ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Sài Gòn giải phóng, Tp.HCM, số ra ngày 11-9-1988

QUA HỘI THẢO VỀ
CHẤT LƯỢNG SÁCH VĂN HỌC

Mối liên quan có tính hữu cơ: Cơ chế - Dân chủ - Bản lĩnh

NGHIÊM MINH

Quy luật của xã hội là sự khẳng định liên tục về nhân quyền, về tự do và dân chủ hóa xã hội. Không có sức mạnh nào làm thay đổi được quy luật.

Không phải một chế độ kiểm duyệt chặt chẽ hay những quy định tập trung nào đó là một biện pháp tối ưu, chính do luật pháp và trách nhiệm xã hội của cơ chế, xuất bản cộng với sự kiểm tra của dư luận sẽ mở rộng năng lực xuất bản của nước ta... Chính sự mở rộng quyền xuất bản - như quyền tự do báo chí - quy định chất lượng của công tác xuất bản.

Trách nhiệm từ nhiều phía

Đúng là trước một ấn phẩm xấu thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là tác giả, kế tới là nhà xuất bản. Nhưng mọi ấn phẩm đều ra đời trong những hoàn cảnh nhất định và chịu tác động không nhỏ của cơ cấu kinh tế xã hội, cái nôi của nó. Vì vậy không thể "trăm dâu đổ một đầu tằm". Với những chứng lý khoa học, những người dự hội thảo đã chỉ ra nguyên nhân gây tình trạng lộn xộn trong công tác xuất bản trên địa bàn thành phố thời gian gần đây là xuất phát từ nhiều phía.

Đồng chí Trần Bạch Đằng, đồng chí Thạch Phương, Trưởng Ban Văn Viện Khoa học xã hội, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Nguyễn Cửu Thọ... nêu nhiều dẫn chứng cụ thể và phân tích khá kỹ những mối liên quan có tính hữu cơ giữa công tác xuất bản với những quy định, quy chế quá lỗi thời không mang tính hiệu quả về in ấn, phát hành, nhuận bút... cùng với những biến động có chiều hướng sa sút của kinh tế xã hội. Nhuận bút quá thấp, người viết không đủ sống nên "đã có nhà văn tự nguyện làm nạn nhân". Sách phải xếp hàng chờ in nên khi tới tay người đọc đã thành "chanh muối, cá khô"; sự độc quyền của ngành phát hành, thiếu năng động nhưng lại đòi hưởng lợi nhuận quá cao trong khi nhà xuất bản thiếu kinh phí phải tự cứu đói, cứu người viết "nằm ụ"... Tất cả đã gây nên những rạn nứt dây chuyền xuất bản, tạo ra những khe hở từ đó mọc lên những nấm độc như thương lái sách, có khi chi phối gần trọn dây chuyền: trả tiền cho nhà xuất bản, cho người viết và định luôn tên cùng nội dung ấn phẩm.

Nhà văn Vũ Hạnh thẳng thắn đặt vấn đề: "Chính quyền không thực sự nắm tình hình văn hóa, không quan tâm đúng tới bước tiến và các giá trị của văn hóa, mà chỉ chiếu cố lúc có vấn đề... Các nhà phê bình thì phần đông sợ phải nói sự thật... Thật ra là thiếu một không khí cởi mở, chân thật".

Phải thừa nhận vừa qua đã có tình trạng lộn xộn trong xuất bản. Nhưng không nên hốt hoảng, và phải nhìn vấn đề trong tổng thể của nó mới mong có những biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh và giúp nền văn học nói riêng và văn hóa nói chung đi lên. Đấy là cách đúng đắn nhất.

Phòng cháy hơn chữa cháy

Sự lên án của dư luận vừa qua đối với những tác phẩm xấu là hoàn toàn đúng đắn, việc sử dụng những biện pháp hành chính là cần thiết khi nội dung xuất bản chệch khỏi chức năng cao quý của nó và chỉ có mục đích "làm tiền". Song "cấm" không phải là biện pháp lúc nào cũng hữu hiệu và cấm không hẳn là chặt chẽ. Chính sự lộn xộn trong công tác xuất bản vừa qua cho chúng ta thấy rất nhiều khe hở và sự buông lơi trong công tác quản lý văn hóa.

