ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

 

Mục lục

 


Nguồn: Văn ngh, số 21 (21-5-1988)

 

CÁCH LÀM ĐẠI HỘI CŨNG PHẢI MỚI

Phỏng vấn nhà thơ MINH HUỆ

PHÓNG VIÊN: - Xin được biết ý kiến của anh về Đại hội Nhà văn sắp tới?

MINH HUỆ: - Tôi làm công việc phụ trách Hội Văn nghệ ở tỉnh đã lâu năm, thường hay có việc tổ chức các đại hội. Dĩ nhiên Đại hội Nhà văn sắp tới là ở một quy mô khác, nhưng tôi muốn nói ít kinh nghiệm chúng tôi làm Đại hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh tháng Tám năm ngoái, một Đại hội mà theo chủ quan tôi nghĩ, đã được làm theo kiểu đổi mới. Chúng tôi đặt lên hàng đầu vấn đề đánh giá tình hình, trao đổi về chuyện làm thế nào để có sáng tác hay, theo tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng VI. Vấn đề nhân sự cũng để anh em hội viên tự do đề xuất, dứt khoát không "dự kiến" trước, chỉ thảo luận những tiêu chuẩn chính của người được bầu, và nhấn mạnh tính chất hội nghề nghiệp để bàn cơ cấu Ban Chấp hành, thôi hẳn lối cấu tạo thành phần kiểu cũ, căn cứ số hội viên từng ngành mà định số lượng, ủy viên Chấp hành theo tỷ lệ 1/10... Kết quả Đại hội rất tốt...

P.V. - Vận dụng cách làm mà các anh thấy là tốt ấy, xin anh nêu những đề nghị của anh về cách tổ chức Đại hội sắp tới của Hội Nhà văn Việt Nam.

M.H. - Đề nghị trước nhất của tôi là họp đại hội toàn thể. Phải ưu tiên thời gian ở đại hội cho việc thảo luận đánh giá tình hình, nêu phương hướng đi tới. Lần này, ta phải đánh giá luôn cả một chặng đường dài. Cái khó là làm sao để thấy ra cả cái được và cái chưa được. Dứt khoát là chúng ta phải đánh giá và góp ý kiến về sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng, nhưng cũng phải nói trách nhiệm của người cầm bút chúng ta. Ta hãy còn nói nhẹ về trách nhiệm này. Tôi nghĩ vài ba ngày họp không đủ để thảo luận, cho nên có lẽ phải có những hội nghị trù bị ở một số nơi đông hội viên, bàn sớm trước các vấn đề ấy.

P.V. - Hiện tại, theo tôi biết, có hai hướng hoặc hai sắc thái khác nhau về cách đánh giá. Một loại cho rằng phải có quan điểm lịch sử để thấy được thành tựu và khuyết, nhược điểm, nếu không sẽ rơi vào phỉ báng những bước đường mà chính ta đã đi qua. Một loại khác, cho rằng đánh giá ở đây là để rút kinh nghiệm trên đường đi tới, cho nên phải lấy yêu cầu đổi mới làm điểm xuất phát để thấy rõ phải tiếp tục cái gì và từ bỏ cái gì đã không còn phù hợp với thời kỳ mới. Ý kiến của anh ra sao?

M.H. - Tôi không "trung dung" đâu, nhưng theo tôi nên kết hợp cả hai quan điểm ấy. Đúng là phải đi từ hoàn cảnh lịch sử, không thể đòi hỏi lúc ấy phải như bây giờ. Đổi mới là phải biết ta đang trên cái nền nào, chứ không phải đi từ số không, nhưng chỉ thế thôi cũng dễ thành bảo thủ. Phải đứng cả trên yêu cầu đổi mới nữa.

Dẫu có đánh giá thế nào, cũng phải tránh từ cực này chạy sang cực khác, từ áp đặt này sang áp đặt khác. Ý kiến đánh giá phải đa dạng, tôn trọng nhau. Nguyên nhân là lịch sử, không nên chĩa vào ai. Phải nhấn mạnh tính trung thực. Đừng nên như một số anh em, vốn cũng thiếu nghị lực và tài năng để viết, nhưng gần đây lại làm như mình không viết được là do bị trói buộc. Chúng tôi hay bàn nhau là từ nay càng phải nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân. Có không khí cởi mở mà mình không có tài và thiếu tâm huyết nghị lực thì cũng chẳng làm nên chuyện gì.

