ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 35 & 36 (20-8-1988)

NÊN CHĂNG?

NGÔ THẢO

Tính công khai và tự do phát biểu ý kiến đã tạo cho đời sống tinh thần xã hội một không khí cởi mở. Đặc biệt, báo chí ta đã có ý kiến về nhiều vấn đề cụ thể. Với tinh thần thẳng thắn, những người tham gia tranh luận đã bộc lộ những ý kiến, cách hiểu, cách đánh giá mà đường biên dao động khá xa. Không khí đối thoại rõ ràng đã bắt đầu làm nên tính sinh động của báo chí. Có đối thoại trong phạm vi một tờ báo, và cũng có những vấn đề mà nhiều tờ báo cùng lúc quan tâm. Có những tờ báo xưa nay ngại va chạm, hoặc quen bộc lộ những đánh giá chung chung, nay đã bộc lộ chính kiến khá rõ, mặc dù có khi đó là những ý kiến khá xa với chân lý. Chẳng hạn sự đánh giá trong bài in ở báo Nhân dân về phim Cô gái trên sông (với nhiều cái nhất...).

Trong quá trình đổi mới, mà thực chất là một cuộc cách mạng sâu rộng bắt nguồn từ nhận thức tư tưởng, rất nhiều vấn đề vốn là đối tượng của nghiên cứu, tưởng đã xếp yên trong ngăn kéo các nhà làm lịch sử, đang trở thành đối tượng của phê bình văn nghệ. Yêu cầu của sự công bằng lịch sử, luật cân bằng của lòng nhân ái, nhu cầu về tính khoa học của sách giáo khoa nhà trường đòi hỏi văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại bức thiết có cái nhìn lại mình, sắp xếp cho đúng các tiến trình, đánh giá cho chính xác các giá trị.

Việc rà soát lại một cách cơ bản, từ ngọn nguồn những cơ sở lý luận, xác định lại tiêu chuẩn các giá trị, để định giá đúng cái được, cái chưa được của các thời kỳ, các hiện tượng văn nghệ, nhất định sẽ gặp nhiều phản ứng. Với nhiệt tình đánh đổ những ý kiến nhận định sai trái đã biến thành văn bia, văn sách (trong các sách giáo khoa), cả quyết và nôn nóng, có cả phần cực đoan và thiếu bình tĩnh, những người mong muốn đổi mới đã lên tiếng phê phán các biểu hiện thiếu dân chủ, thiếu khoa học, phương pháp luận răn đe, nghe ngóng, truy chụp, lối tư duy máy móc, hống hách trong sự bao cấp về tư tưởng, dùng phê bình nghiên cứu làm công cụ xu nịnh và cũng thích nghe lời xu nịnh vốn không thiếu trong nghiên cứu phê bình văn học một thời. Không chút nao núng, tự tin hoàn toàn ở sự vững vàng, bất khả chiến thắng của người làm chủ tình hình mấy chục năm qua, các nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình tự coi mình là đồng tác giả của thời kỳ trì trệ cũ đã kịp thời lên tiếng phản kích. Chẳng hạn, giáo sư Phan Cự Đệ đã xông lên tuyến đầu, qua bài in trên tạp chí Văn nghệ quân đội (số 12, 1987).

Mau chóng nắm lấy ngọn cờ đổi mới tư duy, giáo sư Phan Cự Đệ đã phản kích lại những người một lần nữa "âm mưu" phủ định thành tựu văn học vĩ đại mà Đảng ta đã đánh giá đứng ở hàng đầu của nền văn nghệ chống đế quốc trong thời đại ngày nay. Đổi mới là việc đặt ra với những ai xưa nay cũ. Văn nghệ ta lâu nay đã luôn luôn mới rồi, tại sao lại còn lo đổi? Tư tưởng đó đã được quán triệt trong khá nhiều ý kiến tiếp theo in trên tạp chí nói trên. Nghi ngờ cách lập luận đó, một người bạn đồng học thuở đại học viết bài xin hỏi: Liệu có muốn đổi mới thật không?

Thế là từ đó nhiều báo có bài tranh luận gần xa về các vấn đề liên quan đến đổi mới trong văn nghệ nước nhà. Có thể đọc thấy trên các báo vốn ít tranh luận như Quân đội nhân dân và cả tạp chí Cộng sản.