Tại sao trước đó ta không có những biện pháp phòng ngừa? Chúng ta đã không chăm sóc một cách kỹ lưỡng và toàn diện cho ngành văn hóa (như đã nêu ở phần trước), nên hậu quả có phần mang tính tất yếu khách quan. Đồng chí Dương Đình Thảo, Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy, đã nhìn nhận "tôi không chạy tội về các việc đã qua".

Chuyện phải xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Nhưng hãy thử hình dung, "đám cháy" sau khi dập tắt rồi thì vấn đề còn lại là gì. Phải chăng cần dọn dẹp và khẩn trương xây ngay nhà mới để tránh cho "những người bị cháy nhà" khỏi cảnh "màn trời chiếu đất". Và cũng đừng quên tổ chức tốt công tác "phòng chống cháy" để đừng tái diễn cảnh đau lòng. Trách nhiệm từ nhiều phía, nhưng ở đây, với nhà văn lầm lỡ, phải xây gì cho anh? Chúng tôi đồng ý với một số ý kiến cho rằng "chẳng may có nhà văn nào bị lầm lỡ vấp ngã trước dư luận cũng là một bài học, cho dù đắng cay cũng có phần bổ ích cho cả giới để rèn luyện mình... Xã hội cần phải có trách nhiệm giúp đỡ để họ không bị vùi dập trong hiện tại cũng như tương lai".

Và cuối cùng mọi việc đều phải được tiến hành một cách thẳng thắn, công khai, dân chủ và khoa học. Xin nhấn mạnh: Rất cần khoa học, vì chính có làm một cách khoa học mới bảo đảm để các yếu tố thẳng thắn, dân chủ, không trở thành hình thức. Việc cấm các ấn phẩm vừa qua, giá có một hội đồng chuyên môn làm tư vấn, có lẽ sức thuyết phục càng cao hơn.

Bản lĩnh: Tiền đề và hệ quả của ý thức trách nhiệm

Nhà văn Trần Văn Tuấn dành toàn bộ tham luận của mình cho vấn đề "bản lĩnh của nhà văn", mà theo anh "tài năng chính là điểm đầu tiên để tạo nên bản lĩnh nhà văn". Kế đó nhà văn cần có ý thức trách nhiệm xã hội. Nhà văn sẽ không bị đồng tiền với những thị hiếu thấp kém lôi kéo, dám đương đầu với mọi trở lực ngăn cản việc tốt, việc thiện. Tác phẩm viết ra trước mắt có thể bị lỗ về tài chính nhưng "nếu anh đủ sức tin đấy là sản phẩm nghệ thuật hay thì hãy giữ lấy nó cho ngày mai".

Cũng không chỉ có ý kiến tại đây bàn về vấn đề người cầm bút và vấn đề bản lĩnh cũng không chỉ nằm trong khuôn khổ đó. Nhiều nhà nghiên cứu, giáo sư... đề cập đến "bản lĩnh" dưới những góc độ khác có liên quan đến chất lượng xuất bản: "nhìn chung người tiêu thụ vẫn nặng về giải trí, xem các tác phẩm như sản phẩm tiêu dùng, từ đó những loại sách nhảm nhí được tiêu thụ mạnh" (Vũ Hạnh). Về quản lý đội ngũ biên tập viên, những người làm công tác xuất bản từ địa phương tới trung ương, các đồng chí có trách nhiệm trong các cấp ủy đảng, chính quyền nhiều khi còn quá yếu về chuyên môn nghiệp vụ và không thấy hết tầm rộng lớn của mặt trận văn hóa tư tưởng. Chỉ đơn cử việc bán giấy phép của Giám đốc Sở văn hóa Thông tin Lâm Đồng vừa qua cũng đủ hiểu vấn đề bản lĩnh người "lính" ở mặt trận này yếu thì sẽ ra sao.

Nhà nghiên cứu lịch sử văn học, giáo sư Nguyễn Lộc, đề nghị phải có chiến lược trong việc tạo ra công chúng văn học lành mạnh. Ai cũng rõ kinh nghiệm vừa qua cho thấy, chính nhờ lực lượng công chúng văn học lành mạnh, thông qua báo chí, chứ không phải ai khác đã đưa các vụ tiêu cực trong xuất bản ra ánh sáng. Giáo sư Trần Thanh Đạm nói rằng "công tác lý luận, phê bình, tuyên truyền, giáo dục văn chương - trong đó có vai trò của một thiết chế xã hội rất mạnh là hệ thống giáo dục, là các nhà trường bên cạnh các cơ quan tuyên truyền đại chúng - có khả năng tăng cường sức đề kháng trong đời sống tinh thần của xã hội, xây dựng thị hiếu văn chương, thẩm mỹ lành mạnh. Không phải kiêng khem nhiều là cách đề phòng dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe tốt nhất".