Một việc khác, với Đại hội này, phải củng cố cơ quan Hội. Tất nhiên không nên đòi hỏi quá mức. Tôi nghĩ, nếu người đứng đầu Hội là một nhà văn sáng tác có thành tựu cao, nhưng không biết quản lý thì cũng khó. Do đó người đứng đầu phải biết quản lý, tất nhiên là phải có uy tín, uy tín trong giới mình và uy tín xã hội rộng rãi. Tôi nghĩ Đại hội dù kết quả tốt đến đâu cũng chưa phải là điều kiện tối hậu quyết định sự phát triển văn học. Lại còn nhiều vấn đề gần như nằm ngoài tầm khả năng giải quyết của Hội ta. Tôi đồng ý với anh Nguyên Ngọc trong bài trả lời phỏng vấn gần đây về phương diện xây dựng và triển khai các hoạt động của Hội, tôi cũng đồng ý với anh Nguyễn Đình Thi trong phát biểu nhân 40 năm báo Văn nghệ. Tôi nghĩ có lẽ ở Đại hội này, ta phải cùng nhau ra những kiến nghị tập thể đề đạt lên các cơ quan Đảng và Nhà nước về việc tạo điều kiện, tạo cơ sở vật chất, có chính sách tốt, có cơ chế đúng cho người sản xuất văn nghệ như chúng ta, cho hoạt động sản xuất văn hóa của hội ta.

P.V. - Nhưng ta đang bàn chuyện Đại hội. Cái tỷ lệ hội viên theo từng bộ môn đưa vào Ban Chấp hành theo kiểu hội Nghệ Tĩnh ấy mà, liệu anh có thấy là nên áp dụng cho Đại hội Nhà văn lần này?

M.H. - Nói chung, tôi đề nghị chọn vào Ban Chấp hành những người có thực tài về các bộ môn, có đóng góp rõ rệt về tác phẩm và có tâm huyết, lo cho phong trào chung. Không phải vào Ban Chấp hành cho có tiếng. Trong Ban Chấp hành nên đảm bảo một cơ cấu nghề nghiệp, ví dụ có 200 hội viên làm thơ thì có 20 chấp hành là thơ. Riêng phê bình, tôi thấy phải nâng tỷ lệ lên 1/8, 1/7 chứ không phải là 1/10 để trong chấp hành có nhiều nhà phê bình hơn, vì ở thời kỳ mới này, rất nhiều việc gắn với hoạt động phê bình, lý luận. Tôi không tán thành để cả đại hội trực tiếp bầu Tổng thư ký. Theo tôi, cả Ban Thư ký là sự phân công trong Ban Chấp hành. Giữa hai kỳ Đại hội, nếu cần thiết Ban Chấp hành có thể bầu lại một số thành viên Ban Thư ký, kể cả Tổng và các Phó tổng thư ký. Luôn tiện, tôi đề nghị bổ sung điều này vào điều lệ: khoảng giữa hai nhiệm kỳ có thể thăm dò tín nhiệm của hội viên để cử lại các ủy viên Chấp hành kể cả Tổng thư ký và các ủy viên thư ký nếu thấy họ không phát huy tác dụng...

P.V. - Anh có nhận xét thế nào về văn học ta gần đây.

M.H. - Tôi thấy mừng vì văn nghệ sôi động, tham gia đấu tranh cho công bằng xã hội, cho dân chủ, nói sự thật. Nó đang nói tiếng nói của nhân dân muốn chủ nghĩa xã hội phải thật sự là chủ nghĩa xã hội. Báo Văn nghệ gây được không khí, bạn đọc và anh em trong giới hoan nghênh vì nó mạnh dạn. Nhưng nói chung về sáng tác, tôi có băn khoăn này: viết về các nhân tố mới ra sao? Hình như lâu nay chúng mình toàn viết về cái tích cực, nay thì đi viết về cái tiêu cực để bù lại chăng? Những người đọc có trình độ ở gần chỗ tôi, ngay đọc báo Nhân dân cũng muốn không chỉ thấy việc phanh phui các vụ việc mà còn mong được thấy những sự tháo gỡ, những gương tích cực mới. Nhưng đúng là viết về cái tích cực bây giờ là khó. Tôi đi thực tế cũng thấy như thế. Văn học khác báo chí là ở chiều sâu. Ta viết cái tích cực, cái anh hùng cũng chưa có thành tựu lớn, nhưng viết cái tiêu cực cũng còn cạn lắm. Làm sao có chiều sâu, có cắt nghĩa. Ta mới nói được sự việc, hiện tượng, ví dụ Cái đêm hôm ấy... đêm gì, nhưng thực chất những thằng cường hào mới đó ra sao, vì sao nó trở nên như thế, thì hình như văn học chưa cắt nghĩa sâu. Văn học mình còn nặng gánh lắm.

Cũng thấy có xu hướng bắt chước. Đúng là cần học hỏi, nhưng ta phải làm trong điều kiện của ta. Bây giờ mà còn sợ viết tiêu cực thì đã là quá cũ.

Bảo là thơ được quyền nói nỗi buồn thì cũng được, nhưng vẫn được nói niềm vui chứ, ví dụ cái vui trong một gia đình yên ấm hạnh phúc? Tôi thấy thơ cần đa dạng. Đổi mới là để làm cho văn học phong phú hơn, đa dạng hơn, đẹp hơn, hay hơn.

(L.N.Â. thực hiện)

w Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 21 (21-5-1988)

Mục lục

23-1-09