ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 5 (31-1-1987)

 

ĐỔI MỚI TƯ DUY
LÀ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG TỰ THÂN

 

NGÔ NGỌC BỘI

 

Trong lúc này chúng ta đề ra được khẩu hiệu "đổi mới tư duy", tôi cho đấy là một niềm hạnh phúc. Nhưng từ một khẩu hiệu cho đến hành động thực tế thật chẳng dễ dàng gì. Nếu không quan niệm đúng đắn, có một cuộc vận lộn quyết liệt nó sẽ trở thành sự méo mó, sự xuyên tạc vô tác dụng. Trên thế giới hiện nay ta đã thấy người ta nói tới chinh phục vũ trụ, cải tiến kỹ thuật, cách mạng xanh, tới các giống mới nhiều hơn là nói tới những cái khác. Vậy thì thế giới đã có những đổi mới tư duy. Trong nước, bây giờ người ta cũng nói tới "có làm phải có ăn" nhiều hơn. Vậy thì tư duy của đại chúng tự nó đã thay đổi theo quy luật khách quan. Vậy thì những người cầm cân nẩy mực bắt buộc cũng phải đổi mới tư duy. Vậy văn nghệ không thể cứ ngồi lì tại chỗ, khư khư giữ cách làm nếp nghĩ cổ lỗ sĩ được nữa.

Cái sự hô hào ca ngợi chung chung trong văn nghệ không thể tồn tại được nữa rồi. Cái sự cạnh khóe dằn dỗi, cũng không thể coi là một sự thay đổi tư duy mà ta nên theo. Nó có cái gì sâu lắng hơn, một sự nhận thức cao cả hơn. Nó phải từ một cách nhìn khác hẳn, cách nghĩ khác hẳn, một sự làm việc khác hẳn. Khi cuộc sống đã đòi hỏi "có làm phải có ăn" thì việc quản lý đất nước cũng phải từ bộ máy nhà nước, từ pháp luật, từ những chính sách quy định rõ ràng, chứ không còn từ việc sinh hoạt các đoàn thể quần chúng là làm được. Văn nghệ bây giờ cũng cần bỏ cái loa xách lếch thếch đi theo đoàn người khiêng vác đi, mà phải ghé vai vào cùng với họ. Cuộc sống trì trệ đã kéo theo cả văn nghệ trì trệ. Trong cuộc sống xã hội của chúng ta đang có những biến động lớn lao góp phần dẫn dắt được đại chúng cùng đi vào một luồng lạch, theo như tinh thần Nghị quyết Đại hội VI đã đề ra, trách nhiệm ấy thật quá nặng nề. Cái bè lớn lao nặng nề đang bị nước từ từ cuốn vào dòng xoáy. Tay lái nào đây giữ cho bè đi đúng luồng? Phải là tất cả mọi người có thiện chí dấn thân vào. Nếu không, ta chỉ làm được cái việc hoán vị thông thường mà thôi. Văn nghệ lúc này có nên chỉ đứng trên bờ mà "bơ hò, bơ hụi", hay phải lao ngay xuống nước cột dây vào bè để ghé vai cùng kéo với người cầm lái. Muốn thế thì phải có chí khí, phải dám chịu trận, phải bớt bớt cái nhìn lên phía trên mà nhìn nhiều xuống đại chúng. Thay đổi tư duy đối với văn nghệ trước hết phải đả kích mạnh vào thói quen đơn giản và tư tưởng nhỏ mọn yếu hèn. Những thứ đó đã từng lừa dối quần chúng, thui chột nhiều tài năng. Vậy "thay đổi tư duy" không phải là một khẩu hiệu hoa mỹ, một thứ trang trí hững hờ mà trở thành bông phèng. Nó là khẩu hiệu cách mạng của mỗi người - nhất là đối với những người làm văn nghệ.

 

Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 5 (31-1-1987)
 

 Mục lục

 

8-3-08