Dân chủ: "Bảo hiểm" tốt nhất cho công tác xuất bản

Chuyện bây giờ đã trở thành dễ hiểu. Không có công khai dân chủ, mọi cái đều bị che kín bít bùng, hỏi ai còn biết đúng sai đằng nào, nói gì tới chuyện luận bàn, tham gia đổi mới. Trong công tác xuất bản cũng vậy và đặc biệt đối với người viết, dân chủ còn có thể coi là một cách "bảo hiểm" tốt nhất để tự do sáng tác. Bảo hiểm bằng kinh tế hay bằng một hình thức nào đó và kêu gọi tự do sáng tác, nhưng không có bảo hiểm bằng một thể chế dân chủ thì mọi thứ bảo hiểm cũng khó có thể giúp nhà văn thoát ra khỏi những khuôn mẫu định chuẩn sẵn.

Công cuộc đổi mới văn học văn nghệ theo tinh thần Nghị quyết 6 càng cần phải tiếp tục quán triệt, mở rộng tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình, kinh qua dân chủ hóa, công khai hóa. Trong tham luận về "bản lĩnh của nhà văn" của mình, Trần Văn Tuấn cũng có đề cập tới vấn đề này: "Điều tôi cho là lớn lao, là hiệu quả nhất giúp nhà văn có được bản lĩnh riêng, chính là một thể chế xã hội dân chủ. Dân chủ hóa xã hội chính là tiền đề, là sự bảo hiểm có hiệu quả nhất đối với nhà văn và đó cũng là một tư tưởng có sức thu hút lớn đối với công việc sáng tác của họ.

Tôi cho rằng, quy luật của xã hội là sự khẳng định liên tục về nhân quyền, về tự do và dân chủ hóa xã hội. Không có sức mạnh nào có thể làm thay đổi được quy luật".

Mấy ý kiến về cơ chế

Thực ra vẫn có những ý kiến cần tranh luận thêm. Nhưng nghe 16 tham luận, hàng chục ý kiến và trực tiếp đọc kỹ 7 tham luận của những nhà văn tên tuổi, những giáo sư, những nhà nghiên cứu văn học có kinh nghiệm, chúng tôi đã rút tỉa được một số vấn đề và xin được nêu một vài kiến nghị cụ thể:

1 - Nên chăm lo hơn nữa cho đội ngũ sáng tác văn học, kể cả trẻ cũng như già, để bồi bổ sức sáng tạo nghệ thuật dân tộc - xã hội chủ nghĩa. Đã đến lúc không thể để họ khổ hơn, phải "thỏa hiệp" quá nhiều với khó khăn vất vả. Cần tăng chế độ nhuận bút và cũng đừng quên những trại, lớp bồi dưỡng sáng tác cũng đang đói tiền.

2 - Cần đẩy mạnh công tác phê bình văn học cùng với việc bắt tay ngay vào gây dựng lực lượng công chúng văn học lành mạnh, làm nền xã hội cho sự ra đời những tác phẩm có giá trị ngày càng cao.

3 - Củng cố công tác xuất bản chung và đặc biệt chú ý đến các nhà xuất bản. Tính lại xem có nên hình thành nhà xuất bản khu vực để giảm đi những nhà xuất bản mà thực ra chỉ vì những nhu cầu nào đó không rõ mà lập ra cho "đủ mâm bát".

4 - Tính lại vấn đề độc quyền phát hành của các công ty phát hành sách báo nhà nước như hiện nay. Và xem xét cho quyền các nhà xuất bản tự tổ chức phát hành sản phẩm của mình làm ra.

5 - Mở rộng công khai dân chủ và các khuynh hướng nghệ thuật trong xuất bản và phê bình văn học (nên có luật) để tạo ra sự phong phú đa dạng của văn học và sức mạnh công luận và chế độ "bảo hiểm" vững chắc cho người cầm viết.

 

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, Tp.HCM, số ra ngày 11-9-1988

Mục lục

6-3-10