như nhau, giống nhau, nhưng văn hóa Nhật Bản và văn hóa Mỹ lại không hề như nhau. Trong lịch sử và cả trong tương lai, người ta phân biệt sự khác nhau giữa các dân tộc, các quốc gia cơ bản vẫn dựa trên những đặc trưng của văn hóa. Là thế nên đừng thấy kinh tế nêu khẩu hiệu "hội nhập", văn học cũng vội vàng giương khẩu hiệu đó lên. Và nói tới sự giao lưu của văn học Việt Nam với thế giới vào thời điểm này cũng chẳng phải là một sự phát hiện mới mẻ gì. Từ nhiều năm trước, ngay cả ở những nước tư bản, ở phương Tây cũng đã từng quen biết với văn học Việt Nam qua bản dịch các tác phẩm của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh... Gần đây, sự giao lưu giữa văn học Việt Nam trên trường quốc tế còn mạnh mẽ hơn.

Nói "hội nhập kinh tế" thì đúng chứ nói "hội nhập văn hóa", "hội nhập văn học" thì chưa chắc đúng, xưa nay người ta chỉ nói "giao lưu văn hóa", "giao lưu văn học". Nói như vậy là đúng bởi vì như trên đã nói, sự khác nhau giữa các dân tộc trong lịch sử và cả trong tương lai sắp tới dựa trên những đặc trưng văn hóa. Một dân tộc, một quốc gia chỉ có "kinh tế mũi nhọn" chứ không có "kinh tế dân tộc", trái lại đối với văn hóa, văn học luôn có "văn học dân tộc". Tôi có người bạn là nghệ sĩ đàn bầu, chị vừa cùng đoàn nghệ thuật dân tộc đi biểu diễn dài ngày ở Bắc Mỹ và châu Âu về và kể rằng bạn bè quốc tế rất thích nghe những âm thanh lạ phát ra từ những nhạc cụ cổ truyền của người Việt Nam làm bằng vỏ quả bầu, tre nứa và đồ sành sứ. "Mang chuông đi đánh nước người" phải mang những thứ độc đáo của mình. Các dân tộc có nền văn hiến trên thế giới đều làm vậy. Người nước ngoài (và người mình cũng vậy) cái cần là cái họ không có, cái thiếu chứ không phải là cái họ đã có rồi, thừa thãi rồi... nữ nghệ sĩ đàn bầu nọ đã nói rất đúng.

Tôi không được đọc kỹ lắm những tác phẩm văn học Việt Nam vừa được nước ngoài dịch và rùm beng trao giải thưởng nọ, giải thưởng kia, nhưng tôi biết chắc một số cuốn đã bị các dịch giả nước ngoài xuyên tạc, xuyên tạc đến nỗi chính người đọc Việt Nam đọc lại cũng không hiểu "đầu cua, tai nheo" ra làm sao nữa. Cũng có thể là do các dịch giả kia có động cơ xấu, cũng có thể là do họ không hiểu về ngôn ngữ Việt Nam, đất nước, phong tục và lịch sử Việt Nam nên đã xảy ra tình trạng như vậy.

Giao lưu quốc tế của văn hóa, văn học Việt Nam không chỉ là việc giới thiệu văn hóa, văn học Việt Nam ra nước ngoài mà còn là việc chọn lọc những tác phẩm nước ngoài giới thiệu với người đọc Việt Nam. Xuất bản phẩm, văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy mấy năm nay vào Việt Nam tới mức ồ ạt. Riêng với văn học, trong tham luận đã dẫn của tiến sĩ Phan Hồng Giang mô tả: "Văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học các nước phương Tây đã ồ ạt chiếm lĩnh thị trường sách. Dường như các tiểu thuyết Anh, Mỹ... và nhiều nước khác du nhập cũng như đủ thứ hàng tiêu dùng ngoại cùng vào với thuốc là Dunhill, Marlboro và... kẹo cao su. Bên cạnh những tác phẩm tốt cũng có không ít những tác phẩm thuộc dòng "văn hóa thương mại"... Độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ đến với các quầy sách, các ki-ốt cho thuê truyện rõ ràng đã bị ngợp đi trước dòng sách thương mại ngồn ngộn ấy, khó có thể có sự lựa chọn nào khác. Nếu tính đến cả số lượng băng hình "sex" và bạo lực đang len lỏi vào các ngõ phố và tràn về cả các xóm quê thì có thể thấy nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ, vô tình hay cố ý, đã bị nhiễm độc một cách từ từ, nhưng lại theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", trước những cám dỗ của một lối sống thực dụng, một kiểu sống gấp, chụp giật với rất nhiều ham muốn hưởng thụ mà ít lòng hướng thiện, hướng về vẻ đẹp của lao động và tình người. Cần nhấn mạnh là "Đại họa trong mỗi gia đình và trong xã hội bao giờ cũng bắt đầu từ thói quen muốn sống hưởng thụ thật nhiều trong khi chỉ biết trả lại cho xã hội sự biếng nhác, trì độn, vô cảm và lọc lừa... Các nền văn học mang đầy tính nhân văn, tính công dân cao cả đã không còn được tôn vinh..." ấy là một mặt trái của sự giao lưu, của sự "hòa nhập" không có kiểm soát, không có trật tự, kỷ cương, luật pháp.

Sự giao lưu văn hóa, văn học đã đến lúc cần được lập lại trật tự. Trước mắt công tác quan trọng này cần được trao cho các cơ quan chức năng. Các cơ quan này có trách nhiệm giới thiệu những tác phẩm ưu tú của văn học Việt Nam ra nước ngoài và giới thiệu những tinh hoa của văn học thế giới cho người đọc Việt Nam. Cũng đã đến lúc mọi người phải hiểu đúng thế nào là hội nhập, giao lưu; giao lưu như thế nào và hội nhập như thế nào để chấm dứt sớm các hoạt động lợi dụng tinh thần "mở cửa", "hội nhập", "giao lưu" của một số người làm phương hại tới bản sắc văn hóa dân tộc, dẫn văn hóa, văn học dân tộc đến chỗ bị hòa tan có lợi cho các thế lực thù địch.

Nguồn: Công an thành phố, Tp.HCM. (6-12-1995)

Mục lục

 

3-12-11