Trong cuộc sống, bao giờ cũng vậy, có sự đan xen giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái hay và cái dở, cái tiêu cực và cái tích cực. Không khó gì khi đi tìm những sơ hở, phiến diện, những lối nghĩ cũ, cách sử dụng vũ khí cũ trong các bài viết nhân danh cái mới. Cũng là dễ hiểu: Trời không sinh ra cho chúng ta những người hoàn toàn mới mẻ để thực hiện cuộc cách mạng hôm nay. Cái mới xuất hiện dù không bao giờ được hoàn toàn ngay nhưng cũng đã làm cho bao người quen với những thước đo giá trị cũ bực mình. Vì thế người ta rất dễ bị phản kích, và thực tế đã bị phản kích. Nhưng không ai có thể tự cho mình là tác phẩm - con đẻ của đổi mới. Người đấu tranh cho sự đổi mới nhìn thấy thắng lợi của mình khi những dinh lũy thành trì của cái cũ không còn tôn nghiêm và biết tự thay đổi. Tiếc thay cho đến nay, tiếng nói tự phê phán trong văn nghệ ta còn quá ít. Và trong phê bình tranh luận lại thấy xuất hiện một hiện tượng không thể coi là bình thường: người tham gia tranh luận không dám ký tên thật của mình. Do nhiều lý do, xưa nay trong giới văn chương báo chí, việc ký bút danh vẫn là sự thường. Nhưng một khi, xã hội đã có không khí dân chủ, chúng ta tham gia đối thoại công khai, mà lại cứ muốn giấu mặt mình, thì có nên chăng?

Đọc các bài ký tên Anh Đào (Văn nghệ quân đội, số 6, 1988), Nguyễn Thanh Hà (tạp chí Cộng sản, số 7, 1988), Lê Trần Vượng (Quân đội nhân dân, số 8, 1988) và Phạm Thanh Hà ký chung với Ngô Vĩnh Bình (cũng in trên Quân đội nhân dân vài tháng trước) thấy các tác giả có người tự giới thiệu, có người tự thể hiện qua bài viết là những người ở trong giới văn nghệ, am hiểu hết mọi việc về nghề nghiệp, như Lê Trần Vượng còn xưng mình là nhà văn nữa. Nguyễn Thanh Hà từng có mặt trong hầu hết các hoạt động văn nghệ quan trọng, vậy mà khi đọc tới cái tên thì ai cũng phân vân: Phải chăng đây là một biểu hiện của thứ nặc danh có tên? Hay là các tác giả khi không ký tên thật thì dễ viết những điều hàm hồ hơn? Làm sao có thể liên hệ các bài viết, ý kiến anh em văn nghệ với bài viết của một người nào không ai biết về việc hệ trọng là đề nghị giải tán Đảng như trong bài của Nguyễn Thanh Hà? Lối răn đe, truy chụp có phải còn hiện hình ở đây?

Làm sao có thể tự xưng mình là nhà văn mà viết với giọng vừa khinh nghề, vừa khinh người, vừa khinh đồng nghiệp như trong bài viết ký tên Lê Trần Vượng? Phải chăng chính tác giả cũng thấy xấu hổ khi ký tên thật của mình trước một bài viết ghi nguyên lời lẽ của những người có quyền, có tiền, có thể tự cho phép mình gọi xách mé tên người mình không thích kiểu: "Lại Nguyên gì?".

Và Phạm Thanh Hà là ai vậy mà khi không khí đối thoại đang phát triển lại tự cho phép mình cái quyền làm người giáo huấn cả giới phê bình là: Nên có thái độ phê bình như thế nào? Vậy trong cuộc đấu tranh cho sự đổi mới hiện nay, đối với tác giả thái độ người đấu tranh hay mục đích tranh đấu quan trọng hơn? Thái độ là hoàn toàn tùy thuộc vào sự đánh giá tính chất cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay.

Trong không khí cởi mở, với tinh thần thẳng thắn, vì trách nhiệm đối với tên tuổi và ngòi bút của mình, nên chăng, trong các bài tranh luận, thảo luận có tính chất đối thoại nên bỏ lối ký tên có... mùi nặc danh này?

 

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 35 & 36 (20-8-1988)

 Mục lục

 

3-3-10